Pages

Friday, November 12, 2021

VẨN VƠ VƠ VẨN

Tôi nhận ra điều khó khăn nhất trong cuộc đời mình (hoá ra) là giấc ngủ. Từ bé, tôi đã khó ngủ, và ít ngủ. Không biết đó là nguyên nhân khiến tôi ốm yếu, còi cọc hay ngược lại, vì ốm yếu nên sinh ra khó ngủ. Thời thanh niên lại khó ngủ, và ít ngủ thêm một chút nữa. Chẳng hề gì. Tôi không mấy bận tâm. Người ta còn một giấc ngủ dài cơ mà. Để dành thời gian cho giấc ngủ cuối cùng, có hơn không.

 

Nhưng hơn chục năm nay, thì to chuyện. Tôi đánh vật với giấc ngủ như một kẻ đi buôn chưa ra đến chợ đã biết chắc là ế ẩm và cụt vốn. Giấc ngủ của tôi mỗi đêm đều ngắn lại, tỉ lệ thuận với sự ngắn lại của chiều dài cuộc đời mình.

 

Giấc ngủ đối với tôi là điều thật xa vời, thậm chí xa xỉ. Gọi là “ngủ” nhưng đó chỉ là trạng thái giống với ngủ mà thôi. Chập chờn, mơ màng, khi tỉnh khi mê hoặc thức trắng. Có lẽ vì thế mà lúc nào thằng người cũng như nuột đi. Nghiêm trọng nhất là trí nhớ giảm sút, phải nói là tuột dốc theo tốc độ vù vù. Hồi chưa đi tù, tôi có thể nhớ vanh vách những câu văn, thậm chí đoạn văn mà mình tâm đắc trong cuốn sách vừa đọc xong. Nhớ đến nhiều năm sau vẫn có thể nhắc lại được. Đến nỗi khi đứng trước toà hồi Tháng Giêng năm 2010, luật sư Trần Vũ Hải còn thốt ra câu “cô Phạm Thanh Nghiên có một trí nhớ thật đáng ngạc nhiên”, sau khi ông hỏi tôi vài chi tiết trước khi bắt đầu bài bào chữa. Sau này thì khác rồi. Chỉ cần bước sang năm tù thứ hai tôi đã thấy trí nhớ của mình giảm đi trông thấy. Bây giờ, ngoài 40 tuổi thì càng tệ. Song vẫn còn may là tôi chưa quên mình là ai, và hứa với ai điều gì sẽ luôn luôn nhớ, rồi thực hiện cho bằng được. May là còn như thế. Thôi thì “mất trí nhớ” hoặc thuộc diện  “trí nhớ có chọn lọc” kiểu thế là phúc đức đời tôi rồi. Gì chứ bất tín, bội ước là phiền phức, dở lắm.

 

Tôi thích viết, và thích đọc. Nhưng hai thứ ấy giờ càng trở nên khó khăn. Khó như phải tát vào má một đứa trẻ vô tội. Tôi phải ví von như thế để biểu tỏ hết sự khó khăn, bất lực của mình. Bởi từ nhỏ đến giờ, và mãi mãi cho đến chết tôi cũng sẽ không làm cái việc bất nhân là tát một đứa trẻ. Trẻ con sinh ra là để cho người lớn yêu thương, đắm đuối và hy sinh vì chúng.

 

Cái khó ấy là chỉ cần ngồi lỳ trước màn hình máy tính vài chục phút là cơn mệt ập đến rất nhanh. Thế là bắt đầu vài ba ngày liên tiếp tôi chỉ có thể làm một việc duy nhất là …nằm để …thở. Lần đầu tiên tôi thấy mặt chồng tôi tái mét, đầy lo sợ khi thấy tôi nằm im, không nhấc nổi cái môi lên để đáp lại cử chỉ âu yếm của cô con gái nhỏ khi nó chạy vào giường hỏi han mẹ. Nhịp tim tôi lúc ấy dừng lại ở con số 53. Mỗi lần như thế tôi phải nằm, không thể và không dám làm gì cho đến khi lại sức. May là tôi sống bằng tinh thần, bằng niềm vui từ những lời cầu nguyện và tiếng cười của con trẻ. Những điều giản dị ấy giúp một kẻ dặt dẹo về thể xác như tôi vẫn có thể nói to, cười lớn và đùa giỡn mỗi ngày với đời, với người. Chỉ có điều, tôi không thể đọc sách nhiều như xưa, không thể viết nhiều như mình muốn. Bạn tin không, tôi phải bỏ dở cả trăm trang viết vì bệnh đau cột sống, hoa mắt, chóng mặt và đặc biệt là bệnh hụt hơi khi phải ngồi hơi lâu trước màn hình máy tính. Còn những dòng chữ vụn vặt hoặc những bài viết ngắn dưới 2 ngàn chữ thì tôi viết trên phone không hề hấn gì.

 

Tối hôm qua, tôi đua đòi với chồng, nốc nguyên 1 ly cà phê sữa và thế là, chẳng nói thì cũng biết sự thể tệ hại thế nào rồi. Hết ngồi dậy lần chuỗi đọc kinh tôi lại nằm… chơi.  Chơi chán thì mở laptop xem lại mấy bản thảo viết dở. Chán, lại đóng máy. Hai giờ sáng, tôi mò mẫm tìm những cuốn sách hay trên mạng. Thường thì người ta hay chiêu dụ cơn buồn ngủ bằng cách đọc sách. Tôi ngược lại, càng đọc càng tỉnh. Nhưng không buồn ngủ mà nằm lỳ ra vô ích, nặng đầu thêm. Tôi đọc hết 5 truyện ngắn, cơn buồn ngủ vẫn không chịu mò đến. Cuối cùng tôi quyết định đọc lại cuốn tiểu thuyết “ Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng. Nói thật, nền văn học Việt Nam còn được ra nền văn học, hay nói cách khác, nếu đạt đến đỉnh cao là nhờ có “Tự Lực văn đoàn” đấy. Tôi đọc một mạch hết cuốn tiểu thuyết thì đồng hồ đã chỉ đến gần 5 giờ sáng. Tôi gấp sách lại, đi nằm.

 

Lúc này, tôi không còn tỉnh như sáo nữa mà đã có cảm giác hơi buồn ngủ. Ôi sao lại có thứ tình yêu đẹp đẽ đến thê? Sao lại có thứ văn chương hiền hoà đến thế. Tôi mơ màng, lâng lâng, vẩn vơ nghĩ đến cuốn tiểu thuyết vừa đọc xong. Tôi tưởng mình đã ngủ. Nhưng không. Đó chỉ là cảm giác giống như ngủ thôi.

 

Sáng rồi, tôi phải dậy. Dậy để bắt đầu một ngày mới. Và chờ đợi những đêm dài thiếu ngủ.

 

Phạm Thanh Nghiên

(Một số hình ảnh trang bìa cuốn tiểu thuyết “Hồn bướm mơ tiên” của nhà văn Khái Hưng).


 


No comments:

Post a Comment