Pages

Monday, December 28, 2020

VÀI NÉT VỀ NHÓM “BÀN LUẬN KINH TẾ-CHÍNH TRỊ”

“Bàn luận Kinh tế- Chính trị” là một trang Facebook được mở ra để những người cùng quan điểm thảo luận một cách công khai về các vấn đề kinh tế, chính trị. Trang Fanpage này được ghi nhận có gần 50 ngàn lượt theo dõi. Tuy nhiên, nó đã bị vô hiệu hóa sau khi hai Admin là Huỳnh Anh Khoa và Nguyễn Đăng Thương bị bắt.

Ngày 21/12/2020, hai ông Thương, Khoa và anh Trần Ngọc Khải  bị đưa ra tòa, lần lượt nhận các bản án 18, 15 và 12 tháng tù giam với tội danh mơ hồ “Lợi dụng quyền tự do dân chủ…”. Giống nhiều người khác, họ bị cáo buộc vi phạm cái điều mà nếu có thì họ đã không thể bị bỏ tù. Nhắc lại, để khẳng định thêm lần nữa rằng việc đàn áp tiếng nói đối kháng chỉ làm đậm thêm bản chất độc tài, ngu dốt và phản động của đảng cầm quyền. 

Có ý kiến cho rằng bản án dành cho họ là “quá nhẹ” so với nhiều người bất đồng chính kiến khác. Nhận định trên không hẳn mang ác ý. Song ít nhiều đã tạo ra sự hiểu lầm rằng việc nhà nước bỏ tù những người này là chính đáng, phù hợp với pháp luật. Chưa kể gây sự tổn thương đến thân nhân của những người tù.

Huỳnh Anh Khoa sinh năm 1982, quê Quy Nhơn, Bình Định. Sau khi học xong trung học, Khoa thi đậu trường Đại học Hồng Bàng (Sài Gòn) và theo học khoa Quản trị Kinh doanh. Đang học dở Đại học thì Khoa phải nghỉ vì “gia đình có chuyện” – theo lời kể của người thân. Huỳnh Anh Khoa làm việc tại Công ty Dược được một thời gian, sau đó chuyển sang làm Quản lý cho một khách sạn ở quận Nhất. Huỳnh Anh Khoa kết hôn với cô Phạm Thị Bảo Ngọc và họ có hai cô con gái. Bé lớn sinh năm 2010 và bé nhỏ sinh năm 2014. Vợ Khoa bán đồ ăn buổi sáng, thu nhập chỉ đủ cho cả nhà ăn uống, chi tiêu lặt vặt. Họ thuê một căn nhà ở quận Thủ Đức vừa để ở, vừa có chỗ cho Khoa làm việc, tiếp xúc với khách hàng vì công việc chính của anh lúc này là buôn bán máy công nghiệp của Nhật, chủ yếu là máy nén khí.

 

Khoa bắt đầu sử dụng facebook để lên tiếng về thực trạng xã hội Việt Nam trong khoảng hai năm trở lại đây. Trong suốt thời gian ấy, không ít lần Khoa nhận những thư từ, tin nhắn nặc danh đe dọa. Huỳnh Anh Khoa ý thức được việc mình có thể bị bắt nên đã dặn vợ trước những gì cần làm. Bảo Ngọc tâm sự với tôi “Lúc đầu em cũng sợ lắm nên can ngăn. Em còn mắng anh ấy “đã biết sẽ bị bắt thì còn làm làm gì”. Em sợ khi anh ấy bị bắt, ba mẹ con em bơ vơ, chứ thực ra em biết anh ấy không làm gì sai trái cả. Bây giờ anh ấy bị tù, em sẽ cố gắng nuôi dạy con cho tốt chờ ngày anh ấy về. Em chỉ biết hàng ngày cầu nguyện cho chồng em và những người dám dấn thân vì sự thật như anh ấy”.

 

Tôi cảm phục Ngọc như đã cảm phục nhiều phụ nữ có chồng, có con đi tù vì đấu tranh cho lẽ phải, cho tự do. Ngọc nói cô sẽ không bao giờ quên buổi chiều ngày 13/6/2020 khi chồng cô bị còng tay đưa về nhà. Hai đứa con nhỏ còn đang ngơ ngác, kinh hãi không biết chuyện gì xảy ra thì lập tức, chúng bị một nhóm công an đưa lên lầu, tống vào phòng và khóa trái cửa lại mặc chúng kêu la, gào khóc.

Trước khi đưa Khoa đi, một viên công an hỏi “Anh có muốn chào các con trước khi đi không?” Khoa lạnh lùng đáp “Không, các anh cứ đưa tôi đi!”.

 

Tôi không biết gì về anh Nguyễn Đăng Thương ngoài thông tin anh là người lớn tuổi nhất và chịu án nặng nhất trong số 3 người. Anh có hai người con đã trưởng thành.

 

Câu chuyện về Trần Ngọc Khải đáng thương hơn cả. Khải sinh năm 1989, quê gốc tuy Hòa, Phú Yên. Khải mồ côi cha từ khi mới 4 tuổi. Cậu bé Khải lớn lên trong cảnh nghèo khó, neo đơn bên mẹ mình. Mấy năm gần đây, Khải vào Sài Gòn làm thuê để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, phụ giúp mẹ già. Khải bị hỏng một con mắt do bị người ta …đánh nhầm. Hung thủ sau đó đã bồi thường cho cậu số tiền tượng trưng là 04 triệu đồng. Khi pháp đình không phải chỗ dành cho người nghèo, người cô thế thì bốn triệu hoặc không xu nào, mù một con mắt hay mất mạng cũng là chuyện chẳng hề gì đối với kẻ mạnh.

Hồi đầu năm, Khải thất nghiệp vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên về quê ở với mẹ.

Ngày 10/6/2020, Khải tới nhà người bạn chơi và ...mất tích từ đó. Trên người lúc ấy chỉ có đôi dép rách và bộ quần áo cũ.

Nghe phong thanh Khải bị bắt và bị đưa vào Sài Gòn, bà Hương  phải lặn lội từ Phú Yên lên thành phố thuê nhà trọ ở để tìm con. Nhờ người quen giúp đỡ, và cũng mãi gần 6 tháng sau bà mới biết Khải bị giam ở quận 8 và sắp bị đưa ra toà. Vậy là suốt 6 tháng qua, Trần Ngọc Khải là “tù mồ côi”, không người tiếp tế. Còn mẹ Khải phải sống trong lo âu, sợ hãi và tuyệt vọng.

Hiện nay bà Hương vẫn bám trụ ở Sài Gòn để tiện việc thăm nuôi cho con trai. Bà đi rửa ly thuê cho quán cafe mỗi ngày được khoảng 100 ngàn đồng. Cuộc đời cơ cực như bao người mẹ cơ cực khác.

Đến bao giờ đất nước này mới có ngày vui trọn vẹn. Để những người mẹ như bà Hương, những người vợ như Bảo Ngọc thôi mỏi mòn.


 

Phạm Thanh Nghiên

No comments:

Post a Comment