Pages

Saturday, October 17, 2020

TÂM TÌNH LÀM MẸ








 

(Teresa Phạm Thanh Nghiên)

Hôm nay, 16/10 là ngày lễ mừng kính Thánh Gierado ở các nhà thờ DCCT, xin kể câu chuyện trong thời gian tôi mang thai như một lời tạ ơn. Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gierado mà con đã thoát nạn khi gặp khó khăn, nguy hiểm lúc mang thai và sinh con.



Trước khi kết hôn, tôi đã nói với anh Tú rằng nếu lấy tôi, anh có thể chịu thiệt thòi vì tôi chưa chắc đã sinh con được. Thể trạng ốm yếu (nặng có 36 kg), bệnh tật đầy mình. Trong suốt ba năm quản chế sau khi ra tù, mùa đông nào tôi cũng phải nằm viện từ 01 tuần cho đến hơn chục ngày. Nếu không nằm viện thì tôi cũng không thể ...rời thuốc và thường xuyên phải mời bác sĩ đến nhà điều trị. Sau này vào Sài Gòn, tôi có khỏe hơn do hợp với khí hậu Miền Nam nhưng vẫn thường xuyên phải đi bác sĩ và tôi không thể đếm được số thuốc tây tôi đã uống.



Nghe nói thế, anh Tú buồn nhưng vẫn chấp nhận. Trước khi cưới, tôi đi khám lần nữa, cho chồng vui là chính. Thầy thuốc đông y khuyên “Nếu muốn bảo toàn tính mạng thì không nên sinh con”. Còn bác sĩ tây y lại nói “Khó đậu thai lắm”. Chúng tôi về nhà, lòng buồn rười rượi. Nhưng miệng tôi cứ leo lẻo nói với chồng “Không có con cũng tốt anh ạ. Em ốm đau bệnh tật, cả hai vợ chồng lại lớn tuổi nữa. Chưa kể việc nhà tù cứ treo lơ lửng trên đầu. Lỡ một trong hai đứa đi tù, hoặc cả hai cùng đi, chẳng ai lo cho con. Mình sinh nó ra mà không lo nổi cho nó, làm khổ nó thì có tội với con”. Từ đó, tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện sinh con nữa. Chồng tôi có vẻ đồng tình. Nhưng thỉnh thoảng anh ấy lại thủ thỉ: “nếu có con thì anh đặt tên con là…” Mỗi lần thế, tôi lại ngậm ngùi.



Mười tháng sau khi cưới tôi phát hiện mình có thai.

Hôm ấy, một tay tôi cầm nguyên một trái xoài xanh to tổ bố thằng ăn mày, tay kia cầm con dao nhọn hoắt, gọt gọt cho vào miệng nhai nhoay nhoáy. Thấy thế, chị Phượng -chủ nhà trọ ở Vườn rau Lộc Hưng và là bạn thân thiết với gia đình tôi, bảo:

- Hình như có bầu rồi, ăn chua thế này là nghén đấy

Tôi dài mỏ ra cãi :

-Bầu biếc gì, mơ giữa ban ngày.



Nói ra thì sợ thiên hạ cười. Nhưng phải khai thật. Mấy hôm sau có một chuyến đi xa. Vì sợ đi đường ….gặp sự cố nên tôi cứ khư khư cái miếng băng vệ sinh dù khi ấy tôi chẳng làm sao cả. Hai ngày sau về nhà, vẫn không thấy gì. Tôi nghi nghi nhưng lại nghĩ, chắc không có đâu. Tôi âm thầm mua que thử thai, vào trong toilet. Ối giời ơi! Tay chân tôi cứ quýnh hết cả lên. Tôi không tin vào điều tôi nhìn thấy nên phải lấy kính cận ra đeo để nhìn cho chuẩn. Lưỡi tôi líu lại, một lúc sau mới bật ra được tiếng gọi chồng. Tôi gọi như cháy nhà:

- Anh, anh ơi, có...có...có rồi.

Chồng tôi đang ngủ trên gác xép, nghe tiếng gọi thất thanh của vợ, bật dậy chạy xuống như bay. Bằng giọng ngái ngủ, lão hỏi:

-Có gì?

-Em, em có thai rồi!

Bất ngờ quá, lão cứng đơ người. Sau vài phút đứng hình, lão gào lên:

-A, a, ha, ha, ơ, ơ... vậy là mình sắp có con hả? Đâu, đâu, đưa anh xem nào?

Tôi tưởng chồng đòi cho xem con, vội trả lời:

-Chưa, chưa đẻ mà.

Trả lời xong mới thấy mình ngốc. Tôi giơ cái que thử thai ra cho lão xem. Nhưng từ bé đến lớn lão chưa nhìn thấy thứ ấy bao giờ nên tôi lại phải giải thích. Nghe xong, lão hỏi tiếp:

-Cái này hai vạch đỏ có nghĩa là có thai hả? Anh sắp có con hả?

Nghe chồng hỏi, đến là thương. Mặt lão thộn ra, chân tay thừa thãi, quýnh quáng không biết làm gì. Thấy vợ làm dấu thánh, lão cũng làm theo. Vợ nói câu gì, lão lẩm bẩm theo câu ấy.

Người đầu tiên tôi gọi báo tin là mẹ Kim Chi, sau đó đến các chị tôi ở Hải Phòng. Lão thì gọi cho chị Phượng. Ai cũng chức mừng. Chị gái tôi ở Hải Phòng khóc rưng rức như trẻ con. Rồi Nguyễn Hoàng Vi, Trịnh Kim Tiến, Lê Thị Công Nhân, mấy đứa em nhỏ tuổi hơn tôi nhưng được làm mẹ trước, “tra tấn” tôi bằng những lời dặn dò, chia sẻ kinh nghiệm mà sau này tôi ước lượng độ dài tin nhắn có khi lên đến mấy chục cm. Chị Phượng tặng tôi một chiếc khăn Thánh Gierado, dặn tôi đặt ở đầu giường hoặc lên bụng rồi cầu nguyện để được bình an.



Hai tháng đầu tôi ăn ít và mệt. Tháng thứ 3 thì khó chịu hơn và tôi phải nằm viện vì sốt siêu vi. Từ tháng thứ 5 trở đi tôi không thể ngồi lâu được quá 20 phút vì đau lưng. Một lần tôi trượt chân, té ở cửa nhà tắm. Chồng tôi kêu lên thất thanh, mặt cắt không còn giọt máu. Đến tháng thứ 6 lại càng khó chịu. Từ tháng thứ 7 đến tận lúc sinh con là tôi không được ngủ. Tôi không thể giữ một tư thế quá 15 phút vì đau đớn ở phần cột sống, xương sườn và nửa người bên phải. Không giữ nguyên 1 tư thế được 15 phút thì làm sao mà ngủ. Tức là tôi phải thay đổi tư thế liên tục; nằm ngửa, nằm nghiêng, ngồi, quỳ, đi, đứng hoặc ...bò. Tôi thèm ăn nhưng chỉ dám ăn nửa bát cơm, vì nếu ăn nhiều hơn sẽ càng đau. Có hôm tôi buồn ngủ quá không chịu được nên tôi đánh liều, thử nằm yên một tư thế không đổi xem chịu nổi không. Cơn đau kéo đến thật kinh khủng.Tôi mất lý trí đến nỗi chỉ muốn cầm con dao rạch một chỗ ở xương sườn cho hết cái đau đi. Những cơn đau khủng khiếp, tưởng như có ai đó đang cầm dao nhọn gọt vào các xương sườn bên phải. Chị tôi ở Hải Phòng đến gặp ông lang Xum để hỏi xem tại sao khi mang thai tôi lại đau đến thế. Ông cụ rất giỏi chữa các bệnh về thai sản. Ông ngồi bần thần, trách chị tôi sao không đưa tôi đến. Chị tôi bảo, vì em con ở Sài Gòn nên không đến được. Cụ nói, hàng ngàn thai phụ mới có một người đau đến kinh khủng như thế. Nhiều hôm chồng tôi phải đóng cửa để tôi khóc trong nhà. Sợ hàng xóm nghe thấy, họ tưởng vợ chồng cãi nhau.



Tôi mang thai được 33 tuần thì nhập viện lần 2 vì bị sốt xuất huyết. Các bệnh nhân và người nhà của họ chứng kiến cảnh tôi đau đớn, vật vã, ai cũng thương cảm. Mẹ Chi tôi xót con, đưa ý kiến liệu có thể cho em bé ra sớm hơn để đỡ đau đớn không. Một số bạn bè tôi cũng góp ý như thế. Nhưng tôi nhất định không, kể cả thuốc giảm đau tôi cũng không uống vì sợ ảnh hưởng đến con. Có một lần tôi đau quá, không chịu nổi nên lấy hai viên giảm đau bác sĩ cho từ các lần trước mà tôi chưa dùng đến, uống vào. Thế mà vẫn không bớt đau.



Không riêng gì tôi, bất cứ người mẹ nào cũng trải qua sự khổ cực khi mang thai. Điều tôi muốn chia sẻ là Đức Tin. Từ một người tưởng như không thể có con, tôi đã được một Hồng ân tuyệt vời: mang thai. Suốt thời gian mang thai, nhiều khi tưởng không chịu đựng nổi, phải cho đứa bé ra sớm hơn, nhưng tôi vẫn vượt qua dù đau đớn kinh khủng. Ngày nào tôi cũng cầu nguyện và nhất là nói chuyện với Thánh Gierado. Không hiểu sao, trong các vị Thánh Công giáo, tôi đặc biệt ấn tượng với vị Thánh này. Chiếc khăn tay Thánh Gierado chị Phượng tặng, chính là một phần phép lạ tôi đã được nhận. Tôi tự nhủ, nếu sinh con trai sẽ đặt tên Thánh là Gierado. Nhưng tôi đã sinh bé gái, nên đặt tên Thánh là Teresa.



Rồi tôi cũng chịu đựng được đến khi con tôi đủ ngày đủ tháng. Thật tuyệt vời là bé Tôm nhằm đúng ngày sinh nhật của mẹ nó để chào đời. Ngày 24/11/1977, mẹ tôi sinh tôi. Đúng ngày này 40 năm sau tôi được làm mẹ. Lúc vào thang máy để lên phòng mổ, cùng đi với tôi còn có một chị nữa. Trước khi chia tay, tôi chúc chị ấy mẹ tròn con vuông. Ca mổ sinh của tôi tốt đẹp, chỉ có một sự cố nho nhỏ. Khi chuẩn bị mổ cho tôi, không biết ai đó làm rơi vật gì vào chân tôi. Tất nhiên vì tác dụng của thuốc tê nên tôi không có cảm giác gì. Nhưng chắc là một vật gì đó khá nặng vì tôi nghe cái “xoảng” một cái. Rồi ai đó thốt lên “Chết rồi! Gẫy chân người ta rồi”. Sau đó, tôi nghe tiếng thì thầm như là họ đang trao đổi với nhau mà sợ tôi nghe thấy. Vài giây sau, lại có giọng nói: “May quá, không sao”. Niềm hạnh phúc được làm mẹ khiến tôi quên luôn việc chân mình bị vật gì đó rơi vào. Hai hôm sau, tôi phát hiện cổ chân trái của mình có một vết bầm, bị lõm và không chảy máu. Ba năm nay, vết lõm ấy vẫn còn. Nghĩa lại bỗng thấy sợ. Nếu vật đó không rơi vào chân, mà vào bụng thì không biết hậu quả sẽ thế nào.



Nhưng người phụ nữ đi cùng thang máy với tôi lại không được cái may mắn ấy. Hôm sau chị chồng tôi kể, người phụ nữ ấy đã ...mất con. Chiều hôm trước cô ấy đi siêu âm, đứa bé trong bụng vẫn mạnh khỏe. Nhưng sáng hôm sau lên bàn mổ thì các các sĩ phát hiện em bé đã chết rồi. Tôi ôm con vào lòng, nước mắt chảy ra khi nghĩ đến người mẹ kia và đứa con xấu số của cô ấy. Tối đó, dù đau đớn vì vết mổ, tôi vẫn cố gượng dậy cầu nguyện cùng thánh Gierado cho mình được bình an, cho các bà mẹ khác được Chúa gìn giữ.



Lạy Thánh Gierado, xin Ngài hãy giúp con biết trân trọng ân huệ làm mẹ, và ban cho con những cần thiết để nuôi dạy con cái thành người con của Chúa. Với tâm tình tạ ơn, con sẽ tiếp tục kêu cùng Thánh nhân, xin Ngài ban ơn cho chúng con và các bà mẹ đương thai trên thế giới, đang mong mỏi được thấy con mình mở mắt chào đời trong mạnh khỏe và bình an. Amen”.








Friday, October 09, 2020

TẠ ƠN

Không ít lần Phạm Đoan Trang hỏi chuyện về hành trình Đức Tin của tôi, một người mới nhập Đạo. Cô ấy hỏi nhiều về sự khổ nạn của Chúa Giêsu, về tội ác đang diễn ra trên đất nước này. Có câu tôi trả lời được, có câu không.

Một hôm, Trang nhắn cho tôi:

- Ông ơi, Chúa đã nhậm lời rồi! Tôi tin chắc là nhờ lời cầu nguyện của vợ chồng ông, của chúng ta mà chị ấy đã khỏi bệnh.

Tôi mừng rơi nước mắt, đưa tay làm dấu Thánh và ngợi khen Chúa.

Chẳng là có một người bạn khi ấy mắc bệnh hiểm nghèo tưởng không qua khỏi. Trang đã rất buồn, thậm chí suy sụp và tuyệt vọng.

Tôi nhắn cho Trang:

-Ông có tin vào Thiên Chúa không? Chúa sẽ chữa lành cho chị ấy!

-Bằng cách nào hả ông? Trang hỏi, vẻ ngô nghê hơn là ngờ vực.

- Phó thác, tin cậy và cầu nguyện. Từ hôm nay, ngày nào tôi cũng cầu nguyện cho chị ấy. Và ông cũng cầu nguyện nữa nhé. Tôi nói với Trang.

- Nhưng tôi không phải là người Công giáo thì cầu nguyện cách nào?

- Ông cứ nói chuyện với Chúa, với Đức Mẹ những gì ông muốn nói, những gì thầm kín nhất.

Và chúng tôi liên lỉ cầu nguyện, theo cách riêng của mỗi người. Cho đến một hôm nhận được thông tin chị bạn thân chuẩn bị ra viện trước sự ngỡ ngàng và vui mừng của nhiều người, trong đó có cả vị bác sĩ điều trị. Một vị bác sĩ tận tâm nhưng đã từng cay đắng nói với gia đình của bệnh nhân rằng cần chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất.

Phạm Đoan Trang đã nhận ra sự nhiệm màu của Chúa. Từ đó, mỗi lần gặp khó khăn hay cần “xin” gì, Trang lại “nhờ” tôi thêm lời cầu nguyện. Trước khi Trang bị bắt khoảng một tháng, tôi có tặng cô một chuỗi mân côi và đã được cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành làm phép. Trang vui lắm. Không biết lúc bị bắt, có mang theo không. Mà nếu mang theo, có được cầm vào trong buồng giam không nữa.

Tôi là một người Công giáo, nhưng không đủ khả năng để diễn đạt hay giải thích hết vẻ đẹp trong sự khổ nạn của Chúa Giêsu Kito cho Trang- một người ngoại Đạo. Nhưng tôi tin, trong vẻ đẹp đầy nhiệm mầu của Đức Giêsu, có cả vẻ đẹp của Trang, của gia đình chị Thêu, của những người dù không hoặc chưa phải người Kito hữu nhưng đã dám hy sinh để làm chứng cho Tình Yêu và Sự Thật.

Xin mượn bài viết của cha Giuse Ngô Văn Kha dưới đây, như một sự cảm phục, thương mến của tôi gửi đến Phạm Đoan Trang, của một người Công giáo gửi một người ngoại Đạo. Hơn hết thảy, để vinh danh Thiên Chúa và tạ ơn những con người Công Chính.

“Không có những nỗi khổ đau, những oan khuất, những bất công, những sự dèm pha, chỉ trích, sỉ nhục, bôi nhọ, vu cáo, hãm hại, những khổ ải, đày đọa tinh thần và thể xác cho đến chết của từng con người trong nhân loại khốn khổ này, dưới quyền lực của sự tội và sự gian ác, mà không tìm thấy nơi những vết thương trên thân thể và trong tâm hồn của Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn.

Nói cách khác, những vết thương trên thân thể và trong tâm hồn của Đấng Cứu Thế năm xưa được tái hiện từng phần trên những những đau khổ đọa đày cho đến cái chết nhục nhã của những con người chân chính bị những kẻ gian tà, độc ác hãm hại từng ngày, từng giờ trên đất nước khốn khổ này.

“Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Chúa cứu chúng con, xin đoái nhìn và thương đến những Tù Nhân Lương Tâm, chị Cấn thị Thêu và các con, cô Đoan Trang... và những người đang bị đọa đày khác.”

Amen


 

 

Phạm  Thanh Nghiên

Wednesday, October 07, 2020

Một số thông tin về việc bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang trong ngày 7/10/2020.

NHÀ BÁO PHẠM ĐOAN TRANG BỊ BẮT ĐÚNG THỜI ĐIỂM DIỄN RA CUỘC ĐỐI THOẠI NHÂN QUYỀN VIỆT- MỸ
(Phạm Thanh Nghiên)

 

Hôm nay, ngày 7/10/2020 là ngày thứ 2 và cũng là phiên cuối cùng diễn ra cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt Nam- Hoa Kỳ. Nhưng 23:30’ tối qua, ngày 6/10/2020, côn an cộng sản đã bắt nhà báo Phạm Đoan Trang- một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng tại Việt Nam. Trang bị bắt tại một nhà trọ ở Sài Gòn và bị cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống NN" theo điều 117 (BLHS -năm 2015).

Hành động của phía Việt Nam đã thêm một lần nữa là câu trả lời rõ ràng với quốc tế, cụ thể ở đây là Hoa Kỳ về thái độ của nhà nước này trong vấn đề nhân quyền. Nói một cách thẳng thắn và thô thiển là “Nhân quyền ccc”.



Trong nhiều lần tâm sự, tôi và Phạm Đoan Trang đều đề cập đến chuyện cô ấy sẽ bị bắt. Vấn đề là vào thời điểm nào mà thôi. Trang luôn tỏ ra bình thản. Điều lo lắng lớn nhất (tất nhiên) là về mẹ cô ấy. Bà cụ đã 80 tuổi và xa con suốt 3 năm nay. “Tôi chưa tù mà đã lấy của mẹ tôi những 3 năm rồi, ông ạ”. Trang nói về khoảng thời gian 3 năm, từ 2017 khi cô phải rời ngôi nhà của mình ở Hà Nội để vào Sài Gòn “lánh nạn”. Cô tâm sự với tôi, vẻ day dứt và khổ sở.

Khi Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ mời tôi tiếp xúc để nói về một số vi phạm nhân quyền tại VN, đặc biệt là về vụ Đồng Tâm, tôi đã nhận lời. Nhưng tôi nói với họ, không một nhà quan sát nào trong thời điểm hiện nay có thể nói về vụ án Đồng Tâm một cách thấu đáo, đầy đủ như Trang, kể cả tôi. Chúng tôi đi gặp họ trong một tâm thế “làm việc đàng hoàng, cần thiết nhưng cứ phải bí mật” vì Trang luôn bị rình rập. Tôi cũng nói với phía LSQ rằng Trang và một vài người khác có thể bị bắt sau vụ Đồng Tâm và trước kỳ Đại hội đảng.



Ngày ấy đã đến.



Tôi không ngạc nhiên về việc bạn tôi bị bắt, nhất là sau những gì cô ấy viết về Đồng Tâm và bản Báo cáo mới phổ biến trên truyền thông.

Mấy hôm trước, Trang nhắn với tôi “Ông ơi (chúng tôi hay xưng hô “ông - tôi”), tự nhiên tôi sợ Tháng 11. Tôi sợ tháng 11 này con Tôm tròn 3 tuổi, chúng sẽ lại bắt ông. Ông đi tù, anh Tú và con Tôm sống làm sao”.

Pham Doan Trang, những gì chúng mình hứa với nhau, tôi sẽ làm.




 (Phạm Đoan Trang trong một lần đệm đàn cho tôi hát)



THƯ CỦA PHẠM ĐOAN TRANG ĐỂ LẠI TRƯỚC KHI ĐI TÙ

 

Dưới đây là hình ảnh và nội dung lá thư của Phạm Đoan Trang mà Will Nguyễn vừa công bố. Tôi (Phạm Thanh Nghiên) xin phép đánh máy nguyên văn nội dung lá thư để bạn bè và độc giả tiện theo dõi. Xin giúp chúng tôi phổ biến lá thư, cũng là tâm nguyện của nhà báo Phạm Đoan Trang trước khi đi tù. Cũng xin lưu ý, có thể một vài giờ hoặc một vài ngày tới là fb của Phạm Đoan Trang sẽ bị vô hiệu hóa, vậy mong rằng bạn bè và những người yêu mến Trang sẽ lưu giữ một số hình ảnh, bài viết của cô. Xin cảm ơn.

Dưới đây là nguyên văn lá thứ của Phạm Đoan Trang.


NẾU TÔI CÓ ĐI TÙ…

Gửi các anh chị em, bạn bè thân yêu của tôi.

Không ai mong muốn phải ngồi tù, nhưng nếu nhà tù là chỗ tất yếu ai đấu tranh cho tự do cũng phải đến, và nếu vào tù là để thực hiện một mục đích nào đó ta đã định trước, thì ta nên đi tù.

Tôi có một số mục đích định trước như vậy. Thế nhưng đi tù chỉ là bước đầu để thực hiện các mục đích này, còn muốn hoàn thành thì rất, rất cần sự tiếp sức của các bạn.

Tôi trông cậy vào các bạn. Xin giúp tôi hoàn thành các mục đích sau, nếu tôi có phải vào tù. Trân trọng cảm ơn tất cả.

1. Vận động thông qua luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới.

Mong các bạn làm mọi cách để gắn việc tôi đi tù (nếu có) với luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới. Làm sao để công luận biết rằng tôi đã tham gia nghiên cứu và đưa ra luật mới về bầu cử và tổ chức quốc hội, và tôi bị bắt một phần là vì lý do đó.

Tôi muốn có một phong trào xã hội rộng lớn thúc đẩy việc thông qua hai luật này.

2. Quảng bá các cuốn sách của tôi viết:

Tôi mong rằng việc mình bị bắt, đi tù hoặc gặp bất kỳ điều gì khác, nhất là đi tù, sẽ là cơ hội để quảng bá các cuốn sách tôi viết, giúp sách được nhiều người đọc hơn, dưới bất kỳ hình thức gì dù là bản in hay bản điện tử hay sách nói.

Tôi viết nhiều sách nhưng đây là những cuốn tôi mong muốn phổ biến nhất:

a) Chính trị bình dân
b) Cẩm nang nuôi tù
c) Phản kháng phi bạo lực
d) Politics of a Police State (Tiếng Anh)
e) Chúng ta làm báo
f) Các ấn phẩm liên quan tới bầu cử.

3. Biến việc đi tù thành cơ hội để tận dụng

Nhà nước CHXHCN Việt Nam lâu nay luôn coi tù nhân lương tâm là một công cụ để mặc cả, trao đổi với nước ngoài. Khi trả tự do cho 1 TNLT và tống xuất người đó ra nước ngoài, nhà nước thu được rất nhiều cái lợi: ký được một hiệp định kinh tế nào đó, đánh bóng hình ảnh “tôn trọng nhân quyền”, vô hiệu hóa một biểu tượng đấu tranh vì tự dọ, và phớt lờ tất cả các cải cách thể chế.

Tôi rất không thích bị coi là một món hàng để nhà nước trao đổi. Thay vì thế tôi muốn rằng nếu mình có đi tù thì giới hoạt động dân chủ phải là một lực lượng đàm phán với nhà nước, trong đó tập trung nhấn mạnh vào việc đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới. Bản án càng dài, xin các bạn càng tận dụng nó vào việc đàm phán và gây sức ép lên chính quyền Việt Nam, buộc chính quyền phải thực hiện các yêu cầu của chúng ta.

Nói cách khác, tôi không muốn có một phong trào kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do cho Trang”. Tôi muốn một phong trào xã hội rộng lớn, thúc đẩy việc “trả tự do cho Trang và thông qua luật bầu cử mới”, “trả tự do cho Trang và bảo đảm bầu cử tự do, công bằng”,v.v…



* Tóm tắt mục (1), (2) và (3).

Nếu tôi bị bắt, tôi mong muốn các bạn làm truyền thông theo hướng vận động mỗi người, nếu ủng hộ tôi thì không cần làm gì nhiều, cũng không cần hô hào “tự do cho Trang”, mà chỉ cần truyền bá thông điệp sau:
“Tôi ủng hộ luật bầu cử mới và tôi đọc sách của Đoan Trang”, hoặc “Tôi ủng hộ Đoan Trang nên tôi ủng hộ luật bầu cử mới và tôi đọc sách của Trang”, hoặc “Yêu cầu tổ chức bầu cử tự do và công băng ở Việt Nam”, hoặc “Ủng hộ ứng viên độc lập vào Quốc hội”.

Vài điểm xin các bạn lưu ý thêm:

1. Xin chăm sóc mẹ tôi giùm, đừng để mẹ tôi nghĩ là hai mẹ con đang đơn độc. Công an cũng đã đe dọa các anh trai và chị dâu tôi rất nhiều, xin bảo vệ họ.



2. Tôi sẽ không nhận tội, không xin khoan hồng, cho nên mọi điều công an nói hoặc làm mà có thể khiến dư luận tưởng như vậy thì đều là bịa đặt, lừa dối.



3. (Nhưng) tôi nhận hành vi: Tôi luôn khẳng định tôi là tác giả các cuốn “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bao lực”, cũng như tất cả các sách và báo cáo khác tôi từng viết và để tên thật. Tôi cũng khẳng định là tôi luôn muốn xóa bỏ chế độ độc tài ở Việt Nam. Tôi muốn được mọi người nhắc đến như một người viết, luôn cố gắng để góp phần khai dân trí về các giá trị tự do, dân chủ và luôn đấu tranh để thay đổi xã hội.



4. Nếu có thể, xin vận động để tôi được nhận cây đàn guitar của tôi. Đối với tôi, đàn guitar quan trọng như Kinh Thánh đối với tín đồ Thiên Chúa Giáo.



5. Tôi không quan tâm đến số năm tù theo bản án, do đó tôi không cần luật sư bào chữa để giảm án- một điều hẳn nằm ngoài khả năng của các luật sư trong tình hình hiện nay ở Việt Nam. Thay vì thế, tôi mong các luật sư có thể làm một kênh truyển tải thông tin giữa tôi và mọi người bên ngoài.



6. Không ưu tiên tôi hơn các TNLT khác.



7. Nếu có vận động để trả tự do cho tôi, xin các bạn bắt đầu từ khoảng năm thứ 3 hoặc thứ 4 (tính từ thời điểm bị bắt), và xin hết sức lưu ý gắn mọi chiến dịch vận động với việc thực hiện các mục đích tôi đã nếu trên. Kịch bản lý tưởng là tôi được trả tự do mà vẫn ở Việt Nam (không bị tống xuất ra nước ngoài) và những mục đích tôi đề ra đều được hoàn thành.



Tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ.
Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam.
Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn.
Phạm Đoan Trang. (Ký tên)





BỘ CÔNG AN XÁC NHẬN VIỆC BẮT GIỮ NHÀ BÁO PHẠM ĐOAN TRANG

Chiều 7/10/2020, ông Xô- thiếu tướng, Chánh văn phòng Bộ Côn an xác nhận với truyền thông “lề đảng” về việc bắt giam và khởi tố Phạm Đoan Pham Doan Trang theo điều 117, BLHS 2015.

Phạm Đoan Trang bị “cơ quan an ninh điều tra Hà Nội và tổ công tác thuộc BCA vào TP HCM bắt”. Báo chí lề đảng dẫn lời ông Xô.

Tin cho hay, Đoan Trang đang bị di lý về Hà Nội để “phục vụ điều tra”. Cùng ngày, Viện Kiểm sát Hà Nội cũng đã phê chuẩn quyết định tố tụng.





HỐ XÍ XỔM

Cái gì đây? Hỏi ngớ ngẩn. Đương nhiên nó là cái bồn cầu rồi. Tên gọi chính xác và đầy đủ của nó là “bệ xí xổm”, “bồn cầu xổm”.

Vậy sao lại lôi cái bệ xí xổm vào đây mà bàn bạc? À, vì bắt đầu từ hôm nay nó là nỗi “kinh khiếp” của một người tù. Tên người tù mới ấy là Phạm Đoan Trang, người vừa bị bắt đêm qua và đang trên đường bị dy lý về Hà Nội để “phục vụ công tác điều tra” theo tin từ Bộ côn an.

Trang bị gãy cả hai chân trong một cuộc tuần hành ôn hoà bảo vệ cây xanh hồi mùa hè năm 2015. Từ đó, cô phải đi bằng nạng, hoặc nếu không dùng nạng thì đi lại khá khó khăn, tập tà tập tễnh. Trang đã trải qua một cuộc phẫu thuật nhưng đôi chân của cô vẫn không lành lặn trở lại. Mỗi khi trái gió trở trời, nó lại đau đớn, nhức nhối. Ở mỗi đầu gối của cả hai chân Trang, đều có hai cái lỗ nhỏ xíu, đối xứng nhau. Tôi đoán là để hút dịch ra vì có lần nghe loáng thoáng Trang nói như thế. Chân đau, không thể co hay gập lại như người bình thường. Vì vậy, Trang không thể ngồi xổm được suốt từ năm 2015 và có lẽ đến hết đời. Mà trong tù thì làm gì có bệ xí bệt mà ngồi, chỉ có bệ xổm thôi.

Không biết trước khi bắt Phạm Đoan Trang, công an có nghĩ đến “nhu cầu đái ỉa” của cô ấy không nhỉ. Nhịn ăn nhịn uống thì được, chứ ai mà nhịn được cái “nỗi nuồn không của riêng ai” ấy. Gay, gay to rồi.


 

(Hình minh hoạ thôi chứ nhà xí trong tù làm sao được sạch sẽ, lịch sự thế vầy)