(Danlambao)
-
Thông tin từ Phong Trào Liên Đới Dân Oan cho hay, ngày 31/8/2017, tám
người dân oan gồm gia đình cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn và một số người
khác đã ra tù. Họ gồm Nguyễn Mai Trung Tuấn và bố mẹ của Tuấn là ông bà
Nguyễn Trung Can, Mai Thị Kim Hương, bà Phùng Thị Ly, ông Nguyễn Trung
Tài, ông Phùng Văn Tuân và hai ông Mai Quốc Đạt, Mai Quốc Phong (có tài
liệu ghi là Mai Văn Đạt, Mai Văn Phong).
Sau khi tìm hiểu thêm, tôi được biết có hai người là ông Mai Quốc Đạt và
ông Phùng Văn Tuân đã ra tù từ ngày 14/12/2016, tức là 8 tháng trước.
Ngoài ra, một số người cũng đã ra tù vào ngày 30/8, khi bản tin này được
lên khuôn như trường hợp vợ chồng ông bà Nguyễn Trung Can- Mai Thị
Hương, Nguyễn Trung Tài, Mai Quốc Phong.
Trong số những người dân oan, tù oan này, công luận đặc biệt chú ý đến
trường hợp của thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn. Gia đình Tuấn bị cướp
đất, cướp nhà, cướp tài sản và kế sinh nhai nên gia đình em phải đứng
lên tranh đấu đòi quyền lợi chính đáng cho gia đình và đồng hành với
những người oan ức khác. Bố mẹ Tuấn và một số người họ hàng của em đã bị
đánh đập, bị bắt giam trong một kế hoạch được giàn dựng sẵn của công an
nhằm chiếm đoạt đất đai, nhà cửa của gia đình dân oan này. Tuấn bị bắt
ngày 6/8/2015 khi đang đi chăn vịt thuê theo cái gọi là “lệnh truy nã”
của công an Long An. Khi bị bắt, Tuấn mới được hơn 15 tuổi.
Nguyễn Mai Trung Tuấn sinh ngày 31/3/2000, bị buộc tội “cố ý gây thương
tích” theo điều 104 BLHS. Tuấn bị Tòa án Nhân dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh
Long An tuyên án 4 năm 6 tháng tù hồi tháng 11/2015, đồng thời yêu cầu
bồi thường cho “bị hại” trên thực tế là kẻ tham gia cướp đất, cướp nhà
Tuấn là công an Nguyễn Văn Thủy số tiền 42 triệu 600 ngàn đồng. Phiên
toà phúc thẩm tháng 2/2016 sau đó đã kết án Tuấn 2 năm 6 tháng tù giam.
Công luận không thể quên hình ảnh thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn đĩnh
đạc, tự tin và đầy hiên ngang trước phiên toà cộng sản hôm 1/2/2016.
Hình ảnh này lập tức được lan truyền với tốc độ chóng mặt như biểu tượng
về lòng hiên ngang của một thiếu niên quả cảm bị áp bức trong một chế
độ bất công và bạo ngược.
Ngày 31/8/2017, Nguyễn Mai Trung Tuấn đã ra tù trước thời hạn
6 tháng với tình trạng sức khoẻ giảm sút. Gia đình cho biết Tuấn luôn khó thở và bị bệnh hen suyễn hành hạ.
Để bạn đọc tiện theo dõi, tôi xin ghi lại một số thông tin tạm thời về
tám người tù kể trên. Xin lưu ý, đây chỉ là 8 trong số 13 người bị bắt
cùng thời điểm tháng 4/2015.
1. Nguyễn Mai Trung Tuấn, sinh năm 2000. Trú tại: Khu phố 3, thị trấn
Thạnh Hoá, tỉnh Long An. Trong thời gian ở tù, thụ án tại Trại giam Long
Hoà, Bến Lức, Long An. Ra tù ngày 31/8/2017.
2. Mai Quốc Đạt, sinh năm 1981. Trú tại: Ấp Cả 6, xã Thạnh Phước, huyện
Thạnh Hoá -Long An. Chịu 2 năm 6 tháng tù. Bị giam tại Trại giam Châu
Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ra tù ngày 14/12/2016.
3. Phùng Văn Tuân, sinh năm 1977. Trú tại: ấp Nhơn Xuyên, xã Thuận Nghĩa
Hoà, huyện Thạnh Hoá, Long An. Chịu 2 năm 6 tháng tù giam tại trại Châu
Bình huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Ra tù ngày 14/12/2016.
4. Nguyễn Trung Can, sinh 1974. Trú tại khu phố 3, thị trấn Thạnh Hoá,
Long An. Chịu án 3 năm tù giam Trại giam Thủ Đức, Bình Thuận. Ra tù ngày
24/8/2017.
5. Mai Thị Kim Hương sinh năm 1979. Trú tại khu phố 3 thị trấn Thạnh
Hoá, Long An. Chịu án 3 năm 6 tháng tù giam tại Trại giam An Giang. Ra
tù ngày 30/8/2017.
6. Nguyễn Trung Tài, sinh năm 1966. Trú tại: Khu phố 3, thị trấn Thạnh
Hoá, Long An. Chịu án 3 năm tù giam tại Trại Châu Bình, huyện Giồng
Trôm, tỉnh Bến tre. Ra tù ngày 30/8/2017.
7. Mai Quốc Phong, sinh năm 1977. Trú tại ấp Cả 6, xã Thạnh Phước, huyện
Thạnh Hoá, Long An. Chị mức án 3 năm 6 tháng tù giam. Ra tù ngày
30/8/2017.
8. Phùng Thị Ly, sinh năm 1963. Trú tại khu phố 3, thị trấn Thạnh Hoá,
Long An. Chịu án 3 năm tù giam tại Trại giam Tống Lê Chân, tỉnh Bình
Phước. Ra tù ngày 31/8/2017.
Tôi sẽ cố gắng tìm hiểu thêm thông tin về 13 người dân oan, tù oan trong
vụ án này để gửi tới quý độc giả khi điều kiện cho phép. Nhân đây cũng
xin chia sẻ một thông tin thú vị liên quan đến Nguyễn Mai Trung Tuấn:
Cuốn sách “Nhóc tì phản động”, một trong những tác phẩm cuối cùng
của nhà văn Duyên Anh vừa được xuất bản và Nguyễn Mai Trung Tuấn được
nhắc đến trong lời giới thiệu và đề tặng. Lời giới thiệu này do con gái
của cố Hoạ sĩ Trần Thúc Lân, dịch giả ttlan viết. Chị Lan, người chị
nuôi của tôi thường ký tên là “ttlan” dưới mỗi bài viết hay những tác
phẩm mà chị giới thiệu, hoặc dịch thuật. Cho nên, chị cũng muốn tôi viết
như thế khi nhắc đến chị. Như một bút danh, như một sự ẩn danh và quan
trọng đấy là nguyên tắc của chị mà tôi đã cam kết.
Dịch giả ttlan chia sẻ “Khi Duyên Anh ra đi tháng 2 năm 1997, ông đã để
lại cả một sự nghiệp văn chương với hơn 50 tiểu thuyết cho trẻ thơ cũng
như cho người lớn đã được ấn bản. Mãi cho đến đầu năm 2017, con trai
ông, Vũ Thiện Sơn, để tưởng niệm 20 năm giỗ ông, có ước muốn đem ra ấn
hành những tác phẩm ông đã hoàn tất nhưng chưa bao giờ xuất bản. Tôi
được giao cái trọng trách soạn thảo những tác phẩm này. Là một độc giả
trung thành với Tủ sách Dzũng Đakao ngày xưa, lẽ dĩ nhiên tôi bắt tay
vào việc với sách cho tuổi thơ trước tiên. Và như thế, “Danh ná” đã ra
đời và bây giờ “Nhóc tì phản động”, hai cuốn sách cuối cùng Duyên Anh
viết cho tủ sách Dzũng Đakao”.
Chị Lan luôn dành sự trân quý cho những người đấu tranh trong nước, nhất
là những người trẻ. Đối với người thiếu niên can trường Nguyễn Mai
Trung Tuấn, chị bày tỏ sự cảm phục và yêu mến một cách đặc biệt. Đó cũng
chính là lý do chị nghĩ đến cậu khi viết lời đề tặng cuốn “Nhóc tì phản
động” của nhà văn Duyên Anh để giới thiệu đến độc giả.
Cuối cùng, xin chúc mừng những người dân oan, những người tù oan đã trở
về dù án tù này là oan khuất, dù tự do này là sự kìm kẹp và bấp bênh.
1/9/2017
No comments:
Post a Comment