Pages

Wednesday, June 24, 2020

NGUYỄN TƯỜNG THỤY- NGƯỜI YÊU NƯỚC KHÔNG THEO “ĐỊNH HƯỚNG"


Tôi từng đọc đâu đó hai câu thơ, hình như thuộc loại thơ tuyên truyền cho cuộc đánh chiếm miền Nam mà người cộng sản miền Bắc tiến hành thì phải. Đại loại nó thế này:

“Tuổi thanh xuân mà ai chả tiếc
Nhưng tiếc còn chi nữa non sông”

Tôi không rõ lắm về cái thời các ông Trần Đức Thạch, Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy đeo ba lô lên đường nhập ngũ, đã từng đọc được mấy câu thơ tuyên truyền kia chưa. Có thể có, có thể không. Nhưng một điều chắc chắn rằng, các ông ấy đã bị thôi thúc bởi lòng yêu nước, bởi nhiệt huyết của tuổi trẻ và tinh thần trách nhiệm của bậc nam nhi đối với tổ quốc mình. Thời của các ông, có người ra đi vì bị bắt buộc, có người ra đi chẳng vì lý do gì, có người ra đi vì lý tưởng -lý tưởng cộng sản hoặc lý tưởng không cộng sản, tức là vì yêu nước mà đi. Cả ba ông Trần Đức Thạch, Nguyễn Tường Thụy và Phạm Thành đều ra đi (đơn giản) vì lòng yêu nước và trách nhiệm với dân tộc. Tức là chẳng có lý tưởng cộng sản hay chủ nghĩa Mác -Lê gì sất. Cứ nhìn những gì các ông làm sau này, thì thấy, thì hiểu về lý tưởng và hoài bão của các ông. Bầu nhiệt huyết, trách nhiệm đối với vận mệnh đất nước, tinh thần quả cảm ấy không chịu già đi, không chịu ngủ yên như cái tuổi đáng ra phải thế, nên các ông lần lượt phải vào tù. Tội của các ông là đã dám “yêu nước không theo định hướng”.

Cái tội “yêu nước không theo định hướng” đã nặng. Cái tội từng phục vụ trong quân đội cộng sản mà dám quay lại chống đảng, chống chế độ còn nặng hơn. Nhìn cách hành xử của côn an khi bắt các ông, nhất là đối với ông Nguyễn Tường Thụy, đủ thấy họ căm ghét, thù hằn ông như thế nào. Chúng luôn miệng chửi bới, đe dọa vợ con ông với lời lẽ bẩn thỉu và thái độ côn đồ, hung tợn. Chúng đánh con trai ông. Chúng kẹp cổ, khóa hai cánh tay ngược ra sau, có lúc lại bẻ từng ngón tay của ông. Tức là chúng không thèm bắt ông ngay mà phải làm loạn, chửi bới, xúc phạm, đánh đập, khủng bố, biến cái ngày 23/5/2020 thành ký ức kinh hoàng in hằn trong tâm trí từng thành viên của gia đình ông Thụy, trước khi tống ông lên xe rồi chở đến nhà tù. Và chúng gọi các hành vi đó là “trình tự pháp luật”.

Trước thói hành xử man rợ và sặc mùi khủng bố của côn an cộng sản, ông Thụy vẫn tỏ ra thản nhiên, điềm tĩnh. Chỉ có người biết rõ việc mình làm, sẵn sàng đương đầu và đón nhận mọi thử thách, tai họa đang chờ đợi phía trước với tâm thế “nhẹ như không” mới đạt được phong thái như thế. Đấy là cốt cách của một người trí thức- trí thức thật sự chứ không phải trí thức XHCN. Đấy là bản lĩnh của một bậc trượng phu, khiến người đời kính trọng, nể phục.

Bằng tuổi ông Phạm Thành và ông Trần Đức Thạch, năm nay ông Nguyễn Tường Thụy bước sang tuổi 68, tính tuổi ta là 69, ngót nghét 70. Ông Thụy nhập ngũ khi mới 18 tuổi, năm 1970. Ông đóng quân ở nhiều nơi, chủ yếu là khu vực miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An. Nhiệm vụ chính của ông là huấn luyện quân và sau này trở thành một “quân nhân chuyên nghiệp”. Năm 1976-1978, ông Thụy học Trung cấp Kinh tế. Bốn năm sau, ông theo học Đại học Kinh Tế Quốc Dân, niên khóa 1982-1987. Trong thời gian học Đại học, ông lấy vợ là bà Phạm Thị Lân, người bạn đời thủy trung và là người nâng đỡ tinh thần, nhất là những năm gần đây khi ông trở thành “kẻ thù của chế độ”. Ông bà sinh được ba người con, một trai và hai gái cũng trong thời gian ông đang là sinh viên trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân.

Năm 1992 ông Thụy về hưu với quân hàm Đại úy. Có một câu chuyện vui vui được kể lại, phần nào nói lên bản tính cứng đầu của ông Thụy. Trong một buổi học về chính trị, triết học Mác-Lê, cả lớp đang lắng nghe bài giảng thì có một tiếng ngáp. Tiếng ngáp to, kéo dài làm lớp học nhốn nháo còn tay chính trị viên thì tức giận. Hắn hỏi : “Ai vừa ngáp đấy?” Không do dự, Nguyễn Tường Thụy nhận ngay “Tôi ngáp”. Tay chính trị viên mặt đỏ dừ, vừa tức vừa ngượng nhưng cũng chẳng làm gì được. Ai cũng mệt mỏi, ngán ngẩm khi phải nghe các bài giảng chính trị kiểu cộng sản vừa khô khan, sáo rỗng, vừa nhàm chán và vô ích nhưng không mấy ai dám bày tỏ thái độ. Hồi ấy Nguyễn Tường Thụy chỉ là một anh lính quèn mới nhập ngũ. Suốt hai mươi năm phục vụ trong quân ngũ nhưng ông không vào đảng, không trở thành “sĩ quan có số” phần nào nói về nhân cách đáng quý của ông. 

Ông trăn trở với vận nước, nhưng phải đến năm 2011 Nguyễn Tường Thụy mới có cơ hội bày tỏ công khai, mạnh mẽ hơn về lý tưởng và khát vọng của mình. Ông là một trong số ít những người từng phục vụ chế độ nhưng đã thể hiện thái độ một cách triệt để, dứt khoát so với nhiều người phản tỉnh khác.

Ông chiến đấu trên cả hai mặt trận: bàn phím và đường phố. Từ năm 2011 đến trước khi bị bắt, Nguyễn Tường Thụy và vợ ông có mặt ở hầu hết các cuộc biểu tình chống Tàu, phiên tòa xử những người bất đồng chính kiến, tham dự các sự kiện tưởng niệm về những chiến sĩ hy sinh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ ...Không ít lần ông bị bắt giữ, câu lưu, đánh đập chỉ vì bày tỏ lòng yêu nước của mình.

Nguyễn Tường Thụy viết khỏe, và viết hay. Cái hay của một cây bút chọn sự thật làm mục đích duy nhất để phục vụ. Ông viết đa dạng, nhiều thể loại từ thơ, báo chí, tin tức, văn học, chính luận, thậm chí cả những mẩu chuyện cười. Ông có cái tài ít người có là làm cho độc giả khóc cũng được, làm cho độc giả cười cũng được. Tôi quý ông ở cái tính khiêm nhường, bộc trực, dễ đồng cảm và cả sự hài hước nữa. Với Nguyễn Tường Thụy, một bài viết này chắc hẳn không thể đủ để phác họa chân dung ông. Gia đình nhỏ của tôi nhận được nhiều tình cảm đặc biệt từ ông. Những kỷ niệm quý giá ấy, tôi sẽ chia sẻ trong một bài viết khác. Nhưng bấy nhiêu đấy thôi, cũng nói lên phần nào bản lĩnh, cốt cách và cái TÀI của Nguyễn Tường Thụy- người vừa bị bắt vì không chịu “yêu nước theo định hướng”.


(Hình: vợ chồng nhà văn Nguyễn Tường Thụy)

Phạm Thanh Nghiên

No comments:

Post a Comment