Pages

Thursday, August 08, 2019

LÝ NGỌC HÀ- NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG THẦM LẶNG

Tự bẻ gãy răng để khỏi phải lên truyền hình đọc “ Bản nhận tội” do công an soạn sẵn. Ra toà nhận bản án 9 năm tù giam. Đi tù lặng lẽ, ra tù cũng lặng lẽ. Không được ai biết đến, không lời ca tụng ngợi khen. Đương nhiên, chẳng có giải thưởng nào giắt lưng. Nhưng khí phách ấy, tấm lòng ấy đã đủ để nhận được sự kính trọng, biết ơn và là bài học về sự can đảm, về đức tính khiêm nhường cho những người đi sau.
* *  *

Người phụ nữ can đảm ấy là Lý Ngọc Hà. “Lý” chỉ là một cái họ nhận vơ thôi. Chị mang họ “Nguyễn”. Nhưng sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản Bắc Việt, chị cũng như nhiều người dân Miền Nam khác phải thay tên đổi họ, hoặc đốt giấy tờ, “khai man lý lịch” với hy vọng được yên thân, hoặc ít ra cũng giảm đi phần nào mức độ trả thù vì mang gốc gác Việt Nam Cộng Hoà.

Ông bà nội của Lý Ngọc Hà đều bị Việt Minh giết chết khi ba của chị- ông Nguyễn Kim Thạch mới 15 tuổi. Bà nội khi ấy vừa sinh cô út được tròn 1 tháng tuổi. Bà con chòm xóm đồn đại rằng bà nội chị bị chôn sống cùng với nhiều người khác. Không ai tìm thấy xác, vì thế chỉ làm một ngôi mộ tạm rồi lập bia thờ mà thôi. Mười một đứa trẻ bơ vơ được họ hàng đưa về phân công mỗi nhà nuôi một vài đứa. Sau này ông Nguyễn Kim Thạch trưởng thành, làm việc trong ngành cảnh sát, mới đón các em về chăm nom.

Cuộc đời Lý Ngọc Hà đượm buồn từ thời thơ ấu. Ba mẹ bỏ nhau, cô bé Hà được đưa đến gửi cho bà dì (em ruột của bà ngoại) nuôi nấng từ khi mới lên 4 tuổi. Người cha đi làm, gửi tiền về cho bà nuôi con, rồi phụ giúp các em ở nhà. Sau khi bà dì qua đời, chị Hà đón mẹ về ở cùng. Sau biến cố 1975, ông Nguyễn Kim Thạch bị bắt đi tù cải tạo 6 năm trời. Ra tù, ông không muốn làm phiền các em, thuê cái chòi ở ngoài cánh đồng, cuốc đất, chăn vịt kiếm sống. Tháng 6/2008, ông Thạch qua đời khi chỉ còn 2 tháng nữa là Lý Ngọc Hà- người con duy nhất của ông mãn hạn tù.

Chị lấy chồng, sinh được hai đứa con, một trai một gái. Nhưng cũng giống cha mẹ mình, cuộc hôn nhân của chị cũng đổ vỡ. Thấy cảnh con gái bị chồng ngược đãi, đánh đập, mẹ chị khuyên “mày đi đâu thì đi cho thoát cảnh này, hai đứa con để tao nuôi”.

Lý Ngọc Hà vượt biên sang Cam-pu-chia rồi qua Thái Lan.  Chị chứng kiến tận mắt cuộc sống khổ sở, tủi nhục của đồng bào mình trên đất khách, trong thân phận lưu vong, bất hợp pháp. Ước mơ làm một điều gì đó góp phần thay đổi quê hương đã thúc đẩy chị tham gia Tổ chức Việt Nam Tự Do của ông Nguyễn Hữu Chánh, một người Mỹ gốc Việt lãnh đạo. Năm 2000, chị cùng một số anh em trong Tổ chức nhận nhiệm vụ về nước rải truyền đơn, kêu gọi người dân đứng lên đòi quyền tự do. Lý Ngọc Hà bị bắt vào tháng 2/2000, nhằm mồng 3 Tết nguyên đán.

Trong thời gian bị tạm giam, công an đã soạn sẵn bản nhận tội với nội dung xuyên tạc về tổ chức Việt Nam Tự Do để ép buộc  Lý Ngọc Hà đọc trên truyền hình. Cầm tờ giấy do điều tra viên đưa trước để “tập dượt”, Lý Ngọc Hà giận run người, nhưng vẫn cố kiềm chế cảm xúc. “Phải làm thế nào đây?” Câu hỏi đó trở đi trở lại trong đầu óc chị. Nếu khước từ, hậu quả chị nhận chắc sẽ không nhỏ. Không chừng, sẽ bị tra tấn, đánh đập. Ai mà nói trước được. Nhưng nếu đồng ý, có nghĩa là quy hàng, là phản bội lương tâm, là bán đứng anh em đồng đội, sau này không dám ngẩng mặt nhìn ai.

Suốt hai ngày đêm không ăn không ngủ, cuối cùng Lý Ngọc Hà đi đến một quyết định táo bạo: bẻ răng. Chỉ có cách ấy mới không phải lên truyền hình làm điều trái lương tâm, mới giữ được phẩm giá cho mình. Và cũng chỉ cách ấy mới không bị trả thù vì mang tội “chống đối cán bộ”.

Vài hôm sau đi cung, mấy viên công an điều tra đều ngỡ ngàng trước khuôn mặt biến dạng,  hàm răng khuyết đi 6 chiếc của chị. Không ai biết và cũng không ai tin nổi chị dám làm thế. Điều tra viên, cai tù, bạn tù hỏi thì Lý Ngọc Hà trả lời qua loa là răng bị hư, lung lay, tự rụng hoặc đau quá nên nhổ đi. Nhiều ngày sau khi tự bẻ răng, Lý Ngọc Hà lên cơn sốt liên tục, lúc nóng lúc lạnh. Hàm trên sưng vù với lỗ chỗ vết chân răng còn rỉ máu. Các cơn đau đầu liên tục kéo đến, hành hạ chị. Đau đớn khiến chị không ăn nổi, kiệt sức, phải đi trạm xá lấy thuốc.

Lý Ngọc Hà không thể nhớ nổi mình đã phải đi cung, chịu thẩm vấn bao nhiêu lần suốt 16 tháng bị tạm giam. Có hôm, một mình chị trong ghế bị can phải “tiếp” đến 4 lượt hỏi cung, mỗi lượt 3 điều tra viên. Tức là 3 người này ra, 3 người khác vào thẩm vấn tiếp, cứ thế 4 lượt tổng cộng 12 người tất cả. Tôi hỏi vì sao lại có nhiều người, nhiều đoàn hỏi cung chị đến thế? Chị trả lời, vì anh em về nhiều đợt. Mỗi khi có người bị bắt, thì điều tra viên nơi khác lại đến hỏi cung chị xem có liên quan gì không. Sau này cả chồng tôi- Huỳnh Anh Tú, chị Hà và một số anh em chung vụ khác đều khẳng định trong tổ chức có thành phần “cài cắm” khiến nhiều người bị bắt.

Cho rằng sẽ còn nhiều người từ biên giới giáp ranh Campuchia về Việt Nam rải truyền đơn, công an đã đưa các anh em bị bắt ra các cửa khẩu, ngồi trong đồn biên phòng để... chỉ điểm. Tất nhiên, kèm theo đó là những lời hứa hẹn giảm án, hay cho một sự ưu ái nào đó trong thời gian ở tù.
Chị Hà nói với tôi: “Cộng sản thì làm sao mà tin được. Mình cũng giả đò quan sát, dòm dòm những người qua lại. Dẫu có ai về thật, cũng không bao giờ làm tay sai chỉ điểm”.

Gần 9 năm bị giam cầm, Lý Ngọc Hà đã đi qua nhiều nhà tù: Trại tạm giam Cần Thơ,  B34, Bố Lá, Chí Hoà, Z30D (Hàm Tân) chưa kể các lần bị chuyển phân trại vì đấu tranh phản đối sự ngược đãi của cai tù.

“Hồi ở Hàm Tân, chị làm đủ việc, chủ yếu là nông nghiệp như cuốc đất, tưới rau, đánh lá mía, trồng bắp... Nhưng chỉ có tưới rau mới đủ khoán thôi. Không đủ khoán trại không cho ăn cơm. Chị và chị Trần Thị Huệ (*) uất quá mới làm ầm lên. Thế là cả hai chị em bị chuyển phân trại. Chị từ K1 bị tống sang K3. Còn chị Huệ bị đưa sang K2”.


Chị Lý Ngọc Hà ra tù vào tháng 8/2008, trước thời hạn 6 tháng. Lúc bị bắt, con trai lớn của chị lên 8, con gái nhỏ mới lên 5. Hai đứa ở với bà ngoại, học đến lớp 6, lớp 7 thì nghỉ học vì bà ngoại không lo nổi. Hai năm cuối đời tù của chị Hà, mẹ chị cũng không còn khả năng đi tiếp tế. Căn nhà nhỏ chị để lại trước lúc đi tù, bà ngoại cũng phải bán đi ở nhà thuê nuôi hai cháu.

Ở Cần Thơ khó làm ăn, chị đưa hai đứa con lên Sài Gòn làm thuê. Chủ yếu là giúp việc, nấu ăn cho nhà người ta. Tiền công rẻ mạt nhưng buổi tối họ cho ba mẹ con chỗ ngủ chung. Mấy năm nay thằng Nhựt và con Thảo lớn rồi, chúng không thể cứ lang thang theo mẹ khắp Sài Gòn để làm mướn nữa. Ba mẹ con lại dắt díu nhau về quê. Không ít lần chị Hà bị chủ nhà đuổi, không cho mướn vì công an Cần Thơ hù doạ. Dẫu họ thừa biết mẹ con chị kiếm bữa ăn hàng ngày còn chật vật, chẳng thể là “phần tử” chống phá hay gây hại cho họ được. Nhưng hình như nếu không đàn áp, phá hoại cuộc sống của người dân thì công an sợ mang tiếng có tội với chế độ, sợ phản lại lý tưởng cộng sản thì phải.

Xoay sở mãi không đủ sống, năm 2011 chị liều đi vay lãi 6 triệu đồng mua tủ lạnh và vài thứ lặt vặt về làm nem để bán. Lãi mẹ đẻ lãi con, mượn chỗ này đập vào chỗ kia. Và bây giờ, suốt 8 năm không những không trả được nợ mà số tiền đã lên đến 37 triệu đồng.

Khi tôi hỏi chị có sợ bị công an sách nhiễu khi bài viết này được công khai trên mạng không? Chị đắn đo, vẻ hơi buồn rồi trả lời “Chị chẳng có gì để sợ. Chị kể cho em nghe sự thật, không phóng đại hay thêm thắt. Chỉ lo họ trả thù, hai đứa con chị không có chỗ ở. Suốt gần 9 năm vắng mẹ, chúng đã quá thiệt thòi rồi”.

Nghe chị nói thế tôi cũng ái ngại. Nhưng tôi vẫn viết. Trước là để công luận biết đến một người phụ nữ can trường hiếm thấy, một số phận Việt Nam khốn khổ trong hàng vạn số phận Việt Nam khốn khổ khác. Sau là hy vọng sẽ có ai đó đọc được bài viết này mà thương cảm hầu giúp đỡ, sẻ chia để chị Hà trả hết nợ nần. Bằng tất cả sự trân trọng và cảm phục của một người đi sau, tự đáy lòng xin gửi lời tri ân đến chị Lý Ngọc Hà- người mở đường thầm lặng.

Chú thích: (*) Chị Trần Thị Huệ -một trong những người chịu án nặng nhất nhóm 38 người với 18 năm tù.


Hình chị Lý Ngọc Hà chụp chung với anh Huỳnh Anh Tú. 
Đây là lần đầu tiên sau 19 năm họ gặp lại

No comments:

Post a Comment