Tác giả: Như Hồ và Phạm
Thanh Nghiên.
Một bài viết trên tờ New
York Times, do nhà báo Hannah Beech viết từ nguồn tài liệu riêng, cho thấy rõ
cách xử sự hai mặt của Hà Nội qua việc khẩn khoản mời Tổng thống Mỹ Joe Biden đến
Việt Nam để mở rộng quan hệ. Và mặc dù trong tình thế chiến lược hôm nay, hai đời
tổng thống của Hiệp Chủng Quốc đã ra mặt
chiều chuộng Đảng CSVN, ngó lơ các vấn đề nhân quyền và bách hại tôn giáo, Hà Nội
vẫn chuẩn bị các kế hoạch đâm sau lưng Hoa Kỳ.
TT Joe Biden đã có một
hành động đầy tính lịch sử của người đứng đầu quốc gia có truyền thống chống cộng
sản, là đến Hà Nội theo lời mời của đảng trưởng Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, và
sẽ bàn bạc mối quan hệ từng là cựu thù với Trọng, chứ không phải với Thủ tướng
hay Chủ tịch nước như thường lệ. Đây là một chỉ dấu của việc cam kết thầm lặng:
hãy “thắt chặt quan hệ ngoại giao với tôi, chúng ta sẽ là bạn và không cần quan
tâm bạn là ai”. Dĩ nhiên, bắt tay với Việt Nam lúc này, sẽ bao gồm cả việc chấp
nhận dư luận của chính nước Mỹ về các vấn đề nhân quyền tồi tệ.
Bà Hannah Beech, cây viết
kỳ cựu của New York Times đóng ở Bangkok, từng là trưởng văn phòng Đông Nam Á của
tờ Times, tung ra một tài liệu mật theo nguồn riêng, cho biết trước những ngày
ông Biden đến Hà Nội, đảng CSVN đã lưu hành trong nội bộ một văn bản tuyệt mật,
nói rằng dù kết nối với Mỹ thế nào, mối quan hệ với Nga mới là quan trọng và
không thể thay đổi. Bằng chứng của sự trung thành này, là Hà Nội đang thực hiện
các kế hoạch bí mật để mua một kho vũ khí từ Nga, bất chấp lệnh cấm vận của
chính phủ Mỹ.
Nội dung tài liệu này bị
rò rỉ từ Bộ Tài chính Việt Nam, đề tháng 3 năm 2023, với những chi tiết đã được
xác minh bởi các quan chức Việt Nam trước đây và hiện tại, đưa ra cách Việt Nam
đề xuất hiện đại hóa quân đội của mình bằng cách bí mật thanh toán cho các giao
dịch quốc phòng thông qua chuyển nhượng tại một liên doanh dầu khí của Việt Nam
và Nga ở Siberia. Được ký bởi một thứ trưởng tài chính Việt Nam, tài liệu lưu ý
rằng Việt Nam đang đàm phán một thỏa thuận vũ khí mới với Nga sẽ "tăng cường
lòng tin chiến lược", đặc biệt là sự quan trọng của lòng trung thành được
bày tỏ vào thời điểm "Nga đang bị các nước phương Tây cấm vận về mọi mặt".
Suốt nhiều năm nay, Việt
Nam từ lâu đã phụ thuộc vào vũ khí của Nga như một điểm tựa để chống lại sức ép
ngày càng leo thang của Trung Quốc. Tuyên bố cấm vận của Hoa Kỳ, với ý nghĩa sẽ
trừng phạt các quốc gia mua vũ khí của Nga, đã thật sự làm xáo trộn kế hoạch cải
tổ quân đội của Việt Nam và tạo ra sự thích thú của Bắc Kinh khi hoành hành
trên Biển Đông.
Tuy nhiên, tờ New York
Times nhận định, kiểu liều lĩnh hai mang này của Hà Nội, qua cách âm mưu mua
bán bí mật các thiết bị quốc phòng của Nga, đã đẩy Việt Nam đang bước vào trung
tâm của một cuộc cạnh tranh an ninh lớn hơn cả trong chính trị Chiến tranh Lạnh
và cuộc chiến tranh nóng hiện nay, ở Ukraine.
Hà Nội rất giỏi chơi trò
đu dây giữa các cường quốc thế giới. Nhưng việc theo đuổi một thỏa thuận vũ khí
như cách để thổ lộ với Nga như tình đồng chí, đã làm giảm khả năng tiếp cận với
Mỹ. Và nó cho thấy những rủi ro của một chính sách đối ngoại của Mỹ buộc các quốc
gia phải đưa ra lựa chọn quyết định "chúng tôi hoặc họ".
Đánh giá về sự hiểm nguy
cho Hoa Kỳ, với kiểu Hà Nội cứ theo đuổi
đường lối ngoại giao giảo quyệt, Ian Storey, một thành viên cao cấp tại Viện
ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, và là tác giả của một cuốn sách sắp ra mắt về
quan hệ của Nga với Đông Nam Á, nói “Tôi cảm thấy theo một cách nào đó rằng Mỹ
có những kỳ vọng không thực tế về Việt Nam. Tôi không chắc rằng họ hoàn toàn hiểu
mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc nhạy cảm như thế nào và mối quan hệ của
họ với Nga sâu sắc như thế nào. Hiểu lầm những điều này có thể khiến nước Mỹ bị
thiêu rụi".
Tài liệu của Bộ Tài chính
lên kế hoạch chi tiết về cách Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ thanh toán cho vũ khí của
Nga. Để tránh sự giám sát của Mỹ, tiền mua vũ khí của Nga sẽ được chuyển trong
sổ sách của một liên doanh Nga-Việt có tên Rusvietpetro, có hoạt động dầu khí tự
nhiên ở miền bắc nước Nga.
"Đảng và nhà nước của
chúng ta", tài liệu cho biết, "vẫn xác định Nga là đối tác chiến lược
quan trọng nhất trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh". Ắt hẳn, tài liệu
này khi đến bàn làm việc của tổng thống Mỹ, sẽ tạo một sự cay đắng nhất định
cho những người làm chính sách.
Hai tháng sau khi đề xuất
của Bộ Tài chính được bí mật lưu hành nội bộ, Dmitri A. Medvedev, cựu thủ tướng
Nga và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã có một chuyến đi lặng lẽ đến
Hà Nội. Chuyến thăm hầu như không được đưa tin trên các phương tiện truyền
thông nhà nước của Việt Nam, nhưng các quan chức Việt Nam nhá nhem nói rằng ông
Medvedev ở đó để củng cố một vài thỏa thuận quốc phòng. Một quan chức Việt Nam
giấu tên, đưa ra các điều khoản của một thỏa thuận vũ khí mới với Nga có mức 8
tỷ$ trong 20 năm.
Việt Nam đã thể hiện tình
đồng chí sát cánh với Nga, kể từ khi có cuộc xâm lược Ukraine năm ngoái: Việt
Nam đã từ chối lên án cuộc xâm lược tại Liên Hợp Quốc, và đã bỏ phiếu chống lại
việc đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền. Tại một hội nghị an ninh ở Moscow
vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei K. Shoigu cũng nhắc rằng Việt
Nam là một khách hàng lý tưởng mua vũ khí mới nhất của Nga.
Về phần mình, Hoa Kỳ đã
làm mọi thứ để bù đắp cho sai lầm đã đi với Trung Cộng, và bỏ rơi Nam Việt Nam,
cùng Đài Loan, bằng cách cố gắng kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo của Nga. Năm
2016, Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Hà Nội. Và nếu mối quan hệ
“đối tác chiến lược toàn diện” được ký kết gữa Mỹ và Việt Nam, rõ ràng là một
lượng vũ khí lớn, uy lực của Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ dễ dàng cập cảng Việt
Nam sắp tới đây.
Mỹ đã áp đặt một lệnh cấm
vận trừng phạt đối với Nga vào năm 2017, làm tăng khả năng trừng phạt đối với
các quốc gia làm ăn với các cơ quan quân sự hoặc tình báo Nga. Sau khi Nga xâm
lược Ukraine vào năm ngoái, Mỹ cũng loại các ngân hàng Nga khỏi các hệ thống
thanh toán toàn cầu mà Việt Nam đã sử dụng để mua thiết bị quân sự.
"Nếu Việt Nam tiếp tục
mua vũ khí từ Nga, uy tín quốc tế của chúng tôi sẽ bị tổn hại", Nguyễn Thế
Phương, một nhà phân tích quốc phòng từng giảng dạy tại Đại học Kinh tế và Tài
chính “Thành phố Hồ Chí Minh”, cho biết: "Nhập khẩu vũ khí từ Nga sẽ có
tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Việt Nam vì Mỹ và
các đối tác châu Âu là dòng xuất khẩu chính của chúng tôi. Thật không
đáng."
Tuy nhiên, quân đội Việt
Nam vẫn gắn bó sâu sắc với Nga - và việc thay đổi điều đó có thể mất nhiều năm,
nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ. Lòng trung thành lịch sử là mạnh mẽ. Trong
cái mà người Việt Nam gọi là Chiến tranh chống Mỹ, tên lửa Liên Xô đã giúp lực
lượng Cộng sản Việt Nam chiến đấu với người Mỹ. Các thế hệ đồng thau hàng đầu của
Việt Nam được đào tạo ở Liên Xô, và sau đó là Nga.
Có vài lý do cho thấy việc
rời bỏ việc mua bán vũ khí với Nga không dễ. Mặc dù đã có những tai nạn về kỹ
thuật của máy bay Su làm ê ẩm quan hệ Quốc phòng Nga – Việt, nhưng nhiều thế hệ
sĩ quan và lính học sử dụng các tàu ngầm, kỹ thuật mua từ Nga, đã quen với các
bảng điều khiển và hướng dẫn bằng mẫu tự Cyrillic của Nga. Việc chuyển đổi sẽ mất
thời gian và tiền bạc, cả hai đều không dư dả.
Bên cạnh đó, tham nhũng
và nhận hối lộ hoa hồng từ các vụ mua bán vũ khí với Nga đã thành truyền thống.
Điều này làm giàu cho nhiều quan chức và các nhóm thương thuyết. Mua vũ khí
phương Tây sẽ đòi hỏi sự minh bạch hơn so với giao dịch với người Nga – đó
chính là rào cản quan trọng nhất.
"Mọi hợp đồng với
Nga đều đi kèm với tiền chuyển dưới gầm bàn hoặc một cái gì kiểu gì đó tương tự",
Carlyle A. Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales Canberra và là một
chuyên gia về chính trị Việt Nam cho biết. "Các tướng lĩnh Việt Nam sẽ dễ
dàng từ bỏ điều đó sao?"
Các thành viên cứng rắn
trong giới lãnh đạo Việt Nam hiện đang chiếm thế thượng phong khi ông Trọng siết
chặt sự kìm kẹp của mình. Họ vẫn không tin tưởng vào Mỹ, bất chấp sự chào đón
hiện nay đang dành cho ông Biden. Đã có những tài liệu chuẩn bị các đối phó, lo
ngại rằng “Hoa Kỳ có thể cố gắng kích động một cuộc cách mạng dân chủ ở Việt
Nam hoặc, ít nhất, gắn các điều kiện nhân quyền vào việc mua vũ khí trong tương
lai”, Zachary Abuza, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington và
là tác giả của một cuốn sách sắp ra mắt về quân đội Việt Nam, nói, "Mọi
người đều muốn nói về mối quan hệ quốc phòng đang phát triển này với Hoa Kỳ,
nhưng điều đó sẽ rất khó xảy ra vì quân đội Việt Nam rất thân Nga”.
Tuy nhiên, Hà Nội có những
cách giảo hoạt của mình, trong đường lối "ngoại giao cây tre" để duy
trì quan hệ trong một khu vực khó khăn. Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm
Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu cho biết
rằng đối với mỗi thước đo tình hữu nghị với một siêu cường, Việt Nam lại có xu
hướng mở rộng một cái bắt tay cho một siêu cường khác. Đó là lý do sau khi đón
Mỹ, người ta tin rằng kế đến, Tập Cận Bình của Trung Quốc và thậm chí có thể là
Vladimir V. Putin của Nga sẽ đến thăm Việt Nam trong năm nay.
Một số quan chức trẻ của
Việt Nam và những người khác có liên quan đến chính phủ nói rằng họ không ủng hộ
một thỏa thuận vũ khí mới với Nga, như mới tiết lộ trong bài. Nhưng quân đội là
tổ chức bảo thủ nhất trong các thể chế quốc gia, có quyền quyết định với ưu
tiên hàng đầu của nó là bảo vệ Đảng Cộng sản, chứ không phải nhà nước. Nói
chung, đường chân trời Việt Nam và Hoa Kỳ đã tiến gần hơn, từ dã tâm của Trung
Quốc. Nhưng mọi thứ vẫn còn xa, và vẫn còn nhiều thứ phải là vật hy sinh cho mối
giao hảo này.
Như Hồ- Phạm Thanh Nghiên
Houston ngày 10/9/2023
No comments:
Post a Comment