Pages

Monday, January 21, 2013

MỘT CUỘC THẨM VẤN - PHẠM THANH NGHIÊN


Hải Phòng, ngày 3/5/2008
“…“Bất hợp tác” cũng là một phương thức của bất bạo động. Khi tôi đọc báo hay từ chối không trả lời câu hỏi của các anh, tôi im lặng tức là tôi đang tuân thủ nguyên tắc đấu tranh của tôi. Và tôi coi mỗi lần đi lên cơ quan công an làm việc là một lần đi đấu tranh …”
Đã thành nguyên tắc dành cho những người đấu tranh Dân chủ và Nhân quyền Việt Nam là những cuộc triệu tập hoặc “mời” lên cơ quan công an “làm việc”. Không mấy ai ghi chép lại nội dung những cuộc thẩm vấn vì nó đã quá quen thuộc, thành chuyện dài như cơm bữa. Nhưng với tôi, buổi “làm việc” với cơ quan công an ngày 24/04/2008 là một ngày thú vị. Xin ghi lại cuộc đối thoại này, không ngoài mục đích lưu giữ một kỷ niệm... đẹp và mong được chia sẻ với quý độc giả. 
*

Năm nhân viên an ninh ngồi đối diện tôi đồng loạt giở giấy tờ, văn bản để trước mặt. Tôi cũng lấy trong túi xách ra một xấp giấy trắng và một cây bút đặt lên bàn. Ông thượng tá trịnh trọng tuyên bố “khai mạc”:

- Tôi là Bỉnh, quận phó quận công an Hải An. Còn đây là các đồng chí công an sẽ cùng làm việc ngày hôm nay. Chúng ta bắt đầu làm việc nhé!

Phạm Thanh Nghiên (PTN): Xin lỗi các anh. Tôi có một nguyên tắc, rằng tôi phải được biết tôi đang làm việc với những ai. Đề nghị các anh cho tôi biết tên tuổi, chức vụ. Vả lại tôi mắc chứng hay quên nên tôi sẽ ghi ra giấy, kẻo khi rời khỏi đây, tôi không nhớ đã làm việc với những ai. Đề nghị các anh tôn trọng nguyên tắc đó của tôi. Nếu các anh đồng ý, chúng ta sẽ làm việc.

- Tất nhiên chúng tôi sẽ giới thiệu với cô. Tôi là Bỉnh. 


PTN: Tôi cần được biết cả họ lẫn tên thưa ông.

Ông thượng tá (NHB): Tôi là Nguyễn Huy Bỉnh, thượng tá, quận phó quận Hải An. Các đồng chí đây sẽ tự giới thiệu với cô. Và tôi đề nghị, trong khi chúng tôi nói, cô không nên ngắt lời và ngược lại, khi cô nói chúng tôi sẽ không ngắt lời cô. Chúng ta làm việc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

PTN: Tôi đồng ý!

Và bốn người còn lại lần lượt “khai” họ tên, chức vụ. Họ lần lượt là Vũ Tấn, đội trưởng đội an ninh. Vũ Văn Thược, trung tá, cán bộ an ninh. Lã Thị Thu Thuỷ, cán bộ công an thành phố (PA38). Trần Thuỷ, cán bộ công an thành phố (PA38). Hai trong số năm người mặc sắc phục là thượng tá Nguyễn Huy Bỉnh và trung tá Vũ Văn Thược.

Cán bộ công an thành phố Trần Thuỷ: 

- Tôi đề nghị chúng ta tắt máy và đặt điện thoại lên bàn!

Vừa nói anh ta vừa đặt điện thoại lên bàn.

PTN: Tôi đảm bảo với anh là nếu ai gọi tôi sẽ không nghe máy.

Ngoài người ra chỉ thị tự hưởng ứng, không ai trong số những người còn lại chấp hành lời đề nghị. Cuộc đối thoại bắt đầu:

NHB: Chị là thành viên khối 8406?

PTN: Tôi đề nghị anh không lặp lại những câu đã hỏi trong những buổi làm việc trước kia.

NHB: Chị đã tự nhận mình là người đấu tranh dân chủ, nhân quyền. Và gần đây chị có những hoạt động cụ thể. Chị có trả lời phỏng vấn, nói chuyện trên một số diễn đàn Paltalk.?

PTN: Tôi tự hào về điều đó.

NHB: Chị có mối quan hệ với Việt Tân, với đảng Dân chủ, và chị có nhận tiền từ nước ngoài?

PTN: Xin chị nói rõ hơn?

Lã Thị Thu Thuỷ (LTTT): Chị có công nhận mối quan hệ với đảng Việt Tân và đảng Dân chủ không?

PTN: Nếu tôi công nhận thì sao và không công nhận thì sao?

LTTT: Chị có biết đảng Việt Tân và đảng Dân chủ là các tố chức phản động không?

PTN: Đảng cộng sản Việt Nam gọi Việt Tân và Dân Chủ là phản động, ngược lại đảng Việt Tân và đảng Dân chủ cũng gọi đảng cộng sản Việt Nam là phản động.

NHB: Chị nói thế là không đúng. Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập, được bầu bán hẳn hoi, được Hiến pháp và nhân dân công nhận, giao phó. Chỉ có đảng cộng sản Việt Nam mơi xứng đáng. Còn những tổ chức kia là tự phong, không được pháp luật công nhận.

PTN: Tôi khuyên ông không nên nói về sự thành lập và lịch sử đảng cộng sản Việt Nam. Chúng ta nói hiện nay đi. Đảng công sản VN ôm khư khư điều 4 Hiến pháp để mà tồn tại .Đảng cộng sản có xứng đáng hay không, tất cả chúng ta đều biết rõ. Nếu bỏ điều 4, các anh có chắc ĐCS còn vị thế không? Lại nói về việc bầu bán, các anh có dám phủ nhận hiện tượng người người dân bị ép buộc, xúi giục thậm chí bị “bắt tay” gạch tên người nọ, bầu cho người kia tại các điểm bỏ phiếu không? Cái trò đảng cử đảng bầu, đảng cử dân bầu không ai lạ gì.

LTTT: Chị đã nhận tiền của Nguyễn Gia Kiểng, chị nhận được bao nhiêu?

PTN: Đó là việc của tôi, không liên can đến chị.

LTTT: Chúng tôi đang điều tra chị. Chị đã lên đây phải có trách nhiệm trả lời những câu hỏi do chúng tôi đặt ra.

PTN: Thưa các anh, tôi có thể từ chối giấy mời của cơ quan công an. Tôi đến đây vì tôn trọng các anh vả lại lâu không làm việc trực tiếp, tôi cũng muốn biết công an có thay đổi gì không và tôi cũng muốn chúng ta hiểu nhau hơn. Công an không được phép mời hay triệu tập tôi lên đây để hỏi han, hoạnh hoẹ về các quan điểm chính trị.

LTTT: Đã nhận bao nhiêu tiền từ nước ngoài?

PTN: Có nghĩa nội dung chính buổi làm việc hôm nay là vấn đề tiền? Được! Tôi có một đề nghị thế này, nếu chúng ta cùng nhau thoả thuận được thì cùng bàn, nếu không ta chuyển sang vấn đề khác. Trong tay tôi hiện nay có một danh sách dài những tên quan tham nhũng. Tôi lưu ý các anh là những tên này đều là đảng viên đảng cộng sản và có chức vụ rất lớn. Nếu các anh điều tra và làm minh bạch số tiền này, tôi sẵn sàng cho các anh biết về chuyện tiền nong của tôi, không thiếu một xu một cắc nào. Chúng ta cùng thoả thuận nhé?

NHB: Chị nói thế không được. Chuyện tham nhũng đã có Uỷ ban chống tham nhũng lo, và đó thuộc thẩm quyền của an ninh kinh tế, không thuộc thẩm quyền chúng tôi. Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ về an ninh quốc gia.

LTTT: Chị đang có những việc làm ảnh hưởng đến nền an ninh quốc gia.

PTN: Các anh nói sai rồi. Những tên quan tham kia, những tên đảng viên cộng sản cỡ bự kia đang hàng ngày hàng giờ hút máu hút mủ của nhân dân. Những tên giòi bọ, sâu mọt này đã làm suy kiệt nền kinh tế quốc dân, như vậy là làm phương hại nghiêm trọng đến nền an ninh quốc gia. Vậy tại sao các anh lại nói không thuộc thẩm quyền các anh? Tôi yêu cầu...

NHB: Chúng tôi biết chị có mối quan hệ trong nước cũng như nước ngoài.
 

PTN: Xin anh kể tên?

TT: Trong nước thì có Lê Hồng Hà, Nguyễn Thanh Giang,Nguyễn Phương Anh, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Lê Quốc Quân, Nguyễn Khắc Toàn, Lê Thanh Tùng... đó là ở Hà Nội. Ở Huế có Phan Văn Lợi. Ở thành phố Hồ Chí Minh thì có Nguyễn Tiến Trung, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Hoàng Hải, Phan Thanh Hải, Bùi Kim Thành. Ở Đồng Nai thì có Lê Thị Kim Thu, Ở Hà Tây có Vũ Hùng, Phạm Văn Trội. Ở Yên Bái có Nguyễn Tiến Nam. Còn ở nước ngoài có Nguyễn Gia Kiểng, Lê Hoàng Hà, Nguyễn Nam Phong.
 

PTN: Họ là những người yêu nước, chung chí hướng với tôi, việc tôi có mối quan hệ với họ là bình thường. Tôi còn có nguyện vọng được quen biết nhiều hơn thế. Những người anh kể tên vừa rồi đều đấu tranh cho dân chủ và chủ trương bất bạo động.
 

NHB: Cô không nên mỉa mai như thế.

LTTT: Tóm lại chị đã nhận được bao nhiêu tiền từ nước ngoài?

PTN; Tôi đã nhận được hàng triệu lần.

LTTT: Cỡ như chị thì làm gì đến.

PTN: Theo chị thì cỡ như tôi sẽ nhận được bao nhiêu?

LTTT: Đó là những tổ chức phản động nước ngoài.

PTN: Này chị, từ nãy đến giờ chị không nói được chuyện gì ngoài chuyện tiền ra. Chị liên tục kết tội tôi phản động. Chị còn liên tục ngắt lời tôi. Khi chị nói tôi không ngắt lời chị, yêu cầu chị tôn trọng tôi như tôi đã tôn trọng chị. Nếu chị còn tiếp tục duy trì tình trạng này, tôi sẽ im lặng, không làm việc gì hết.

NHB: Cô cứ bình tĩnh, không nên căng thẳng.Vả lại chúng tôi đâu đã kết tội cô.

PTN: Vâng, tôi đang căng thẳng lắm, mỗi lần gặp công an tôi lại sợ hãi, tôi đang run đây này.

NHB: Chúng tôi đang điều tra chứ chưa kết luận cô phạm tôị hay không. Chúng tôi cũng muốn phân tích cho cô hiểu điều hơn lẽ thiệt. Không nên làm gì phương hại đến nền an nịnh quốc gia.

PTN: Tôi khẳng định tất cả những gì tôi làm không phương hại đến an ninh quốc gia. Tôi đang thực hiện quyền của tôi. Tôi được biết ở Việt Nam không có một định chế nào quy định tư tưởng này, quan điểm kia là sai trái, là thù địch hay phản động. Nếu các anh có một văn bản cụ thể nào nói về chuyện đó, hãy đặt lên bàn đây, tôi sẽ xem xét.

NHB: Đúng là không có cái quy định đó, nhưng cô phải biết những biểu hiện của cô nó ảnh hưởng đến tình hình chung.

PTN: Thưa các anh, an ninh quốc gia chỉ là một trò nguỵ biện lỗi thời và yếu thế để tước đoạt các quyền tự do của người dân mà thôi. Đã đến lúc phải thay đổi.

VT: Vậy theo chị, tại sao cần phải đa đảng?

PTN: Điều này tôi đã nói rồi, không lặp lại nữa.

VT: Nhưng tôi vẫn muốn nghe chị nói trực tiếp. Vì tôi chưa bao giờ trực tiếp làm việc với chị.

PTN: Chưa làm việc trực tiếp nhưng chúng ta đã biết nhau, anh chính là một trong số mấy chục người canh gác tôi mấy ngày đêm hồi cuối năm ngoái, khi có những cuộc biểu tình ôn hoà giữ Hoàng Sa và Trường Sa. Còn những quan niệm của tôi cũng không nhiều nhặn gì, tất cả quan điểm, suy nghĩ và nguyện vọng của tôi và của cả những người khác, anh có thể đọc trên các trang mạng.

VT: Chị cứ nói canh gác, canh đâu mà canh.

NHB: Tôi cũng có đọc nhưng vẫn muốn nghe chị trực tiếp. Vì có một số trang tôi không biết cách vào, chị chỉ cho tôi cách vượt tường lửa?

PTN: Ồ! Có nghĩa là anh đã khẳng định ở Việt Nam không có tự do thông tin, tự do báo chí, và có bị chặn tường lửa?

NHB: (........)

PTN: Anh làm tôi nhớ đến ông Hoàng Hữu Lượng. Các anh có biết ông Lượng là ai không? Ông ấy là cục trưởng cục báo chí thì phải, hồi năm ngoái ông ấy có trả lời phỏng vấn đài RFA, đài này bị chính quyền Việt Nam gọi là đài phản động đó. Ông ta đã khẳng định ở Việt Nam có tự do báo chí hơn những quốc gia khác và không có chuyện bị chặn tường lửa. Nay anh lại nói có tường lửa, tôi không biết phải tin ai.

LTTT: Dịp tết vừa rồi có nhận tiền của Nguyễn Gia Kiểng phải không? Còn nhận của những ai nữa? Chị có biết nhận tiền của nước ngoài là của bọn phản động không?

PTN: Nếu nói nhận tiền của nước ngoài là phản động thì chính đảng cộng sản Việt Nam mới là phản động.
 

NHB: Trong bộ phim
 Tây du ký, đến nhà Phật còn nói là không ai cho không ai cái gì. Chị cũng vậy thôi, cũng phải thế nào thì người ta mới gửi tiền chứ?

LTTT: Hay lại nói họ tặng quà?

PTN: Đúng. Họ thấy tôi can đảm và chung khát vọng với họ nên họ tặng tôi đấy. Tôi cũng không thấy ngượng khi nhận mình là người can đảm. Giả sử bây giờ cho các anh các chị tiền, các anh các chị có dám phát biểu quan điểm như tôi không? Tôi xin thưa các anh các chị rằng, ngay từ khi chưa có một xu nào, tôi đã dám lên tiếng phát biểu quan điểm đối kháng với đảng cộng sản rồi. Và mong các anh đừng có hiểu lầm khái niệm “đối lập” với “đối địch”. Chúng tôi chỉ muốn có tự do, nhân quyền và dân chủ thật sự thôi. Tôi đang thực hiện quyền của tôi. Công an các anh chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, còn tôi là một công dân, tôi được làm những gì pháp luật không cấm. Những câu hỏi của các anh làm tôi khó chịu, tôi không muốn trả lời nữa, tôi tuyên bố im lặng. Xin lỗi các anh tôi sẽ đọc báo.

VT: Chị như thế là không tôn trọng chúng tôi, không nên bất hợp tác như thế

NHB: Tôi biết cô có đọc báo thì cũng không tập trung được đâu. Xin cô đừng làm mất thời gian. Đất nước ta có lịch sử rất đặc biệt. Hết qua thời kỳ phong kiến lại chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Mặc dù còn nhiều vấn đề bất cập trong quá trình phát triển nhưng chúng ta đã chọn con đừơng XHCN. Chính nhân loại đã công nhận con đường chúng ta đi là đúng v.v....

Và ông thượng tá say sưa bài thuyết giảng. Tôi vừa đọc báo vừa cố tình nhiều lần nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường. Ước chừng khoảng ba mươi phút, tôi đặt tờ báo xuống. Thấy vậy, ông thượng tá lịch sự nhường lời:

- Cô có ý kiến gì không?

PTN: Tôi biết là các anh đang làm hồ sơ về tôi. Và rất có thể một ngày nào đó, các anh sẽ cho báo chí bôi nhọ tôi, cần nữa sẽ tống tôi vào tù bằng lụật của các anh. Điều này thường xảy ra với những người đi trước tôi. Chúng ta nên thẳng thắn với nhau như thế. Tuy nhiên, tôi vẫn phải nói câu này mặc dù tôi biết khi nói ra, các anh sẽ căm ghét tôi và biết đâu trong hồ sơ, tôi lại có thêm một tội nào đó. Đó là tôi có lời khen dành cho ông thượng tá, rằng ông “trả bài” rất chuẩn. Ông nói rất giống những gì các ông lãnh đạo đảng đã nói hàng bao nhiêu năm nay, với người dân và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn việc anh nói tôi không tôn trọng các anh là sai. Tôi không bao giờ có ý đó. Ngược lại tôi luôn luôn tôn trọng các anh. Các anh có thấy tôi chửi rủa hay vu cáo công an trên các diễn đàn, hay trong các cuộc trả lời phỏng vấn bao giờ chưa? Vì các anh đã quá quen với việc dùng bạo lực, với chuyên chính vô sản nên xa lạ với khái niệm bất bạo động. Nếu vậy, tôi xin cung cấp cho các anh một chút hiểu biết ít ỏi về phương pháp đấu tranh bất bạo động. “Bất hợp tác” cũng là một phương thức của bất bạo động. Khi tôi đọc báo hay từ chối không trả lời câu hỏi của các anh, tôi im lặng tức là tôi đang tuân thủ nguyên tắc đấu tranh của tôi. Và tôi coi mỗi lần đi lên cơ quan công an làm việc là một lần đi đấu tranh.



Các anh chỉ quen với bạo lực và một chiều

TT: Chị có biết ông Kính ở Quán Toan không?

PTN: Tôi có biết.

VT: Theo chị, ông Kính có phải là dân oan không?
 

PTN: Tôi không rõ lắm câu chuyện của ông ấy nên không dám khẳng định gì.

VT: Theo chị thế nào là dân oan?

PTN: Chúng ta không nên khái niệm hay định nghĩa một cách sách vở cho tốn thời gian. Tạm hiểu thế này, tất cả những người dân bị mất đất mất nhà mà khiếu kiện không được là “dân oan”. Nhưng hôm nay tôi sẽ nói đến một đối tượng còn oan hơn nhiều. Ví dụ một ông chỉ học hết lớp năm, lớp sáu mà có hẳn bằng giáo sư, tiến sĩ, lại chễm chệ ngồi trên chức to, thậm chí là chủ tịch thành phố A, B, C nào đó. Thì ông ta đích thị là quan oan. Mà quan thì cũng từ dân mà ra. Tên quan oan này sẽ kéo theo biết bao nhiêu người thành dân oan nữa.

NHB: Cô hiểu như thế cũng đúng.
PTN: Mà tôi xin nói thẳng, sống dưới chế độ một đảng cộng sản cai trị thì toàn bộ người dân Việt Nam đều là dân oan hết.

NHB: .....

VT: Nhưng tôi nghĩ, nếu theo chế độ đa đảng sẽ dẫn đến tranh giành quyền lực.Và nhất là nền an ninh quốc gia không được đảm bảo.

PTN: Tôi nghĩ anh đã hiểu sai về vấn đề tranh giành quyền lực. Anh phải hiểu theo nghĩa đúng của nó. Tại các nước dân chủ, người ta được tự do bầu cử và ứng cử. Và quan trọng hơn, người ta làm thủ tướng, tổng thống, nắm quyền lực trong tay để phục vụ nhân dân, đất nước. Đó là khát vọng của những nguyên thủ có cốt cách, chân chính. Không như ai đó nắm quyền lực để đè đầu cưỡi cổ nhân dân, coi lợi ích quốc gia dân tộc không là gì. Tôi cũng xin hỏi anh , thế nào là an ninh quốc gia?

VT: An ninh quốc gia là sự toàn vẹn lãnh thố, là sự ổn định.

PTN: Anh quả là một người rất thẳng thắn, can đảm. Tôi rất mến phục những người như vậy. Qua lời anh nói vừa rôì, tôi nghĩ anh là một người rất có lương tâm, có tấm lòng và là một nhân viên an ninh mẫn cán. Trong lúc này mà anh còn nhắc đến cụm từ “toàn vẹn lãnh thổ”, khi mà ngay cả các ông lãnh đạo còn né tránh. Vậy tôi xin được hỏi anh, hiện nay Việt Nam có toàn vẹn lãnh thổ không?

VT: .....

NHB: Chúng tôi xin ghi nhận lòng yêu nước của cô qua việc cô tham gia biểu tình hồi tháng 12 năm ngoái.

PTN: Lòng yêu nước của tôi không nhất thiết phải các anh công nhận. Nhưng nếu được vậy tôi cũng xin cảm ơn. Tuy nhiên, các anh nói một đằng nhưng lại làm một nẻo. Các anh đã cho mấy chục con người canh suôt mấy ngày đêm để ngăn cản tôi đi biểu tình ôn hoà, thể hiện lòng yêu nước. Mà chúng tôi biểu tình cho ai? Cho chính cả các anh nữa, cho cả đảng cộng sản Việt Nam nữa. Nếu là một vị lãnh đạo, tôi sẽ kêu gọi người dân xuống đường biểu tình để thể hiện tinh thần dân tộc. Đằng này, chính quyền đã đối xử với lòng yêu nước của người dân như thế nào?

NHB: Việc này cũng khó nói lắm cô ạ. Trung Quốc là một nước lớn, chúng ta phải “lựa” cô ạ.
 

PTN: Chúng tôi có yêu cầu các anh phải cầm súng nã vào Trung Quốc đâu? Lẽ ra đây đã là một vấn đề nghiêm trọng trong quan hệ quốc tế. Nhưng thay vì việc cần lên tiếng mạnh mẽ trước công luận thì chính quyền lại im lặng. Báo chí im lặng, các vị lãnh đạo Nhà nước cũng im lặng.

NHB: Sao cô lại nói im lặng? Báo chí có đưa tin đó thôi. Rồi cô không thấy Nhà nước cũng lên tiếng đó thôi.

PTN: Vâng, một vài tờ báo có đưa tin ngắn ngủi, sau đó thì sao? Họ bị đuổi việc, bị phạt tiền. Còn Nhà nước thì sao? Không một vị lãnh đạo nào lên tiếng chính thức ngoài ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ ngoại giao. Khi người dân lên tiếng thì bị đối xử như thế.

TT: Hồi tháng 3 vừa rồi chị có đi Thanh Hoá và gặp gỡ các nạn nhân ở đó phải không?

PTN: Đúng vậy!

TT: Bài viết
 “Uất ức - biển ta ơi!” là do chị viết?

PTN: Đúng! Nhưng tôi khuyên anh không nên nhắc đến chuyện Thanh Hoá ở đây. Bởi vì sự kiện Thanh Hoá là một sự sỉ nhục đối với ngành an ninh của các anh và cũng là nỗi ô nhục vô cùng to lớn cho ngành báo chí của các anh. Các anh hoàn toàn im lặng trước cái chết oan ức của người dân lương thiện. Các anh đã không làm gì để bảo vệ hay giúp đỡ họ. Không những vậy, khi tôi đến thăm họ, công an còn đến nhà đe doạ họ. Hôm nay các anh lại còn mời tôi lên đây để chất vấn tôi về chuyến đi này. Thử hỏi lương tâm các anh để đâu? Tôi khuyên các anh hãy đến thăm họ, động viên họ. Họ khổ lắm!

TT: Vâng, tôi sẽ đến thăm họ. Nhưng tôi muốn biết chị đi với động cơ gì?

PTN: Chứng tỏ anh đã không đọc bài viết đó của tôi!

TT: Tôi có đọc nhưng chưa kỹ.

PTN: Tôi khuyên anh nên đọc bài viết đó cho kỹ. Tôi nói rất rõ, rằng tôi đi với mục đích chia sẻ, động viên và cảm nhận nỗi đau của họ. Đó là tình cảm giữa con người với con người, giữa những người đồng bào ruột thịt với nhau.

TT: Sau chuyến đi này, chị có trả lời phỏng vấn Hoàng Hà của đài Chân Trời Mới phải không?

PTN: Đúng, nhưng một lần nữa tôi khuyên anh không nên nhắc đến vấn đề Thanh Hoá.
 

VT: Chị nghĩ thế nào về Thế Vận Hội lần này?

PTN: Thế Vận Hội là một sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Nó mang khát vọng hoà bình, hữu nghị và tinh thần thượng võ của nhân loại. Tôi cũng như bao người dân khác, luôn luôn tôn vinh tinh thần đó. Nhưng một khi, tinh thần ấy bị lợi dụng để phục vụ cho một lợi ích khác thì phải lên án. Ngọn đuốc Olympic 2008 đã trở thành một ngọn đuốc của sự ô nhục và dối gạt. Bằng chứng là chính quyền Băc Kinh đã đàn áp những người Tây Tạng ngay trước thềm Thế Vận Hội, xâm phạm nhân quyền với ngay cả những người dân nước họ. Nghiêm trọng hơn, còn ngang nhiên thành lập khu hành chính Tam Sa để quản lý Trường Sa và Hoàng Sa của chúng ta, giết hại người dân của chúng ta. Hành động này của họ đã đi ngược lại với mong muốn của nhân dân yêu chuộng tự do, công bằng trên toàn thế giới, gây nên một sự phẫn nộ ngay cho các vị lãnh đạo tại các nước dân chủ, văn minh. Thủ tướng Đức, Thủ tướng Ba Lan, Tổng thống Pháp, các vị dân biểu Hoa Kỳ, rồi Quốc hội Châu Âu, Ký giả không biên giới, các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền v.v... đã đồng loạt lên án và tuyên bố, kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh. Vậy mà Việt Nam lại hân hoan tiếp đón ngọn đuốc ô nhục này. Nhân đây tôi cũng xin nói luôn, biết đâu sau ngày hôm nay, các anh lại bao vây tôi, ngăn cản sự đi lại của tôi, khi mà trên các mạng Internet đang lan truyền lời kêu gọi biểu tình ôn hoà chống ngọn đuốc ô nhục này.

NHB: Cô lấy đâu ra thông tin các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới tẩy chay Thế Vận Hội?

PTN: Vậy các anh lấy đâu ra bài viết “Uât ức- biển ta ơi!” của tôi?

NHB: Thông tin cũng có khi đúng, khi sai.

PTN: Các anh chỉ muốn tin những gì các anh muốn.

LTTT: Có biết là Nguyễn Hoàng Hải bị bắt rồi không?

PTN: Tôi có biết.

<lttt< i="">: Trong tù, Nguyễn Hoàng Hải đã khai nhận tất cả những mối quan hệ với chị.

PTN: (cười): Vậy hả chị? Anh Hải nói những gì anh ấy thích, đó là quyền của anh ấy.

TT: Chị quan hệ thế nào với Nguyễn Hoàng Hải?

PTN: Tôi phải hiểu thế nào về từ “quan hệ”?

TT: Ví dụ quen trên mạng, trên điện thoại hay gặp trực tiếp.

PTN: Chứng tỏ anh không biết anh đang hỏi tôi điều gì. Khi tôi đi Hà Nội biểu tình ôn hoà, thể hiện lòng yêu nước, các anh còn cho bao nhiêu người canh gác tôi. Các anh luôn luôn theo dõi tôi. Tôi thì ở Hải Phòng, anh Hải mãi trong Sài Gòn. Theo tôi biết, anh Hải còn bị kìm kẹp hơn cả tôi. Vậy tôi hỏi anh, chúng tôi có gặp nhau được không? Còn chuyện quen qua điện thoại hay trên mạng là chuyện riêng của tôi, không cho anh biết được.
 

TT: Trong dịp đám tang ông Chính, chúng tôi được biết chị có đi với Nguyễn Tiến Trung. Vậy chị và Tiến Trung đã đi những đâu?

PTN: Các anh biết tôi đi với Tiến Trung mà lại không biết chúng tôi đi đâu. Vậy các anh phải tự tìm hiểu lấy, đó cũng là chuỵên riêng của chúng tôi.

LTTTi: Đã đi những đâu?

PTN: Đó là việc riêng của tôi.

TT: Chị nói chị làm nghề phụ may, sửa quần áo cho chị gái chị. Cứ cho là chị có thể kiếm mỗi tháng 10 triệu, nhưng tôi thấy chị có những điều bất thường...

PTN: Xin lỗi tôi buộc phải ngắt lời anh! Việc thu nhập của tôi là chuyện riêng của tôi. Anh không được phép bàn đến chuyện thu nhập hay chi tiêu của tôi. Ngày trước, khi tôi chưa lên tiếng đấu tranh đòi Dân chủ, nhân quyền, không một ai đại diện cho chính quyền đến thăm hỏi, giúp đỡ tôi. Nay anh lại điều tra về thu nhập, công ăn việc làm của tôi. Tôi không cho phép anh làm điều đó.Tôi cấm! Nếu buộc anh phải ghi trong hồ sơ về mục nghề nghiệp, anh ghi cho tôi hai chữ “làm sạch”. Anh ghi đi! Và anh có hiểu thế nào là “làm sạch” không? Là nghề dọn vệ sinh đó. Tôi đã từng kiếm sống bằng nghề này.Tuy bây giờ tôi không chính thức làm tại một công ty nào, nhưng tôi vẫn làm nghề này tại nhà riêng nếu ai đó có nhu cầu thuê tôi. Nghề này không phi pháp, không trái lương tâm. Hơn nữa, phải có lòng dũng cảm mới dám làm. Liệu các anh, vợ, chị và em gái các anh có dám làm nghề này nếu bị thất nghiệp không? Tôi tự hào về nghề này. Bao nhiêu thứ bẩn thỉu tôi dọn hết, cho đi hết, chỉ để lại những gì sạch sẽ thôi.

TT: Chúng tôi không cần phải chi tiết như thế, chỉ cần ghi chị là “lao động tự do”là được rồi.

PTN: Các anh cứ ghi như thế không sao cả, cho nó có nghề cụ thể.

(Im lặng).

PTN: Nhân đây tôi cũng xin nói chuyện ngoài lề một chút. Tôi mong các anh hiểu rằng chúng tôi đấu tranh để có nền Dân chủ thật sự, để có một thể chế chính trị đa nguyên đa đảng thay thế thể chế chính trị độc đảng chứ không phải để lật đổ đảng cộng sản. Và khi có sự cạnh tranh lành mạnh trên chính trường thì đảng cộng sản Việt Nam vẫn có thể lãnh đạo đất nước nếu thật sự xứng đáng và được nhân dân tin tưởng. Cá nhân tôi biết rằng trong hàng ngũ đảng cộng sản Việt Nam có nhiều những người tài giỏi và đức độ. Và ngay cả những người công an các anh cũng có những người rất nhân hậu. Tôi không đồng tình với ai đó cho rằng tất cả những đảng viên đảng cộng sản đều xấu. Hay phải xoá bỏ đảng cộng sản, tôi không đồng tình như vậy. Các anh có biết khi tôi gặp gỡ các nhà Dân chủ, họ nói với tôi những gì không? Họ luôn muốn tôi ghi nhớ rằng, khi làm việc với công an phải tỏ ra khiêm tốn, lễ phép. Và nhất là phải ghi nhớ công an cũng là đồng bào ruột thịt của mình, phải thương yêu họ. Họ đã dặn tôi phải như thế đấy, trong khi chính những con người này đã bị chính công an đàn áp chỉ vì họ dám lên tiếng đấu tranh, nhiều ngườì trong số đó đã bị tù đày, vậy mà họ vẫn nhắc nhở nhau điều đó. Khi tôi tiếp xúc với những người đấu tranh Dân chủ, tôi cảm nhận được đó là những con người rất nhân hậu, dũng cảm và có nhân cách cao thượng. Chúng tôi gặp nhau để cùng thăm hỏi, động viên nhau, để nhắc nhau những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống chứ không phải để bàn chuyện lật đổ đảng cộng sản như các anh vẫn gán ghép. Tôi mong các anh hiểu được điều này.Và đó cũng là cách hành xử rất khác nhau giữa những người đấu tranh Dân chủ và những người công an các anh.Tôi ước mong một ngày các anh hiểu ra điều ấy và đối xử với chúng tôi như chúng tôi đã đối xử với các anh.

NHB: Thực ra cũng khó nói lắm cô ạ! Có khi những điều cô cho là đúng, thì chúng tôi lại không thể đồng tình được, ngược lại, có những điều chúng tôi cho là đúng thì cô bảo sai. Cái chính là Dân tộc đã chọn con đường này thì chúng ta cứ thế mà đi. Không nên làm gì trái với lợi ích quốc gia cô ạ!

PTN: Nhất định không làm gì trái với lợi ích quốc gia! Tôi đồng tình với ông là phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu. Còn bây giờ đã muộn, tôi đề nghị chúng ta chấm dứt buổi làm việc tại đây.

NHB: Vâng, có lẽ chúng ta nên dừng tại đây, nhưng tôi nghĩ chúng ta còn phải làm việc tiếp các buổi sau.
 

TT: Vâng, hôm nay tạm dừng tại đây, sẽ phải làm việc vào hôm tới.

PTN: Tôi nghĩ chúng ta không cần một buổi làm việc nào nữa.

LTTT: Hôm nay chưa xong thì phải còn những buổi làm việc sau.

PTN: Nếu vậy, tôi xin nói rằng sẽ không có buổi làm việc nào nữa cả. Nếu các anh chị có mời tôi cũng không đi. Hoặc nếu tôi phải đi do các anh dùng cách nào đó tôi không thể cưỡng lại, thì cũng thế mà thôi. Sẽ là bất hợp tác, tôi sẽ không nói điều gì hết. Tôi muốn chấm dứt tại đây, tôi phải được về nhà.

TT: Thôi được rồi, chuyện đó tính sau, mời chị ký vào đây.

PTN: Tôi không ký vào biên bản nào hết.

VT: Làm việc thì phải ký chứ, nếu không thì từ sáng đến giờ coi như vô ích à?

NHB: Cô cứ ký vào, có văn bản thì phải có chữ ký chứ. Nếu không chúng tôi làm sao báo cáo lên lãnh đạo được.

PTN: Tôi sẽ không ký bất cứ văn bản nào của các ông.
 

LTTT: Không ký à? Không ký thì điểm chỉ vào!

PTN: Thưa chị, chị đang xúc phạm tôi. Tôi tuy học không cao, biết không rộng nhưng cũng cầm được cây bút mà viết. Có những người không may mắn, không được đi học dưới sự lãnh đạo của đảng mới không biết chữ và phải dùng cách điểm chỉ mà thôi.

LTTT: Tôi không xúc phạm chị, vì chị không ký thì chỉ có điểm chỉ thôi.

PTN: Tôi không ký vì tôi không thích ký, không công nhận bất cứ văn bản nào từ phía công an các anh các chị. Còn chị đã có lời thanh minh là không xúc phạm tôi, tôi chấp nhận lời thanh minh của chị. Nếu các anh các chị khó ăn khó nói với cấp trên, tôi đề nghị gọi người thứ 7 vào làm chứng rằng tôi đã có mặt tại đây sáng nay. Hoặc tôi sẽ ghi ra mặt sau giấy mời, xác nhận rằng tôi có đến làm việc sáng nay cho các anh các chị yên tâm , khỏi phải khó ăn khó nói với cấp trên.

TT: Đây, chị ghi vào đây.

Trung tá VVT: (nói câu duy nhất trong buổi làm việc): Lát cô về nhà bằng gì?

PTN: Dạ, tôi sẽ gọi xe ôm. Cảm ơn anh!
*

Buổi “làm việc” kết thúc lúc 11giờ 45 phút. Khi về nhà, tôi còn được biêt là một người bạn của mẹ tôi cũng đã “được mời” lên đồn công an “làm việc” chỉ vì thỉnh thoảng cô có vào nhà tôi chơi. Buổi chiều cùng ngày, mẹ của một ngư dân Thanh Hoá đã tử nạn trong đợt tàn sát của Trung cộng hồi tháng 1/2005 gọi điện cho tôi, thông báo rằng công an Thanh Hoá đã vào nhà nhân lúc bà vắng nhà để đánh lừa cô con gái. Anh công an này nói với con gái bà rằng: “mẹ em bảo em đưa anh số điện thoại của cô Phạm Thanh Nghiên”.

Như đã dự đoán, lập tức chiều ngày 24/4/2008, công an đã lập chốt canh gác tại nhà tôi cả ngày lẫn đêm kéo dài suốt 8 ngày trời chỉ vì lo sợ tôi sẽ tham gia biểu tình chống ngọn đuốc ô nhục của Bắc Kinh. Sống dưới chế độ cộng sản lòng yêu nước bị tước đoạt như thế đó !

Hải Phòng, ngày 3/5/2008

Phạm Thanh Nghiên

2 comments:

  1. Chào cô, Tôi hiện ở nước ngoài nhưng cũng thường hay theo dõi tin tức trong nước . Cô là người tôi rất khâm phục . Đất Việt có những người như cô quả là không hổ với câu "con rồng cháu tiên ". Khác hẳn với những "người khác " , những kẻ tự xưng là tiến sĩ ... nhưng những việc họ làm chỉ làm nhục cho đất nước . Vài hàng gởi lời thăm , mong cô luôn vui mạnh

    ReplyDelete
  2. Mình khâm phục bạn nhiều lắm. Bạn bình tĩnh sáng suốt trả lời những câu hỏi (đối với mình giống như là hỏi cung với áp lực nặng nề) của những người này. Chúc bạn được bình an. -Nam

    ReplyDelete