Pages

Thursday, February 09, 2017

Tự tử trong đồn công an, trong nhà tù: khó hay dễ?

Trong vài năm trở lại đây, tình trạng công dân chết trong đồn công an, trong các nhà tạm giam, tạm giữ ngày càng phổ biến. Đây cũng là lý do mà năm 2014, Mạng Lưới Blogger Việt Nam thực hiện Tập tài liệu "Stop police killing civilians" trong đó tổng hợp các trường hợp người dân bị chết trong đồn côn an khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2014. 


Tập hồ sơ này cũng đang trở thành một trong những “vật chứng" để Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Khánh Hòa cáo buộc Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - một trong những sáng lập viên của MLBVN, vi phạm điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN”. Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt giam hôm 10/10/2016 chỉ vì những hoạt động ôn hòa cổ vũ cho nhân quyền, dân chủ, bảo vệ môi trường và toàn vẹn lãnh thổ.

Tập tài liệu “Stop police killiling civilians” đương nhiên vẫn được Mạng Lưới Blogger Việt Nam tiếp tục cập nhật dựa vào thông tin báo chí nhà nước và sẽ dịch ra tiếng Anh và tiếp tục phổ biến.


Trường hợp mới nhất xảy ra ở Nghệ An hôm 6/2/2017 là anh Nguyễn Thành Ngôn. Theo kết luận của công an thì anh Nguyễn Thành Ngôn đã dùng dây giày để treo cổ tự tử và chết trong đồn công an.

Từng là một tù nhân bị giam giữ trong hai nhà tù là Trại tạm giam Trần Phú và Trại 5 Thanh Hóa, cũng từng bị bắt nhiều lần vào đồn công an, tôi xin chia sẻ ngắn một vài chi tiết để giúp những người quan tâm đến vấn nạn công dân chết trong đồn công an, trong nhà tạm giam, tạm giữ đưa ra câu trả lời: Tự tử trong đồn công an, trong nhà tù: khó hay dễ?


Bước chân vào nhà tù (trại tạm giam, nhà tạm giữ), việc đầu tiên là bị khám người, hay còn gọi là kiểm tra thân thể xem “bị can”, “đối tượng”, “phạm nhân” có mang theo thứ gì không. Quy định nơi giam giữ là không được mang theo, tàng trữ, sử dụng vật cấm như chất nổ, chất phóng xạ, bom, mìn, vật sắc nhọn... cho đến những thứ tưởng rất bình thường như áo xu chiêng, dây- nơ-kẹp buộc tóc... đối với nữ, quần sịp đối với nam. Không được để móng tay, móng chân. Bàn chải đánh răng phải bị chặt gần cụt cán trước khi dùng. Không được dùng dây phơi quần áo, không được đi dày dép, quần áo không được có dải rút, không được đeo mắt kính (dù cận lòi ra), không đeo đồ trang sức, không được dùng dây thắt lưng... Tất cả những thứ như bát ăn cơm, ca cốc uống nước đều phải là đồ nhựa. Không được dùng đũa mà dùng thìa (muỗng) nhựa...


Lý do được nói là để các “đối tượng”, “bị can”, “phạm nhân” không có phương tiện để tự tử. Chưa kể việc các buồng tạm giam, tạm giữ được “canh phòng” rất cẩn mật, thậm chí gắn cả camera để kiểm soát mọi động thái của “đối tượng”. Đối với những buồng giam tập thể, cai tù còn phân công các tù nhân chia ca, thức đêm để gác, nhằm ngăn chặn những vụ tự tử có thể xảy ra. Nhưng không hiểu sao, các vụ tự tử, chết trong những nơi tạm giam, tạm giữ vẫn thường xuyên xảy ra và có xu hướng gia tăng.

Còn khi bị bắt vào đồn công an, điều đầu tiên là bị tước hoặc vô hiệu hóa các phương tiện liên lạc (có thể có ngoại lệ) của “đương sự”, “đối tượng”. Các vật cấm đã liệt kê ở trên như bom, mìn, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí v.v... đương nhiên phải bị tịch thu từ trước. Ối dời, nếu có mấy thứ ấy thì hoặc đã mất mạng, hoặc mọt gông vì tội khủng bố chứ chả chơi. Chỗ này nói thêm một tí, ở Việt Nam không có phong trào khủng bố của công dân đâu. Chỉ có..., à thôi- không nói nữa, lạc đề.

Tôi không dám chắc công an có áp dụng biện pháp tịch thu quần sịp, áo xu chiêng, dây- nơ, kẹp buộc tóc, dày dép, mắt kính, thắt lưng... đối với mọi “đối tượng” bị giải về đồn để tránh tự tử không hay không. Có một điều chắc chắn là cơ quan công an phải đảm bảo an toàn thân thể, tính mạng, sức khỏe tinh thần cho “đối tượng” để thứ nhất là bảo vệ nhân quyền của người đó (nghe chữ “nhân quyền” muốn khóc quá), thứ hai là bảo vệ công tác điều tra và cả cái thứ 3, thứ 4 nữa... Tất nhiên, bị bắt vào đồn công an cũng có nhiều thành phần. Ở đây, không đề cập đến thành phần “nhạy cảm” là những người hoạt động xã hội hay các người bảo vệ nhân quyền mà nói đến quy định chung được áp dụng cho mọi trường hợp bị bắt.


Với những quy định ngặt nghèo trên, theo bạn, việc tự tử trong đồn công an, trong trại tạm giam, nhà tù là dễ hay khó?

No comments:

Post a Comment