Giáp tết, tôi nhận được
tin nhắn của cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành- nguyên Giám tỉnh DCCT, vỏn vẹn mấy
câu sau: “ Cụ Nguyễn Xuân Vinh gửi quà cho con nhờ Đức cha Micae mang về. Cha
đang giữ giúp đây. Khi nào đi đọc kinh cha đưa cho. Ôi! Con người tài ba ấy lại
yêu thương con oắt con (*). Thật tạ ơn Chúa!”
Tôi chỉ biết là sau khi
làm phép nhà cho gia đình tôi và gia đình chú Mạnh (một TPB VNCH) ở Vườn rau Lộc
Hưng xong thì mấy hôm sau Đức Cha sang Mỹ. Hình như Ngài đi hôm mồng 9/1, một
ngày sau khi nhà tôi và hàng trăm ngôi nhà khác ở VRLH bị đập. Ngài về khi nào
tôi cũng không biết, không dám hỏi.
Tôi không biết cụ Nguyễn
Xuân Vinh là ai, nên hỏi cha Thành. “Nhà khoa học lừng danh thời VNCH với những
đóng góp lớn lao cho Nasa. Con nên tìm hiểu về con người tài ba, lỗi lạc ấy. Nhất
là khi cụ quan tâm và yêu thương con. Cụ già lắm rồi con ạ. Điều đặc biệt là mấy
năm trước, cụ nhập đạo Công Giáo với chúng ta.” Cha Thành trả lời.
Tôi lên mạng, gõ ba chữ
“Nguyễn Xuân Vinh”, vừa đọc vừa nín thở. Tôi không thể không sửng sốt, thán phục
“sao Việt Nam lại có người tài ba đến thế”. Nhưng cũng lúc ấy, cảm giác nuối tiếc,
xót xa, cay đắng gợi chút mặc cảm lập tức choán lấy tâm hồn tôi.
Giá như Miền Bắc đừng
“giải phóng” Miền Nam, thì đâu đến nỗi. Chí ít một nửa đất nước vẫn được tự do,
hạnh phúc. Một nửa đất nước vẫn là mảnh đất hiền hoà để sản sinh, dung dưỡng
cho mọi tài năng bất kể xuất thân, gốc gác từ Nam hay Bắc. Nhưng lịch sử đã xảy
ra, éo le, đau đớn và khốc liệt quá sức chịu đựng của con người.
Ít hôm sau, tôi đi nhận
quà. Chiếc bì thư ghi rõ quà tết tặng gia đình tôi, kèm theo dòng chữ mà khi đọc, vợ chồng tôi đều ngậm ngùi “tội
nghiệp, mất nhà cửa”. Tôi không dám chắc đó có phải thủ bút của nhà khoa học
Nguyễn Xuân Vinh hay không vì bên ngoài có tên của một vị bác sĩ. Tôi chỉ biết
là Đức Cha Micae đã nhận giúp tôi món quà này từ chính tay cụ Nguyễn Xuân Vinh.
Lần này tính hỏi Đức Cha cho chắc chắn thì được biết, Ngài lại vừa mới đi Mỹ
xong.
Nhưng là nét bút của ai
thì vợ chồng tôi cũng thấy ấm lòng và thật sự hãnh diện lắm rồi.
Chắc hẳn nhiều người
dân Miền Bắc thời trước, và cả thế hệ chúng tôi về sau này trên cả nước sau
1975 có lẽ ít người được biết về nhà khoa học lừng danh Nguyễn Xuân Vinh và nhiều
nhân tài khác của miền Nam dưới thời VNCH. Hay nói cho rõ ràng, thì một nửa đất
nước từ vĩ tuyến 17 hắt ra thời trước 1975, và thế hệ sinh sau biến cố kinh
hoàng này trên cả nước ít biết, hoặc không được phép biết về một thể chế tốt đẹp,
văn minh, nhân bản với nhiều thành tựu đáng tự hào từ khoa học, giáo dục đến
kinh tế và văn hoá đã từng hiện diện trên đất nước này.
Để những ai chưa biết về
khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh, xin trích dẫn bài viết ngắn của tác giả Kym Tran
đăng trên trang “Tôi yêu Sài Gòn xưa trước 1975”. Tác giả Kym Tran đánh giá nhà
khoa học Nguyễn Xuân Vinh là “Một thiên tài lỗi lạc của miền Nam trước 1975”.
Tuy nhiên, tôi muốn
chia sẻ một vài chi tiết mà tác giả Kym Tran không nhắc đến trong bài viết. Đó
là việc nhà khoa học Nguyễn Xuân Vinh đã thoát chết trong cuộc đảo chính ngày
1/11/1963 nhờ được Tổng thống Ngô Đình Diệm cử đi học ở nước ngoài một năm trước
đó. Phe đảo chính không chỉ sát hại anh em vị Tổng thống tài ba Ngô Đình Diệm
mà còn giết chết Tư lệnh Quân chủng Hải quân Hồ Tấn Quyền và Tư lệnh Lực lượng
Đặc biệt VNCH là Lê Quanh Tung. Cùng với Nguyễn Xuân Vinh, Hồ Tấn Quyền và Lê
Quang Tung là ba vị tướng lĩnh tài ba, trung thành của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Đại tá Hồ Tấn Quyền bị giết khi mới 36 tuổi và Đại tá Lê Quang Tung khi ấy 44
tuổi.
Sẽ là một thiếu sót nếu
không nhắc đến tài năng văn chương của nhà khoa học Nguyễn Xuân Vinh. Ông đã
sáng tác và cho ra đời nhiều tác phẩm văn học dưới bút danh Toàn Phong.
Dưới đây là bài viết của
tác giả Kym Tran.
“NGUYỄN XUÂN VINH, KHOA
HOC GIA-GIÁO SƯ TOÁN HOC
TƯ LỆNH KHÔNG QUÂN VNCH
Giáo sư Nguyễn Xuân
Vinh sinh ngày 3 tháng Giêng năm 1930 tại Yên Bái, Bắc Việt. Ông theo họcTrường
Võ Bị Không Quân Pháp ở Salon de Provence, Pháp và tốt nghiệp sĩ quan với bằng
phi công hai động cơ và bay phi cụ năm 1954. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh tốt nghiệp
cử nhân Toán Học và cao học toán tại đại học Marseille.
Giáo sư Nguyễn Xuân
Vinh đã được cử giữ chức Đại Tá Tư Lệnh Không Quân QL/VNCH năm 1957 khi còn rất
trẻ, mới 28 tuổi .Năm 1965, ông là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người đầu
tiên ở Đại học Colorado được cấp bằng tiến sĩ khoa học không gian sau khi ông
thực hiện thành công nghiên cứu công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho phi
thuyền APOLLO do NASA tài trợ , một khoa học gia được Hội Khoa Học Vũ Trụ Hoa Kỳ
(American Astronautical Society) trao tặng giải thưởng “Dirk Brouwer” về Cơ Học
Phi Hành Không Gian. Sau đó, ông cũng đậu bằng tiến sĩ quốc gia toán học của Đại
học Paris VI vào năm 1972.
Ông là giáo sư tiến sĩ,
chuyên ngành kỹ thuật không gian nổi tiếng trên thế giới. Năm 1968 ông làm Phó
GS ngành Khoa hoc Không gian(Associate professor of Aerospace Engineering) và
năm 1972 làm GS( Professor).
Giáo sư Vinh đã viết
khoảng 100 công trình nghiên cứu đăng trên các báo khoa học và kỹ thuật quốc
gia và quốc tế, ba cuốn sách về Khoa Học Hàng Không và Không Gian được tàng trữ
trong nhiều thư viện kỹ thuật trên thế giới. Ông được chính phủ Pháp mời làm
giáo sư thỉnh giảng ở Sup Aero.
Từ năm 1968,
ông dạy tại Đại học Michigan và được thăng cấp giáo sư thực thụ năm
1972. Ông đã giãng dạy hơn1,000 kỹ sư ngành không gian. Ông là hội viên của Viện
khoa học và không gian thế giới( International Academy of Astronautics) và Viện
Quốc gia Hàng Không và Không gian Pháp( French National Academy of Air and
Space ).
Ông thực hiện thành
công nghiên cứu công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho Phi thuyền do NASA tài
trợ. Những lý luận của ông đã góp phần quan trọng đưa các Phi thuyền Apollo lên
được Mặt trăng thành công đồng thời được ứng dụng vào việc thu hồi các Phi thuyền
con thoi trở về Trái đất an toàn. Ông về hưu trí năm 1999.
Ông từng là giáo sư
Toán hình học không gian tại các trường ở SG. Ông cũng viết văn với bút hiệu
Toàn Phong.
Giáo sư Nguyễn Xuân
Vinh là một thiên tài lỗi lạc của miền
Nam trước 75, xứng đáng với danh xưng một khoa hoc gia thực sự, với học vị Tiến
sĩ và hàng trăm công trình nghiên cứu.”
Chú thích: (*) Oắt con:
Từ này chỉ người miền Bắc mới dùng. Cách gọi thân mật, đồng nghĩa với nhãi con,
nhóc con.
Chim Toc Trang
(Hình 1: Bì thơ Nhà khoa học Nguyễn Xuân Vinh
trao cho Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh nhờ Ngài cầm về cho tôi.
No comments:
Post a Comment