Pages

Thursday, September 29, 2016

Rong ruổi với nỗi buồn.

Hôm qua, tôi được một người khách “đặc biệt” tới thăm. Gọi là khách đặc biệt vì Mỹ Lệ từng ở chung buồng giam với tôi hồi còn trong Trại 5 Thanh Hóa. Mỹ Lệ, cũng chính là nhân vật được nhắc đến trong truyện ngắn “Mẹ con thằng Khoai Tây” tôi viết hơn một năm trước.


Gặp bạn tù để biết cuộc sống bây giờ của nhau và ôn lại những kỷ niệm xưa kia rồi buồn vui lẫn lộn. Trong tù, Mỹ Lệ là một trong số ít người dám vượt qua sự sợ hãi để kết bạn với một đứa “phản động” như tôi. Hồi ấy, Lệ gọi tôi bằng “cụ” và xưng “chắt”. Cứ đùa nhau mãi thành quen miệng. Nhớ lại lần đầu tiên Lệ gọi cho tôi lúc cô nàng mới về, cũng cụ cụ, chắt chắt rồi cả hai cùng nói liến thoắng, oang oang trong điện thoại. Hồn nhiên đến lạ.


Monday, September 05, 2016

Khai giảng năm nay, ai không được đến trường?

Năm lên sáu tuổi, mẹ dẫn tôi đi xin học. Ông hiệu trưởng trường đó chê tôi bé, không nhận. Tôi lại tha thẩn chơi ở nhà một năm. Năm sau, đến lượt bố tôi đưa con đi. Vẫn ông hiệu trưởng ấy, vẫn Ban Giám hiệu ấy chê tôi “còi”, không nhận. Bố tôi đưa giấy khai sinh cho họ xem. Ông ta chê tên tôi xấu và phán: 

- Chắc là khai man tuổi. Tôi nhìn nó bé thế này, cùng lắm là năm tuổi, chứ bẩy tuổi gì mà bé như cái kẹo mút dở.

Bị vu vạ là “khai man” tuổi cho con, bố tôi tức lắm:

- Giấy trắng mực đen có đóng dấu nhà nước đàng hoàng mà ông vẫn nói khai man.

Rồi bố tôi ấm ức bỏ về. 

Hôm sau, mẹ tôi cùng mấy cô hàng xóm mang giấy khai sinh và hồ sơ xin học đến trường. Giấy trắng mực đen, dấu đỏ của nhà nước họ không tin. Họ tin mấy người hàng xóm làm chứng cho cái sự bẩy tuổi của tôi.

- Nếu thầy không nhận thì cháu nó thất học. Năm ngoái tôi đã đến xin một lần rồi. Cháu nó đi học năm nay là thiệt mất một năm. Mẹ tôi nài nỉ.”.

Đấy là câu chuyện đi học của tôi, đã được kể trong bài viết “Chút Kỷ Niệm Nhân Ngày Giỗ Bố” cách đây gần hai năm.