Viết tặng bố Trần Thúc Lân, người họa sĩ già kể chuyện Quê Hương qua nét vẽ.
(Têrêsa Phạm Thanh Nghiên)
(Têrêsa Phạm Thanh Nghiên)
Tôi từng ghét, và ác cảm với đạo Công giáo.
Ghét một cách hiển nhiên (và hồn nhiên) như việc tôi từng tin yêu cộng sản
vậy. Tôi chưa bao giờ đi tìm nguyên cớ vì sao có cái sự yêu-ghét kỳ quặc, bất
công và bất bình thường như thế. Cứ như một lập trình, ai tin cộng sản đều thù
ghét tôn giáo. Sản phẩm giáo dục trong môi trường xã hội chủ nghĩa cứ cho ra đời
những con người yêu- ghét theo quán tính vậy thôi. Vì sao yêu? Không biết. Vì
sao ghét? Cũng không biết.
Trong suy nghĩ của tôi, người Công giáo không cần tổ quốc, không cần anh
em, bằng hữu. Theo Đạo, là chối bỏ cha mẹ, anh em, họ tộc. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy ghê sợ
cái lối tư duy kỳ quặc trong quá khứ của mình.
Hồi ấy, cô bạn học cùng lớp hay rủ tôi đến Nhà thờ. Thảo Ni không phải người
Công giáo. Cô nàng đến nhà thờ chỉ vì thấy “hay hay”, Ni bảo thế.
Tôi đi cùng Ni vì chiều bạn, và vì tò mò xem Linh mục ngoài đời có giảng đạo
như Linh mục trong phim không. Tôi mê bộ phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” lắm.
Đó là một trong những bộ phim truyền hình nhiều tập đầu tiên được phát trên
kênh VTV3, khoảng những năm 95, 96 ở thế kỷ trước. “Thì ra đạo Công Giáo không xấu như mình tưởng.”. Những cảnh “Thánh
lễ” trong phim là những hình ảnh tôi mong chờ nhất
khi dán mắt vào màn hình vô tuyến.
Tôi lại đi theo Thảo Ni
đến nhà thờ.
Hôm ấy, nhà thờ đông lắm, người ngồi chật ních cả ngoài sân. Sau này nhớ lại,
tôi đoán đó là ngày Lễ Phục Sinh.
Ông linh mục (hồi đó tôi gọi như thế), bắt đầu động chạm đến chính trị,
đúng đề tài tôi thích.
-
...Và
như thế, Stalin là một tên đồ tể, một kẻ giết người hàng loạt.
Gương mặt vị linh mục vẫn tự nhiên và bình thản như không phải mình đang
nói những điều “nhạy cảm”.
Như điện giật, tôi đứng phắt dậy, mặc cho Thảo Ni níu tay tôi lại. Tôi luồn
lách qua đám giáo dân đông đúc vẫn đang ngồi nghe ngoài sân. Vị linh mục vừa
xúc phạm đến niềm tin của tôi. Tôi yêu quý Stalin như yêu quý những lãnh tụ cộng
sản khác.
Tôi giận Thảo Ni mất mấy ngày.
Từ lần ấy, tôi lại tiếp tục ghét người Công giáo. Và không bao giờ trở lại
nhà thờ nữa.
Mấy năm sau tôi đi làm. Cùng làm với tôi có một anh người Huế tên là Phong.
Tôi quý mến anh mọi thứ, trừ việc anh là người Công Giáo.
Hôm ấy anh đến nhà tôi, mang theo cuốn Kinh Thánh. Đấy là lần đầu tiên tôi
chạm tay vào một cuốn Kinh Thánh. Giở một trang bất kỳ, tôi đọc:
“Hãy đem yêu thương vào nơi
oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi
lăng nhục
Ðem an hoà vào nơi
tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi
lầm.”
Tim tôi như đập nhanh hơn. Phúc chốc tôi thấy
hơi thở ấm lại và có điều gì đó giống như làn gió nhẹ len lỏi trong óc tôi.
Tôi vội vàng đem cuốn sổ tay ra chép. Như thể những
ý tứ ấy sẽ bay biến nếu không tranh thủ lưu giữ lại. Tôi không biết đó là kinh
gì, nhưng từ ấy, tôi không bao giờ ghét đạo Công Giáo nữa.
Năm 31 tuổi, tôi đi tù.
Tôi từng nếm trải hơn hơn bốn tháng biệt giam. Đó là một buồng giam rộng
chưa đầy 6 mét vuông. Tôi có thói
quen ghé mắt
qua 6 cái lỗ nhòm của cửa buồng giam, dù chỉ để nhìn thấy khoảng sân chật chội và hàng rào kẽm gai sắc lạnh. Để bớt đi cảm giác ngục tù.
Tối nào tôi cũng hát. Nhưng chỉ hát thôi thì
chưa đủ. Tôi cần một điều gì đó giá trị hơn, để nâng đỡ tinh thần mình.
“Hãy đem yêu thương vào nơi
oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi
lăng nhục.”
Lời kinh hôm nào lại văng vẳng trong trí não. Tôi
không nhớ nguyên văn những điều mình đã đọc hơn mười năm về trước. Những câu
kinh chắp vá, không nguyên vẹn trong trí nhớ ngày nào đã trở thành lời cầu nguyện
mỗi ngày của tôi. Thiên Chúa, chắc không trách tội một kẻ ngoại đạo là tôi. Tôi đã tin như thế. Và tôi dần thấy mình được gần
Thiên Chúa, tinh thần tôi đã có nơi để bám víu, tựa nương.
Ra tòa được ít hôm, tôi bị chuyển lên Trại giam
số 5, Thanh Hóa. Mười một tháng cuối cùng của chặng đường tù, tôi bị chuyển vào
ở hẳn trong Phân trại, không phải đi ra
ngoaì hiện trường lao động nữa dù ra
ngoài đó tôi cũng không làm gì. Bạn tù bảo, tại tôi hay chặn đường các đoàn kiểm
tra để kiếm chuyện, hay “săm soi” bắt lỗi cai tù nên tôi bị “tống” vào trong trại
ngồi chơi xơi nước. Đi tù “được” ngồi chơi là điều không người tù nào nghĩ đến. Với lại, đi đội tôi cũng có làm gì đâu, cai tù mang
tiếng đày ải tôi ra.
Buồng bên cạnh có một chị tên Bẩy theo đạo Công
Giáo, người Nghệ An. Chị có gương mặt đẹp và phúc hậu như Đức Mẹ. Nhiều lần tôi
tự hỏi, tại sao người phụ nữ có gương mặt đẹp và nhân từ như thế lại có gan đi
buôn ma túy để bị kết án những 20 năm tù?
Mà chị Bẩy hiền lành thật. Tôi chưa thấy chị cãi
vã với ai bao giờ. Thi thoảng gặp tôi ở sân giếng, chị tâm sự với tôi về nỗi ấm
ức chị phải chịu. Chị bảo, theo Chúa là phải biết nhường
nhịn và khiêm nhường.
Chiều hôm ấy, chị rỉ tai tôi:
-Nghiên ơi, mấy lần chị để ý thấy trong các lần
sục buồng, cán bộ không bao giờ tự ý lục lọi đồ của em, phải không?
-Vâng. Họ muốn thì phải được sự đồng ý của em,
và phải lập biên bản em mới cho kiểm tra chị ạ. Tôi trả lời, mặt tỉnh bơ trước
thái độ dè dặt của chị.
-Thế nếu họ cố tình thì sao? Chị hỏi tiếp, nét mặt trông nghiêm trọng lắm.
-Em không biết. Nhưng họ chưa cố tình lần nào chị ạ.
-Vậy chị nhờ em một việc được không?
-Vâng, chị nói đi, giúp được em sẽ giúp.
-Em giữ giúp chị cuốn Kinh Thánh nhé. Chị sợ lúc
cán bộ đột xuất sục buồng, thấy được là chết chị.
Từ hôm ấy, sáng nào trước khi đi làm chị cũng
kín đáo mang cuốn Kinh Thánh sang gửi tôi. Hôm thì giấu trong vạt áo, hôm thì lấy
thứ gì đó như cái khăn, tập giấy để che cuốn Kinh Thánh. Buổi chiều trước khi
điểm buồng, tôi lại kín đáo đưa cuốn Kinh Thánh trả lại cho chị.
Tôi được đọc Kinh Thánh từ ấy.
Ban đầu, nhìn cuốn sách bé xíu, dầy khộp với chi chít những chữ, tôi
cũng ngại. Đọc từ đầu, không hiểu gì cả. Tôi bỏ. Thi thoảng tôi lại giở những
trang bất kỳ ra xem. Không bao giờ tôi nhớ nổi một câu nào trọn vẹn.
“Phước
cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy”.
Tôi nhớ rất rõ câu Kinh Thánh ấy ngay khi vừa mới đọc. Hôm ấy tôi đang ở
ngày đầu tiên của cuộc tuyệt thực thứ 2 trong trại 5 Thanh Hóa. Tuyệt thực, để
các tù nhân được trải nệm xuống nằm vào mùa đông, để được nhận chăn ấm từ gia
đình gửi vào. Có dịp, tôi sẽ kể về cuộc tuyệt thực này trong một lần khác. Tại
sao lại là lời Kinh ấy, tại khoảnh khắc ấy chứ không phải trong bao nhiêu lời
Kinh khác?
Đến bây giờ, tôi vẫn tin rằng Thiên Chúa đã nâng đỡ, tiếp sức cho tôi trong
những thời khắc khó khăn nhất của cuộc tù đày.
Tôi về hết án, chị Bẩy sụt sịt nói với tôi ngoài sân giếng:
-Em về, ai giữ cuốn Thánh Kinh cho chị?
Tôi không biết trả lời thế nào, buồn rũ người.
Tôi đã về nhà, tháng 9 này được tròn bốn năm. Bốn năm ấy, không biết ai
niu giữ cuốn Kinh Thánh giúp chị Bẩy?
Chú thích:
(*). Viết dịp Phục sinh
nhưng tháng 6/2016 mới đăng.
“Hãy đem yêu thương vào nơi oán thù,
ReplyDeleteÐem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.”
Đây là lời kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô khó khăn chị ạ!
Chúc chị bình an của Chúa!