Pages

Monday, January 11, 2021

ĐẾN ĐỨA TRẺ CÒN BIẾT XÓT THƯƠNG

Hồi cuối tháng 9/2020, bà ngoại nuôi của Tôm (Nghệ sĩ, đạo diễn Kim Chi) hoàn thành bộ phim tài liệu “Chuyện nhà bé Tôm”. Trước khi đưa lên youtube, bà ngoại đã mời một vài người bạn thân thiết đến xem phim để mọi người cùng góp ý. Ai xem cũng cảm động, có người sụt sịt khóc. Bà ngoại dự tính sẽ đưa bộ phim lên mạng vào ngày 24/11/2020, đúng ngày bé Tôm tròn 3 tuổi và mẹ Nghiên tròn 43 tuổi, như một món quà sinh nhật đặc biệt tặng cho con và cháu gái nuôi. Nhưng cô Trang sốt ruột quá, đề nghị bà ngoại đưa lên mạng ngay, không cần chờ đến tháng 11 nữa.

Về nhà, ba mẹ mở bộ phim ra cho bé Tôm xem cùng. Bé chăm chú xem lắm, mỗi lần nhìn thấy ai trên màn hình đều reo lên đầy vẻ ngạc nhiên, thích thú. Rồi đến cảnh vườn rau Lộc Hưng tan hoang, cảnh mẹ Nghiên bưng mặt khóc, cảnh ba Tú đi lượm đồ chơi và té ngã, bé Tôm không còn reo lên nữa. Đôi mắt bé chăm chú nhìn lên màn hình, miệng không ngớt hỏi han. Những câu hỏi khó trả lời và nhói lòng ba mẹ. Nào là “làm sao ba té ngã?”; “Làm sao mẹ Nghiên khóc nhè?”: “Ơ, ba mang con ngựa của con đi đâu vây?…” Trẻ con đã hỏi thì người lớn không thể từ chối, nó sẽ hỏi đến khi nào ba mẹ trả lời thì thôi. Ba mẹ giải thích là nhà mình mới xây bị người ta đập, ba Tú phải đi lượm đồ chơi cho con nên ba té ngã. Con bé lại hỏi tiếp “Ai đập nhà mình?” Mẹ trả lời: “Kẻ xấu đập nhà mình con ạ”. Nét mặt bé Tôm trùng xuống.

 

Chuyện tưởng thế là xong. Mấy hôm sau ba Tú lại mở bộ phim ấy ra xem. Đến đoạn ba Tú một tay cầm bát nhang thờ chú Trí, tay kia cầm con ngựa đồ chơi đi trên đống đổ nát và té ngã, bé Tôm òa khóc. Bé khóc nức nở, ba mẹ dỗ dành mãi mới chịu nín. Từ đó, ba mẹ không dám mở phim “Chuyện nhà bé Tôm” cho con xem nữa.

 

Hôm nay mẹ lúi húi làm bếp, bé Tôm chơi một mình. Rồi bé lấy mấy cuốn sách trên bàn làm việc của mẹ xuống chơi. Chắc cuốn sách viết về cô Trang nhẹ, dễ cầm nhất nên bé thích. Bé giở sách ra xem, nhận ra cô Trang, lại reo lên:

 

- Mẹ ơi cô Trang nè, cô Trang nè mẹ!

 

Mẹ chỉ “ừ” một tiếng rồi lo làm việc tiếp.

 

- Ơ, có cả mẹ nữa nè. Bé Tôm reo lên khi nhìn thấy hình mẹ và cô Trang chụp chung. Bé giở đến các trang sách khác, thấy hình ai cũng hỏi. Mẹ vẫn trả lời nhưng vẻ lơ đễnh vì còn đang bận nấu cơm. Đến hình ảnh cô Trang nằm trong bệnh viện, Tôm lại hỏi:

 

- Cô Trang bị làm sao đây mẹ?

 

-À, cô Trang bị kẻ xấu đánh con ạ.

Ngắm nghía tấm hình một lúc, bé lại hỏi tiếp:

 

-Làm sao cô Trang bị kẻ xấu đánh hả mẹ? Cô Trang đau lắm hả mẹ?

 

- Ừ, cô đau lắm con ạ. Miệng trả lời nhưng tay mẹ vẫn làm việc riêng.

 

- Mẹ ơi cô Trang đâu hả mẹ? Sao mãi con không thấy cô Trang?

 

Đến câu hỏi này thì mẹ Nghiên thật sự lúng túng, không biết phải giải thích ra sao cho con hiểu. Con mới 3 tuổi thôi, còn quá nhỏ để hiểu được chuyện phức tạp của người lớn. Làm sao mẹ có thể (và có quyền) bớt xén đi vẻ thần tiên, trong trẻo của tuổi thơ con bằng cách nói với con về một vài điều rất thật, rất cay đắng của thế giới loài người ô trọc này.

 

Mẹ chỉ biết an ủi con rằng cô Trang bận, phải rất lâu nữa nhà mình mới đi gặp cô Trang được. Nhưng bé Tôm bị ám ảnh bởi câu chuyện cô Trang bị “người xấu” đánh đến mức phải nhập viện. Bé nhắc đi nhắc lại các câu hỏi ai đánh cô Trang, cô có đau không, vì sao cô bị đánh, dù mẹ đã trả lời nhiều lần. Và bé Tôm cũng không giở sang các trang khác trong cuốn sách ngoài trang 30, nơi có hình ảnh cô Trang bị đau phải nằm viện. 

 

Thấy con không hỏi han gì nữa, mẹ nghĩ bé đã chán nên để bé chơi một mình, mẹ đi nấu cơm tiếp. Rồi mẹ nghe thấy tiếng sụt sịt, quay ra vẫn thấy bé Tôm ngồi yên đó, bàn tay bé xíu mân mê, xoa xoa bàn tay đầy máu của cô Trang hiện lên trong trang sách.

 

Mẹ lấy cuốn sách ra khỏi bàn tay con, đặt lên bàn và bế bé Tôm vào lòng. Tôm òa khóc.

 

Mẹ vỗ về:

 

- Con thương cô Trang phải không?

 

Tôm chỉ biết gật đầu, cơn thổn thức khiến con không thể nói thành tiếng.

 

Một nỗi buồn thương lập tức choán lấy tâm hồn mẹ. Thương cô Trang, thương bé Tôm. Tôm ơi, con mới chỉ là một đứa trẻ lên 3 mà đã biết đồng cảm, biết xót thương với nỗi đau khổ của người lớn. Vậy mà...

 

Mẹ không biết nên vui hay buồn, mừng hay lo với một con bé con quá đa cảm và hiểu chuyện sớm như thế. Hãy hồn nhiên, cười đùa và thật vui vẻ con à. Còn nỗi buồn, khi lớn lên nó sẽ tự tìm đến con, khi ấy đón nhận hay khước từ vẫn chưa muộn, con ạ.


 

 Phạm Thanh Nghiên

10.01.2021

No comments:

Post a Comment