Pages

Friday, November 01, 2024

CHÚT KỶ NIỆM VỚI NGƯỜI BUÔN GIÓ

 

Anh Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu) và vợ chồng tôi ở Houston (Mỹ)

Tháng 10/2012, sau khi tôi ra tù chừng hai ba tuần gì đấy, Người Buôn Gió cùng với anh Ngô Nhật Đăng, anh Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội “đánh” xe xuống Hải Phòng thăm. Quả thật, ngoài niềm vui còn có chút ngạc nhiên. Bây giờ người ta dám đi thăm một người bị cho là “phản động”, lại còn mới ra tù vì “tội” chống chế độ cơ đấy.

 

Ngày đó tôi chưa biết ai vào với ai, thấy có người hẹn tới thăm, thì đón tiếp. Vài ngày sau tìm hiểu, mới biết mấy người anh em đó, nhất là lão Gió, đang nổi như cồn.

Lão Gió mang theo cuốn sách Đại Vệ Chí Dị, tặng tôi:

-Cuốn này anh nhắc về em đấy.

Tôi lật các trang sách ra xem:

-Có thấy tên em đâu.

-Đây, “Phạm cô nương miền Duyên hải” là em chứ còn ai vào đây nữa. Kể chuyện em đi Thanh Hóa tìm hiểu chuyện ngư dân bị Tàu khựa giết hại.

Vừa nói, lão vừa chỉ vào những dòng chữ có tên tôi.

-À, à, vậy hả? Tôi gật gù.

 

Saturday, July 20, 2024

TẠI SAO NGUYỄN PHÚ TRỌNG LẠI ĐƯỢC ĐẶC CÁCH CHỜ LỊCH SỬ PHÁN XÉT?


                     Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (1944-2024)

Cuối cùng thì ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được… chết đúng quy trình. Ở cái tuổi tám mươi của ông, ốm đau bệnh tật rồi qua đời là lẽ thuận tự nhiên. Nhưng vì ông là lãnh đạo tối cao của một chế độ độc tài đảng trị, nên không có cơ may được hưởng cái lẽ tự nhiên ấy. Sau khi sắp xếp để “xác sống” Nguyễn Phú Trọng trao quyền cho mình xong, ông Tô Lâm mới cho Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ra thông báo về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng. Chỉ một ngày sau khi Bộ Chính trị ra thông báo, ông Trọng được loan tin qua đời và tin tức ngay lập tức phủ dày các mặt báo.

 

Wednesday, June 19, 2024

AN NINH CỘNG SẢN VIỆT NAM THEO TÔI ĐẾN TẬN MỸ

 (Ngày 18/6/2024)

Suốt 16 năm, kể từ khi công khai quan điểm đối kháng với đảng cộng sản (năm 2007) cho đến ngày buộc phải rời Việt Nam sang Mỹ tị nạn (Tháng Tư năm 2023), tôi luôn là mục tiêu đàn áp, khủng bố từ nhà cầm quyền.

Friday, June 14, 2024

TỪ SỰ KIỆN SƯ MINH TUỆ, NHỚ MỘT THỜI TỰ DO TÔN GIÁO Ở MIỀN NAM



Hòa thượng Thích Quảng Độ được thỉnh giảng về Phật học, ở Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X tại Đà Lạt, khóa 1971-1972 (Hình: DCCT)

Sự kiện sư Thích Minh Tuệ trong xã hội Việt Nam, ngoài việc khơi gợi lại một niềm tin Phật giáo trong lành và nguyên sơ, không bị vẩn đục bởi chính trị, bên cạnh đó còn dấy lên một làn sóng nhận định chia sẻ ấm áp từ các tôn giáo khác. Thậm chí với các linh mục trong và ngoài nước, cũng đã có nhiều bài giảng và bình luận đồng cảm, khiến nhiều người từng sống ở miền Nam trước 1975, nhớ tới một thời tự do tôn giáo, chan hòa giữa các đạo.

 

Hiện trạng đời sống tín ngưỡng Việt Nam đầy những điều đen tối, ngay cả chuyện sư Thích Minh Đạo ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu mở lời thán phục phép tu của sư Thích Minh Tuệ, cũng phải bị “sám hối” khiến ai nấy đều kinh sợ những điều nằm sau bức màn tôn giáo màu mè của chế độ CSVN. Nhiều nơi đã gọi điện, tìm đến thăm như một sự ủng hộ tinh thần cho những điều đẹp đẽ đang bị ép dần đến phải mai một. Phía Công giáo, cũng có linh mục Anton Maria Vũ Quốc Thịnh (Dòng Chúa Cứu Thế) gọi điện hỏi thăm, bày tỏ sự mến phục, đồng cảm với nhà sư Thích Minh Đạo. Từ sự kiện đó, không ít người đặt câu hỏi, có hay không sự thù nghịch, chia rẽ, kỳ thị giữa hai tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo ở Việt Nam, vốn được dựng lên từ ngôn từ thù hằn và định kiến của sư tuyên truyền cộng sản hiện nay?

Với tôi, nghĩa cử của cha Thịnh đối với thầy Minh Đạo nhắc nhớ đến những cuộc hội ngộ vô cùng cảm động giữa các linh mục, các nhà sư trong nhà tù cộng sản, sau Tháng Tư năm 1975. Những ký ức được Hòa thượng Thích Thiện Minh ghi chép lại trong cuốn sách Hai Mươi Sáu Năm Lưu Đày, hoặc thi thoảng vẫn kể cho tôi nghe mỗi dịp đến thăm thầy ở Sài Gòn.

 

Tuesday, April 30, 2024

THÁNG TƯ - VÀ MỘT CUỘC GIẢI PHÓNG KHÁC

 

Sau 49 năm cái ngày được gọi là "giải phóng", người dân Việt Nam vẫn vật lộn với miếng ăn hàng ngày (Báo Nhà nước).


Một ngày nọ đi làm về, khi vừa bước vào nhà, tôi đã phát hiện cái ban thờ ông Hồ Chí Minh không còn ở vị trí cũ. Chắc là bố tôi đã chuyển nó sang chỗ khác. Tôi ngó nghiêng tất cả những vị trí trang trọng nhất mà tôi nghĩ bố tôi sẽ đặt ban thờ, hoặc chí ít là treo được tấm hình cho xứng tầm với sự “vĩ đại” của ông. Nhưng không, giờ đây nó nằm chềnh ềnh trong thùng rác. Bát nhang và những tấm gỗ nằm ngổn ngang, lẫn với đủ loại gốc rau, vỏ trái cây, ruột cá – thứ mà mẹ tôi vừa vứt vào khi chuẩn bị bữa tối cho cả nhà.

 

Friday, April 12, 2024

SÀI GÒN, DƯ ÂM CUỐI CỦA NGÀY RỜI XA

 (Nhân một năm, ngày bị đẩy ra khỏi quê hương)

Viên chức chính trị tòa Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ Gaetan chụp hình lưu niệm với gia đình tôi.

Chúng tôi gặp nhau lần cuối vào một ngày Tháng Sáu năm 2022 trước khi Gaetan kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam để về Mỹ. Được biết, đất nước tiếp theo Gaetan sẽ đến là Ba Lan, quê hương của vợ anh. Anh có vẻ háo hức với nhiệm kỳ sắp tới vì Ba Lan là quốc gia châu Âu ủng hộ mạnh mẽ nhất cuộc chiến đấu vệ quốc của người Ukraine trước sự xâm lược của quân Nga. Trong số những viên chức ngoại giao nước ngoài quan tâm về những người bất đồng chính kiến mà tôi từng tiếp xúc, Gaetan là người để lại cho tôi nhiều thiện cảm nhất.

Saturday, March 30, 2024

'BỐ LAI"

 

                                          Minh họa: (Al)

Tháng Ba năm 2010, khi tôi chuyển từ nhà tù Trần Phú (Hải Phòng) đến Trại 5- Thanh Hóa, thì « bố » Lai đã ở đấy ngót nghét mười năm. Tôi không nhớ bố Lai bị kết án bao nhiêu năm tù, chỉ biết bố bị bắt vì tội buôn ma túy. Vẻ ngoài khệnh khạng, thái độ bất cần đời khiến bố Lai được gọi là « bố ». Trong này, tù nhân nữ thường gán cho nhau đủ thứ danh xưng của cánh đàn ông như « anh », « ông », « cậu », « bố », vừa ngồ ngộ, vừa vui.

 

Bố Lai có một màn ra mắt với tôi quả là rất ấn tượng. Buổi chiều nọ, khi tôi đang sắp xếp túi nội vụ thì một bà già khoảng ngoài sáu mươi tuổi, mặc bộ bà ba màu đen, đầu đội những hai chiếc mũ phớt màu cháo lòng, khệnh khạng bước vào, cất tiếng hỏi:

 

Wednesday, March 20, 2024

NHỚ DÁNG GẦY GIỮA ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN

Nhớ một người già trăm tuổi, sống hiền lương trong lòng cộng sản

                  Cụ Bổn và bé Tôm năm 2021, khi cụ 104 tuổi và bé Tôm 4 tuổi. Hai cụ cháu cách nhau tròn 100 năm.


Ít hôm trước, chị gái tôi gọi điện báo tin: “Bà cụ Bổn đi rồi. Cụ tỉnh táo đến lúc chết, dì ạ”.

Cụ đi, ai cũng thương, nhưng mừng cho cụ. Mấy ai lúc chết được chúc phúc như thế. Cụ thọ 107 tuổi. Tuổi già nên cụ đi, chứ không ốm đau, bệnh tật gì. Một cuộc ra đi nhẹ như hơi thở, như bước chân trần trên làn cát mịn.

 

Friday, March 08, 2024

KHI MẸ MẤT TÔI MỚI HIỂU: BÀ BIẾT CỘNG SẢN HƠN NGÀN LẦN TÔI

 (Viết nhân mười năm ngày giỗ của mẹ)

 

Suốt cuộc đời này, tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh mẹ tôi ngồi trên chiếc ghế sofa, lặng lẽ nhìn con mình, tay bị còng, bước ra khỏi căn nhà quen thuộc. Sau khi ra tù, tôi đã ghi lại giây phút ngắn ngủi trong biến cố lớn lao của cuộc đời mình, thế này:

“Tay bị còng, tôi cúi xuống hôn mẹ. Một cái hôn vội vã. Bà vẫn ngồi yên trên chiếc ghế hàng ngày bà vẫn ngồi, hời hợt đáp lại nụ hôn của tôi. Bà quan tâm đến những kẻ bắt con bà hơn:
-Như vậy là các anh đã bắt con tôi về tội yêu nước.

Monday, March 04, 2024

BẮT CÓC VÀ ÉP NHẬN TỘI: THỦ ĐOẠN CỦA CSVN HIỆN NAY

Khoảng hơn chục năm trước, khi thực hiện một cuộc bắt bớ nhằm vào một nhân vật bất đồng chính kiến, một nhà hoạt động nhân quyền, phía công an chí ít còn muốn ra vẻ ta đây là nhà nước pháp quyền. Họ lùa một lực lượng hùng hậu mặc sắc phục, đeo lon, đeo cấp số hiệu, mang xe thùng đùng đùng xông vào nhà dân để bắt. Cho ra vẻ đúng luật, người bị bắt sẽ được giao các quyết định liên quan đến mình như lệnh bắt, lệnh khám xét, lệnh tạm giam…, dù thường là sau đó gia đình nạn nhân không nhận được mảnh giấy nào. Nhưng tối thiểu vào lúc đó, người bị bắt cũng được hưởng cái “đặc ân” là biết mình bị cáo buộc vi phạm điều luật nào trong (cái gọi là) “Bộ luật hình sự” của (cái gọi là) Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

 

Monday, November 06, 2023

KỂ CHUYỆN Ở TÙ CỘNG SẢN: CUỘC THĂM VIẾNG CỦA MỘT "SẾP LỚN"

 

                                                  Minh họa: Ye-Jinghan-unsplash

      

Tôi quen với việc đi cung đến mức cứ sáng ra là chuẩn bị tư thế. Tức là làm vệ sinh cá nhân xong, không nằm ngả ngón mà ngồi sẵn trên bệ xi-măng. Điều tra viên đến, cai tù mở cửa là tôi đi cung.

 

Trong nhà tù Trần Phú hồi ấy, chắc không ai phải đi cung nhiều như tôi. Cũng không tù nhân nào “nghiện” đi cung như tôi. Chẳng phải tôi thích đi cung đi cán gì đâu, vui gì khi phải đấu trí với bọn điều tra viên. Nhưng ít ra, tôi cũng có được một vài tiếng đồng hồ thoát khỏi cái hộp kín như bưng mang tên “buồng biệt giam” hôi hám, ngột ngạt. Chả ai thích ở trong ấy cả ngày để gặm nhấm nỗi buồn, để thấy mình giống một con thú hơn là một con người.

Saturday, October 28, 2023

TỐ CÁO CẤP TRÊN, (CỰU) ĐẠI ÚY CÔNG AN NGUYỄN DOÃN TÚ BỊ TRÙ DẬP NHƯ THẾ NÀO?

Năm 2020, đại úy công an Lê Chí Thành, cán bộ trại giam Thủ Đức (Z30D), Bình Thuận trở thành một “hiện tượng” trên truyền thông xã hội sau khi công khai tố cáo sai phạm của đại tá, giám thị Lê Bá Thụy cũng như tình trạng tham nhũng và sai phạm hàng loạt trong ngành công an. “Đây là một hành động mạo hiểm, đầy rủi ro trong một chế độ mà quyền lực của ngành công an là “bất khả xâm phạm” – theo The Project 88.

 

Nguyễn Doãn Tú khi còn công tác tại Trại giam Thủ Đức (Z30D), Hàm Tân, Bình Thuận.

Sunday, September 10, 2023

HÀ NỘI ĐƯA TAY ĐÓN MỸ, NHƯNG VẪN LÉN LÚT ĐÂM SAU LƯNG

Tác giả: Như Hồ và Phạm Thanh Nghiên.

 

                Lễ đón Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/9/2023 tại Hà Nội (Hình Vietnamnet)

Một bài viết trên tờ New York Times, do nhà báo Hannah Beech viết từ nguồn tài liệu riêng, cho thấy rõ cách xử sự hai mặt của Hà Nội qua việc khẩn khoản mời Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam để mở rộng quan hệ. Và mặc dù trong tình thế chiến lược hôm nay, hai đời tổng thống  của Hiệp Chủng Quốc đã ra mặt chiều chuộng Đảng CSVN, ngó lơ các vấn đề nhân quyền và bách hại tôn giáo, Hà Nội vẫn chuẩn bị các kế hoạch đâm sau lưng Hoa Kỳ.

 

Friday, July 21, 2023

MỘT VỤ BẮT NGƯỜI KINH HOÀNG

Đây là Phan Tất Thành, sinh năm 1986, người được cho là cựu Admin của “Nhật Ký Yêu Nước”, một trong những Fanpage có nội dung cổ võ các giá trị dân chủ, tự do thu hút nhiều người đọc trên mạng xã hội.

Vào lúc 8 giờ ngày 5/7/2023, Phan Tất Thành bất ngờ bị công an phường 14, quận 3 triệu tập đến trụ sở để làm việc, với lý do cần người thân “ký giấy tờ cho vụ việc em trai ruột gây tai nạn giao thông tại Đà Nẵng”. Em trai của Thành là Phan Tất Công cũng bị triệu tập nhưng sau đó được thả cùng ngày.

Saturday, July 08, 2023

KHI CHÚNG TA ĐANG QUÂY QUẦN BÊN NGƯỜI THÂN, CÓ MỘT VŨ QUANG THUẬN ĐANG MÒN MỎI TRONG LAO TÙ

Theo tin của blogger Lê Anh Hùng (người mới mãn án hôm 5/7) và nguồn tin riêng mà tôi (PTN) nhận được, thì tình trạng sức khỏe của ông Vũ Quang Thuận hiện đang nguy kịch. Ông Thuận bị khoảng 20 loại bệnh như viêm xoang, viêm họng, hen suyễn, hẹp buồng phổ, lao phổi, viêm mũi dị ứng, vẹo sống mũi, suy kiệt… Ngoài việc thăm khám trong Trại giam, ông Thuận được đưa tới bệnh viện tỉnh Hà Nam để thăm khám. Việc ông mắc khoảng 20 loại bệnh được bác sĩ bệnh viện tỉnh Hà Nam liệt kê và chẩn đoán. Bệnh nặng nhất liên quan đến phổi, đường hô hấp. Bác sĩ trại giam nói rằng phổi của ông Thuận chỉ còn 1/3 so với người bình thường và đã ở trong tình trạng “vô phương cứu chữa”.

 


Wednesday, June 07, 2023

ĐỒNG BÀO ĐÃ KINH KHIẾP CON NHÀ BÀ LOAN CHƯA?

 Mấy hôm nay, hình ảnh về căn biệt phủ xa hoa của ông đại tá vừa được phong lên hàm thiếu tướng Phạm Bá Hiền – Tư lệnh Binh đoàn 16, trở thành đề tài nóng hôi hổi trên mạng xã hội. Khỏi nói thì cũng biết, cái buổi lễ chúc tụng thành tích “một phát lên tướng” của ông Hiền nó rầm rộ, oai oách cỡ nào.

 

             Phạm Bá Hiền và căn biệt thự khổng lồ (Hình: VNN)

Thôi thì đủ các bộ mặt “khạc ra lửa, mửa ra máu” của tỉnh Hà Tĩnh, quê hương ông Hiền –  từ Bí thư đến Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, từ Chủ tịch UBND tỉnh đến Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, rồi Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh và một lô xích xông lãnh đạo của Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng tỉnh, các lãnh đạo ngành công an tỉnh cùng kéo nhau đến chúc tụng. Đấy là chưa kể những đồng chí, hay nhân vật thuộc các ngành/nghề không tiện nói, cũng chẳng tiện liệt kê lên mặt báo, đến chung vui, dây máu ăn phần với ông tướng.

Tuesday, June 06, 2023

GHI NHANH VỀ ĐIỀU 331

Thời gian gần đây, nhà cầm quyền CSVN dùng điều luật 331 không những để bịt miệng giới hoạt động nhân quyền, giới luật sư nhân quyền mà còn áp dụng điều luật này cho một số nhân vật từng chỉ trích những người bảo vệ nhân quyền, giả dụ Nguyễn Phương Hằng (bà chủ Đại Nam). Đợt rồi, ngoài bà Hằng thì một loạt nhân vật dính dáng đến cả “ân” lẫn “oán” với bà này cũng bị tóm theo điều 331, mà thực ra chỉ dùng luật Dân sự giải quyết là xong. Nghĩa là, những người kể trên không dính dáng gì đến các hoạt động nhân quyền.

THAY CHO LỜI GIÃ BIỆT

“Ngày Quê người, đêm Đất mẹ”, tê tái và thấm thía thật. Ông Phạm Hồng Sơn đúng là có cái diễn tả để đời rồi, cần gì bộc bạch thêm nữa. Xưa nay người ta thường nói “hận ly hương”, “sầu ly hương” chứ có ai nói “hỷ ly hương” bao giờ. Nhất là một cuộc ly hương không hẹn ngày hội ngộ. Quê hương bây giờ là “cố quốc”, biết đến bao giờ được thấy lại nhau? Ra đi là sẽ đau, ra đi là sẽ tủi, ra đi là sẽ sầu. Thế mà bước đi không dám ngoái lại nhìn. Mà nhìn ai khi không có nổi bóng dáng một người thân ở phi trường? Không có một ánh mắt, không một cái vẫy chào, không một cái ôm tạm biệt. Buồn gì mà buồn cùng cực như thế hả Nghiên?

 

Hôm nay, hơn hai tuần gia đình con/ em/ cháu rời xa cố quốc. Lẽ ra, lời tạ từ này phải được gửi đến những người thân yêu, những cô chú bác, những anh em bạn hữu sớm hơn. Hai tuần cho một lời tạm biệt là quá chậm trễ, nhưng lại quá ngắn ngủi để nguôi ngoai một tâm hồn. 

 

Tạm biệt Đất Mẹ, tạm biệt quý cha, quý thầy, quý cô chú bác, anh chị em, bạn hữu. Xin nhận từ con/ em/ cháu lời tạm biệt và xin thứ tha, thứ tha cho mọi lầm lỗi cả vô tình hay hữu ý đã làm buồn nhau, làm tổn thương nhau. Chúng con/em/cháu xin tri ân tất cả những tấm lòng đã nâng đỡ, sẻ chia và ủi an gia đình con những lúc khó khăn, trước những biến cố của cuộc đời. Không có những tấm lòng ấy, chúng con không đứng vững.


Thánh lễ cuối cùng của gia đình tôi tại DCCT- Kỳ Đồng, Sài Gòn, trước khi lên đường đi tị nạn.


Con đi, nhưng con luôn nhớ tất thảy mọi người bằng hai tiếng Việt Nam.

Con xin giã biệt, giã biệt để sống đời còn lại với những “ngày Quê người, đêm Đất mẹ”.