Dẫu biết sinh tử là quy luật của đời người, nhưng vẫn bàng hoàng
khi nghe tin ông đột ngột qua đời. Gặp ông nhiều lần trong chương trình Tri Ân
Thương Phế Binh VNCH, nhưng những gì tôi biết về ông còn quá ít ỏi. Ông từng là
một sĩ quan Quân Y của sư đoàn nhảy dù Quân lực VNCH. Thời kỳ cuối cuộc chiến,
ông là bác sĩ phục vụ chiến trường thuộc Tiểu đoàn 6 nhảy dù. Ông còn là một
cựu Hướng đạo sinh năng nổ, dễ mến. Sau năm 1975, ông vẫn dấn thân trong phong trào Hướng Đạo dù gặp muôn vàn khó khăn. Và, một ông già ngoài 70 tuổi (*) sống
nghèo khó trong căn nhà tuềnh toàng, đi đi về về mỗi ngày với những vui buồn
của tha nhân, bộn rộn với các công việc bác ái ngoài xã hội.
Đấy là những gì tôi biết về ông, bác sĩ Quân.
Khi tôi vào Sài Gòn cuối năm 2015, có dịp tham gia một vài buổi
tầm soát sức khoẻ, khám chữa bệnh cho TPB tại văn phòng Công lý - Hoà Bình
thuộc DCCT, đã thấy ông ở đấy. Ông là một trong số rất ít bác sĩ dám mạo hiểm
tham gia chương trình này. Tôi dùng từ “mạo hiểm” vì không phải bác sĩ nào,
không phải ai cũng sẵn sàng làm việc này dù trong lòng rất muốn. Họ sợ, sợ chế
độ, sợ công an. Có một vài bác sĩ cũng từng tham gia khám chữa bệnh cho Thương
phế binh nhưng bị đe dọa, bị gây sức ép nên đành thôi.
- Bác vừa bị chúng nó ép xe, đạp bác xuống lòng đường. Bác cũng
đạp lại, chúng nó ngã rúi rụi.
Vừa nói, ông vừa kéo ống quần lên, chỉ cho tôi thấy vết trầy
xước còn đang rỉ máu ở chân. Không quan tâm đến vẻ lo lắng của tôi, không để
tôi kịp xuýt xoa lấy vài câu, ông nhè nhẹ đập vào chỗ đau:
- Không sao, quen rồi. Kệ chúng nó muốn làm gì thì làm. Mình chả
sao. Chúa che chở cho mình hết. Và ông cười. Nụ cười tươi rói và hồn nhiên như
trẻ thơ.
Tôi nhớ nhất hôm ấy, cái hôm mà tôi đang ôm bụng, nhăn nhó kêu
đau, ông đến. Không hiểu sao ông lại tới khu nhà trọ chỗ anh chị em chúng tôi
tá túc, vào buổi tối muộn như thế. Một cách rất tự nhiên, ân cần, ông
bảo:
- Đừng lo, em bé lớn, chèn vào các dây thần kinh nên đau. Tại
con lớn tuổi, mang thai lần đầu, sức khoẻ yếu lại chịu cảnh tù đày nên đau hơn
người khác. Ráng chịu nhé.
Rồi ông phân tích cho tôi hiểu những triệu chứng mà một thai phụ
thường gặp phải, nhất là gần đến ngày sinh nở. Ông cũng hướng dẫn cho tôi tập
một vài động tác để giảm bớt cơn đau.
Hôm ấy ông phải trèo tường, qua mặt bọn mật vụ đang lượn lờ
quanh nhà để trốn đi, đến chỗ chúng tôi ngủ. Ông không muốn bỏ lỡ buổi khám
chữa bệnh cho Thương phế binh VNCH vào ngày hôm sau, nên phải “dạt vòm” đi từ
tối hôm trước như thế. Cú chèo tường lại làm ông què chân một lần nữa. Nhìn vết
thương ở cả chân lẫn cánh tay ông chảy máu, tôi không dám xuýt xoa, sợ ông lại
bảo “không sao”, rồi đổi ý không chịu xức thuốc. Ông là thế, rủi ro hoặc tai
họa nào của bản thân cũng xem nhẹ, cũng đều “không sao cả”. Hôm ấy có lẽ là lần
tâm sự dài nhất của ông với vợ chồng tôi. Những lần gặp gỡ khiến tôi luôn có ấn
tượng rằng hình như ông không bao giờ biết buồn.
Ngoài công việc khám chữa bệnh của một bác sĩ, lúc nào tôi cũng
thấy ông cười, ông hát hoặc đùa giỡn với những người xung quanh. Vui lắm, chan
hoà lắm. Vì thế, chẳng mấy ai nghĩ đến một ngày nào đó ông sẽ bỏ chúng tôi mà
đi. Cũng buổi tối hôm ấy, trong những câu chuyện ông kể, chúng tôi thấy gợn một
chút buồn. Ông không kể chuyện đời tư ngoài việc ông từng là một bác sĩ quân y
thời Việt Nam Cộng Hoà. Tôi cảm nhận được nỗi buồn ấy. Nỗi buồn, niềm xót
thương cho những phận người, phận mình đã chẳng còn được những ngày tươi đẹp.
Sau biến cố năm 1975, ông không còn là một Hướng đạo sinh, không còn là một bác
sĩ nữa. Ông cũng không làm việc cho một bệnh viện nào thời cộng sản. Nhưng cuộc
đời dầu sao vẫn luyến thương ông, để ông vẫn được là bác sĩ của những TPB VNCH.
Ông có cơ hội để phục vụ, để sống nốt với hoài bão và lý tưởng của mình. Cho dù
hoài bão ấy, lý tưởng ấy đôi khi còn rỉ máu.
Nét hồn nhiên, vui tính của bác sĩ Quân nhiều lúc khiến không ít
người lầm tưởng rằng ông không mấy quan tâm đến tâm sự của người khác.
- Ba mẹ Tôm đừng lo, có ông Quân đây, không ai bắt nạt được bé
Tôm hết. Ông là ông của Tôm, là gia đình của Tôm. Đừng sợ không có ai, mọi
người đều thương cả nhà Tôm mà.
Ông nựng nịu đứa trẻ vẫn còn nằm trong bụng như là cách để ông
vỗ về ba mẹ nó. Có lẽ, vị bác sĩ già thương cảm cho hoàn cảnh của vợ chồng tôi
từ lâu, hôm nay mới có dịp tỏ bày. Chúng tôi đã cảm động, và vui lắm.
Gia đình bác sĩ Quân hầu hết theo đạo Phật nhưng ông gắn bó với
những người Công giáo. Ông tin Chúa. Ngoài việc khám chữa bệnh trong chương
trình Tri ân TPB VNCH, từ nhiều năm nay, mỗi sáng ông đều thức dậy từ sớm, dắt
chiếc xe gắn máy cũ kỹ ra khỏi nhà, bắt đầu một ngày với nhiều công việc bác ái
khác nhau. Ông tham gia nhiều công việc phục vụ Hội thánh và hướng dẫn nhiều
bạn trẻ Công giáo những việc như thế. Cho tới tận khi ông qua đời, người ta mới
biết ông đã được cha phó Giáo xứ Tân Định làm nghi thức rửa tội cách nay chừng
hai năm, tên thánh là Joseph. Thông tin này được một người bạn thân của ông
chia sẻ. Trang facebook Tri Ân TPB VNCH có đưa tin “Vì bác sĩ Quân là trưởng tộc nên có khó khăn. Bác sĩ Quân có dặn
người bạn về ước muốn theo Chúa của ông và dặn khi mất giúp làm tang lễ theo
nghi thức Công giáo”. Chính vì thế nên một số Linh mục DCCT đã
trao đổi với gia đình bác sĩ Quân về việc sẽ tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho
ông và gia đình đã đồng ý. Vậy là mong muốn cuối cùng của cuộc đời ông, mong muốn
được về với Chúa cũng được toại nguyện.
Trong một lần chia sẻ lời Chúa với chúng tôi, cha Vinh Sơn Phạm
Trung Thành - Nguyên Giám tỉnh DCCT VN, có nói rằng "khi ta chết đi,
điều duy nhất Chúa sẽ hỏi là "khi sống, ngươi có yêu thương mọi người
không?” Chúa không hỏi khi sống ta làm được gì. Không quan tâm ta là ai, là
Linh mục, bác sĩ, nhà văn hay công nhân. Chúa sẽ không hỏi ta xây được bao
nhiêu ngôi nhà từ thiện, cứu được bao nhiêu con người v.v... Điều Chúa quan tâm
là khi sống, ta có yêu thương người khác như Chúa đã yêu thương ta không. Vì
Chúa muốn chúng ta yêu thương nhau. Vì chỉ có tình yêu thương mới có ý nghĩa,
mới đem lại hạnh phúc, đem lại hoà bình và đem lại sự sống đời đời”.
Bác sĩ Quân là một người như thế. Cho dù ông đã trải qua nhiều
biến cố khổ đau và chết trong nghèo khó. Nhưng ông đã sống một đời để yêu
thương.
Chú thích: (*):
Bác sĩ Quân năm nay 76 tuổi. Sau khi Miền Nam bị cộng
sản cưỡng chiếm, ông hủy hết mọi giấy tờ, vết tích chứng minh ông là một bác sĩ
Quân Y của sư đoàn nhảy dù. Thời ấy, không riêng gì bác sĩ Quân mà nhiều cựu quân
nhân cán chính VNCH đã lựa chọn cách như thế với hy vọng tránh được phần nào
tai họa do cộng sản giáng xuống. Nhưng bác sĩ Quân vẫn phải đi tù cải tạo, tôi
không nhớ rõ là ông bị đi bao nhiêu năm.
Dưới đây là một vài hình ảnh về bác sĩ Quân.
Nguồn hình: Trang Tri ân TPB.
Bác sĩ Quân trong một buổi khám chữa bệnh cho các ông TPB VNCH tại nhà thờ DCCT Sài Gòn |
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành- nguyên Giám tỉnh DCCT Sài Gòn và các anh chị em Thiện nguyện viên trong tang lễ bác sĩ Quân |
Ngôi nhà dột nát, dán giấy báo và ban thờ bác sĩ Quân |
No comments:
Post a Comment