(Quý tặng chú Hồng Phúc)
Buổi tối, trước khi đi ngủ, mẹ tôi dặn bố tôi:
-Trưa mai ông vo thêm gạo, nấu cơm cho thằng Si nó ăn với. Sáng tôi đi lấy hàng gặp nó. Nó bảo ra ngoài này gánh phân được mấy hôm rồi. Trưa nào cũng ăn cơm hàng rồi nằm vạ nằm vật ngoài đường, chiều đi mót phân tiếp. Chỉ nấu bữa trưa cho nó thôi, tối nó đạp xe về quê.
Bố tôi đang ghép màn. Nghe mẹ tôi dặn, ông chỉ “ừ” một tiếng lơ đễnh, tay vẫn cầm cái quạt nan cố đập cho được con muỗi đang vo ve trước mặt. Chiếc màn được mua về trước khi tôi ra đời, vá chằng vá đụp đã ngả màu, cũ kỹ.
Thế là bắt đầu từ hôm nay, bữa cơm trưa nhà tôi sẽ có thêm một miệng ăn nữa. Anh Sơn, chị Yến đã lập gia đình, nhà bớt được hai khẩu phần. Trừ tôi, chị Loan, anh Phương đang độ tuổi ăn bám vì còn đi học, trên lý thuyết, nhà tôi có bốn người đi làm hoặc có thu nhập. Chị Oanh học xong cấp 3, không thi đại học vì muốn đi làm phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Chị Phượng nghỉ học sớm, theo chị Oanh đi bốc vác ở Kho B. Tiền lương chẳng được bao nhiêu, công việc cũng không ổn định, có thì đi làm, không có lại nghỉ. Ôi, các chị gái của tôi mới mười tám, đôi mươi đã phải đi làm công việc nặng nhọc của cánh đàn ông, nghĩ lại đến giờ vẫn còn thương.
Tiền ăn uống, sinh hoạt hàng ngày trông cả vào việc bán than của mẹ tôi. Thời gian này, mẹ tôi đã chuyển từ nghề bán rau sang nghề bán than. Năm ấy tôi mới học lớp ba. Khi lên lớp bốn, tôi đã biết phụ mẹ đẩy xe than đi khắp nơi để bán. Công việc buôn bán không nói ai cũng biết, lúc may mắn, đắt hàng không sao. Hễ mà ế, thì chỉ có ăn cụt vào vốn. Vì thế, khoản thu nhập ổn định nhất vẫn là đồng lương hưu ít ỏi của bố tôi.
Anh Si là chồng chị Doan, cháu gọi mẹ tôi bằng cô ruột. Nếu là quan hệ xã hội thì Si đủ tuổi làm chú tôi. Con gái đầu của anh chị cũng sinh năm 1977, nhưng còn lớn hơn tôi vài tháng. Hồi chị Doan lấy anh Si, họ hàng làng xóm đều ngạc nhiên. Người ta xì xào, to nhỏ “tại sao con Doan lanh lợi, hoạt bát như thế lại đi lấy cái thằng đánh dậm cù lần, cả ngày không nói nổi một câu ấy?”. Đấy là tôi nghe người lớn kể, chứ có biết mô tê gì. Ở quê Kiến Thụy người ta bàn tán, đến tai gia đình tôi ở tận Hải Phòng.
Chị họ tôi là xã viên Hợp Tác Xã, còn anh chồng thì làm đủ thứ nghề, miễn là có người mướn. Nhưng công việc gắn bó nhiều nhất với cuộc đời anh là nghề đánh dậm và gánh phân. Dân gian có câu “hiền quá hóa đần”. Điều này đúng với nhiều người nhưng không đúng với anh rể họ của tôi. Si đần, nhưng không hiền. Từ ngày lấy vợ, cái sự cục súc của anh ta mới có cơ hội được phát lộ, và phát huy. Thì tôi cũng nghe các anh chị ở quê kể chung chung như thế. Về sau, khi hai người đã đường ai nấy đi, tôi được nghe từ chính miệng chị Doan tâm sự. Tôi chẳng bao giờ hình dung nổi một gã chồng nằm trên bụng vợ, vừa làm cái chuyện ấy, vừa tát vợ, thỉnh thoảng lại chửi một câu: “Đ.m mày có sướng không?”. Chị Doan mách, có lần còn bị chồng giả vờ âu yếm, rồi bất thình lình dùng mẩu ớt đã được giấu sẵn đâu đó, dí vào chỗ kín của vợ. Chị kêu lên, phần vì đau rát, phần vì ê chề nhục nhã, và ôm quần lao ra bờ giếng. Gã chồng ngồi trên giường ôm bụng cười sằng sặc, hả hê vì đã chơi vợ được một vố ngoạn mục.
Kể đến đấy, chị họ tôi nghiến răng ken két:
-Con mẹ cái thằng chó chết ấy, may là còn bỏ được nó. Nếu kéo dài đến bây giờ chắc có án mạng mất. Mẹ thằng cục súc, lẽ ra chị phải bật lại nó sớm hơn mới đúng.
Tôi nửa châm chọc, nửa cảm thương:
-Ai bảo hồi ấy bà đâm đầu vào, giờ còn than trách gì?
Chị đáp lại, vẻ bực dọc:
-Tưởng nó hiền lành, lại cảnh nghèo như mình thì thương, thì lấy. Ai ngờ dẫm phải bãi cứt.
Lại cái lý do chẳng đâu vào đâu ấy. Không lẽ người nghèo bắt buộc phải lấy người nghèo hay sao. Bao nhiêu cuộc đời tan nát, bao cuộc hôn nhân vỡ vụn chỉ vì một chữ “tưởng” vô duyên như thế.
Tôi khì khì cười, lảng sang chuyện khác. Vừa là chuyện cũ, vừa là chuyện tế nhị nên tôi không có hứng thú tham gia. Với lại tôi ghét Si, không muốn nhắc đến anh ta. Tôi ghét Si không phải vì hắn đối xử tệ với chị họ tôi. Những chuyện ấy tôi chỉ nghe chị tâm sự, đâu có chứng kiến. Tôi ghét Si, nói trắng ra là vì miếng ăn. Ôi, tôi cũng có lúc ghét người khác vì một lý do rất tầm thường, và tầm phào thế này ư? Nhưng tôi chẳng việc gì phải ra vẻ thanh tao, vả lại chuyện qua lâu lắm rồi, nhắc lại để có thứ mà viết. Tôi bỗng nhận ra mình thích viết về những câu chuyện của thời thơ ấu biết bao. Hoài niệm quả là một điều thật đẹp đẽ.
Tôi không thể nào quên bữa cơm hôm ấy, và cả những bữa cơm sau này khi anh ta có mặt. Tôi nhớ dai, không hẳn là do cái mùi khó chịu ám vào bộ quần áo bộ đội cũ kỹ anh ta mặc trên người, mà còn vì hôm ấy tôi phải vác bụng đói đi học. Bộ quần áo bộ đội chắc ai đó cho để anh ta mặc đi đánh dậm, gánh phân chứ Si chưa một ngày nào đi lính. Bữa cơm nhà tôi thường chỉ có rau dưa, hiếm lắm mới được bữa thịt, bữa cá. Loại cá người ta bán ế cuối ngày, mẹ tôi mua rẻ về kho mặn lên ăn.
Mâm cơm mới được bưng lên thì vừa lúc anh ta về. Si xuống bếp, múc nước trong bể ra, dội ào ào. Tôi nghe tiếng anh ta dội nước mà xót. Hàng ngày, chị Oanh và chị Phượng sau khi đi làm về phải gánh nước từ dưới đất lên tận tầng 4 cho cả nhà dùng. Chân vẫn còn ướt, anh ta lội vào nhà, để lại những vết nước loang lổ trên nền gạch. Si sà vào mâm cơm, hai tay tới tấp xoa xoa, bôi bôi vào bộ quần áo còn ám mùi phân cho khô. Chị Oanh đưa bát cơm vừa xới cho anh ta. Si nhanh nhảu đón lấy, mồm chào lấy lệ:
-Cô chú ăn cơm.
Anh ta mời, nhưng mắt chẳng thể ngước lên nổi để nhìn ai. Si vội vã ăn, đôi đũa liên tục lùa những miếng cơm to vào miệng. Suốt mấy ngày qua, bữa ăn nhà tôi chỉ toàn có rau không. Hôm nay vì có khách, mẹ tôi mua mấy lạng cá duội khô (cá cơm) về rang. Vài quả cà chua chưng với hành mỡ, nấu xâm xấp nước để chấm, ăn kèm với rau sống. Thời bao cấp, và với một gia đình nghèo rớt mồng tơi như nhà tôi, thế là sang lắm rồi.
Anh ta lùa hết bát cơm đầu tiên, rồi đến bát thứ hai, mấy chị em tôi mới nuốt được vài miếng. Hết hai lần đơm, anh ta lại chìa bát cho chị Phượng. Tôi nhìn cách anh ta ăn, vừa ngạc nhiên, vừa lạ lẫm, hậm hực. Cái miệng anh ta không ngừng nghỉ, cứ nhai nhai nuốt nuốt. Hết lùa lại gắp. Mỗi lần gắp là một miếng rau sống to bự, hoặc kẹp díp năm sáu con cá duội khô đưa lên miệng. Tôi trông thấy rõ sự bối rối hiện lên nét mặt của mẹ tôi. Chắc bà có chút ngượng ngập với chồng con vì chót tha đứa cháu rể ăn tham về nhà. Bố mẹ tôi mỗi người chỉ dám ăn một bát rồi đứng dậy. Sợ anh ta ngại, không dám ăn, bố tôi bảo:
-Anh Si cứ tự nhiên nhé. Chú ăn thế đủ rồi.
Nhưng bố tôi lo hão, anh ta vẫn bám trụ mâm cơm đến cùng, chẳng cần biết có đủ cơm cho chủ nhà là lũ em họ khốn khổ ăn không. Anh Phương và chị Loan vừa đưa cái bát không cho chị Oanh để chuẩn bị đơm thêm, đúng lúc Si chìa cái bát sạch như chùi ra lần thứ tư. Chả lẽ lại không lấy cho khách, nên chị Oanh phải ưu tiên cho anh ta trước. Chị Loan, anh Phương bất đắc dĩ phải nhường. Thấy bát cơm vơi hơn mấy lần trước, Si nhắc:
-Dì cứ đơm đầy đầy cho anh, đỡ phải xới nhiều lần.
Chị Oanh miễn cường, lấy đũa cả xới thêm cho anh ta một tí, rồi mới đơm cơm cho hai đứa em. Bình thường, cả nhà tôi mỗi người chỉ được hai lưng cơm, hôm nào nấu nhiều thì được ba lưng. “Lưng” là lưng lửng, tức là bát vơi, chứ không được đầy. Khi nào mẹ tôi không kiếm được, hai chị tôi chưa lĩnh lương, hoặc thất nghiệp thì phải ăn khoai độn. Cái mốc hai, ba lưng cơm như một con số ấn định trong đầu óc đứa trẻ nhà nghèo học lớp 3 như tôi. Chẳng ai được ăn, hoặc ăn được bốn bát cơm cả. Làm gì có người nào ăn khoẻ như thế, làm gì có nhà ai đủ gạo để nấu nhiều cơm như thế.
Bình thường tôi đã ăn chậm, hôm nay tôi còn ăn chậm hơn. Cái sự ăn nhanh, ăn nhiều, ăn bất biết thiên hạ của Si làm tôi mất tinh thần, ngâm mãi chưa hết lưng cơm. Khi anh ta ăn đến bát thứ tư, tôi đã thầm nghĩ (và hy vọng) “chắc là bát cuối cùng rồi đây.”. Nhưng không, anh ta lại chìa bát thêm lần nữa. Tốc độ lùa cơm vẫn như lúc đầu. Không chậm đi chút nào. Chị Phượng và chị Oanh ngồi đầu nồi, chỉ dám ăn cầm chừng vì sợ ba đứa em đói bụng. Mỗi lần đơm cơm cho ai xong, các chị tôi thường đậy vung lại cho nóng, dễ đánh cháy. Tới khi Si ăn đến bát thứ 5, chị Oanh không đậy vung nồi lại nữa, nhắc khéo cho anh ta biết là sắp hết cơm. Chị Phượng lấy đũa cả vun chỗ cơm ít ỏi còn lại vào một góc nồi, hy vọng anh ta biết ý, không ăn nữa. Chị nháy mắt, ra hiệu cho tôi ăn nhanh để chị đơm nốt phần cơm còn lại.
Tôi vừa phụng phịu, vừa nhai thật nhanh miếng cơm cuối cùng như chạy đua với Si. Nhưng tôi vẫn thua. Anh ta nghển cổ lên, nhòm vào nồi cơm, reo lên đầy sung sướng: “à vẫn còn”, rồi chìa bát ra lần thứ sáu:
- Cho anh xin bát nữa.
Hai chị tôi không giấu được vẻ khó chịu, chẳng ai muốn phần cơm ít ỏi cuối cùng bị anh ta chén mất. Thấy hai người ngồi đầu nồi có vẻ lưỡng lự, Si tự hành động luôn. Từ vị trí giữa mâm, Si nhoài người ngang qua mặt tôi và chị Oanh, thục cả cái bát vào, lia một đường dứt khoát, hốt gọn phần cơm được giấu trong góc nồi trước sự ngỡ ngàng của lũ em họ.
Dù đã cố nhịn, nhưng tôi vẫn không ngăn được tiếng “ọe ọe” phát ra từ cổ họng khi bị mùi phân phảng phất trên người anh ta bay vào mũi. Quá kinh tởm, tôi đưa tay bịt miệng rồi đứng lên, chạy xuống bếp. Chiếc nồi gang vẫn ấm, nhưng không còn hạt cơm nào. Chẳng thèm đếm xỉa đến sự khó chịu người khác dành cho mình, Si cầm tô, dốc sạch chỗ nước sốt cà chua vào bát cơm anh ta vừa chiếm được, lùa ba cái sạch trơn.
Bữa cơm đầu tiên có mặt Si, bố mẹ tôi mỗi người ăn một bát. Chị Loan, anh Phương được hai lưng. Chị Phượng, chị Oanh ăn cầm chừng, hai lần đơm dồn lại chắc được một bát đầy. Tóm lại, bữa đó cả nhà tôi đều chịu đói hơn thường ngày. Hình ảnh Si ăn liền lúc sáu bát cơm, miệng nhai nhồm nhoàm cứ lởn vởn trong tâm trí, theo tận vào lớp học khiến tôi không tập trung nghe cô giáo giảng bài được. Tôi ức phát khóc.
Buổi chiều trên đường về, tôi cứ thầm ước trong bụng sẽ không phải thấy anh ta ở nhà mình nữa. Đúng như mẹ tôi thông báo, Si đạp xe về quê. Nhưng bữa cơm trưa hôm sau, anh ta lại đến. Thì mẹ tôi đã chả dặn bố tôi nấu cơm cho anh ta ăn các buổi trưa là gì. Có điều không biết anh ta sẽ làm khách nhà tôi đến bao giờ. Một vài ngày còn đỡ, chứ anh ta cứ đến ăn trực cả tháng thì gay to. Từ bữa thứ hai trở đi, chị Oanh và chị Phượng đã có kinh nghiệm đối phó với Si. Đơm cơm cho ai, hai chị tôi đều ấn đầy bát, phòng khi không có cơ hội ăn thêm thì cũng không đến nỗi vác bụng đói đi làm, đi học. Sợ em út bị mất phần, chị Oanh còn đơm sẵn một bát khác để dành cho tôi. Tất nhiên, bố tôi phải vo thêm gạo, không thì không đủ chia. Thay vào đó, bữa chiều lại nấu rút đi một chút. Có Si, mẹ tôi phải cố chạy vạy để khi thì có chút cá, khi thì mấy bìa đâu phụ hoặc tí thịt ba chỉ trong mỗi bữa ăn. Một phần do hiếu khách, phần nữa là bố mẹ tôi không muốn để cái nghèo lộ liễu quá trước mặt người ngoài, tủi lắm.
Bữa nào Si cũng ăn sáu bát cơm với tốc độ vội vàng như đi cướp cháo thí. Tôi càng ghét anh ta. Các chị tôi cũng ghét anh ta. Nhưng vì là họ hàng, nên phải chịu, không dám cằn nhằn hay tỏ thái độ. Anh ta đã xấu ăn, lại còn vô duyên và thô lỗ. Trên đời này làm gì có mùi gì kinh tởm hơn mùi phân người. Thế mà lần nào đi làm về, anh ta cũng chỉ rửa ráy qua loa để nhanh nhanh chóng chóng ngồi vào mâm cơm như sợ người khác ăn hết phần. Đã thế, anh ta lại không tiếc sức lao động của các chị tôi. Si không cần xót thương cho cái cảnh mấy cô em họ phải đi chầu chực, hứng từng thùng nước ở bể công cộng, rồi gánh lên tận tầng tư cho cả nhà dùng. Công việc kiếm tiền nặng nhọc, gánh nước cũng là việc nặng nhọc, đã thế lại không được ăn no vì có thêm ông anh rể họ ăn nhiều, ăn tham. Mỗi lần anh ta múc nước từ trong bể ra dội ào ào, chị Phượng ở trên nhà lại nhăn nhó, lẩm bẩm chửi thầm trong bụng. Mấy ngày liên tiếp như thế, đến hồi mẹ tôi phải nhắc, anh ta mới chịu rửa ráy sạch sẽ hơn, và bớt lãng phí nước.
Khinh ghét anh ta nhất có lẽ là chị Loan. Hôm ấy, cả nhà vừa cơm nước xong xuôi, người chuẩn bị đi làm, người lo đi học thì nghe tiếng chị hét toáng lên. Bố mẹ tôi hốt hoảng lao xuống bếp, dồn dập hỏi xem có chuyện gì xảy ra. Chị Loan ngượng chín mặt, bước lên nhà với bộ dạng đầy tức tối:
-Anh ấy đi vệ sinh chả chịu đóng cửa gì cả.
Thì ra anh ta đi cầu, chỉ khép hờ cửa chứ không cài then. Chị Loan tưởng không có người nên mở cửa toan bước vào. Nhà vệ sinh của các khu tập thể ngày xưa thường có bậc thang đi lên bệ xí. Vì thế, khi chị mở cửa ra thì ôi thôi, không chỉ bộ mặt hãm tài mà nguyên cái “của nợ” của lão anh rể họ nó đập thẳng vào mắt.
Mẹ tôi thở dài, cắp cái nón bước ra cửa. Chị Phượng tôi giận quá, từ trên nhà nói vọng xuống, cố ý để anh ta ngồi trong nhà xí nghe thấy:
- Người gì mà vô ý vô tứ, đi ỉa cũng không thèm đóng cửa.
Sau sự cố đi ỉa không đóng cửa, các chị tôi tỏ rõ sự coi thường, lạnh nhạt đối với Si. Nhưng chỉ dám thì thầm to nhỏ riêng với nhau, không dám càu nhàu gì vì sợ mẹ tôi mắng. Bố mẹ tôi biết rõ sự khó chịu của các con, song lờ đi. Si cũng biết, nhưng chẳng thèm ngượng ngùng.
Từ hôm ấy, đến bữa anh ta không chìa bát ra trước mặt chị Phượng nữa, nên chị Oanh phải xới cơm cho Si. Tôi xót của, thành ra tự đặt cho mình nhiệm vụ đếm xem mỗi bữa Si ăn mấy bát. Lần nào cũng là con số sáu. Không hơn, không kém. Tôi nghĩ chẳng phải cái dạ dày anh ta không chứa nổi bát thứ bảy, thứ tám, mà vì đến ngưỡng ấy là nồi cơm nhẵn thín rồi, làm gì còn mà ăn. Nhà tôi nấu cơm bằng nồi gang trên bếp than. Từ khi có Si, tôi mới biết thế nào là cảnh “cơm hết nồi vẫn bốc khói”.
Anh ta ăn chực nhà tôi đâu khoảng nửa tháng. Tôi nhớ mang máng thế. Hôm ấy, đang ngồi xỉa răng, uống nước chè cùng bố mẹ tôi, Si thông báo:
-Cháu ra đây nốt hôm nay thôi, mai cháu về quê làm. Cô chú không phải nấu cơm cho cháu nữa.
Ôi cuộc đời ơi, cho đến hôm nay khi đã bốn mươi tư tuổi, tôi vẫn không thể nào quên cái cảm giác nhẹ bẫng đến huyền diệu mà một đứa trẻ học lớp ba là tôi được trải nghiệm. Không chỉ riêng tôi đâu, các anh chị tôi đều mừng rỡ, cứ như được giải thoát khỏi sự ấm ức, chịu đựng suốt những ngày qua. Nhất là anh Phương, từ mai sẽ không bị mẹ nhắc nhở “ăn ngót ngót đi một tí, nhà đang có khách”. Sức con trai mười hai tuổi đang đà ăn khỏe, ngày thường đã không được ăn no, có khách còn phải bóp bụng để giữ ý giữ tứ cho cả nhà.
Dù đã nghe Si tuyên bố “không phải nấu cơm cho cháu nữa” nhưng tôi vẫn thấp thỏm, hồi hộp, chỉ sợ ông anh rể họ bất thình lình xuất hiện. May quá, anh ta về quê thật. Và không bao giờ đến nhà tôi ăn nhờ thêm lần nào nữa.
Khi đứa con gái lớn gần hai mươi tuổi, chị Doan mới bỏ được Si. Ba mẹ con kéo nhau ra thành phố lập nghiệp. Sau này, cả hai người đều đi bước nữa. Si vớ được một cô giáo lỡ thì ở làng bên. Sống với nhau chẳng được bao lâu, chị kia bỏ của chạy lấy người. Vẫn thói vũ phu, cục súc, tham ăn tục uống khiến Si chẳng khác gì kẻ nửa người nửa ngợm. Sau này lại sinh tật nghiện rượu, đầu óc vốn trì độn càng trì độn hơn.
Nghe đâu mấy năm cuối đời, Si sống nhờ vào sự chu cấp ít ỏi của hai đứa con gái. Lúc Si chết, hai người vợ không ai tới thăm viếng, họ hàng lèo tèo vài người đến tiễn đưa. Cũng tủi.
Sài Gòn, tháng 3/2021.
Phạm Thanh Nghiên
(Bữa cơm thời bao cấp. Hình trên mạng)
No comments:
Post a Comment