Pages

Thursday, August 12, 2021

GIỌT NƯỚC MẮT NÀO CHO CÁC ÔNG?

“Chú báo cho “con Phượng” và cha biết là vợ của chú Phạm Văn Bé mới mất đêm qua rồi. Chú ghé trao quà cho chú Bé mà không kịp gặp cô rồi”. Lời báo tin được ghi lại bằng một đoạn video do ông Lượng (*) gửi cho cha Vinh Sơn và chị Phượng hôm mồng 4/8 khi ông thay mặt cha đi trao quà cho ông Phạm Văn Bé. Giữa lúc này, những lời nhắn như thế không chỉ là “tin buồn” cho riêng ai, nó là một mảnh ghép màu xám, thế chỗ cho những mảng màu khác trong bức tranh toàn cảnh u ám, thê lương của Sài Gòn.

Hồi tháng 6, trước khi có lệnh phong toả toàn thành phố, cha Vinh Sơn và các Thiện nguyện viên (TNV) đã chuẩn bị lương thực, mắm muối, đồ hộp và những thứ cần thiết cho các ông TPB đủ dùng trong 2 đến 3 tháng. Nhưng lo sợ tình trạng phong toả nghiêm ngặt kéo dài, nên những cuộc “tiếp tế” vẫn tranh thủ được thực hiện, dù rất khó khăn trong việc đi lại. Hai hôm trước, ông Lượng gọi điện báo cho ông Phạm Văn Bé rằng ông sẽ mang tiền và lương thực tới. Ông Bé mừng lắm.

Ông Lượng tới, nhưng không được vào vì khu vực nhà ông Bé bị giăng dây. Bà tổ trưởng khu phố chạy ra, báo tin vợ ông Bé vừa mất đêm qua. “Không phải chết vì covid”, bà tổ trưởng giải thích ngay, không đợi ông Lượng phải hỏi. Bây giờ, giữa muôn ngàn cái chết, người ta phân ra hai loại, “chết vì covid” và “chết không do covid”. Ông Lượng sững sờ, vì hôm bữa mới gọi điện, mọi thứ vẫn bình thường. Ông năn nỉ. Bà tổ trưởng khu phố đồng ý cho ông vào, nhưng chỉ được đứng ngoài cửa, 5 phút phải ra ngay.

Vợ ông Phạm Văn Bé được đặt trên chiếc ghế bố kê giữa căn phòng trọ. Toàn thân phủ kín bằng một tấm chăn cũ hoa màu đỏ. Chỗ chật quá, nên nải chuối cúng được đặt ngay trên thi thể người quá cố.

Ông TPB già cụt chân, bần thần ngồi bên cạnh vợ. Trên trán ông vẫn còn dán miếng băng hạ sốt. Ông Lượng không được vào. Chia buồn, trao quà cho ông Bé xong là ông phải đi ra. Nhưng còn tranh thủ được mấy phút quay lại cái cảnh thê lương này. Không ngờ, đấy lại là hình ảnh cuối cùng của ông TPB Phạm Văn Bé. Từ hôm vợ qua đời, ông nhớ thương, đau buồn quá, không ăn không uống rồi kiệt sức. Một tuần sau, chúng tôi nhận được tin ông qua đời.

Căn phòng trọ của vợ chồng ông TPB Phạm Văn Bé nằm trong khu lao động nghèo ở quận 8, Sài Gòn. Căn phòng bé xíu với chiều dài 3m, chiều rộng 2m nằm gần cuối con hẻm cụt. Ông Bé mưu sinh bằng nghề sửa khóa dạo. Nhưng mấy năm nay bệnh tim trở nặng, ông phải ở nhà. Thỉnh thoảng có TNV nào tới thăm, ông đều đem chiếc hòm sắt đựng đồ nghề sửa khóa ra khoe với sự nâng niu đặc biệt: “Của Mỹ đấy. Chú giữ từ trước năm 1975 đến giờ, bền lắm. Nó theo chú đi kiếm ăn nhiều năm rồi. Bây giờ không đi làm nữa, kê nó ở đây làm bàn ăn cho đỡ nhớ nghề”.

Vợ ông Bé bị liệt. Hàng ngày, bà nằm trên chiếc giường tạm kê sát tấm vách ngăn với chỗ đi toilet, mọi việc từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân, ông làm hết. Ông chăm sóc bà, không đơn thuần vì nghĩa vụ, mà chan chứa tình yêu thương, quý trọng. Chị P, một trong những TNV vẫn trực tiếp lo lắng cho các ông TPB, kể với tôi rằng: “Chú Bé nói năng nhã nhặn, lịch thiệp lắm. Đặc biệt, rất yêu thương vợ. Cụt chân, nhưng từ việc ăn uống, rửa ráy, thay bỉm tã cho vợ đều tự làm hết”.

Vợ chồng ông bà Bé có một người con gái đi làm thuê ở xa, lâu lâu về thăm ba mẹ một lần. Bây giờ, ông bà mất cả, cô con gái mồ côi. Nghe nói chiều hôm qua (11/8), xác ông TPB Phạm Văn Bé đã được đặt vào trong quan tài. Nhưng vì các lò thiêu đang quá tải nên người ta bảo “cứ để tạm ở nhà đã, khi nào bớt bớt thì mang đi”. Chẳng biết bao giờ mới đến lượt ông. Mẹ của một người bạn tôi qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy từ sáng 7/8, đến hôm nay bước sang ngày thứ 5, mới “được” thiêu. Thôi thì cứ đợi vậy. Cuộc đợi chờ của người chết chắc chẳng có gì phải sốt ruột. Nhưng nó quá sức chịu đựng với người sống.

Tin buồn mang tên TPB VNCH không chỉ có vợ chồng ông Phạm Văn Bé. Gia đình ông Phạm Văn Cải báo tin ông qua đời hôm 10/8 vì nhiễm covid-19. Ông Cải từng gia nhập quân đội VNCH, phục vụ trong binh chủng Thiết Giáp. Tuy chiến tranh làm gương mặt ông bị bỏng nặng nhưng vẫn nhận thấy nét điển trai còn vương lại của một thời tuổi trẻ.

Như bao người chết vì đại dịch covid, xác ông Cải được quấn trong túi nilong rồi khiêng đi. Người ta đặt ông vào chiếc quan tài kê sẵn ở ngoài đường. Dĩ nhiên, gia đình ông Cải không ai được đi theo. Họ quỳ dưới sân, vái lạy ông qua cánh cổng sắt.

Ông TPB Nguyễn Ngọc Ẩn nhiễm cúm Tàu và qua đời trước ông Phạm Văn Cải 3 ngày. Ông Ẩn nặng gánh lắm. Hàng ngày, hồi chưa bị cấm ra đường vì lệnh phong toả, ông vẫn phải đi bán vé số dạo để nuôi cô con gái ngoài 50 tuổi mắc bệnh tâm thần. Người ta đã đến mang xác ông đi. Mang cả cô con gái tâm thần và đứa cháu ngoại của ông đi cách ly ở bệnh viện dã chiến bên quận 2.

Các ông Phạm Văn Bé, Nguyễn Ngọc Ẩn và Phạm Văn Cải chỉ là 3 trong số 150 ông TPB có hoàn cảnh khó khăn nhất mà cha Vinh Sơn cưu mang suốt gần 2 năm nay, kể từ khi cơn đại dịch xuất hiện.

Ông Ẩn, ông Cải, vợ chồng ông Bé đều đã ra đi. Danh sách còn dài, rồi những ngày tới chắc sẽ phải nhận thêm nhiều tin buồn như thế nữa. Thôi thì cứ nhủ lòng, chết sẽ được giải thoát. Chỉ có lũ người sống chúng ta là vẫn đang quẩn quanh với mọi nỗi đau trên cõi nhân gian đầy tội lỗi này.

           

Phạm Thanh Nghiên

                          Sài Gòn 12/8/2021

 

Chú thích: (*): Vì không thể nêu đích danh người TNV nên người viết đổi thành tên Lượng.

Hình ảnh cuối cùng về ông TPB Phạm Văn Bé. Bên cạnh là người vợ mới qua đời

Ông Phạm Văn Bé trong một lần nhận quà của chương trình Tri Ân TPB VNCH
 
 
Ông TPB Nguyễn Ngọc Ẩn, người qua đời vì nhiễm Covid-19
 

Ông TPB Phạm Văn Cải, người qua đời hôm 10/8/2021 vì Covid-19

No comments:

Post a Comment