Pages

Tuesday, February 25, 2014

Chị tôi.

                                       
                                                                               Viết tặng chi Bùi Thị Minh Hằng

Tôi là con út trong gia đình có 7 anh chị em, bốn chị gái và hai anh trai. Tôi thường bông phèng rằng tôi là …con lớn nhất tính từ dưới lên. Giới thiệu đôi chút về gia cảnh không gì ngoài mục đích …quảng cáo nhà đông anh chị em, nhất là các chị gái. Thế mà tôi vẫn muốn có thêm những người chị khác nữa. Bùi Thị Minh Hằng từng tâm sự rằng chị luôn coi tôi như một tấm gương. Cả cái cách giăng biểu ngữ, băng rôn trong nhà khẳng định chủ quyền biển đảo cũng là cách chị…học tôi, theo như lời chị nói. Viết những chi tiết này ra tôi thấy mình hổ thẹn. Nhưng thật sự rất may mắn khi được chị coi như một đứa em gái và “chị thương Thanh Nghiên từ lúc Nghiên còn ở trong tù, chỉ mong em ra để chị em được gặp mặt”. Ngày đầu quen biết, chúng tôi đã thương mến và coi nhau là chị em.
Nụ cừời Việt Nam.


Khi tôi trải qua gần hai năm trong nhà tù thì chị gái thứ hai của tôi (sống trong Sài Gòn) mới biết chuyện. Quả thật, tôi cũng lấy làm ngạc nhiên tại sao chị lại bị…lừa dễ dàng như thế. Lần nào chị gọi điện về mẹ tôi cũng bất đắc dĩ bịa ra vô số lý do để nói dối. Nào là em nó vừa chạy sang hàng xóm, đi chơi, đang dở tay, đi có việc, đang mệt, điện thoại di động tốn tiền nên nó không dùng… Chỉ tại chị yếu đuối quá nên không ai muốn chị bị sốc.


Hồi chị chưa lấy chồng, chị chăm tôi như chăm con. Một cơn đau đầu của tôi cũng khiến chị hoảng sợ, lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Năm 2001, tôi bị viêm thanh quản nặng đến mức suốt mấy ngày không nói được, tưởng câm. Chị khóc sưng mắt, than thân trách phận, tự rủa xả bản thân với hy vọng (ngốc nghếch) rằng làm như thế, Trời Phật sẽ cho tôi được bình an sau khi đã…trừng phạt chị.


Chị gái lớn của tôi bằng tuổi chị Hằng. Chị đã có cháu ngoại hơn bốn tuổi. Người ta nói, phụ nữ tuổi Giáp Thìn là người bộc trực, nóng nảy, mạnh mẽ và rất có tài. Chị cả tôi không phải người có tài, nhưng là người bộc trực. Thời gian tôi bị tạm giam, một nửa trong tổng số hơn hai chục thành viên gia đình tôi liên tục bị công an mời, triệu tập để thẩm vấn. Từ mẹ tôi ngoài bẩy mươi tuổi đến các chị gái, anh trai, anh rể, chị dâu, các cháu còn đi học phổ thông cũng bị công an đón đường đưa đi thẩm vấn. Phiền nhất là chị cả, sau mỗi cú điện thoại của công an lại phải lặn lội bỏ công việc từ Hà Nội về Hải Phòng để “thực hiện nghĩa vụ công dân bất đắc dĩ”. Trong một buổi thẩm vấn, một nữ công an thuộc phòng an ninh chính trị Hải Phòng hỏi chị:
-Thế theo chị, Hoàng Sa, Trường Sa là của ai?
Chị thản nhiên trả lời:
-Của Liên Xô.
Công an kia bất ngờ (và bực tức) hoạnh:
-Sao chị lại nói như thế?
-Thế tôi phải nói thế nào? Nếu nói là của Trung Quốc thì không đúng và lương tâm tôi không cho phép. Còn nếu nói là của Việt Nam thì tôi sợ đi tù. Em tôi nó nói Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam thì bị các người bắt. Giờ tôi cũng nói thế lỡ bị đi tù, mẹ tôi làm sao sống nổi.

Nhưng chị cả tôi không có được cái khí phách ngang tàng như chị Bùi Thị Minh Hằng. Trong suy nghĩ của tôi, chị Hằng là người phụ nữ thông minh, quả cảm, khí khái, mạnh mẽ, quyết liệt và luôn đề cao đức hy sinh. Tất cả những điều đó chắc chắn là những tố chất hết sức đáng quý với một người bảo vệ nhân quyền, chống chế độ độc tài. Tôi yêu mến chị, dù biết giống như tôi và vô số những người đấu tranh khác, chị không hoàn hảo. Có lẽ, chính cái không hoàn hảo ấy khiến tôi và chị trở nên gần gũi và dễ đồng cảm hơn. Hôm nay, đã gần nửa tháng chị và hai người bạn khác là anh Nguyễn Văn Minh, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh bị bắt trong một vụ dàn cảnh mà hẳn nhiên tác giả kịch bản là những đỉnh cao trí tuệ của đảng. Để rồi chắc chắn chị và hai người bạn sẽ “được” đem ra xét xử và tuyên án trong một phiên tòa man rợ.


Sự góp sức của chị trong cuộc vận động Dân chủ, Nhân quyền không hề nhỏ. Tất cả những việc chị làm đều khiến tôi ngạc nhiên. Nó quá nhiều. Dường như chị có một nội lực rất dồi dào để làm việc không mệt mỏi. Người ta thấy chị ở khắp nơi, trong mọi hoàn cảnh. Từ các cuộc xuống đường biểu tình ôn hòa chống quân xâm lược Trung Quốc đến những phiên tòa bất công xử người yêu nước. Từ các phong trào khiếu kiện đòi công lý của những dân oan mất đất, mất nhà đến những lần đi phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Chưa kể số lượng những bài viết, những bài tường trình, các hình ảnh được chị ghi lại đều đặn sau mỗi sự kiện. Bùi Thi Minh Hằng thật sự là ký giả đường phố, ký giả nhân dân. Không thể liệt kê hết những nơi chị đã đi qua, những việc làm chị đã đóng góp (công khai hay âm thầm). Sôi nổi là thế, mãnh liệt là thế nhưng Minh Hằng vẫn luôn phải đối mặt với nỗi cô đơn thường trực. Hình như, bất cứ ai chọn lựa con đường đấu tranh vì cộng đồng cũng phải trải nghiệm những khoảnh khắc như thế. Ta sẽ cô đơn giữa vô số những con người. “Nhiều khi bị tấn công tứ phía, cảm thấy mình lạc lõng em à”. Một lần, tôi nhận được tin nhắn của chị.


Có nhiều điều lắm để viết về chị. Nhưng có lẽ tôi nên kìm nén cảm xúc. Tôi nhớ về chị với những chuyện đời thường khác. Lần gặp đầu tiên, hồi tôi mới ra tù tiện dịp đi Hà Nội khám bệnh. Mấy anh chị em chúng tôi có hẹn ăn trưa cùng nhau: Các anh Ngô Nhật Đăng, Xuân Diện, Anh Chí, Hiếu Gió, Lã Việt Dũng chị Hằng và một chị bạn. Vừa nhìn thấy tôi, chị lao tới ôm thật chặt bằng một cánh tay (tay kia bị gãy đang bó bột). Sợ chị đau, tôi không dám nhúc nhích, nhưng cảm giác sắp nghẹt thở vì chị ghì tôi rất chặt và như không muốn buông ra. Chị khóc to, tựa như một đứa trẻ, bất chấp xung quanh là những người lạ và cả những tên mật vụ đứng nhìn. Chị nói đủ thứ chuyện, về thời gian nửa năm bị giam giữ trong nhà tù trá hình mang tên Cơ sở Giáo dục Thanh Hà. Suốt cuộc gặp, chị nắm chặt tay tôi, thi thoảng lại đưa lên môi hôn. Tôi chưa bao giờ thấy mình đựợc nâng niu và trân quý như thế.
Lần đầu gặp chị. Hình chụpc cuối năm 2012.

Lần khác, tôi bệnh phải đi truyền nước. Đang thiu thiu ngủ thì chuông điện thoại reo. Vừa kịp “alô!” đã nghe chị mắng một hồi. Chị xót tôi!

Đầu tháng 1.2014 chị và Bạch Hồng Quyền tới Hải Phòng thăm tôi. Chị bước vào nhà, thản nhiên như một người con vừa đi xa về. Chi gọi mẹ tôi bằng mẹ. Đó là lần gặp cuối cùng không hẹn ngày hội ngộ. Từ hôm chị bị bắt, ngày nào mẹ tôi cũng hỏi : “chúng nó thả chị Hằng ra chưa hả con?”. Mẹ tôi buồn!



Lần thứ hai chị bị bắt. Lần này, có thể sẽ rất dài. Tôi sẽ chờ để được sà vào lòng chị, hôn đôi bàn tay của chị. Trong lúc này, tôi vẫn cảm nhận được hơi ấm từ trái tim nhiệt huyết của chị cùng lời tuyên bố đầy ngạo nghễ: “CHÚNG TÔI NGÃ XUỐNG ĐỂ ĐẤT NƯỚC NÀY ĐƯỢC ĐỨNG LÊN”. Đúng, đất nước này sẽ đứng lên nhờ những sự hy sinh nhỏ bé của chị và của tất cả những người Việt Nam còn nặng lòng yêu nước. 

Chị sẽ không ngã chị ơi! Cho dù phía trước đầy nguy khốn.

4 comments:

  1. Thưa Thanh Nghiên , nước mắt tôi bắt đầu lăn trên mặt khi tôi đọc hơn nữa bài viết ! Không những vậy tôi lại là đàn ông , tôi cũng chưa bao giờ nghe tướng số tuổi của tôi mạnh bạo hay yếu đuối . Mấy ngày qua tôi lầm thầm trong miệng ơn trên che chở cho Bùi Thị Minh Hằng , lúc đứng , lúc ngồi và cả trước khi tôi đi ngủ !

    ReplyDelete
  2. thật là đau khổ xót xa cho những người dũng cảm chống độc tài

    ReplyDelete
  3. Chính quyền đã thất bại thảm hại !
    Sai lại thế ? Bởi họ đã đẩy không những "đối tượng" về phía đối nghịch, mà còn đẩy gia đình, bạn bè họ về phía đối nghịch.
    Không những vậy, những người dân khác (ví dụ như Nặc danh tôi chẳng hạn) có rất nhiều thiện cảm với những người này.

    ReplyDelete
  4. Người Vn hiện nay đang sống như ở trong rừng Phi châu,nói riêng các bạn là những con nai sống trong cảnh ,dầy chó và sư tử.đến bao giờ chúng ta thoát khỏi lủ mang rợ đây?

    ReplyDelete