Pages

Thursday, July 07, 2016

Phỏng vấn Luật sư Đào Tăng Dực: Công lý nào cho nạn nhân Formosa?

Luật sư Đào Tăng Dực.
Sự kiện Formosa xả thải gây thảm họa môi trường nghiêm trọng đang là đề tài thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận. Gần 3 tháng sau, “chính phủ” Việt Nam mới miễn công bố nguyên nhân cá chết trong khi chính người dân đã xác định được ngay từ đầu nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa này. Suốt gần 3 tháng qua, hàng trăm người đã bị bắt chỉ vì biểu tình ôn hòa, tọa kháng và lên tiếng đòi minh bạch thông tin cá chết. Hàng chục người trong số đó đã bị đánh đập, bị tra tấn ngay trên đường phố hoặc tại các đồn công an hay nhà tù trá hình mang tên “Trung tâm bảo trợ xã hội”.


Hình ảnh lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi và cam kết bồi thường 500 triệu USD; báo chí “lề đảng” xun xoe khen ngợi “chiến công” của lãnh đạo đảng trong việc giải quyết vụ việc. Và nhất là câu phát ngôn “đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại” của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng không những không xoa dịu được lòng dân, mà còn là sự sỉ nhục ghê gớm đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là những nạn nhân trực tiếp đang gánh đại họa trên vai.

Sẽ còn nhiều điều nữa phải bàn vì không đơn giản là Formosa hay hình ảnh những con cá chết, ẩn sau những chuyện này là tương lai của cả một dân tộc.

Phạm Thanh Nghiên may mắn có cuộc trao đổi với Luật sư Đào Tăng Dực để tìm hiểu thêm Fomosa dưới góc nhìn pháp lý. Ông hiện là Luật sư tòa thượng thẩm New South Wales và Tối Cao Pháp Viện Úc Đại Lợi. Luật sư Đào Tăng Dực là tác giả của một số cuốn sách đã xuất bản tại hải ngoại như:

1. Việt Nam Dân Chủ Tranh Đấu Luận (1997)
2. Dự Thảo Hiến Pháp Việt Nam Trên Quan Điểm Dân Chủ Hiến Định, pháp trị và đa nguyên (2012)
3. Phê Bình Song ngữ toàn diện hiến pháp 2013 của CSVN (2014)- và
4. Cẩm Nang song ngữ Thành Lập Hội Đoàn trong bối cảnh xã hội dân sự tại Việt Nam (2016)

Mời quý bạn đọc theo dòi cuộc phỏng vấn của Phạm Thanh Nghiên với Luật sư Đào Tăng Dực.

Phạm Thanh Nghiên: Xin chào luật sư Đào Tăng Dực! Trước hết xin cảm ơn luật sư đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này. Câu đầu tiên xin được hỏi: Có thể đánh giá sơ bộ về hậu quả từ thảm họa môi trường mà Formosa gây ra cho Việt Nam không, thưa luật sư?
Luật sư Đào Tăng Dực: Thưa cô Phạm Thanh Nghiên, đánh giá sơ bộ là một điều kiện ắt có của bất cứ một cuộc tranh chấp đòi bồi thường nào. Điều này đòi hỏi sự đóng góp của những chuyên gia liên hệ đến các nghành khác nhau. Tuy nhiên tất cả mọi sự đánh giá đều phải đưa đến kết luận là bồi thường bằng bao nhiêu tiền (tính bằng đơn vị tiền tệ Việt Nam hay một ngoại tệ như Mỹ Kim chẳng hạn).
Lấy một ví dụ như bồi thường nhân mạng. Dĩ nhiên là một người thợ lặn bị chết rồi thì không thể nhận được sự bồi thường. Tuy nhiên người phối ngẫu, con cái và những người mà đời sống lệ thuộc vào người này có thể khởi tố. Một trong những căn bản để có thể tính được là lương bổng của người quá cố đó và số tuổi của họ. Một người trẻ sẽ nhận được nhiều tiền bồi thường hơn vì số năm làm việc còn lại nhiều hơn một người lớn tuổi.
Sau đó cần phải bồi thường bằng hiện kim những thiệt hại về tinh thần nữa. Luật tại Úc gọi là “pain and suffering” (sự đau thương) cũng phải đền bù bằng tiền.
Về sức khỏe thì sẽ định giá theo thương tật và chi phí trị thương, ngoài ra còn sự thiệt hại về kinh tế và sự mất khả năng hoặc giảm thiểu khả năng làm việc. Dĩ nhiên yếu tố “pain and suffering” cũng cần phải thẩm định.

Một công ty du lịch chẳng hạn sẽ có những tiêu chuẩn thẩm định khác. Sự thiệt hại về lợi tức đã xảy ra, sự thiệt hại về lợi tức của tương lai, dự phóng thời gian bao lâu tình trạng kinh tế sẽ hoàn nguyên, hoàn cảnh các nhân của chủ nhân thương vụ v…v…
Mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp sẽ có những hoàn cảnh đặc thù. Chính vì thế tại các quốc gia dân chủ pháp trị, quyền truy tố một thực thể pháp lý khác (như Formosa Hà Tỉnh) để đòi bồi thường và nêu ra những yếu tố cá nhân chi tiết của mình là một nhân quyền căn bản.
Trên bình diện “hộ” (tức luật dân sự) chính quyền CSVN, nếu là một chính quyền tuân thủ luật pháp, có trách nhiệm truy tố Formosa Hà Tĩnh trước một tòa án có thẩm quyền (a court of competent jurisdiction), sau khi có kết quả điều tra về nguyên nhân và sau khi có kết luận của các chuyên gia các nghành liên hệ, đánh giá bằng hiện kim, sự thiệt hại cho quốc gia. Chính quyền không thể qua mặt luật pháp, tòa án và tự động đi đêm với Formosa Hà Tĩnh được.

Cuộc tranh tụng đòi bồi thường quyền lợi quốc gia sẽ căn cứ trên những kết luận điều tra và nghiên cứu của những chuyên gia các nghành y tế, môi sinh, khoa học di truyền tính, kinh tế v..v.. và sẽ tương đối kéo dài vài ba năm (như trường hợp chính phủ Hoa Kỳ truy tố công ty dầu hỏa BP khi tai họa loang dầu xảy ra tại Vịnh Mexico năm 2010). Tuy nhiên, một khi Formosa Hà Tĩnh đã bị kết án về hình luật, hoặc đã chấp nhận trách nhiệm gây ra đại họa này, thì sự bồi thường bao nhiêu chỉ là vấn đề thời gian. Một sự thẩm định khách quan luôn luôn công bằng cho tổ quốc Việt Nam và cho cả Formosa Hà Tĩnh, hoặc bất cứ một công ty nào khác trong tương lai.

Dĩ nhiên khi chính phủ truy tố Formosa Hà Tĩnh ra tòa về hìnhhộ thì chỉ thi hành trách nhiệm của nhà nước hầu bảo vệ kỷ cương pháp trị và quyền lợi tổ quốc. Điều này không có nghĩa nhất thiết là người dân mất đi nhân quyền căn bản là truy tố Formosa Hà Tĩnh ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại cho cá nhân của mình.


Phạm Thanh Nghiên: BLHS mới lẽ ra đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Nhưng nó đã bị hoãn mà nhiều người cho rằng là có chủ ý. Điều 2 của Bộ Luật Hình Sự mới, lần đầu tiên quy định là pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Còn theo luật hiện hành thì chỉ cá nhân mới bị truy tố và trừng phạt do phạm một tội hình sự, còn pháp nhân thì không. Vậy thì rất khó để “kiện” Formosa. Bỏ qua yếu tố luật pháp VN, đứng trên bình diện của một quốc gia bình thường, thì VN có thể kiện Formosa không, thưa luật sư?

Luật sư Đào Tăng Dực: Tôi là một luật sư hành nghề tại Úc. Tôi không rành về BLHS tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong một quốc gia bình thường thì một cá nhân trên 18 tuổi, một công ty đăng ký (incorporated) và chính quyền đều là những hữu thể pháp lý bình đẳng trước luật pháp. Chính vì thế chính quyền (như một hữu thể pháp lý) dĩ nhiên có thể truy tố Formosa Hà Tĩnh (như một hữu thể pháp lý khác) và những cá nhân liên hệ ra tòa trên phương diện hình luật (criminal law) vì vi phạm một hay nhiều điều khoản của BLHS hoặc một sắc luật nào đó về bảo vệ môi sinh.

Dĩ nhiên thông thường thì một chính phủ chỉ làm như thế sau khi đã có các nghiên cứu về nguyên nhân sự sai phạm từ các ủy ban điều tra độc lập hoặc các chuyên gia, và nhất là sau khi công tố viện (trong trường hợp Việt Nam gọi là Viện Kiểm Sát Tối Cao Nhân Dân) đã nghiên cứu và đánh giá các chứng cớ. Nếu bị kết án thì công ty sẽ phải đóng tiền phạt, cá nhân sẽ bị đóng tiền phạt và có thể bị tù giam. Chính phủ cũng phải truy tố công ty về hộ (tức luật dân sự) để đòi bồi thường thiệt hại mà quốc gia phải gánh chịu như thiệt hại về kinh tế, tài nguyên, chi phí hoàn nguyên môi trường…

Thông thường thì các cá nhân bị thiệt hại có quyền đưa công ty vi phạm ra tòa bồi thường thiệt hại cho cá nhân của mình. Nếu muốn giảm chi phí luật sư họ có thể tranh tụng đưới hình thức kiện tập thể (class action) tức một văn phòng luật sư hay một liên hợp VP luật sư đại diện cho hằng chục, hằng trăm hoặc ngàn người nguyên cáo. Quyền cá nhân bị thiệt hại kiên một công ty phạm tội ra tòa rất quan trọng vì mỗi cá nhân đều có hoàn cảnh riêng tư và chỉ có cá nhân đó mới trình bày đầy đủ mà thôi.

Thông thường thì tòa án thụ lý là tòa án quốc gia sở tại. Trong trường hợp Formosa Hà Tĩnh là một tòa án có thẩm quyền (jurisdiction) tại Việt Nam. Lý do chính là vì một tòa án tại một quốc gia khác sẽ không có thẩm quyền vì Formosa Hà Tỉnh, tuy có công ty mẹ tại Đài Loan hay một quốc gia khác, nhưng lại là một hữu thể pháp lý đăng ký tại Việt Nam. Hơn nữa tài sản của công ty này nằm tại Việt Nam. Một tòa án tại một quốc gia khác không thể ra lệnh, nhất là lệnh bồi thường vì nếu Formosa Hà Tĩnh không chịu bồi thường, thì một tòa án ngoại quốc cũng phải bó tay vì không có thẩm quyền (ultra vires).

Dĩ nhiên chúng ta đều biết tòa án tại Việt Nam là công cụ của đảng CSVN và đảng CSVN có xác xuất cao là đã đi đêm với Formosa Hà Tĩnh. Nhưng đó là di sản của 70 năm xã hội chủ nghĩa và là thực trạng tại Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể sửa trong tương lại. Bây giờ đó là thực tại mà chúng ta phải gánh chịu.


Phạm Thanh Nghiên: Trong trường hợp chính phủ VN không kiện Formosa, thì người dân VN, cụ thể là ngư dân, thậm chí thân nhân của anh thợ lặn Lê Văn Ngày, người đã tử vong hôm 24/4/2016 có thể khởi kiện không? Tòa án Quốc tế nào có thể thụ lý đơn kiện của họ?

Luật sư Đào Tăng Dực: Thông thường thì quyền truy tố một hữu thể pháp lý khác ra tòa, trên phương diện hộ, để đòi bồi thường thiệt hại là một nhân quyền căn bản. Trường hợp này rất quan trọng đối với những người thiệt hại vật chất hoặc nhân mạng  vì đại họa Vũng Áng.

Trên phương diện hình luật thì cơ quan công tố (Viện Kiểm Sát Tối Cao Nhân Dân) bắt buộc phải truy tố bất cứ một hữu thể pháp lý nào vi phạm hình luật, sau khi có bằng cớ xác thực.
Tuy nhiên Việt Nam là một nước độc tài đảng trị. Đảng đứng trên hiến pháp và luật pháp. Nếu đảng CSVN, qua chính phủ, quyết định không truy tố Formosa Hà Tĩnh trên cả 2 bình diện hình lẫn hộ thì không có quyền lực độc lập hoặc đối trọng nào tại Việt Nam có thể thách đố họ và chính quyền cũng không sợ bị dân chúng lật đổ trong các cuộc bầu cử vì chế độ đảng cử dân bầu.

Quyền kiện của công dân là một nhân quyền quan trọng nên khi một chính phủ dân chủ chân chính có ý định thương thuyết với một công ty vi phạm hầu đòi bồi thường bao gồm cả những thiệt hại cho cá nhân, thì họ phải có các biện pháp sau đây:
a.     Truy tố trước một tòa án có thẩm quyền hầu chính tòa án quyết định khách quan, sau khi đã thẩm định các chứng cớ về mức thiệt hại
b.     Chuyển tiền bồi thường vào một quỹ ký thác (trust account) độc lập và chỉ sử dụng tiền này cho việc bồi thường mà thôi
c.      Các cá nhân vẫn có quyền đòi bồi thường qua một cơ chế thẩm định khách quan, kể cả một tòa án đặc biệt (specialist tribunal). Chính phủ vẫn phải bồi thường nghiêm minh. Nếu phải bồi thường cao hơn thì chính phủ phải chịu. Nếu ít hơn thì tiền còn lại sẽ xung vào công quỹ
d.     Tùy theo hiến pháp và luật pháp của mỗi quốc gia, chính quyền có thể phải thông qua quốc hội một sắc luật cho phép dập tắt (extinguish) quyền mỗi cá nhân liên hệ đưa công ty vi phạm ra tòa đòi bồi thường, mà chỉ kiện qua một tòa án đặc biệt đòi bồi thường từ quỹ ký thác mà thôi.

Năm 2010, công ty dầu hỏa BP đã làm loang dầu trong Vịnh Mexico gây ô nhiễm 4 tiểu Bang là Alabama, Missisippi, Louisiana và Florida và sau đó bị Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ truy tố về hình luật. Tính cả tiền phạt lẫn tiền bồi thường thì công ty BP phải trả khoảng 60 tỷ Mỹ Kim (tức gấp 120 lần Formosa Vũng Áng) trong đó có khoảng 40 tỷ đưa vào một quỹ ký thác (trust account). Dĩ nhiên các khoản tiền này đều được thẩm định khách quan trước những tòa án độc lập, nghiêm chỉnh và có thẩm quyền.
Hiện giờ tôi không biết có tòa án nào ngoài Việt Nam có thể thụ lý. Đây là vấn nạn của nhiều phong trào, tổ chức và cá nhân tranh đấu bảo vệ môi sinh trên toàn thế giới. Họ đã và đang tiếp tục vận động cho một Tòa Án Quốc Tế về Môi Sinh (International Environment Court) để thụ lý các vụ kiện này, nhưng đến nay chưa thành.

Phạm Thanh Nghiên:  Như vậy là người dân Việt Nam chúng ta, đặc biệt là ngư dân, các nạn nhân trực tiếp của thảm họa này đang gặp vô vàn khó khăn, thậm chí nhiều hiểm nguy trên con đường đi tìm công lý. Xin cảm ơn luật sư đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này. Hy vọng sẽ tiếp tục được trao đổi với luật sư vào những dịp khác.
                                                                                                      Ngày 7/7/2016

No comments:

Post a Comment