Pages

Friday, May 03, 2019

CHÚNG CÒN MUỐN "GIẢI PHÓNG" NGƯỜI DÂN ĐẾN BAO GIỜ?

Vài năm gần đây, chiêu bài “hòa hợp, hòa giải dân tộc” dường như không còn mấy tác dụng. Nó chỉ như một cái cớ để các thành phần “phò đảng” lấy đó làm đề tài viết lách, khua môi múa mép tuyên truyền bậy bạ nhằm lấy điểm với chế độ. Với đại đa số dân chúng, người ta hoặc không quan tâm, hoặc đã hiểu cái gọi là “hòa hợp hòa giải” thực chất chỉ là trò lừa bịp, thậm chí “đuổi cùng diệt tận”.

Biến cố 30/4/1975 thực sự là “siêu thảm họa” theo cách đánh giá của cựu tù nhân nhân quyền, blogger Nguyễn Ngọc Già. Có lẽ, phải chờ đến một thể chế dân chủ và cần nhiều năm sau nữa người ta mới đánh giá được chính xác (hoặc tương đối chính xác) mức độ thiệt hại, hay phản ánh đầy đủ hơn về những đau thương mà dân tộc chúng ta phải gánh chịu. Cuộc chiến kết thúc ngày 30/4/1975 nhưng lại bắt đầu cho hàng loạt những thảm cảnh khác, kéo dài suốt gần nửa thế kỷ cho cả dân tộc. Tất nhiên, nạn nhân nặng nề nhất vẫn là các cựu quân nhân cán chính hoặc những người liên quan, hoặc bị nhà cầm quyền cho là liên quan đến chế độ VNCH.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ không nhắc lại cách hành xử của nhà cầm quyền với người dân Miền Nam, với các cựu quân nhân VNCH suốt mấy chục năm qua mà mỗi chính sách, hành động của họ đều là một tội ác. Chưa có thống kê cuối cùng, nhưng nhiều người cho rằng số người chết sau khi bị “giải phóng” đã lên đến con số “triệu”. Chết, bao gồm cả bị giết trong và sau ngày 30/4/1975. Chết, có thể là vì bị tra tấn, vì đói rét, bệnh tật và điên loạn trong các nhà tù (được gọi nhẹ đi là trại cải tạo) trên khắp mảnh đất hình chữ S này. Chết, có thể là trên đường vượt biển, chạy trốn họa cộng sản. Hoặc trên vùng kinh tế mới hay tại các trại tị nạn. Chết, có thể vì không chịu đựng nổi sự tra tấn về tinh thần, sự khủng bố trong đời sống hàng ngày mà phải lựa chọn nó như một cách giải thoát.

Có vô số người chết trong tức tưởi thì cũng có vô số người sống trong lầm lũi, tủi hờn. Giá như cứ để họ được sống lầm lũi qua ngày thì vẫn còn là điều may mắn. Gần nửa thế kỷ trôi qua sau cái ngày kinh hoàng ấy, họ vẫn bị bách hại, bị săn đuổi, bị đe dọa và bị “giải phóng”. Đằng sau mỹ từ “hòa hợp hòa giải” là bao nhiêu tội ác không dễ gì đong đếm được. Và những ngày cuối tháng tư này, người ta một lần nữa giật mình nghĩ đến thân phận của các cựu quân nhân VNCH qua câu chuyện 14 ông TPB đơn thân vừa bị săn lùng và xua đuổi đúng dịp tưởng niệm biến cố lịch sử đầy đau thương, đen tối này.

Trước khi nói đến câu chuyện các ông TPB đơn thân được đảng “giải phóng” lần thứ 3 sau 44 năm cướp được miền Nam, những tưởng cần nhắc lại một chút về Chương trình “Tri ân TPB VNCH” của một số Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế-Sài Gòn. Công việc giúp đỡ các ông TPB VNCH khởi đi từ Hòa thượng Thích Không Tánh và Thượng tọa Thích Thiện Minh (hai thầy đều là cựu TNLT). Lúc đầu, các thầy tổ chức việc tri ân tại Chùa Liên Trì -ngôi Chùa sau này đã bị cộng sản phá hủy hồi tháng 9/2016. Nhưng về sau, số lượng các ông TPB ngày càng đông. Thêm nữa, nhà cầm quyền gia tăng khủng bố, phá phách, gây sức ép nên Chùa Liên Trì không còn đủ sức để lo cho các ông. Năm 2013, Hòa thượng Thích Không Tánh đã đề nghị Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành (khi ấy là Giám tỉnh DCCT) tiếp nhận, giúp đỡ. Từ đó, Linh mục Phạm Trung Thành cùng một số Linh mục khác như các cha Lê Ngọc Thanh, Hồ Đắc Tâm, Đinh Hữu Thoại, Lê Xuân Lộc, Trương Hoàng Vũ, Lê Quang Uy… đã liên tiếp tổ chức các đợt khám chữa bênh, trao quà, gặp gỡ cho hàng ngàn ông TPB. Ngoài ra, các cha còn đích thân hoặc cử các thiện nguyện viên đến nhà các ông TPB (kể cả các tỉnh xa) để thăm hỏi, giúp đỡ, hỗ trợ việc xây mới hoặc sửa sang nhà cửa, chỗ ở.

Năm 2018, các Linh mục DCCT mua được một mảnh đất và xây 6 căn phòng tại Vườn rau Lộc Hưng (VRLH) rồi đưa 18 ông TPB đơn thân về ở.
Trừ một trường hợp có gia đình ở quê, còn lại đều là những người không gia đình, không vợ con, không nhà cửa. Những tưởng cuối đời đã có chỗ yên thân, không phải vất vưởng ngoài đường phố kiếm miếng ăn nữa. Nhưng chỉ vài tháng sau, nhà cầm quyền đã xua hàng ngàn quân vào “giải phóng” VRLH. Tổng cộng 503 căn nhà, trong đó có nhà của các ông TPB đơn thân bị phá hủy. Đây có lẽ là cuộc cưỡng chiếm, phá hoại tàn bạo nhất, trắng trợn nhất, kinh hoàng và thương tâm nhất trong hàng loạt các vụ phá nhà cướp đất mà Việt cộng đã thực hiện trong hàng chục năm qua. Trong rất nhiều câu chuyện gây rúng động tâm can, người ta bị ám ảnh bởi hình ảnh đôi chân giả của một ông TPB nào đó đã không kịp mang theo khi trốn chạy. Đôi chân giả của người TPB già đơn thân được linh mục Trương Hoàng Vũ tìm thấy trong đống đổ nát khổng lồ khi ông đến VRLH vào sáng 9/1/2019, một ngày sau khi toàn bộ VRLH bị phá hủy.

Nhà bị đập, các ông tứ tán mỗi người một nơi, có ông phải về quê dù quê nhà chẳng còn ai để nương tựa. Sau hơn một tháng tìm kiếm, các cha thuê được căn nhà tại quận Gò Vấp và đón các ông về ở chung để tiện việc chăm sóc. Ở được mấy hôm, công an phường đã mò đến hỏi han, hoạnh họe. Anh Trần Thanh, một thiện nguyện viên tích cực của chương trình Tri ân TPB là người trực tiếp đứng tên làm hợp đồng thuê nhà cho các ông liên tiếp bị sách nhiễu. Anh từng bị những kẻ lạ mặt chặn đánh giữa đường. Lần gần đây nhất, Thanh bị công an mời lên làm việc kèm theo lời cảnh báo “nếu còn lo cho các ông TPB đơn thân nữa thì sẽ bị bắt đi tù”. Tôi hỏi Thanh về thái độ của ông chủ nhà cho thuê trọ, anh kể: “Ổng tội lắm! Ổng tốt, nhưng bị ép quá làm sao mà cố giúp mình được”. Kể cũng đúng, suốt hai tháng cho thuê nhà, công an liên tiếp sách nhiễu, ép chủ nhà phải đuổi khách trọ. Có thời gian, một ngày công an mò đến nhà ông 4 lần, gây áp lực, đe dọa đủ kiểu. Cuối cùng, nhà tù lại được những kẻ bất nhân đem ra nhằm đánh gục lương tâm của một con người “không đuổi bọn người này đi thì chấp nhận ngồi tù thôi”. Có lẽ chẳng ai thù ghét lòng tốt như người cộng sản. Và dường như họ tự đặt cho mình trách nhiệm phải tiêu diệt mọi mầm thiện ở một con người, trong xã hội mà họ cai trị.

Vậy là ngày 28/4/2019, mười bốn ông TPB đơn thân VNCH lại bị nhà cầm quyền “giải phóng”, lần thứ 3 sau 44 năm, lần thứ 2 chỉ trong vòng hơn 3 tháng. Và vào đúng cái ngày mà 44 năm về trước các ông trở thành kẻ thua cuộc, bắt đầu cuộc đời tù đày và lưu vong trên chính mảnh đất quê hương mình

Bây giờ, mười bốn ông TPB đơn thân lại tứ tán mỗi người một nơi. Trong số 14 người này, có 4 ông luôn cần đến sự giúp đỡ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày. Một người cụt hai tay, một người cụt hai chân, một người mù hai mắt và một người bị tai biến. Ai sẽ giúp đỡ, sẵn sàng làm tai, làm mắt, làm đôi chân cho các ông TPB khốn khổ này? Mười người còn lại lang thang khắp đường phố Sài Gòn bán vé số hoặc sửa xe để kiếm thêm thu nhập dù mọi sinh hoạt đã được các cha DCCT chu cấp. Không có chỗ ở cố định, các ông tìm đến những căn nhà trọ tồi tàn, thuê ngắn hạn để ở. Nói là “ngắn hạn” cho sang, thực chất là mướn theo ngày, ở ngày nào trả tiền ngày ấy. Như thế, cho dễ xoay sở khi bị nhà cầm quyền “trục xuất”.

Trong cuộc chuyện trò với các ông TPB đăng trên trang Tin Mừng Cho Người Nghèo, Linh mục Trương Hoàng Vũ đã phải lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ, đặc biệt là về chỗ ở cho các ông. Nhưng ai, ai sẽ bất chấp hiểm nguy để cưu mang những con người khốn khổ này? Ai đủ sức để chống lại đòn thù, tù ngục, bách hại để che chở cho những mảnh đời bất hạnh, và cũng để khẳng định phẩm giá của chính mình.

Tôi rùng mình khi nghĩ đến những ngày vô định sắp tới của các ông TPB đơn thân, cũng là những hàng xóm cũ của gia đình tôi tại VRLH trước cái ngày 8/1 kinh hoàng ấy. Tôi thầm biết ơn gia đình người chủ nhà hiện nay đã dũng cảm cho chúng tôi tá túc. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó anh ấy cũng đứng trước nguy cơ tù đày chỉ vì giúp đỡ chúng tôi?
Chắc không tệ thế đâu, cuộc đời nhỉ!

Đã gần nửa thế kỷ người cộng sản đưa cả dân tộc vào vùng tăm tối sau cái ngày 30/4 định mệnh ấy, họ còn muốn “giải phóng” người dân đến bao giờ?

Phạm Thanh Nghiên

(Hình ảnh các ông TPB đơn thân bị đuổi khỏi nhà trọ hôm 28/4/2019)








No comments:

Post a Comment