Ngày 12 Tháng Tư 2023, gia đình tôi lên đường sang Mỹ tị nạn. Tiễn chúng tôi ra phi trường có chị gái anh Tú và hai người chị ruột của tôi ngoài Hải Phòng vào. Vỏn vẹn ba con người cho một cuộc chia ly không hẹn ngày gặp lại. Nhưng đấy là một cuộc chia ly không trọn vẹn.
Các chị được khuyên không nên vào
trong phi trường mà đứng ngoài, vì như thế sẽ… tốt hơn cho chúng tôi. Chờ đợi
suốt hơn hai tiếng, gia đình tôi mới được làm các thủ tục check-in và gửi hành
lý. Nhân viên quầy thủ tục Hãng hàng không Qatar Airlines giải thích cho cái sự
chờ đợi ấy là vì “máy tính gặp sự cố”. Lần sau hỏi thì họ trả lời “do lỗi hệ
thống”. Lý do cuối cùng được đưa ra là “do bên Hoa Kỳ chưa cập nhật đủ thông
tin”.
Tất cả hành khách đến sau tôi đều đã
hoàn tất thủ tục cho chuyến bay. Suốt mấy tiếng hồi hộp, căng thẳng ở phi
trường, tôi đâm ra ái ngại, nhất là khi chứng kiến cảnh anh nhân viên IOM
(International Organization for Migration) cầm túi hồ sơ của gia đình tôi, hết
chạy đi gặp nhân viên quầy thủ tục, lại liên tiếp gọi hoặc nghe điện thoại. Vẻ
mặt anh hồi hộp, lo lắng không kém hai viên chức phòng chính trị Tổng Lãnh Sự
quán Hoa Kỳ, những người đến từ khá sớm và luôn theo sát gia đình tôi suốt thời
gian chờ đợi ở phi trường.
Ý nghĩ sẽ bị cấm xuất cảnh cứ lởn
vởn trong đầu tôi. Rồi tôi nghĩ đến phiên tòa xét xử anh Nguyễn Lân Thắng. Ngày
tôi ra đi cũng là ngày anh Thắng bị đưa ra tòa xử kín. Sau vài giây lưỡng lự,
tôi quay sang hỏi một trong hai viên chức Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ:
-Em có biết anh Nguyễn Lân Thắng bị
kết án mấy năm tù không?
-Cả ngày nay em bệnh và cũng lo
chuẩn bị cho chuyến đi của gia đình chị nên chưa vào Facebook nữa. Để em xem.
Cô ấy trả lời.
Tôi hồi hộp nhìn cô mở điện thoại:
-Ồ, anh Thắng bị 6 năm tù chị ạ.
Tôi lặng người. Tiếng “cảm ơn” trở
thành một thứ âm thanh lí nhí, nuốt vào trong, có lẽ cô ấy cũng không nghe
thấy. Vậy là bằng án anh Trương Văn Dũng mấy hôm trước. Sáu năm tù cho một ước
vọng tự do. Cay đắng.
Cuối cùng, thủ tục gửi hành lý cũng
được hoàn tất. Nhân viên IOM cầm túi hồ sơ, gần như chạy tới quầy xuất cảnh,
dặn chúng tôi:
-Anh chị tới cổng này, sẽ có người
hỗ trợ anh chị.
Chúng tôi bị cuốn theo sự gấp gáp,
vội vã của anh và bước đến quầy xuất cảnh gần như vô thức. Viên an ninh quầy
xuất cảnh cầm ba tấm hộ chiếu, lật qua lật lại, ngắm nghía, khác hẳn vẻ gấp gáp
của anh nhân viên IOM.
Đi Mỹ à? Đi theo diện gì thế? Anh ta
hỏi trống không.
Tôi không trả lời.
-Ai bảo lãnh cho đi?
-Chính phủ Mỹ. Tôi đáp cộc lốc, quay
mặt đi.
-Chắc phải có công gì thì chính phủ
Mỹ mới bảo lãnh đi chứ? Anh ta cười khẩy, vẻ mỉa mai.
Tôi im lặng, không nói gì thêm. Rồi
không đợi anh ta cho phép, tôi cứ thế bước vào trong. Sau khi soi soi chiếu
chiếu mấy cuốn passport qua máy tính, anh ta cầm con dấu, đóng mộc bằng cử chỉ
chậm rãi, như thử thách sự chờ đợi của chúng tôi.
Vừa đóng mộc, anh ta vừa nói với
chồng tôi:
-Tụi em đã hỗ trợ gia đình rất nhanh
chóng, anh cũng nên có một chút để tụi em uống ly cà phê.
Sau vài giây lưỡng lự, chồng tôi bất
đắc dĩ thả tờ 500 ngàn xuống trước mặt viên an ninh theo sự ra hiệu của anh ta.
Tôi bước vào cửa kiểm tra soi chiếu an ninh, và ngoái lại nhìn. Không thấy bóng
dáng các chị tôi đâu. Chắc các chị vẫn đứng mãi phía ngoài. Không biết các chị
có nhìn thấy chúng tôi không. Vậy là không có nổi một cái ôm, không có nổi một
cánh tay ruột thịt vẫy chào tạm biệt lũ chúng tôi – lũ người bắt đầu hành trình
ly hương có thể sẽ là “một đi không trở lại”.
Hai nhân viên Lãnh sự quán gật đầu
mỉm cười, đưa ta vẫy, nét mặt vẫn chưa hết vẻ căng thẳng. Anh nhân viên IOM
khoát tay, ra hiệu cho tôi tiếp tục đi. Theo thông báo, chuyến bay sẽ cất cánh
lúc 19:30 phút. Chúng tôi ngồi trên máy bay, và tiếp tục chờ giây phút khởi
hành. Vẫn là khoảng thời gian chờ đợi đầy lo lắng, hồi hộp. Nhân viên IOM và
viên chức tòa Tổng Lãnh Sự quán Hoa Kỳ liên tục nhắn tin, gọi điện nhắc tôi giữ
liên lạc.
-Chúng tôi vẫn ở đây. Khi nào máy
bay cất cánh chị nhớ gọi cho chúng tôi.
“Chúng tôi vẫn ở đây”, câu dặn dò
khiến tôi ấm lòng. Đúng 19:50 phút, máy bay cất cánh.
Tôi gọi điện báo tin cho nhân viên
IOM và Lãnh sự quán Hoa Kỳ. Chúng tôi chào nhau, vương chút ngậm ngùi. Mọi sự
căng thẳng, nặng nề bây giờ mới được trút bỏ. Lúc ở phi trường, bé Tôm dường
như cảm nhận được vẻ lo âu, căng thẳng của người lớn, nên nó không đùa nghịch,
hoặc chạy lăng xăng như mọi khi. Máy bay vừa cất cánh, con bé lập tức đưa tay
làm dấu Thánh, đọc kinh tạ ơn Chúa.
Mấy hôm trước, khi thấy ba mẹ thu
gom đồ đạc, nó hỏi “Ba mẹ ơi mình lại phải chuyển nhà nữa hả?” Nghe con hỏi,
lòng tôi quặn lại. Những lần chuyển nhà ám ảnh con bé. Chiếc máy bay lẫn vào bóng
đêm, mắt tôi không còn nhìn rõ hình hài mảnh đất quê hương mình đâu nữa. Tôi
không định khóc, nhưng nước mắt cứ trào ra, vị chát chúa, làm như không phải
nước mắt của chính tôi.
10 giờ sáng ngày 15 Tháng Tư 2023,
tức là chỉ ít giờ đồng hồ sau khi chúng tôi đặt chân lên đất Mỹ, công an lại xông vào
nhà thuê của tôi ở phường 9, Gò Vấp, Sài Gòn. Khi ấy, chỉ còn hai người chị gái
của tôi đang thu dọn đồ đạc.
Số là trước khi đi Mỹ ít ngày, tôi
nhờ hai chị từ ngoài Bắc vào giúp giải quyết một số việc nhà sau khi chúng tôi
ra đi. Công an đến, yêu cầu được gặp tôi. Thực là lạ, khi tôi còn ở nhà, họ
không mấy khi muốn chạm mặt. Hễ có việc gì cần (giả dụ đưa giấy mời, giấy triệu
tập…), họ thường rình lúc tôi đi vắng để chỉ phải gặp chồng tôi. Thậm chí họ có
số phone của tôi, thay vì gọi thẳng, họ cũng gọi anh Tú và nhờ nhắn lại. Thế mà
khi tôi vừa đặt chân tới Mỹ, cách xa tận nửa vòng Trái đất, họ đến nhà đòi gặp.
Chị gái tôi trả lời: “Gia đình em
tôi đi Mỹ rồi”. Nhưng họ không thèm ngạc nhiên về cái sự đi Mỹ của chúng tôi.
Rồi họ quay sang điều tra lý lịch và hạch hỏi, hoạnh hoẹ về cái sự có mặt của
hai chị gái tôi ở đó. Cuối cùng, công an lập biên bản hai chị về tội “không
khai báo tạm trú” và về hành vi “giúp em gái dọn đồ đạc, trả lại nhà cho chủ”
để gia đình chúng nó đi Mỹ định cư.
Ngồi viết những dòng này, tôi chợt
nhớ lại một vài trải nghiệm “thú vị” trong thân phận tù lẫn không tù của mình.
Tháng Chín 2008, sau nhiều ngày bị cơ quan an ninh điều tra Hải Phòng triệu
tập, tôi kiệt sức, phải nằm truyền nước. Hàng chục công an bố ráp nhà tôi, đứng
vây quanh giường bệnh tra khảo đủ điều và chờ truyền xong chai nước biển, đưa
tôi đi thẩm vấn. Vài ngày sau thì đọc lệnh bắt khi tôi đang tọa kháng tại nhà.
Trong tù, tôi đi cung cũng thuộc
diện được… ưu tiên. Một cái xiềng to bự, nặng chịch siết chặt lấy cổ chân, leng
keng loẹt quẹt lê theo tôi từ buồng biệt giam ra tới buồng hỏi cung. Ngoài cái
xiềng, tôi còn được khuyến mại thêm lời đe dọa “Chúng tôi biết chị rất kiên
cường. Nhưng chị Nghiên này, vào trong đây rồi ấy à, thì thép cũng thành nước”.
Mẹ tôi qua đời, công an ra lệnh Ban
Quản trang không cho chôn cất vì trường hợp này “liên quan đến chính trị”. Bao
nhiêu người đã bị đánh đập chỉ vì muốn đến dự tang lễ mẹ tôi, chia buồn với gia
đình tôi. Ngày tôi thành hôn, họ ngăn cản nhiều khách mời, không cho tới tham
dự. Căn nhà bé nhỏ của chúng tôi ở Vườn rau Lộc Hưng, mới ở duy nhất một đêm,
cũng bị nhà cầm quyền lùa quân vào đập nát, cùng với hơn 500 căn nhà khác. Tôi
bệnh, hoặc sinh con phải nằm viện, công an thập thò, rình rập, thì thầm nhỏ to
với nhân viên bệnh viện.
Nhưng tôi ngán nhất là việc đi thuê
nhà, hợp đồng xong đâu đấy rồi, gần ngày chuyển tới, chủ nhà tuyên bố một câu
xanh rờn “anh chị thông cảm, tụi em không thể cho anh chị thuê được”. Không có
chỗ ở, không có chỗ chui ra chui vào, con người ta không thể tồn tại một cách
bình thường, nói gì đến những điều lớn lao khác. Nay tôi buộc phải rời xứ sở ra
đi, họ vẫn kéo đến sách nhiễu người thân của tôi. Tù cũng tù rồi, đánh đập cũng
rồi, phá nhà cướp đất cũng rồi, bôi nhọ, vu khống, khủng bố đều trải qua rồi.
Nhà cầm quyền CSVN còn muốn gì ở tôi
nữa? Hôm nay, dù phải rời đi khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình nhưng tôi vẫn
nhìn về quê hương với con mắt và trái tim Việt Nam. Tôi luôn nhớ đến những
người bạn của tôi đang phải ở trong tù và tôi luôn nhớ đến tất cả những người
bạn của tôi đang tranh đấu và chưa bị vào tù. Tôi luôn nhớ rằng tôi đã sống qua
một chế độ độc tài và tôi tin rằng mình sẵn sàng chia sẻ gánh nặng đó với bạn
bè của tôi dù ở một phương trời rất xa. Vì vậy tôi không dám gọi mình là người
tranh đấu, nhưng tôi sẽ không từ bỏ việc lên tiếng để bảo vệ những cái đúng và
những điều cần phải được bảo vệ.
Phạm Thanh Nghiên
Viết riêng cho Saigon Nhỏ
No comments:
Post a Comment