Theo tin của blogger Lê Anh Hùng (người mới mãn án hôm 5/7) và nguồn tin riêng mà tôi (PTN) nhận được, thì tình trạng sức khỏe của ông Vũ Quang Thuận hiện đang nguy kịch. Ông Thuận bị khoảng 20 loại bệnh như viêm xoang, viêm họng, hen suyễn, hẹp buồng phổ, lao phổi, viêm mũi dị ứng, vẹo sống mũi, suy kiệt… Ngoài việc thăm khám trong Trại giam, ông Thuận được đưa tới bệnh viện tỉnh Hà Nam để thăm khám. Việc ông mắc khoảng 20 loại bệnh được bác sĩ bệnh viện tỉnh Hà Nam liệt kê và chẩn đoán. Bệnh nặng nhất liên quan đến phổi, đường hô hấp. Bác sĩ trại giam nói rằng phổi của ông Thuận chỉ còn 1/3 so với người bình thường và đã ở trong tình trạng “vô phương cứu chữa”.
Tuy bệnh nặng, nhưng ông
Thuận chỉ được đi thăm khám một lần tại bệnh viện tỉnh và trở về trong ngày.
Không được nằm viện và không được điều trị theo phác đồ chuyên khoa của bệnh viện.
Theo lời kể của ông Lê
Anh Hùng, trong khoảng sáu tháng ở nhà tù Nam Hà, blogger này nhiều lần chứng
kiến ông Vũ Quang Thuận phải gọi cấp cứu, nhất là vào ban đêm. Có tuần phải gọi
cấp cứu đến 3, 4 lần. Nhiều lần y tế trại giam và bạn tù nói rằng nếu không được
cấp cứu kịp thời có thể ông Thuận không qua khỏi.
Trong thời gian ở Trại
Nam Hà, ông Thuận từng bị biệt giam nhiều lần. Lần biệt giam lâu nhất kéo dài
14 tháng, từ tháng 3/2021 đến tháng 5/2022. Bệ nằm bằng sàn xi măng trong phòng
biệt giam được đặt ngay cạnh bể nước, trong khi bể nước này bị rò rỉ, ngấm vào
bệ nằm gây ẩm ướt quanh năm. Vào mùa đông, sự ẩm ướt trong buồng giam, nơi bệ nằm
càng khiến cái lạnh trở nên khắc nghiệt.
Ông Thuận không được cung
cấp chăn màn hay quần áo ấm và ông phải nằm trên sàn lạnh. Xin lưu ý, mùa đông
tại miền Bắc vô cùng khắc nghiệt, có thời điểm xuống thấp chỉ còn 5 đến 8 độ C,
người khỏe mạnh và trong điều kiện đời sống bình thường cũng cảm thấy quá sức
chịu đựng. Ông Thuận nhiều lần đề nghị nhà tù cung cấp thêm quần áo, chăn màn
nhưng không được chấp thuận.
Sau một thời gian dài bị
biệt giam trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, sức khỏe ông Thuận sa sút thê thảm.
Và các chứng bệnh của ông được phát hiện phần lớn sau khi bị biệt giam.
Ông Thuận bị biệt giam
“can tội” làm đơn kiến nghị, yêu cầu Ban Giám thị Trại giam cải thiện chế độ
giam giữ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy định của Trại
giam, mỗi tháng người tù được gọi điện thoại về nhà một lần, mỗi lần không quá 10
phút. Riêng ông Vũ Quang Thuận chỉ được gọi mỗi lần 2 phút và có tháng không được
gọi điện thoại về nhà. Đặc biệt trong thời gian hơn 1 năm biệt giam, tức là chế
độ “nhà tù trong nhà tù”, ông Thuận bị ngược đãi, bị ăn đói mặc rét và bị đối xử
hết sức tàn nhẫn.
Trước khi bị bắt, ông Thuận
sống cùng mẹ già và em trai trong một căn nhà trọ ở Hà Nội. Mẹ già, yếu do từng
bị tai biến. Em trai là lao động tự do, thu nhập không đều. Vì kinh tế gia đình
khó khăn nên vài tháng mới đi thăm nuôi 1 lần, khiến đời tù của ông Thuận càng
thêm khắc nghiệt, khốn khổ.
Tôi viết những thông tin
này khẩn thiết kêu gọi các cơ quan nhân quyền quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự
độc lập, những nhà bảo vệ nhân quyền, những người Việt Nam yêu chuộng công lý
và hòa bình tại hải ngoại cũng như trong quốc nội, quan tâm đến các tù nhân
chính trị, nhất là ông Vũ Quang Thuận đang trong tình trạng hết sức nguy kịch.
Ông Thuận đi tù không phải vì ông phạm tội, không phải vì ông làm điều xấu, điều
ác. Ông ấy đi tù vì đã dũng cảm phê phán những sai trái của chế độ, cổ võ cho
các giá trị nhân quyền, dân chủ một cách ôn hòa.
Ông Thuận còn 2 năm nữa mới
hết hạn bản án 8 năm tù giam mà tòa án cộng sản đã tuyên cho ông ấy. Không thể
để Vũ Quang Thuận trở thành những Đinh Đăng Định, Bùi Đăng Thủy, Trương Văn
Sương, Nguyễn Văn Trại, Đào Quang Thực, Đỗ Công Đương, Đinh Diêm, Phan Văn Thu,
Huỳnh Hữu Đạt …và hàng ngàn tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm khác đã phải bỏ
mạng trong nhà tù Việt cộng chỉ vì thực hiện khát vọng thay đổi vận mệnh dân tộc,
bảo vệ giá trị thiêng liêng của con người.
Khi chúng ta đang ngồi
đây, quây quần bên gia đình, người thân và bè bạn, có một Vũ Quang Thuận đang vật
lộn giữa sự sống và cái chết trong buồng giam, có hàng trăm tù nhân chính trị
đang mỏi mòn.
Kính xin
Phạm Thanh Nghiên, cựu tù
nhân chính trị.
No comments:
Post a Comment