Pages

Wednesday, December 24, 2014

Chút kỷ niệm nhân ngày giỗ bố


Tôi là con út trong gia đình có tám người con. Anh trai thứ hai của tôi, Phạm Thanh Bình đã qua đời chỉ sau 15 ngày tuổi. Anh sinh đúng chiều 30 tết năm 1970. Mùa đông năm ấy, miền Bắc rất lạnh.

Tám lần mẹ tôi sinh con, chỉ duy nhất sinh tôi là bố tôi ở nhà. Ông là thủy thủ, lênh đênh trên biển trước khi lấy mẹ tôi. Năm tôi 4 tuổi, ông về hưu mất sức. Khi mẹ tôi sinh anh Bình rồi anh qua đời, ông cũng không ở nhà. Tôi may mắn nhất so với các anh chị. Giây phút tôi chào đời được gần cả bố lẫn mẹ. Bảy lần trước, mẹ tôi một mình cắp làn (*) quần áo đi, rồi hôm sau bế đứa con đỏ hỏn về nhà. Sinh anh Bình, mẹ tôi được bà nội, chính xác là mẹ kế của bố tôi lên tận khoa sản thăm, cho ba lạng thịt. Anh Bình là đứa cháu duy nhất bà tôi chiếu cố.

Bố mẹ và các chị tôi kể lại: Từ khi chào đời cho tới khi mất- tức là 15 ngày tuổi- anh mới mở mắt duy nhất một lần. Anh mở mắt rồi đi. Ông bác họ đóng cho cái quan tài nho nhỏ, quấn mấy lần tã rồi mang anh đi chôn. Mẹ tôi khóc ngất. Anh Sơn, chị Yến, chị Oanh, chị Phượng lít nhít từ 1 đến 8 tuổi thấy mẹ khóc cũng hoảng sợ khóc theo. Mấy người cô, người chú họ mỗi người bế một đứa, dỗ dành: “ Đừng khóc, em Bình đi bộ đội đánh Mỹ, đánh Mỹ xong em về”.

Các tên đẹp, đặt hết cho các anh chị cả rồi. Bố mẹ tôi nghĩ mãi không ra tên cho đứa út. Tìm cái tên vừa ý, lại không bị “phạm húy” không phải dễ. Nghĩ mãi, bố tôi chép miệng:
-Đặt là Phạm Kim Liên đi, để kỷ niệm Làng Sen quê Bác.

- Không, các anh chị nó đệm là “Thanh”, giờ nó lại “Kim”. Tôi không thích. Đặt là Phạm Thanh Liên đi. -Mẹ tôi quả quyết.

- Ừ thì Phạm Thanh Liên cũng được. Bố tôi miễn cưỡng đồng ý.

Mẹ tôi ra phường. Một hồi sau trở về, chìa tấm giấy khai sinh cho bố tôi. Ông giãy nảy lên:
-Này, sao bà lại đặt tên con thế?
- Tên gì? Thì ông chả đồng ý còn gì?
-Tôi bảo bà đặt tên con là Phạm Thanh Liên, sao bà lại “tha” cái tên Nghiên về thế này?
Mẹ tôi hốt hoảng, dí sát mắt vào tờ giấy khai sinh:
-Ơ, rõ ràng tôi nói Phạm Thanh Liên mà. Sao lại thành ra Phạm Thanh Nghiên thế này?

Thế là tên tôi, không phải do bố mẹ chọn mà “chú” công an hộ tịch vô tình đặt cho. Ông ta, hết lần này đến lần khác nghe thành “Nghiêm”, “Nhiên”, rồi lại Hiên. Khi ông ta cáu kỉnh hỏi lại mẹ tôi: “Rút cuộc chị đặt tên cháu là Phạm Thanh Nghiên phải không?” thì lại đến lượt mẹ tôi nghe nhầm. Tưởng ông ta nói đúng ý mình là Phạm Thanh Liên rồi, nên gật đầu cái rụp: “Vâng”. Với lại, thấy quan…cáu, ai mà không cuống.

Bố mẹ tôi vì nhát, sợ gặp “chính quyền” nên không làm lại tên khai sinh cho tôi đành ngậm ngùi để cái tên “vừa xấu, vừa khó đọc lại chẳng giống ai”. Nhưng không bao giờ bố mẹ, gia đình hay họ hàng gọi tôi bằng cái tên ấy. Tôi vẫn tưởng tên mình là Liên. Mãi tới khi đi học, tức lên 7 tuổi tôi mới biết tên thật của mình.

Năm lên 6 tuổi, mẹ dẫn tôi đi xin học. Ông hiệu trưởng trường đó chê tôi bé, không nhận. Tôi lại tha thẩn chơi ở nhà một năm. Năm sau, đến lượt bố tôi đưa con đi. Vẫn ông hiệu trưởng ấy, vẫn Ban Giám hiệu ấy chê tôi “còi”, không nhận. Bố tôi đưa giấy khai sinh cho họ xem. Ông ta chê tên tôi xấu và phán:
-Chắc là khai man tuổi. Tôi nhìn nó bé thế này, cùng lắm là 5 tuổi, chứ 7 tuổi gì mà bé như cái kẹo mút dở.
Bị vu vạ là “khai man” tuổi cho con, bố tôi tức lắm:
-Giấy trắng mực đen có đóng dấu nhà nước đàng hoàng mà ông vẫn nói khai man.
Rồi bố tôi ấm ức bỏ về.
Hôm sau, mẹ tôi cùng mấy cô hàng xóm mang giấy khai sinh và hồ sơ xin học đến trường. Giấy trắng mực đen, dấu đỏ của nhà nước họ không tin. Họ tin mấy người hàng xóm làm chứng cho cái sự 7 tuổi của tôi.
-Nếu thầy không nhận thì cháu nó thất học. Năm ngoái tôi đã đến xin 1 lần rồi. Cháu nó đi học năm nay là thiệt mất một năm. Mẹ tôi nài nỉ.

Tôi học đến lớp ba vẫn phải có bố hoặc chị gái đứng cửa lớp kèm. Tôi nhát, nhìn lũ bạn học cũng sợ. Không có người thân đưa đón, đứng “trông” thì tôi không học được. Tôi sợ lắm. Không hiểu sao tôi lại sợ con người và sợ tất thảy mọi thứ như thế. Có lẽ, chỉ có bố mẹ và các anh chị em ruột mới làm tôi an tâm. Còn lại tôi sợ hết.

Nhà nghèo, mẹ tôi xoay đủ nghề kiếm tiền nuôi các con. Từ bán rau, bán bún rồi đi mót than. Hồi tôi học lớp 4, lớp 5, tức là khi tôi đã bớt sợ con người rồi, tôi theo mẹ đi mót than. Mẹ kéo xe cải tiến đằng trước, hai đứa con út ra sức đẩy phía sau.

Bố tôi về hưu mất sức. Ông chẳng mấy đi đâu, ít giao thiệp với người ngoài, ở nhà nuôi lợn.
Nhưng mỗi lần bán lợn tôi lại gào khóc rất thảm thiết, thậm chí quỳ thụp xuống lạy:
-Bố ơi, mẹ ơi tha cho em lợn đi. Cứu lợn với! Có ai cứu lợn không?”
Lần sau, bố  mẹ tôi lại phải “trốn” về quê, đẩy trách nhiệm bán lợn cho anh rể lớn tôi:
-Hu hu hu, cứu lợn với! Mẹ bố anh rể, mẹ bố anh rể bán lợn của tao, hu hu hu.
Tôi gào khóc inh ỏi, sấn vào ôm con lợn bị trói dưới đất đang giãy giụa.
Và chửi anh rể. Tôi chưa bao giờ chửi bậy. Đó là lần đầu tiên tôi biết chửi.
Từ ấy, nhà tôi thôi nuôi lợn.
Không ít lần mẹ tôi ôm tôi khóc : “Yếu đuối, bé bỏng thế này thì mai sau sống làm sao được hả con?”

Bố tôi sùng bái ông Hồ Chí Minh lắm, coi ông là thánh, cho rằng không có ông Hồ thì tất cả người dân Việt Nam đều bị Mỹ, bị Pháp đô hộ cho đến chết. Bố tôi lập bàn thờ ông Hồ. Hàng năm, cứ đến ngày 2/9, dù nghèo đến mấy nhà tôi cũng có thịt ăn. Vì đó là ngày “giỗ bác”. Tôi thích lắm, thích vì được ăn ngon hơn ngày thường. Mẹ tôi không sùng bái ông Hồ, cũng không ghét ông.

Tôi “yêu” ông Hồ vì bố tôi yêu ông.

Những năm cuối đời, bố tôi không còn ca tụng ông Hồ nữa. Thi thỏang tôi thấy bố tôi đạp xe rong ruổi phố phường. Từ ngày về hưu, tôi mới thấy ông chịu ra ngoài, và đi gặp bạn bè.
Tôi nhớ có lần, đang xem thời sự ông đã cầm chiếc điều khiển tivi lẳng một cái suýt vỡ màn hình. Rồi hét: “ Lũ lừa dân, quân khốn nạn. Đ.m quân cộng sản”.
Năm 2002, hai năm truớc khi ông qua đời, gần đến ngày 2/9 tôi hỏi:
-Năm nay nhà mình có giỗ bác không hả bố?
- Sẽ không bao giờ có cái ngày ấy nữa. Để cho ông ta chết đi.
Tôi sững sờ.

Mấy hôm sau, tôi đi làm về, cái ban thờ ông Hồ biến mất.

Mùa đông năm 2004, bố tôi qua đời vì bệnh ung thư phổi.
Nhưng ông sẽ không bao giờ biết rằng, sau khi cái ban thờ và ảnh ông Hồ bị gỡ xuống, tôi đã cắt tấm hình khác của ông ta rồi kẹp trong cuốn nhật ký. Tôi vẫn tiếp tục“yêu” ông Hồ cho dù bố tôi đã hết yêu ông. Và bố tôi càng không bao giờ có thể tưởng tượng rằng cũng đứa con gái út bé bỏng, yếu đuối và sùng bái Hồ Chí Minh đến thế lại có ngày đứng trước tòa án cộng sản và tuyên bố : “Đúng, đảng cộng sản Việt Nam là phản động!”

Hôm nay, con viết những dòng này để tưởng nhớ 10 năm bố xa lìa chúng con. Con tin rằng bố không buồn vì những gì con đã làm.


No comments:

Post a Comment