Chị buồng trưởng gọi
mọi người dậy sau tiếng kẻng báo thức. Lúc này tôi mới phát hiện chiếc bàn chải
đánh răng đã bị thu giữ trong khi làm thủ tục nhập trại. Tôi nhớ rất rõ, người
cho tôi …vay chiếc bàn chải đánh răng là chị Hà, thường được gọi kèm tên bố là
Hà Ban. Theo quy định, bàn chải đánh răng phải bị chặt cụt đi phân nửa phần cán
với lý do…đề phòng việc tù nhân tự sát hoặc dùng làm hung khí gây án, gây
thương tích cho người khác. Cũng giống như phụ nữ khi vào tù không được phép … mặc
áo xu - chiêng để đề phòng việc…dùng dây áo tự tử. Nhưng những quy định quái gở
này vẫn không làm giảm các vụ “tự sát”, hay những cái chết đầy bí ẩn trong các
nhà tù.
Chị Hà Ban về sau bị
kết án bẩy năm tù giam vì tội “Buôn bán trái phép chất ma túy”. Mặc dù khi khám
nhà và đọc lệnh bắt, công an không tìm ra một chất gì được gọi là ma túy ngoài
mấy chục ống xi-lanh. Bên điều tra lập luận rằng bị can là một con nghiện,
đương nhiên “tàng trữ” xi-lanh không ngoài mục đích tiêm chích ma túy. Có
xi-lanh tức là có hê-rô-in vì thế, việc bắt giữ là đúng người đúng tội, thể hiện
sự nghiêm minh và công bằng của luật pháp.
Sau này, tôi được một bạn tù cho biết chị Hà
Ban đã chết trên trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) vì căn bệnh AIDS. Và chết
như bao người tù khác: đau đớn, vật vã, tức tưởi và cô quạnh.
Trong lúc đợi đến lượt
để đi tắm, một giọng nói thì thầm phía sau tôi:
-Nghe chị nói nhưng đừng
quay lại nhìn. Trong này có rất nhiều chuyện ngang tai trái mắt nhưng tốt nhất
cứ mặc kệ. Không “đứa nào” xứng đáng để em bênh vực đâu. Nhất là lúc ốm đau, nếu
không thật cần thiết thì đừng uống thuốc.
Một chút hoang mang
thoáng trong đầu óc tôi lúc đó. Sau này, dù rất cố gắng, tôi vẫn không nhận ra
giọng nói ấy là ai. Một vài cái tên được điểm trong đầu nhưng tôi vẫn không chắc
chắn. Kinh nghiệm của “người tù bí ẩn” sau này đã trở thành phương châm hành xử
cho tôi suốt thời gian bị tạm giam. Đối với một người tù chính trị, đó chưa hẳn
là lối ứng xử hoàn hảo bởi nó giống như một sự làm ngơ có lựa chọn trước những
bất công mà bạn tù xung quanh phải gánh chịu. Cho dù không ai “giao trách nhiệm”
nhưng một người bảo vệ nhân quyền, khi vào tù vẫn nên lấy sự bênh vực cho kẻ yếu
làm bổn phận của mình. Ít ra đó là suy nghĩ của tôi khi còn ở ngoài.
Dù không muốn, song
tôi đã chọn lựa thái độ “làm ngơ” trước một số việc ngang tai trái mắt trong suốt
mười tám tháng tạm giam và ý thức được rằng đó là cách tốt nhất giúp tôi phần
nào hóa giải được chính sách cô lập, điều quan trọng để đến gần hơn với những
người tù. Cuộc đời của họ là bằng chứng rõ ràng nhất phản ánh bộ mặt thật, nhem
nhuốc và nhầy nhụa của chế độ. Tụi cai tù và thậm chí cả bọn điều tra viên sẽ
ít cảnh giác hơn với một tù nhân chính trị có tính cách hài hước, giản dị và nhất
là chả mấy khi nói chuyện chính trị. Hầu hết những kẻ tuyên chiến với sự phi
nhân của chế độ này (trong đó có tôi) thường mặc nhiên nghĩ rằng mình đã rất hiểu
chuyện, song cũng phải ngỡ ngàng nhận ra rằng: Sự thật còn vượt xa tưởng tượng.
Bữa cơm đầu tiên.
Những âu cơm đang để
dưới đất kia là dành cho chúng tôi.
“Ngồi xuống và bưng
bát cơm lên!”. Tôi ra lệnh cho mình.
Đưa miếng cơm vào miệng,
cố gắng để không một giọt nước mắt nào rơi xuống.
“Phải ăn hết!”. Tôi
tiếp tục ra lệnh cho mình.
Cái thứ chúng tôi ăn chỉ giống cơm chứ chưa hẳn
là cơm. Mỗi chiếc âu nhựa đựng một xuất “cơm” ngả vàng (có hôm màu đen) còn lẫn
cả thóc, sạn, trấu, dây bao và mang một mùi hôi đặc trưng được gọi chung là
“mùi cơm tù”. Một ít muối rang lác đác vài hạt lạc vụn đựng trong một bát con bằng
nhựa hai người chung nhau. Cũng hai người, chung nhau một bát canh rau muống. Gọi
thế cho sang chứ đó là thứ rau “chưa lớn đã già”, lơ thơ vài cọng gầy đét và
dai ngoanh ngoách. Hiếm hoi lắm mới có một bữa rau non. Dù non hay già thì bát
canh tù cũng phải mang đậm “bản sắc” của nó với nguyên cả gốc, lá úa, cỏ, và điểm
xuyến vài chú sâu béo ngậy. Nước rau màu đen là đạt tiêu chuẩn nhà nước cho một
bữa cơm tù hoàn hảo.
Trong mười tám tháng
bị tạm giam, tôi chưa thấy ai có thể ăn hết xuất cơm trong ngày đầu tiên ở tù cả.
Tôi cũng không ngoại lệ và đó chính là một sự thất bại.
Tôi nhớ đến Bếch, con
chó cưng của tôi. Một lần, chỉ vì tức giận chuyện gì đó tôi đã hơi mạnh tay khi
để bát cơm trước mặt nó. Con chó không ăn, lẳng lặng bỏ đi. Lúc cả nhà cơm nước
xong xuôi, bố tôi gọi mãi không thấy nó thưa. Ông đi tìm thì thấy Bếch đang nằm
thu lu trong ổ, mắt đỏ hoe. Nó tủi thân. Cuối cùng tôi phải nựng nịu, dỗ dành
mãi nó mới chịu ăn. Tôi đi tù đến năm thứ ba thì Bếch chết. Mẹ tôi bảo nó già
và nhớ chủ.
Bị đồng loại đối xử
không giống những con người. Điều đó làm tôi cay đắng nhưng thứ làm tôi đau khổ
chính ở sự bất lực của mình. Tôi đã không phản kháng. Giọng nói sáng nay văng vẳng
bên tai. Tôi nhận ra một điều, sự quy hàng còn khó khăn hơn nhiều so với nỗ lực
phải chiến thắng.
Sáng thứ hai, sau ba
ngày bị bắt tôi đi cung.
Ba điều tra viên, hai
nam và một nữ với một tôi trong buồng cung ẩm thấp, chật chội. Chiếc áo dành
cho “bị can” và đôi chân trần không giầy dép không làm tôi mất tự tin. Trên nét
mặt của họ, sự căng thẳng nhiều hơn vẻ tự mãn.
Không có gì đặc biệt
trong buổi hỏi cung đầu tiên ngoài việc nhận quyết định tạm giữ chín ngày
(trong khi họ đã giam tôi ba ngày rồi). Nhưng tôi biết mình sẽ ở đây lâu dài,
nhiều tháng thậm chí nhiều năm. Cộng sản luôn thù ghét kẻ chống lại họ.
Đã gần một tuần trôi
qua và tôi vẫn không nhận được quà tiếp tế từ gia đình. Mẹ và các anh chị tôi
có thể không biết tôi đang ở đâu. Tôi hình dung ra vẻ hốt hoảng và tất tưởi của
mẹ khi gõ cửa từng cơ quan công quyền để hỏi thăm tin tức con mình. Mẹ tôi đã
ngoài bẩy mươi tuổi và tôi chưa từng phải xa mẹ.
Vẫn ba điều tra viên
(hai nam một nữ) “hỏi cung” tôi. Không giữ thái độ điềm đạm như mấy lần trước,
tôi chủ động chất vấn:
-Vì sao đến hôm nay
tôi vẫn không nhận được tin từ gia đình?
ĐTCh lên giọng. Hắn bao giờ cũng thế, luôn thể
hiện vai trò cấp trên với đồng đội:
-Chị nên nhớ, chị đang bị bắt giữ để điều tra,
mọi sự liên hệ với gia đình là hoàn toàn không được phép.
-Các anh đã không cho
gia đình tôi biết tôi đang ở đâu. Điều đó là phạm pháp.
Tôi buộc tội.
-Chúng tôi đã thông
báo cho gia đình chị. Vẫn tên Ch quả quyết.
-Các anh giải thích
thế nào về việc gần một tuần nay tôi không nhận được tiếp tế từ gia đình?
- Cái đó làm sao
chúng tôi biết được? Đó là việc của gia đình chị.
Câu nói cùn của Ch
khiến tôi nổi đóa:
-Anh đã nói thế thì
tôi cũng thẳng thắn với các anh luôn nhé. Nếu trong một, hai ngày tới tôi không
nhận được tin từ gia đình. Tôi sẽ tuyệt thực. Đừng hòng các anh “cung cán” gì
được hết.
Không để đồng đội tiếp
tục, tên D chủ động xoa dịu:
-Chị Nghiên này,
chúng tôi đã thông báo tới chính quyền địa phương và họ có trách nhiệm sẽ báo
cho gia đình chị cũng như hướng dẫn mẹ chị các thủ tục gửi quà. Còn vì sao đến
hôm nay chị chưa nhận được tiếp tế thì chúng tôi sẽ tìm hiểu. Chị yên tâm!
-Làm thế nào để tôi
tin các anh?
Nhận ra sự …mềm dẻo của
đồng nghiệp có vẻ hiệu quả hơn, tên Ch lập tức thay đổi thái độ:
-Chị Nghiên ạ! Chúng
tôi biết phụ nữ thì có những thứ không thể thiếu. Nói thật với chị trước khi đến
đây, anh D đã gửi cho chị một số tiền nhỏ vào sổ lưu ký để chị mua những thứ cần
thiết nhưng trại giam họ không cho. Hứa với chị, ngay chiều nay tôi sẽ đến nhà
để hỏi xem vì sao gia đình chưa đi gửi quà cho chị.
Sự “tử tế” của họ khiến
tôi cảnh giác. Thấy đối phương im lặng, D tiếp tục thuyết phục:
-Lẽ ra tôi không nói
với chị chuyện tôi gửi tiền vì nó không đáng bao nhiêu. Vả lại trại giam họ
cũng không cho nhận. Nhưng vì chị không tin nên chúng tôi phải nói. Đó là sự thật
và chị nên tin ở thiện chí của chúng tôi.
Lúc này, đồng nghiệp
nữ của họ mới chịu lên tiếng:
-Nghiên hãy tin bọn
chị…
Tôi nghĩ, chị ta phải
cố gắng lắm mới không thốt ra vế sau của câu nói “…không phải lúc nào bọn chị cũng
nói dối”.
D không có mặt trong
ngày 11 tháng 9 khi các đồng nghiệp của anh ta khởi đầu chiến dịch khủng bố tôi
trước khi ký lệnh bắt. Anh ta tự cho phép mình không phải chịu trách nhiệm hoặc
chí ít không thấy ngượng trước chất vấn của tôi liên quan đến thủ tục triệt tập
ngược đời mà Cơ quan An ninh điều tra đã thực hiện. Anh ta, chính là người tôi
đánh giá cao nhất trong số hai đồng nghiệp còn lại. Chắc D thực sự khá nên được
phân công đảm trách các cuộc thẩm vấn lúc tôi còn ở ngoài cho đến suốt quá
trình điều tra trong thời gian tôi bị giam giữ. D thông minh và kín đáo, không
mấy khi để lộ cảm xúc trong khi Ch, luôn cố gắng chứng minh năng lực vượt bậc (thứ
anh ta không có) và không ngại quảng cáo thân thế của mình. Việc họ là những “tài
năng trẻ quốc gia” và từng được đi gặp Chủ tịch nước vì thành tích học tập xuất
sắc trong thời gian học phổ thông là do Ch “khoe” với tôi trong một lần đi
cung: “Chị tưởng chị như thế là đã nổi tiếng
à? Không đâu, chúng tôi còn nổi tiếng hơn chị nhiều. Chúng tôi đã học trường
Năng khiếu Trần Phú và đã được gặp Chủ tịch nước đấy. Chị đã là cái thá gì. Chị
đã từng được gặp chủ tịch nước chưa?”. Anh ta ngốc, phải biết tôi đấm thèm
vào cái “chủ tịch nước” ấy chứ.
Không biết do sự
trùng hợp ngẫu nhiên hay có sự thỏa thuận ngầm của họ mà cả Ch lẫn H đều đi ra
ngoài. Chỉ còn một mình D đối diện với tôi trong buồng hỏi cung. Anh ta nhìn thẳng
vào mắt tôi như sắp tuyên bố điều gì quan trọng:
-Chị Nghiên, nếu chị
muốn, tôi có thể cởi tấm áo này ra để thề với chị.
Tôi sững lại trong
giây lát. Một điều gì khó tả, nhưng chắc chắn đó không phải cảm giác toại nguyện
hay sự phấn khích đắc thắng. Tự nhiên tôi có cảm giác khó chịu.
-Tôi tin anh. Tôi đáp
cộc lốc.
D đã tầm thường đi một
chút. Và đó là điều tôi không muốn.
Vài hôm sau, với vẻ cởi
mở hơn, cả ba vào gặp tôi:
-Tôi đã đến nhà chị
và cũng ra phường hỏi rồi. Hóa ra anh Hải, công an hộ tịch bận đi học nên anh ấy
chỉ làm việc buổi tối thôi. Chị gái chị không biết nên tới vào giờ hành chính
vì thế không gặp. Tôi đã hướng dẫn gia đình chị và có bảo các anh ở phường giúp
đỡ những thủ tục cần thiết. Chỉ nay mai là chị nhận được quà thôi. Chị cứ yên
tâm.
Ch dùng từ “hóa ra” với
vẻ hân hoan cứ như anh ta vừa khám phá ra một đáp án rất quan trọng. Tôi không
còn hứng thú để lý luận hay bắt bẻ cái thứ “luật vô luật” của Nhà nước này trước
thông báo “hồn nhiên” của anh ta.
Tôi nhận lời động
viên “cứ yên tâm ở tù” và lệnh tạm giam bốn tháng từ những kẻ bắt mình.
Tôi vẫn khâm phục cô gái nhỏ bé gầy yếu này. Từ khi ngồi tọa kháng với khẩu hiệu chống công hàm bán nước. Phụ nữ VN rất kiên cường bất khuất. Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Công Nhân, Đỗ Thị Minh Hạnh, Tạ Phong Tần. Nữ nhi bất khuất trước cường quyền bạo lực đê hèn. Xin ngả mũ chào các chị
ReplyDeleteTôi thật sự cảm phục vì sự dũng cảm của 1 cô gái nhỏ bé này,cộng với trí tuệ của Nghiên trong từng bài viết
ReplyDeleteChúc bạn luôn giữ vững được niềm tin của mình,chúc mọi người dân VN mau được đi trên con đường Dân Chủ
Khoái cái câu "cứ yên tâm.. ở tù".
ReplyDeleteCòn tôi đã nhiều lần còm rằng : Tôi xin được nghiêng mì̀nh trước anh thư Phạm Thanh Nghiên trên blog của Nguyển Tường Thuỵ hay cuả Huỳnh Ngọc Chênh v.v...
ReplyDeleteMong đọc những bài tiếp theo của bạn,
ReplyDeleteXích - Lô Hải Phòng
Cảm phục.
ReplyDelete