Pages

Friday, May 14, 2021

TÔI ĐI LÀM CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

 


Teresa Phạm Thanh Nghiên


Hồi giữa tháng tư, về Hải Phòng thăm nhà, bà chị giục đi làm căn cước công dân (CCCD). Thú thực là chẳng nhiệt tình lắm, nhưng vẫn chép miệng đồng ý. Không làm, lại bị cả hệ thống “tam quyền thống nhât” nó kiếm cớ hoạnh hoẹ, gây khó khăn gần chục năm trời giống lão chồng thì khổ cái thân già, khổ cả cho con trẻ là bé Tôm.


Bà chị bảo:


-Để tao gọi cho thằng công an khu vực.

 

Nghe thế, tôi nổi đoá lên ngay:


-Đi làm CCCD làm sao phải báo cho thằng nào.


-Khổ quá, báo bổ gì đâu. Nó cầm sổ Hộ khẩu nhà mình.


Bà chị nhăn nhó giải thích. Số là cái xóm nhà tôi ở vốn thuộc đường “liên khu Phương Lưu 2”. Mấy năm trước các quan phụ mẫu địa phương không biết có phải do ăn no dửng mỡ bày chuyện ra làm, mới cao hứng đổi từ “Phương Lưu 2” thành “Phương Lưu 8”. Chả biết từ con số 2 được đại nhảy vọt lên con số 8 có gì đáng phấn khởi, tự hào không. Chỉ biết rằng nó mang lại không ít phiền toái. Người ta cứ hai- tám, tám-hai loạn hết cả lên. Nội cái việc chỉ đường cho người khác, hay tìm địa chỉ nhà đã phát khùng rồi, chưa kể nhiều điều nhiêu khê khác liên quan đến sự thay đổi này. Nhưng cũng chẳng ai ra mặt phàn nàn ngoài dân đánh đề gân cổ, đỏ mặt chửi đổng vì bỏ tiền ra chơi mà không trúng. Gớm, cứ động đến cái gì có con số là y như rằng quy ngay ra đề đóm, cờ bạc.


Bây giờ bày ra trò làm CCCD, mọi nhà phải đưa sổ hộ khẩu cho công an khu vực, nộp lên trên để điều chỉnh địa giới. Công dân đi làm CCCD phải mang theo CMND và sổ hộ khẩu. Chị gái tôi gọi cho anh chàng CAKV rồi chuyển máy cho tôi. 


Cậu ta hẹn:


-Tám giờ sáng mai chị lên phường làm nhé.


-Ừ, nhưng chọn cho chị giờ nào văng vắng một tí. Chị vướng con nhỏ, lại đang ốm nên tới chỗ đông người hay bị chóng mặt lắm.


-Mai chị cứ đến đi, không đông đâu mà lo.


8 giờ sáng hôm sau tôi có mặt ở công an phường Đông Hải 1. Hồi còn bị quản chế, tôi từng bị bắt và bị câu lưu, thẩm vấn mấy lần ở đây. Tôi đưa mắt quan sát một lượt, dừng lại ở văn phòng Trưởng công an phường. Bảng tên cho thấy trưởng công an là người khác, không phải người “thời” tôi còn ở nhà.


Tôi gọi điện thoại cho cậu CAKV để lấy sổ hộ khẩu. Cậu ta xuất hiện, cầm theo cuốn sổ đưa thẳng vào trong phòng cho viên công an đang ngồi làm việc rồi bảo tôi vào theo. Nhìn mấy chục con người đang chờ đợi đến lượt để được gọi tên, tôi xác định mình phải ngồi ít nhất là một tiếng rưỡi. Nhưng không, viên công an kia gọi tôi vào ngay. Mấy người dân ngồi chờ, thì thầm to nhỏ với nhau đại loại “mình xếp hàng từ sớm mà mãi chưa được gọi”, “sao lạ thế, vừa đến đã được làm ngay”. .. Viên công an tên Lộc (tôi đọc bảng tên thấy ghi là  Phạm Văn Lộc thì phải), cười rất tươi với tôi:


-Chị Nghiên hả? Sao sổ xếp ở đây từ sáng mà người thì giờ mới thấy.


Mấy người dân ngồi sau im bặt, không thắc mắc thì thầm gì nữa. Ghê không. Anh chàng CAKV vừa mang sổ tôi vào mà Lộc lại bảo “xếp từ sáng”. Nhưng chắc họ nói với nhau từ trước.


Vẫn giữ nụ cười ban nãy, Lộc hỏi:


-Chị Nghiên về lâu chưa?


-Tôi về mấy hôm rồi.


Tôi không nhớ là đã từng gặp cậu công an trẻ măng này bao giờ chưa. Nhìn thái độ tự nhiên, tôi nghĩ cậu ta biết tôi. Lộc chỉ sang người đàn ông mặc thường phục đang ngồi uống nước chè ở bàn bên cạnh, hỏi tôi:


-Chị nhớ anh này không?


Tôi chưa kịp trả lời, người đàn ông mặc thường phục nhìn tôi, cười cười đáp:


-Chắc chị Nghiên không biết tôi đâu.


-Tôi không biết tên anh, nhưng quen mặt. Anh chả quanh quẩn ở cổng nhà tôi mấy lần còn gì.


Ý tôi ám chỉ việc anh ta cùng nhiều công an chìm nổi khác vẫn canh cổng nhà tôi mỗi khi được dịp.

Tôi cười. Hai viên công an cũng cười.


Lộc hỏi tôi tên tuổi, nguyên quán để xác định lại thông tin lý lịch. Không đợi cậu ta hỏi thêm, tôi đã nhắc:


-Đến mục Tôn giáo, em ghi rõ ràng “Công giáo” cho chị nhé. 

Cậu ta gật đầu, thưa một câu “vâng” và không hỏi gì thêm.


Chụp hình xong, người công an chịu trách nhiệm ở khâu này đưa người đi làm căn cước một văn bản có các thông tin cá nhân để ký tên xác nhận lý lịch.Tôi tròn xoe mắt, có phần hơi bực mình vì họ vẫn ghi mục Tôn giáo là “không”. Tôi thắc mắc. Anh ta hoạnh: “Không ghi thế thì ghi thế nào?”. Tôi nhìn anh ta, gương mặt khá điển trai nhưng hơi dữ dằn. Tôi bắt đầu nóng mắt vì thái độ kiểu như thách thức của anh ta:


Tôi với sang chỗ Lộc đang làm việc, gọi:


-Lộc ơi, em sang chị gặp chút.


Tôi phải gọi to, vì Lộc ngồi cách đó mấy bàn làm việc. Lộc chạy sang, chưa cần đợi cậu ta hỏi, tôi trách luôn:


-Chị đã nhắc em mục Tôn giáo phải ghi rõ cho chị là “Công giáo”, sao em lại ghi “Tôn giáo: Không”?


Cậu ta bối rồi, ấp úng chưa biết trả lời ra sao. Anh chàng đồng nghiệp, thái độ đã chùng xuống phần nào, gỡ rối cho Lộc:


-Thế này chị, trong sổ hộ khẩu  ghi rõ chị không theo tôn giáo nào. 


Được thể, Lộc định nói một hơi nhưng bị tôi ngắt lời:


-Trong sổ hộ khẩu của chị hiển thị chị không theo tôn giáo nào. Vì thế em phải căn cứ vào đó để ... 


 -Đấy là thông tin trước kia. Còn mấy năm nay chị đã vào Đạo, là thông tin mới và chị đã thông báo thì em phải cập nhật cho chị chứ. Ghi theo thông tin cũ làm sao được. 


Anh công an chụp hình cũng không vừa, thấy đồng nghiệp có vẻ đuối lý, liền quay sang bắt bẻ tôi tiếp:


-Chị có gì để chứng minh chị là người Công Giáo không?


Tôi nghiêm giọng, nhìn thằng vào mắt anh ta đáp:


-Có. Anh cần tôi chứng minh thế nào?


Thấy không khí có vẻ hơi căng thẳng, Lộc đấu dịu:


-Chị Nghiên ơi theo quy định thì chị phải mang theo sổ của Nhà thờ để chứng minh chị là người Công Giáo thì tụi em mới ghi trong hồ sơ cho chị. Nhưng thôi riêng trường hợp của chị thì em ưu tiên.


Tôi vẫn không nhịn, nhưng cũng xuống giọng:


-Nếu thế ngay từ đầu em phải giải thích cho chị. Em không nói gì đến việc đó. Chị chủ động nhắc thì em đồng ý, không thắc mắc gì.


Viên công an chụp hình hỏi Lộc:


-Bây giờ sao?


-Huỷ bộ này đi, sửa lại cho chị ấy. Lộc trả lời.


Tôi nhắc thêm: 


-Ghi chính xác là “Công giáo” nhé. Chứ ghi Thiên Chúa Giáo là lại mất công sửa tiếp đấy. 


Mặt anh ta hằm hằm, miễn cưỡng xé mấy văn bản vừa in, làm lại tờ khác đưa tôi ký tên. Nét chữ in rõ ràng, còn tươi rói màu mực với chi tiết vừa được chỉnh sửa: “Tôn giáo: Công giáo”.


Nhìn tôi ký tên, anh ta hỏi:


-Theo Đạo có khó không chị?


Không cần dò xét xem anh ta hỏi thật hay mỉa mai, tôi trả lời, thiện chí như đang nói với chính mình:


-Không khó anh, miễn là anh có Đức Tin, tin vào Chúa. 


Anh ta không nói gì thêm. Tôi ký tên xong, đóng tiền lệ phí, bước ra ngoài trước ánh mắt ngạc nhiên của nhiều người dân khác.  


Ra ngoài sân, người đàn ông mặc thường phục đi theo, bắt chuyện. Tôi cũng trò chuyện mấy câu xã giao lấy lệ. Tôi hỏi tên anh ta, nó trùng với tên của trưởng công an phường. Kinh nghiệm nhiều năm va chạm với công an, tôi hiểu rằng trong những buổi làm việc với công dân, bao giờ cũng có (ít thì) một, hoặc vài tay mặc thường phục, đi lại khệnh khạng như chẳng liên quan gì. Nhưng đấy mới là sếp sòng, kẻ quyền lực nhất trong số những người đang mặc sắc phục, đeo lon cấp bậc trên cầu vai.



Hôm ấy, tôi đã chuẩn bị tinh thần là nếu họ không chịu ghi đúng như tôi yêu cầu, cùng lắm là tôi đi về, không làm nữa. Tôi không thể chối Chúa để làm vừa lòng thế gian.


No comments:

Post a Comment