Dự thảo sửa đổi Luật An ninh mạng
Bộ Công an đang “lấy ý kiến”
về Dự thảo sửa đổi Luật An ninh mạng, xây dựng trên cơ sở hợp nhất Luật An toàn
thông tin mạng 2015 và Luật An ninh mạng 2018, nhằm “hoàn thiện hành lang pháp
lý và cơ cấu tổ chức trong lĩnh vực an ninh mạng”. Thực chất, đây là bước hợp
thức hóa chiến lược kiểm soát toàn diện dưới vỏ bọc luật pháp.
(Người dân biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng năm 2018. Nguồn tổng hợp: Dân Làm Báo)
Theo dự thảo, các nền tảng
số phải gỡ bỏ nội dung được coi là “vi phạm pháp luật” trong vòng 24 giờ, kể cả
khi chỉ nhận yêu cầu qua điện thoại. Doanh nghiệp còn bị buộc lưu trữ dữ liệu
người dùng trong nước và cung cấp thông tin cá nhân cho công an mà không cần lý
do. Toàn bộ đời sống số, từ bài viết công khai đến tin nhắn riêng tư, đều có thể
bị trích xuất và sử dụng làm bằng chứng buộc tội.
Bộ Công an công bố các
con số như “7.500 nguồn tin xấu độc” và “83 triệu lượt tương tác” rồi gán mác
“đe dọa an ninh quốc gia”, để củng cố tính chính danh cho dự thảo. Tuy nhiên,
đây chỉ là mảnh ghép mới, nối tiếp Nghị định 147/2020 (cho phép thành lập lực
lượng chuyên trách an ninh mạng) và Nghị định 53/2022 (buộc nền tảng nước ngoài
lưu trữ dữ liệu, gỡ nội dung theo yêu cầu). Ba văn bản này tạo thành một khung
pháp lý khép kín, cho phép kiểm soát xã hội bằng một lệnh miệng từ công an,
không cần văn bản hay thủ tục hành chính nào.
Khi đàn áp được “luật
hóa”, người dân dù không phạm tội vẫn bị theo dõi một cách hợp pháp. Trong môi
trường đầy điều cấm kỵ và các tội danh mơ hồ, im lặng và tuân phục trở thành lựa
chọn tối ưu. Sự “ổn định ấy” chính là cái vỏ để duy trì quyền lực độc đoán.
Bàn tay gọng kìm của
Tô Lâm
Từ khi trở thành Tổng Bí
thư, tướng công an Tô Lâm từng được kỳ vọng sẽ mang lại thay đổi tích cực.
Nhưng thực tế cho thấy, dưới quyền ông, bộ máy kiểm soát không những không được
nới lỏng mà còn trở nên tinh vi và toàn diện hơn. Từ các chiến dịch thanh trừng
nội bộ, sáp nhập địa giới hành chính, đến việc siết chặt không gian mạng và
chính trị, tất cả đều phản ánh một chiến lược củng cố quyền lực có hệ thống.
Các chế độ độc tài, dù ở
đâu, cũng dựa vào bạo lực, công an, quân đội và các điều luật mơ hồ để kiểm
soát. Tô Lâm không phải người đầu tiên vận hành bộ máy đàn áp được hợp thức
hóa, nhưng là người khiến nó trơn tru hơn bao giờ hết. Với xuất thân từ ngành
công an và hai nhiệm kỳ làm Bộ trưởng, ông nắm rõ mọi mắt xích trong hệ thống
cưỡng chế, từ kỹ thuật trấn áp đến cách “hợp pháp hóa” mệnh lệnh.
Những gì Tô Lâm đang thực
hiện mang đậm dấu ấn Trung cộng. Năm 2020, Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc
gia lên Hongkong, chỉ sau vài tháng, hàng loạt nhà hoạt động dân chủ bị bắt,
báo chí bị bịt miệng, xã hội dân sự gần như bị xóa sổ. Không cần đến một Thiên
An Môn thứ hai, mọi cuộc phản kháng đều bị dập tắt bằng thứ gọi là “luật pháp”.
Việt Nam chưa có một
phong trào phản kháng đúng nghĩa, nhưng việc chủ động hoàn thiện bộ máy đàn áp
cho thấy Tô Lâm đang đi từng bước để kiểm soát từ gốc, dập tắt mọi “ý định phản
kháng” trước cả khi người dân kịp lên tiếng.
Những thuận lợi từ
các yếu tố “bên ngoài”
Việc Mỹ và phương Tây
không còn ưu tiên nhân quyền đã tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội thực hiện chiến
lược “luật hóa đàn áp”. Trong bối cảnh chiến tranh và khủng hoảng toàn cầu, nhiều
quốc gia dân chủ chọn ổn định thay vì đối đầu với các chế độ độc tài.
Về công nghệ, các “ông lớn”
như Meta, Google ngày càng thiên về bảo vệ lợi nhuận hơn là bảo vệ tự do biểu đạt.
Trước sức ép từ nhà cầm quyền sở tại, họ buộc phải tuân thủ kiểm duyệt, dù vẫn
tránh nói thẳng. Facebook thường giới hạn tương tác, gỡ bài, khóa danh khoản vô
tội vạ với lý do “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”.
Tháng 7/2024, Meta (công
ty mẹ của Facebook) thông báo đã che hiển thị một số bài viết chỉ trích ông
Nguyễn Phú Trọng của tôi tại Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền
thông. Đại diện một tổ chức nhân quyền quốc tế khi ấy đã gọi đây là “bằng chứng
quý giá”, vì lần đầu Meta chỉ đích danh chính phủ Việt Nam đứng sau chiến dịch
“khủng bố ngôn luận”, thay vì né tránh như trước. Một số nhân vật bất đồng khác
cũng nhận được thông báo tương tự sau đó.
Dự thảo Luật An ninh mạng
sửa đổi, nếu được thông qua, sẽ không chỉ là công cụ pháp lý mà là mô hình cai
trị vận hành bằng thuật toán. Cuộc vận động dân chủ vì vậy sẽ càng gian nan
hơn.
Lời kết
Tự do ngôn luận là tuyến
đầu của mọi quyền tự do, đồng thời là điểm yếu chí tử của mọi chế độ độc tài. Từ
Stalin, Mao Trạch Đông cho đến Gaddafi, Tập Cận Bình, Nguyễn Phú Trọng và Tô
Lâm…, đều tìm cách bịt miệng dân chúng không chỉ bằng bạo lực, mà bằng luật
pháp, thứ “luật pháp” đưa con người trở về thời tăm tối với sự im lặng và phục
tùng.
Ngày 25/7/2025
No comments:
Post a Comment