Pages

Friday, June 14, 2024

TỪ SỰ KIỆN SƯ MINH TUỆ, NHỚ MỘT THỜI TỰ DO TÔN GIÁO Ở MIỀN NAM



Hòa thượng Thích Quảng Độ được thỉnh giảng về Phật học, ở Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X tại Đà Lạt, khóa 1971-1972 (Hình: DCCT)

Sự kiện sư Thích Minh Tuệ trong xã hội Việt Nam, ngoài việc khơi gợi lại một niềm tin Phật giáo trong lành và nguyên sơ, không bị vẩn đục bởi chính trị, bên cạnh đó còn dấy lên một làn sóng nhận định chia sẻ ấm áp từ các tôn giáo khác. Thậm chí với các linh mục trong và ngoài nước, cũng đã có nhiều bài giảng và bình luận đồng cảm, khiến nhiều người từng sống ở miền Nam trước 1975, nhớ tới một thời tự do tôn giáo, chan hòa giữa các đạo.

 

Hiện trạng đời sống tín ngưỡng Việt Nam đầy những điều đen tối, ngay cả chuyện sư Thích Minh Đạo ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu mở lời thán phục phép tu của sư Thích Minh Tuệ, cũng phải bị “sám hối” khiến ai nấy đều kinh sợ những điều nằm sau bức màn tôn giáo màu mè của chế độ CSVN. Nhiều nơi đã gọi điện, tìm đến thăm như một sự ủng hộ tinh thần cho những điều đẹp đẽ đang bị ép dần đến phải mai một. Phía Công giáo, cũng có linh mục Anton Maria Vũ Quốc Thịnh (Dòng Chúa Cứu Thế) gọi điện hỏi thăm, bày tỏ sự mến phục, đồng cảm với nhà sư Thích Minh Đạo. Từ sự kiện đó, không ít người đặt câu hỏi, có hay không sự thù nghịch, chia rẽ, kỳ thị giữa hai tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo ở Việt Nam, vốn được dựng lên từ ngôn từ thù hằn và định kiến của sư tuyên truyền cộng sản hiện nay?

Với tôi, nghĩa cử của cha Thịnh đối với thầy Minh Đạo nhắc nhớ đến những cuộc hội ngộ vô cùng cảm động giữa các linh mục, các nhà sư trong nhà tù cộng sản, sau Tháng Tư năm 1975. Những ký ức được Hòa thượng Thích Thiện Minh ghi chép lại trong cuốn sách Hai Mươi Sáu Năm Lưu Đày, hoặc thi thoảng vẫn kể cho tôi nghe mỗi dịp đến thăm thầy ở Sài Gòn.

 

Năm 1984, thầy Thích Thiện Minh bị chuyển đến nhà tù Xuân Phước (Phú Yên) và ở chung dãy cùm biệt giam với cha Nguyễn Luân (Phan Rang), cha Nguyễn Văn Vàng (DCCT), cha Nguyễn Quang Minh (Nhà thờ Vinh Sơn) và một số vị chức sắc tôn giáo khác. Trong số bốn vị kể trên, Thầy Thích Thiện Minh trẻ nhất, ở tù lâu nhất và cũng là người duy nhất sống sót trở về sau hai mươi sáu năm lưu đày. Cha Vàng, cha Luân, cha Minh đều chết, và chết rất thê thảm, đau đớn trong buồng biệt giam.

Thầy Thích Thiện Minh và cuốn hồi ký “Hai mươi sáu năm lưu đày”.

 

Khu biệt giam luôn là nơi « ưu tiên » dành cho tù nhân chính trị và tôn giáo thuộc hàng “cứng đầu” nên các cha, các thầy gần như đóng đô ở đây. Thỉnh thoảng mới có một tù nhân hình sự bị kỷ luật, được “gửi” vào trong thời gian cùm chân, thường là 7 ngày. Thầy Minh kể, các cha, các thầy ai cũng ghẻ lở, hôi hám, rách rưới, đói khát và bệnh tật. Thứ gọi là quần áo mặc trên người che được chỗ nọ thì hở chỗ kia. Thế nên cái quần hôi thối dính đầy chất thải của anh chàng tù thường phạm, là niềm mơ ước của các cha, các thầy. Ai cũng giữ lòng tự trọng, và nhường nhau nên không ai mở lời xin xỏ. Đến ngày xả cùm, anh chàng thường phạm ném cái quần hôi thối đến vị trí của ai, người đấy trở thành chủ nhân mới của nó. Cái quần đùi dơ bẩn, nhưng ít ra cũng giữ lại được chút tư cách của một con người, thế là quý lắm rồi.

Mỗi ngày, các cha, các thầy đều cầu nguyện theo nghi thức riêng của tôn giáo mình. Nhà sư cầu nguyện cho linh mục. Linh mục cầu nguyện cho nhà sư. Nhưng chẳng ai cầu nguyện được liên tục từ sáng tới khuya. Cái cùm chân khiến mỗi ngày tù như dài thêm ra. Bữa nọ, cha Nguyễn Quang Minh đề nghị, mỗi người sẽ xướng một vài câu thơ để giết thời gian, và để kỷ niệm những ngày tháng đọa đày bên nhau trong buồng xà lim.

Cha Nguyễn Quang Minh khởi xướng :

“Vô tình hạnh ngộ gặp nhau đây
Giữa khoảng nhà lao chốn ngục đầy
Cám cảnh thâm tình nên tri kỷ
Cùng nhau chia sẻ nỗi đau này”.

Thầy Thích Thiện Minh họa tiếp :
“Đau này không phải chỉ riêng ta
Mà của toàn dân khắp mọi nhà
Thông cảm sẻ chia người mỗi chút
Đồng cam cộng khổ mối chan hòa…”

 

Tới phiên cha Nguyễn Văn Vàng :
“Chan hòa nước mắt của muôn dân
Đời bị rã tan, Đạo xóa dần
Tu sĩ lên đường tìm đại nghĩa
Quyết mong diệt sạch lũ vô thần”

Cuối cùng là cha Nguyễn Luân :

“Vô thần diệt sạch khó gì đâu
Đoàn kết liên tôn cứu họa sầu
Đập rắn, đập mình không thể chết
Mà ta phải đập cả luôn đầu!”

 

Người bị biệt giam lâu nhất là cha Nguyễn Luân, đến nỗi ngài được gọi là “Ủy viên thường trực phòng kỷ luật vô hạn định”. Một hôm, viên giám thị gọi ngài lên, yêu cầu viết dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập – tự do – hạnh phúc” như là điều kiện để cho ngài ra khỏi buồng kỷ luật. Đọc dòng chữ cha Luân viết, mặt hắn tím đen vì tức giận: Dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không độc lập, không tự do, không hạnh phúc” khiến hắn ngay lập tức đưa ngài về lại buồng giam kỷ luật cho đến khi qua đời.

 

Cha Luân bị bệnh phổi rất nặng. Cái ý chí cương cường, không chịu khuất phục đẩy ngài đến cái chết nhanh hơn. Trước khi qua đời, cha Luân vẫn kịp làm một bài thơ tặng thầy Minh :

“Trước kia không biết thầy Minh
Đến đây không hẹn mà mình gặp nhau
Chúa Trời, Đức Phật trên cao
Còn ta trong ngục kết giao nghĩa tình.
Thề nguyền một dạ tử sinh
Lo cho Dân tộc, thanh bình Quốc gia
Tinh thần tôn giáo hài hòa
Một trời, một đất xem là của chung.
Bởi vì chân lý tột cùng
Mình tìm chân lý đi chung một đường
Mấy lời nhắn nhủ yêu thương
Tặng thầy Minh nhớ tận tường ý Luân.”

Vì bị xếp vào thành phần “đặc biệt nguy hiểm cho chế độ” nên các cha, các thầy thường xuyên bị chuyển trại tù. Điển hình là thầy Thích Tuệ Sỹ, ngài lê xiềng từ nhà tù trong Nam ra đến ngoài Bắc. Năm 1987, thầy Thích Thiện Minh được chuyển từ nhà tù Xuân Phước đến nhà tù Xuân Lộc, rồi gặp các thầy Thích Tuệ Sỹ, Thích Đức Nhuận, Thích Trí Siêu (giáo sư Lê Mạnh Thát), Thích Không Tánh, các cha Trần Đình Thủ, Phạm Minh Trí, thầy Nguyễn Viết Huân (sau này là cha Phụng) và nhiều tù nhân chính trị, tôn giáo ở đó.

 

Thầy Minh kể, nếu không có những viên kẹo, những gói đường nhỏ xíu mà cha Trần Đình Thủ bí mật ném vào buồng cùm trong những ngày biệt giam khi mới lên trại, thầy đã không qua khỏi. Cha Trần Đình Thủ, người sáng lập Dòng Đồng Công (Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc), tuy không bị cùm chân kỷ luật nhưng ở khu biệt giam như một hình thức cách ly với các tù nhân khác. Ngài ở đó nhiều năm cho đến ngày ra tù. Nhờ sự “tự do đi lại” của cha Thủ mà nhiều anh em bạn tù được cứu sống. Mỗi ngày, ngài đều đi bộ thể dục, trong người giấu sẵn viên thuốc, viên kẹo, hoặc miếng thịt, mẩu bánh rồi đợi lúc cai tù không để ý, là ngài tuồn vào cho bạn tù.

 

Có một câu chuyện rất thú vị giữa cha Trần Đình Thủ và các nhà sư Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu (giáo sư Lê Mạnh Thát), Thích Đức Nhuận và Thích Thiện Minh. Lễ Phật Đản năm ấy, các thầy làm cơm chay mời anh em toàn trại. Riêng khu biệt giam  phải chờ cuối tuần mở cửa, các thầy mới tới thăm cha Thủ được. Vừa thấy bốn vị sư mặc áo tù lững thững đi vào, cha Thủ giả vờ giận dỗi:

 

-Tưởng là các thầy quên già này rồi.

Cả bốn nhà sư đồng thanh:

-Chúng con chào bố. Chúng con đến thăm bố đây.

Cha Thủ đã ngoài tám mươi tuổi, nên các thầy đều gọi ngài là cha, hoặc gọi thân mật là “bố”.

-Tôi nghe nói các thầy tổ chức mừng lễ Phật Đản, phát cơm chay cho toàn trại. Lễ Phật Đản là ngày trọng đại, là ngày vui, lẽ nào tôi lại bị gạt ra ngoài.

Thầy Thích Thích Đức Nhuận thưa:

-Nhà bố đóng cửa im ỉm, chúng con có vào được đâu.

Cha Thủ nhìn thầy Thích Tuệ Sỹ, người mà từ khi bước vào vẫn chắp tay sau lưng, trông rất… khả nghi:

-Thầy có quà cho tôi không? Người đấu tranh là phải công bằng đấy nhé.

Thầy Tuệ Sỹ nhoẻn miệng cười, giơ gói quà ra trước mặt:

-Đây, quà của bố đây. Làm sao chúng con quên bố được.

-Đấy, đấu tranh là phải công bằng như thế mới được.

Rồi cả năm người tù cùng cười, chẳng còn ranh giới giữa “đạo tôi- đạo anh”.

Giáng sinh năm 1992, thầy Thích Thiện Minh làm bài thơ tặng cha Trần Đình Thủ, như sau:

“Ngày lễ No-en Chúa giáng sinh
Nơi nơi mừng đón phút thanh bình
Nhiều người tôi Chúa còn lao lý
Lắm kẻ chăn chiên chốn ngục hình
Tâm niệm trầm tư hồi quán tưởng
Tỏ lòng cung kính nguyện cầu kinh
Thánh ngôn lời ngọc còn răn dạy
Kính Chúa yêu người trọn đức tin.”

                         Linh mục Trần Đình Thủ (1906 – 2007)

 

Câu chuyện về sư Thích Minh Tuệ hôm nay, hay về các Tu Sĩ, kiêm Tù Sĩ của ngày hôm qua chắc chắn sẽ được ghi chép trong lịch sử như một phần thân phận nổi trôi của đất nước này. Để thấy rằng, giữa các tôn giáo, dù khác nhau về Đức tin, về giáo lý, tín điều nhưng các cha, các thầy đã tương kính, đã coi nhau như anh em giữa bóng tối của tù ngục, trong giai đoạn đau thương nhất của dân tộc. Thế lực vô thần, phản dân hại nước luôn gây chia rẽ, kỳ thị và hận thù giữa các tôn giáo với nhau nhằm đạt được những mưu đồ chính trị đen tối. Đức Chúa và Đức Phật đã gặp nhau trong chốn ngục hình, lẽ nào con cái của các Ngài, lại không mở lòng mở trí, đón nhau vào ánh sáng của Đức tin, của lòng từ ái, của khát vọng hòa bình và tình huynh đệ?

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment