Nói
thật là tôi (cũng chỉ) yêu thương chồng như tất cả
những người vợ khác yêu chồng mình. Ai chả biết. Ý
tôi muốn nói rằng tôi yêu ở thể ...bình thường, chứ
không dở hơi đến mức ghen cả với quá khứ của chồng.
Nhưng mà tôi tò mò thật. Sau nhiều lần tra hỏi, cuối
cùng chồng tôi cũng “khai báo thành khẩn” về mối
tình đầu của anh ấy. Không riêng về chuyện yêu đương
của chàng (hôm nay lãng mạn gọi là “chàng” chứ không
gọi là “lão” như mọi khi nữa), mà cuộc đời, hoàn
cảnh, gia đình và mọi biến cố mà chồng tôi trải qua,
đều gây cho tôi những ấn tượng đặc biệt. Đến nỗi
tôi nghĩ rằng có thể viết thành một cuốn sách mang
những giá trị riêng của nó. Vì những gì chồng tôi và
gia đình anh đã trải qua không đơn giản là câu chuyện
của một con người, nó mang bóng dáng về một giai đoạn
lịch sử, một cái gì đó "chung" hơn là "riêng.
Đấy
là chợt nghĩ trong đầu như thế, chứ viết sách đâu
phải chuyện dễ làm. Dẫu sao, thỉnh thoảng “tố cáo”
một tí về cuộc đời của chàng, nhất là chuyện yêu
đương, kể cũng thú vị.
Qua lời “khai” của anh,
tôi nổi hứng viết luôn câu chuyện về thuở đi học,
về mối tình đầu tan vỡ của chồng. Úi xời, không
tan vỡ thì tôi và chàng đâu có lấy nhau cơ chứ. Hì
hì. Để câu chuyện hấp dẫn hơn, và cho việc hành văn
được dễ dàng, người viết dùng đại từ nhân xưng
ngôi thứ nhất là: “tôi”. Hiểu nôm na là anh Tú (nhân
vật “tôi) kể lại và “mụ vợ” chấp bút, cũng
được.
Chuyện
thế này:
Cuối
năm lớp 12, như các bạn khác, tôi cũng háo hức chuẩn
bị cho việc nộp hồ sơ thi đại học. Trong một buổi
ra chơi, cô Dung- giáo viên chủ nhiệm gọi tôi ra nói
chuyện. Cô khuyên tôi không nên thi đại học vì sẽ
chẳng có kết quả gì vừa mất thời gian, vừa tốn tiền
của cha mẹ. Không phải cô Dung ghét bỏ hay trù úm gì
tôi, mà hơn ai hết cô hiểu “luật bất thành văn”
rằng với một học sinh nghèo như tôi, gốc gác “ngụy
quân ngụy quyền”, không có thành tích nổi bật trong
học tập thì việc thi cử sẽ chẳng đi đến đâu.
Tôi
thật sự buồn, không hẳn do không có cơ hội đi học
đại học. Tờ giấy lý lịch như một định mệnh ám
ảnh tôi, suốt từ thời thơ ấu đến tuổi thanh niên,
và đến tận bây giờ khi tuổi tôi đã ở bên kia triền
dốc của cuộc đời.
Nghe lời khuyên của cô giáo
chủ nhiệm, tôi không mơ tưởng đến giảng đường đại
học nữa. Mùa hè năm 1987, tôi tốt nghiệp Trung học.
Không cần chờ lấy bằng, tôi bắt đầu với nghề đạp
xích lô. Nghề đạp xích lô không cần bằng cấp, cũng
chẳng cần xét lý lịch gì cả. Đây là cuộc chuyển
đổi nghề nghiệp lớn nhất cuộc đời tôi. Từ một
cậu học trò phụ ba làm nước đá, sửa chữa điện
lạnh, bây giờ một mình tôi sở hữu hẳn một chiếc
xe xích lô, vừa làm chủ, vừa làm công.
Thời gian
này thì tôi bắt đầu biết yêu. Cô gái ấy tên là
Hằng, con gái bà chủ từng cho má tôi thuê mặt bằng mở
đại lý bán gạo trước đó. Hằng là người gốc Hoa,
xinh xắn, có nước da trắng và giọng nói rất nhẹ
nhàng. Hồi đó, Hằng có một sập vải ở chợ An Đông.
Nếu so sánh thì đúng là cuộc tình này không “môn đăng
hộ đối”. Nhưng Hằng vẫn chấp nhận yêu một thằng
đạp xích lô như tôi trong khi nàng có nhiều chàng trai
khác theo đuổi. Tôi nhớ lần đầu tiên hẹn hò với
nàng, tôi đã run rẩy nhường nào, lấy hết can đảm
cuối cùng vẫn chẳng dám cầm tay. Tôi đem chuyện yêu
đương tâm sự với cậu Thành. Cậu Thành mắng tôi ngu,
rồi hiến kế: “Mày mua hạt dưa và kẹo cao su (Chewing
gum), rủ nó đi xem phim. Rồi lúc mày đổ hạt dưa vào
tay nó, đợi nó xòe tay ra hứng thì mày chộp. Còn
chewing gum là ăn cho thơm miệng để dành cho lúc mày hôn
nó”.
Tối thứ 7, tôi hẹn Hằng đi xem phim ở rạp
Lao Động trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5. Đèn đã
tắt, phim đã chiếu mà tôi vẫn hồi hộp không dám ngồi
sát nàng. Nhớ lời dặn của cậu Thành, tôi lấy gói
hạt dưa đã cất trong túi quần ra, mời nàng. Khi Hằng
chìa bàn tay hứng hạt dưa, tôi đã muốn “chộp” như
lời cậu tôi xúi, nhưng không đủ can đảm. Tôi lại tự
an ủi mình, thôi thì chờ đến giai đoạn hai là ăn
chewing gum để hôn luôn một thể. Nhưng Hằng ăn lâu
quá, (thì nàng cũng phải e thẹn chứ), nên tôi nóng ruột
phải ăn phụ. Để ăn cho nhanh, tôi nhai và nuốt luôn cả
vỏ. Số hạt dưa trên tay nàng chỉ còn lại vài hạt
thì cũng vừa lúc hết phim. Mấy thanh kẹo chewing gum vẫn
còn nguyên trong túi quần.
Lần hẹn hò thứ hai của
tôi lại về không. Vừa về đến nhà, đã thấy cậu
Thành đứng chờ. Cậu hỏi, vẻ hồi hộp: “thế nào,
hôn chưa, hôn chưa?” Tôi buồn bã lắc đầu. Tôi kể
lại diễn biến cuộc hẹn hò, một lần nữa tôi lại
bị cậu rủa là ngốc. Cậu bảo “ ai bảo mày đổ một
lần hết túi hạt dưa vào tay nó. Mày phải chia ra chứ.
Đổ cả vốc thế thì đợi đến bảy bộ phim cũng
không hết được, làm gì có cơ hội hôn nó”. Đúng là
tôi ngốc thật, nhưng lẽ ra cậu Thành phải dặn tôi
thật kỹ từ ban đầu chứ, giờ mới nói có ích gì.
Nếu
gia đình tôi không đi vượt biên, có lẽ tôi và Hằng
đã nên vợ nên chồng. Trong suốt 5 năm yêu nhau, có lần
tôi đã nói lời chia tay với nàng. Không phải tôi hết
yêu nàng, mà vì tôi mặc cảm thân phận mình nghèo khó,
lấy tôi Hằng sẽ khổ. Tôi đã cố lảng tránh, không
gặp nàng mấy tháng trời. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng
tôi đã quá yêu Hằng và nàng rất đau khổ khi phải xa
tôi. Đến khi chuẩn bị bàn chuyện cưới hỏi thì tôi
bỏ xứ, theo gia đình vượt biên vào đầu năm 1992.
Có
lẽ tội lỗi lớn nhất trong cuộc đời tôi là đã
ruồng bỏ người mình yêu. Năm 1999 tôi trở về Việt
Nam để làm nhiệm vụ do Tổ chức giao, tôi đã nghĩ đến
Hằng nhưng không dám đi tìm vì sợ nguy hiểm cho nàng.
Ra tù, tôi càng không dám đi kiếm vì sợ nàng bị liên
lụy. Không gặp ai để hỏi thăm về cuộc sống của
Hằng, nhưng có lẽ nàng cũng đã chồng con đề huề.
Nếu thế thì tôi cũng đỡ day dứt, ân hận vì từng
gây đau khổ, làm lỡ dở cuộc đời Hằng.
(Hình
chụp cùng em Nghiên, không phải em Hằng mối tình đầu)
No comments:
Post a Comment