Thông tin ông Phan Vân Bách bị bắt với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” chỉ hai ngày trước thềm năm mới Dương lịch 2024 đã khiến không ít người sững sờ. Người ta vẫn nghĩ, một người hiền lành, đã lui về ở ẩn, không còn dính dáng đến bất kỳ hoạt động tranh đấu cho nhân quyền nào như ông Bách, có lẽ sẽ được yên. Vụ bắt bớ diễn ra vào lúc các cơ quan ngoại giao nước ngoài bước vào kỳ nghỉ lễ cuối năm - một thời điểm được chọn lựa kỹ lưỡng để tránh mọi phản ứng tức thì từ quốc tế.
Phan Vân Bách sinh năm
1976, trong một gia đình trí thức nghèo ở Hà Nội với người cha là bác sĩ, mẹ là
kiến trúc sư.
Năm Bạch học lớp 10, mẹ
ông đột ngột qua đời sau một cơn tai biến. Hai năm sau, cha ông mất trong một vụ
tai nạn giao thông, khi đang trên đường đi xem điểm thi đại học cho Bách. Cánh
cửa tương lai bỗng dưng đóng sập lại, đúng vào khoảnh khắc Bách tưởng như đã chạm
tay vào nó.
Khi bạn bè cùng lứa vẫn
được bao bọc trong vòng tay cha mẹ, Bách đã một mình bươn chải, làm đủ nghề để
sinh sống. Rồi ông gặp và kết hôn với Liễu, một cô gái chịu thương chịu khó bên
Xóm Đạo. Họ sinh con trai đầu lòng vào năm 2001.
Hai năm sau, họ chuẩn bị
đón hai bé gái song sinh với một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Thế nhưng, giữa cái
thời mà mỗi mũi tiêm đều gắn liền với chiếc phong bì âm thầm trao tay, Bách chẳng
biết thủ tục “đầu tiên” đó. Khi thấy vợ đau đớn trong phòng chờ, anh chỉ biết
cuống quýt hỏi bác sỹ, rồi nhận về những lời gắt gỏng, lạnh lùng “Nếu có chuyện
gì thì xử lý sau”.
Khi người mẹ kiệt sức sau
khi sinh bé đầu, đứa trẻ thứ hai bị ngạt trong bụng. Bác sĩ vội vàng dùng
forceps - chiếc kẹp kim loại - để kéo bé ra. Cú “xử lý” ấy đã biến một thai nhi
khỏe mạnh thành một đứa trẻ bại não ngay khoảnh khắc chào đời.
Suốt chín năm ròng, vợ chồng
ông bế con lê la khắp các bệnh viện, từ Tây y đến Đông y, ôm hy vọng mong manh
về một phép màu. Nhưng dù thương con đứt ruột, họ cũng phải buông tay, chấp nhận
sự thật với nỗi buồn tủi và bất lực đến tận cùng.
Năm 2019, cô bé kết thúc
cuộc đời sau 16 năm nằm trên giường bệnh. “Con bé không biết gì cả, nhưng
không hoàn toàn là sống thực vật. Các ngón tay, ngón chân vẫn có phản ứng khi gặp
cơn đau quá mức chịu đựng. Nếu sống thực vật hẳn, có lẽ còn đỡ tội. Đằng này…”,
một người thân kể lại trong tang lễ của bé.
Năm 2011, Phan Vân Bách
chuyển sang lái taxi, một công việc giúp ông hiểu hơn về thực trạng xã hội. Ông
nhận ra, một người không làm nổi, nhưng nhiều người góp sức, có thể thay đổi được
vận mệnh của đất nước. Bách không muốn sẽ còn những đứa trẻ khác bị tàn phế như
con gái mình, chỉ vì cha mẹ chúng không biết “cách”, hoặc không có tiền đút lót
cho bệnh viện.
Phan Vân Bách bắt đầu các
hoạt động của mình bằng việc tham gia biểu tình ôn hòa chống Tàu cộng xâm lược,
bảo vệ môi trường, dân sinh.
Từ năm 2017, ông tham gia
kênh YouTube CHTV (Chấn Hưng TV) - một kênh truyền thông độc lập do ông Vũ
Quang Thuận sáng lập, chuyên phân tích các vấn đề kinh tế - xã hội của Việt
Nam.
Giống như nhiều người phản
biện khác, Bách bị công an theo dõi, sách nhiễu, khủng bố, bị thẩm vấn và đe dọa.
Dù cuộc đời nhiều đau khổ, Bách vẫn luôn tỏ ra lạc quan, đôi khi hài hước, hóm
hỉnh đến gây cười. Ông tự gọi mình là “Đảng trưởng Đảng Mắm Tôm”, giễu nhại sự
kiện ông bị dư luận viên ném mắm tôm, phân người và xác súc vật chết vào nhà.
Năm 2020, dưới sức ép nặng
nề từ nhà cầm quyền, Bách buộc phải tuyên bố từ bỏ mọi hoạt động tranh đấu.
Nhưng ba năm sau, ông vẫn bị bắt – như một lời nhắc nhở rằng, trong chế độ này,
rút lui không có nghĩa là được buông tha.
Chế độ lao tù tàn bạo đến
mức chỉ sau vài tháng bị giam giữ, Phan Vân Bách đã sụt 27kg, đi đứng xiêu vẹo
vì chứng tiêu chảy kéo dài không được chữa trị. Vợ ông kể lại với một người bạn
rằng, bà vô cùng choáng váng và gần như “không nhận ra chồng” trong cuộc gặp đầu
tiên, khi ông bị giam ở Hỏa Lò. Thế nhưng, một điều lạ lùng đã xảy ra. Gần đến
phiên tòa xét xử vào tháng 9/2024, bệnh tình của ông đột ngột thuyên giảm. Từ
hàng chục lần tiêu chảy mỗi ngày, giảm xuống chỉ còn vài lần, đủ để ông có thể
đứng hai tiếng đồng hồ, làm “đạo cụ” cho một phiên xử được dàn dựng gọn ghẽ. Rồi
ông bị tuyên án 6 năm tù, được đưa trở lại nhà giam, tiếp tục những tháng năm bị
đọa đày cả thể xác lẫn tinh thần.
Ít ngày sau, ông Bách bị
chuyển từ Hỏa Lò đến Trại 5 - Thanh Hóa, khi trời còn chưa sáng. Cai tù luôn miệng
hối thúc và ông chỉ kịp vơ vội vài vật dụng. Bà Liễu chỉ biết chồng bị chuyển
trại khi đến Hỏa Lò tiếp tế.
Mỗi lần mẹ con bà đi thăm
chồng là một hành trình gian truân, và lần nào cũng trở về với lo âu. Trại 5 nằm
giữa đồi núi, mùa hè nóng như thiêu, mùa đông lạnh cắt thịt. Ông Bách và hai bạn
tù bị nhốt trong một buồng giam kín mít như hòm sắt, không cửa thông gió, không
được ra ngoài.
Để sống sót giữa cái nóng
khủng khiếp, họ liên tục phải dội nước lên tường, xuống nền xi măng. Nước gặp sức
nóng của bức tưởng, sủi bọt, hơi nóng phả rát mặt người. Phải đợi đến 2, 3 giờ
sáng khi cái nóng dịu đi, người tù mới chợp mắt được. Nhưng chưa đến 5 giờ
sáng, cái nóng lại tràn vào thiêu đốt mọi ngóc ngách trong trại tù. Ông Bách và
bạn tù nhiều lần yêu cầu mở cửa buồng, nhưng luôn bị từ chối.
Với nhà cầm quyền, tù
nhân chính trị là kẻ thù phải bị hủy diệt. Mà kẻ thù thì không có quyền có
không khí để thở.
Chỉ mới 19 tháng bị giam
cầm, Phan Vân Bách đã rụng gần chục chiếc răng, tai điếc nặng, bệnh tiêu chảy
và ghẻ lở hành hạ suốt ngày đêm. Khi tôi viết những dòng này, ông đã mòn mỏi bước
sang ngày thứ 7 của cuộc tuyệt thực, để giữ lại phẩm giá, lòng kiêu hãnh và khí
phách của một chiến sĩ dân chủ.
Cuộc đời đau khổ của Phan
Vân Bách, hay những cái chết oan khiên của Huỳnh Anh Trí, Đinh Đăng Định, Đỗ
Công Đương, Đào Quang Thực, Đinh Diêm, Phan Văn Thu, Huỳnh Hữu Đạt… có thể khiến
nhiều người sợ hãi. Nhưng chính những con người ấy, bằng sự tận hiến trọn đời cho
quê hương, đã nhóm lên ánh sáng soi đường
cho niềm hy vọng mang tên Việt Nam.
Phạm Thanh Nghiên
Ngày 7/7/2025
No comments:
Post a Comment