(Trích "Những mảnh đời sau song sắt")
Tôi dám chắc với bạn rằng,
người ta có thể sẵn sàng chấp nhận, thậm chí mơ ước được chết nhưng chưa một ai
trong thế giới con người có nhu cầu ở tù, nhất lại là nhà tù cộng sản. Đó là điểm
chung tuyệt đối và bình đẳng của loài người.
Nhưng người ta vẫn muốn
biết về nhà tù, về cuộc sống của những con người trong cái nơi mà bản thân tên
gọi của nó vốn tạo nên sự “rùng rợn” và gợi trí tò mò một cách mãnh liệt.
Nhiều người tin rằng “kẻ
phạm tội” đáng bị quăng quật vào cuộc sống khổ ải trong tù như thế. Tuy nhiên,
ít người đủ lý trí, sự công tâm và lòng trắc ẩn để hiểu rằng yếu tố phạm tội,
án tù dành cho một con người tất nhiên còn phải xét hành vi, việc làm, hậu quả
gây ra (nếu có) của người bị kết án, rồi xét đến hệ thống luật pháp (lạc hậu
hay tiến bộ, phục vụ cho ai) với các yếu tố liên quan khác. Đề tài này không thể
bàn trong một bài viết ngắn bởi một người không có chuyên môn như tôi. Và cũng
không phù hợp trong khuôn khổ câu chuyện tôi sắp kể. Tuy nhiên, cần khẳng định
ngay là trong tương lai, hệ thống pháp lý tại Việt Nam (chứ không riêng phạm vi
liên quan đến công tác xét xử hay án tù) sẽ phải xây dựng lại từ đầu nhằm kiến
tạo một nhà nước dân chủ thời hậu cộng sản.
Nhắc đến hai chữ “nhà
tù”, người ta liên tưởng ngay đến sự trừng phạt và khốn cùng. Cuốn sách nhỏ
này, không có tham vọng làm thỏa mãn mọi hình dung hay đáp ứng những tìm hiểu cần
thiết của quý độc giả về nhà tù cộng sản. Song, hy vọng rằng người đọc sẽ nhìn
thấy một góc nho nhỏ trong nhà tù với những câu chuyện còn chưa kể hết trong
khoảng thời gian bốn năm tù của tôi. Tất nhiên, tùy thuộc vào từng vùng miền cụ
thể, hay mỗi giai đoạn lịch sử, câu chuyện tù của mỗi người mỗi khác. Cho dù
như thế, cũng cần thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng nhà tù cộng sản là hiện hữu
của mọi khổ đau cùng cực, mọi nỗi uất hận nghẹn ngào. Là đau thương, rệu rã, mệt
mỏi, tăm tối và cả chết chóc. Là sự tàn bạo và bất lực, là nhẫn tâm, thù oán,
là trông đợi, tuyệt vọng, là nỗi chết. Và là “địa ngục”. Địa ngục của những con
người vẫn còn đang hít thở, đi lại và cười khóc.
Abraham (Harold)
Maslow(*) nhà tâm lý học người Mỹ cho rằng, về căn bản nhu cầu của con người được
chia làm hai nhóm chính: nhu cầu cơ bản (basic needs) và nhu cầu bậc cao (meta
needs). Dựa vào sự phân loại của Maslow, những gì diễn ra hàng ngày với lũ tù
chúng tôi không hẳn là “cuộc sống”, nó chỉ gần giống như thế mà thôi. Chính xác
hơn, nó là mộc cuộc “tồn tại”.
Chúng tôi chỉ được “hưởng”
một phần ít ỏi các nhu cầu tự thân, tối căn bản của con người. Nếu không phải
là một người tù, hẳn bạn sẽ không bao giờ biết rằng ngoài cái ăn, nhu cầu được
hít thở, ngủ, tắm, đi vệ sinh… lại quan trọng như thế. Mà đã thuộc về những nhu
cầu tự thân thì dù là ông tổng thống Hoa Kỳ, tổng bí thư đảng cộng sản, ông
giáo sư, nhà tu hành, anh kỹ sư, chị công nhân, cậu bé đánh giày, chị lao công
quét rác hay một người tù -như tôi, đều bình đẳng. Tất nhiên khái niệm “bình đẳng”
cần được hiểu theo nghĩa để duy trì sự tồn tại, sự chuyển động của cái hình hài
mang tên Con Người. Thiếu những thứ ấy, con người không còn tồn tại.
Và đây là những điều tôi
muốn kể bạn nghe về tiêu chuẩn ăn, mặc, ở mà lũ tù chúng tôi được hưởng trong
nhà tù trại 5 Thanh Hóa. Đương nhiên chỉ tính thời gian tôi ở đây, tức là giai
đoạn từ tháng 3 năm 2010 đến tháng 9 năm 2012 thôi. Theo lời kể của những người
tù lâu án dài, thì điều kiện giam giữ trước thời gian tôi lên trại, hay nhiều
năm trước nữa, khó khăn và khốn khổ hơn nhiều.
Tiêu chuẩn về “Ăn”:
Mỗi tù nhân trong một
tháng được 17 kg gạo; 07 lạng thịt lợn; 08 lạng cá; 05 lạng đường; 15 kg rau xanh;
0,75 lít nước mắm; 01 lạng bột ngọt và 15kg than và củi.
Nhà nước căn cứ vào giá cả
thị trường thực tế tại địa phương để định lượng cho các tiêu chuẩn này.
Quy định còn ghi rõ, các
ngày lễ tết được ăn thêm “nhưng không quá năm lần tiêu chuẩn ngày thường”. Con
nhỏ của “Phạm nhân” (chữ quy định của nhà nước) được hưởng như mẹ, được tặng
quà trong ngày lễ thiếu nhi 1/6 và tết Trung thu.
Tiêu chuẩn về “Mặc”:
Một người tù mỗi năm được
phát hai bộ quần áo đồng phục tù; 01 chiếc chiếu; 01 chiếc nón lá; 01 đôi dép
nhựa; 03 lạng xà phòng; 02 bộ đồ lót. Mỗi bốn năm được cấp 01 chiếc màn; 01 chiếc
chăn. Phải đủ hoặc hơn bốn năm mới được, chưa đủ thì… đừng mơ. Người mới lên trại,
cũng phải chờ nộp đủ bốn năm công tù mới được hưởng xuất chăn màn như thế. Ngoài
ra mỗi tháng, mỗi người được phát hai gói giấy vệ sinh, loại vuông mỏng dính,
80 tờ một gói.
Tiêu chuẩn về “Ở”:
Theo quy định thì tiêu
chuẩn chỗ nằm dành cho mỗi người tù là 2m2, tức phải rộng 5 viên đá hoa 20 cm,
dài 10 viên. Trên thực tế, nhà tù luôn quá tải nên người tù chỉ được 60 cm bề
ngang.
Những thứ tôi liệt kê ở
trên gần như là tất cả những gì bạn có. Trong khi bạn vẫn phải lao động khổ
sai, phải chấp hành vô số những quy định ngặt nghèo, vô lý khác của trại giam
và của chính cai tù đặt ra. Bạn sẽ đo lường được khả năng tồn tại và mức độ chịu
đựng của mình trong nhà tù cộng sản.
Đấy là về số lượng thôi,
chưa bàn đến chất lượng. Hãy đặt mình vào vị trí của kẻ “không gia đình”, tức
là không có người thăm nuôi, không được tiếp tế, bạn sẽ xoay sở thế nào để tồn
tại nếu không có sự cưu mang của bạn tù? Bạn tù, tức là những người cũng khốn
khổ như mình, có điều hàng tháng hoặc thi thoảng họ được gia đình tiếp tế để
không phải ngửa tay đi xin từng cuộn băng vệ sinh, cái bàn chải đánh răng hay
ít dầu gội đầu.
Nhắc đến băng vệ sinh,
tôi lại nhớ đến những chuyện cười khóc, khóc cười trong cái Phân trại chật trội
với hơn một ngàn nữ tù nhân khốn khổ.
Hôm ấy, lần đầu tiên tôi
đến tháng kể từ ngày lên trại. Thì chuyện ấy có gì lạ đâu, người phụ nữ nào chẳng
như nhau. À không, không hẳn thế. Tôi đã lo lắng và hốt hoảng bao nhiêu khi chứng
kiến nhiều chị em lúc vào tù đã không còn cái sự bình thường của người phụ nữ nữa.
Gọi ngắn gọn là “mất kinh”. Có người bị “tịt” đến mấy tháng mới có lại. Có người
một vài năm và có người thì mất hẳn. Khi ra tù, tôi có hỏi một số bác sĩ, được
họ giải thích rằng, do bị thay đổi môi trường sống và vì yếu tố tâm lý nên xảy
ra hiện tượng đó. Tôi may mắn đã không bị rơi vào tình trạng đáng sợ ấy.
Tôi không hiểu vì sao chị
Hoa, người bạn tù bên cạnh cứ liếc sang chỗ tôi, dường như muốn gợi chuyện. Ba
mươi ba tuổi, tôi không còn thấy xấu hổ khi bị bạn tù nhìn trộm lúc đang dán miếng
băng vệ sinh vào đáy quần lót, giống như việc chị ta làm mỗi kỳ kinh nguyệt.
Hình như chị ta muốn nói gì đó, song lại thôi.
Ít hôm sau, đến lượt chị
ta làm cái việc giống như tôi hôm bữa. Nhưng ở đáy quần lót của chị Hoa không
phải miếng băng vệ sinh trắng phau như của tôi, mà là một miếng vải vụn đã cũ.
Tôi bần thần, chẳng muốn tin vào điều mình vừa trông thấy.
Chị Hoa người dân tộc
Thái. Khi tôi vào, chị đã ở nhà tù này gần chục năm rồi. Chị bị án chung thân
vì buôn bán ma túy. Chị hiền, tôi không hiểu vì sao tôi lại gặp nhiều người phụ
nữ hiền như thế trong nhà tù. Những chị Hoa, chị Quế, chị Mùi, chị Huyền, chị
Minh ở cùng buồng giam với tôi, nhẹ nhất cũng mười sáu năm hoặc chung thân. Tôi
tưởng đi buôn ma túy là phải ác, phải dữ dằn, chí ít cũng cần ghê gớm một chút
chứ.
Trong túi nội vụ của chị
Hoa và của nhiều người tù “không gia đình”, luôn có những miếng vải vụn như thế.
Nó được cắt ra từ những bộ quần áo cũ, rồi giặt sạch sẽ, khâu lại cẩn thận để
dùng thay cho băng vệ sinh hàng tháng. Không phải chị Hoa không mua nổi cái thứ
tối cần thiết ấy, mà chị muốn để dành tiền đóng khoán. Số tiền ít ỏi chị dành dụm
được từ việc múc nước, giặt quần áo và rửa bát thuê cho những người tù khác.
May mà làm thuê cho tù còn được trả công, không giống như làm cho trại, cho cai
tù, vớ vẩn còn bị phạt, hoặc bị kỷ luật thì hết giảm án.
Ra đến xưởng lao động là
chị cặm cụi ngồi, mắt không rời chiếc khung thêu. Thậm chí, buồn đi tiểu chị
cũng nhịn: “Chờ hết giờ làm rồi về buồng
“đái” một thể”. Chị hay nói với tôi như thế. Chị tiếc mấy đường kim mũi chỉ,
thiếu sản phẩm sẽ không được giảm án. Sức tù không đáp ứng nổi mức khoán “trên
trời” nên phải mua sản phẩm từ người tù khác, hoặc nộp tiền cho cai tù mới đủ
chỉ tiêu. Nói thô một tí, thì cái mong muốn thoát khỏi nhà tù cấp thiết hơn nhu
cầu đi đái, đi ỉa, quan trọng hơn cả sĩ diện. Cho dù cái sự cấp bách ấy có khi
bắt người ta phải chờ đợi và gồng mình phấn đấu đến ngót hai mươi năm trời.
Từ hôm ấy, mỗi tháng tôi
cho chị Hoa hai cuộn băng vệ sinh. Nhưng tôi vẫn trông thấy chị dùng các mảnh vải
cũ để lót. Hỏi, thì chị nói dùng vải cũ quen rồi, hai cuộn băng vệ sinh ấy để
bán lấy tiền, “tiết kiệm được chừng nào
hay chừng ấy”. Lần nào chị cũng nói như thế. Tôi phát bực, nhưng vẫn cho.
Sau này tôi chuyển buồng, chị Hoa bị mất một khoản thu nhập nho nhỏ là hai cuộn
băng vệ sinh hàng tháng. Không phải tôi không thương chị nữa, nhưng trong nhà
tù chật chội này, đi từ khu nhà giam nọ đến khu nhà giam kia có vài bước chân
thôi, cũng là xa lắm. Vả lại, buồng giam mới cũng có người dùng vải vụn thay
cho băng vệ sinh, tôi lại có người để cho.
Những người tù lâu, thậm
chí có người phải trở lại Trại 5 này đến lần thứ ba, đều coi chuyện không được
phát băng vệ sinh là chuyện bình thường. Họ ngạc nhiên lắm, có chị tái cả mặt
khi nghe tôi nói “nhà tù phải có nghĩa vụ
cung cấp băng vệ sinh cho chúng mình”. Người ta rỉ tai nhau câu ấy, cứ như
sắp có cuộc cách mạng đòi băng vệ sinh trong Phân trại đến nơi.
Tôi gặp cai tù hỏi vì sao
không phát băng vệ sinh. Hồi ấy mới lên trại, tôi còn chưa phân biệt được cai
tù to với cai tù nhỏ nên gặp người nào hỏi người ấy.
Người thì nói “quy định của nhà nước bao nhiêu năm vẫn thế.
Chúng tôi chỉ thi hành chứ có làm ra luật đâu”. Lại cai tù khác trả lời “Thì băng vệ sinh đã được thay bằng giấy vệ
sinh còn gì”. Hỏi thêm vài câu nữa thì được trả lời rằng “có thắc mắc gì chị đi mà gặp Ban giám thị.
Chúng tôi không biết”.
Nhưng Ban giám thị không
ai muốn gặp tôi. Có lần tôi đã thấy thấp thoáng bóng dáng bà Nguyễn Thị Can,
phó Giám thị đang lượn ngoài sân chung, vừa chạy ra bà ta đã biến mất.
Tôi không coi chuyện đòi
hỏi để được hưởng xuất băng vệ sinh hàng tháng là một cuộc tranh đấu gì ghê gớm.
Nhưng những bạn tù yêu quý tôi thì căng thẳng lắm. Họ khuyên tôi mặc kệ mọi sự,
lý luận rằng “Không có mày thì bọn tù vẫn
thế, vẫn chịu khổ được, có ai chết đâu. Với lại đòi cũng không được. Chả bao giờ
chúng nó nhượng bộ”. Tôi bảo: “Đã đòi
đâu mà nói không được. Các chị không cần, nhiều người khác cần”.
Nhưng tôi không vội. Tôi
cũng không hề nghĩ đến chuyện phải tuyệt thực để yêu cầu cai tù phát băng vệ
sinh cho phụ nữ ở trong tù. Cai tù sai ăng -ten dò hỏi ý tôi, sẽ làm gì tiếp theo
để “đòi băng vệ sinh”. Tôi cứ nửa đùa nửa thật, thái độ khi bông phèng, khi
nghiêm túc. Khiến họ không biết đằng nào mà lần.
Bẵng đi vài tháng, tôi
không đả động gì đến chuyện đòi băng vệ sinh nữa. Cả tù lẫn cai tù đều tưởng
tôi quên, hoặc đã buông, thoái lui không muốn đòi hỏi hay hoạnh họe gì nữa. Hôm
ấy gia đình lên thăm, tôi vui lắm. Tôi sẽ lại được gặp mẹ và các chị gái của
tôi. Những cuộc thăm viếng, tiếp tế của gia đình khiến cuộc đời tù bớt cơ cực
và bớt dài. Trên đường đi bộ từ Phân trại ra nhà thăm gặp, tôi nói với người
cai tù:
- Tôi hỏi thật nhé, nếu
bây giờ có một tù nhân tuyệt thực đến chết chỉ để đòi quyền được cấp phát băng
vệ sinh, thì sao nhỉ?
Chị ta bất ngờ, chỉ lặng
thinh, không nói một lời. Tôi cũng không nói thêm một câu nào nữa.
Chiều hôm ấy, tôi đang đi
dạo quang sân trại thì có người tìm. Chị Nga Phúc đang ngồi chờ tôi ở gần khu bệnh
xá.
- Này, chúng nó sắp phát
băng vệ sinh đấy. Hôm nọ chị đi họp, thông báo rồi. Nhưng mày cấm được để lộ ra
là chị khoe đấy nhé.Không thì chết tao.
Vẻ mặt chị Nga Phúc lúc ấy
khó tả thật. Vừa căng thẳng, sợ sệt, nhưng vẫn không giấu được vẻ mãn nguyện.
Làm như cái sự cai tù phải nhả băng vệ sinh ra là chiến thắng lớn lao lắm không
bằng. Mà cũng lớn lao thật, từ trước tới nay đã được thế bao giờ.
Thường thì tôi rất ít ra
sân chung xếp hàng nghe cai tù đọc thông báo hay giáo huấn mỗi thứ hai đầu tuần,
trừ khi muốn chứng kiến điều gì đó mà mình quan tâm. Được chị Nga Phúc rỉ tai từ
trước, tôi ra xếp hàng chứng kiến thành quả “cuộc cách mạng đấu tranh đòi băng
vệ sinh” của mình. Đấy là câu từ mà cánh tù mỉa mai, vụng trộm nói với nhau.
Vậy là từ nay trở đi, chị
Hoa, chị Quế, chị Mùi và nhiều chị tù “không gia đình” ở khắp cái Phân trại số
4 này sẽ không phải dùng vải vụn để lót mỗi chu kỳ kinh nguyệt nữa. Nhưng cơn mừng
rỡ của lũ tù nhân nữ không trọn vẹn. Xuất giấy vệ sinh hàng tháng bị cắt. Nói
cho chính xác, nó đã được thay thế bằng băng vệ sinh, chứ cai tù chẳng mất đi
đâu đồng nào. Đa số chị em đều hài lòng, nhưng các bà già thì thất vọng. Có người
chửi thầm ngay trong lúc cai tù còn chưa nói xong. Tất nhiên là chỉ chửi đủ cho
người bạn ngồi sát bên cạnh nghe thấy.
- Các chị sinh từ năm
1952 trở về sau thì được phát băng vệ sinh. Những chị sinh từ năm 1952 trở về
trước thì được phát giấy.
Người cai tù dõng dạc,
như vừa tuyên bố ban phát một ân huệ trước nay chưa từng có.
- Dở hơi!
Những người tù xung quanh
quay sang nhìn tôi, không ai dám bàn tán. Mấy cai tù đứng gần đấy cũng nghe thấy,
nhưng lờ đi.
Tôi buông tiếp một câu nữa,
cố tình để những người xung quanh nghe thấy:
- Sinh năm 1952, tức là
năm nay đã 59 tuổi. Má ơi, 59 tuổi vẫn bị ép dùng băng vệ sinh.
Tôi ít khi cười khẩy,
nhưng nó thích hợp trong tình huống này. Nói xong, tôi đứng dậy, bỏ xuống khu
căng tin chơi với thằng Bimbo, chờ giờ xuất trại. Tôi bỏ đi để đỡ phải nghe những
điều ngớ ngẩn. Không cai tù nào cản tôi hoặc yêu cầu tôi trở lại vị trí xếp
hàng. Họ quen với việc tôi “một mình một kiểu” rồi, không muốn can thiệp.
Tôi coi phận sự của mình
đến đấy là xong. Còn việc phân loại tuổi tác, ai mãn kinh, ai còn kinh để chọn
lựa giữa băng vệ sinh với giấy vệ sinh là việc còn lại của tù nhân và cai tù. Tất
nhiên, không phải người tù nào cũng hiểu vì sao bỗng nhiên họ lại được phát
băng vệ sinh sau bao nhiêu năm ở tù dài đằng đẵng. Tôi cũng không nghĩ mình ghê
gớm hay tài giỏi gì cho lắm khi làm được cái việc cỏn con như thế. Với lại, cai
tù chẳng bao giờ thừa nhận vì tôi mà họ phải nhượng bộ. Tất cả đều do sự nhân đạo
của đảng mà ra. Nhân đạo nên mới phát băng vệ sinh phụ nữ cho tù. Chỉ có điều,
trước khi tôi vào, họ chưa kịp thi hành chính sách nhân đạo ấy thôi. Tôi thì chẳng
quan trọng, miễn là chị em không phải nhếch nhác, khổ sở mỗi khi đến tháng. Mọi
chuyện khác không đáng nhắc đến.
Chuyện đọa đày, chuyện
ăn, mặc, ở còn dài lắm. Nó là chuyện hàng ngày của người tù. Mà chuyện hàng
ngày, thì kể đến bao giờ mới hết.
Chú thích: Abraham
(Harold) Maslow (1/4/1908- 8/6/1970) là một nhà tâm lý học người Mỹ. Ông được
thế giới biết đến qua mô hình nổi tiếng Tháp
nhu cầu và được coi là cha đẻ của tâm
lý học nhân văn.
No comments:
Post a Comment