Gần một tháng kể từ khi Sài Gòn bị “giãn cách xã hội”, nhiều người nghèo đứng trước nguy cơ chết đói hoặc có thể đã chết đói nếu không nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ từ những tấm lòng nhân ái, từ những người đồng bào cùng tầng lớp “dân đen” với nhau. Sự giúp đỡ, sẻ chia không chỉ đơn thuần xuất phát từ tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”. Sâu xa hơn, người ta đã nhận thức được một sự thật rằng: Trong những lúc khốn khó, những khi hoạn nạn, không thể trông chờ hay hy vọng vào sự hỗ trợ – như lẽ ra phải thế – từ chính phủ.
Sunday, June 27, 2021
BÀN MẤY CÂU VỀ “TÀI” VÀ “TẬT”
Phạm Thanh Nghiên
Thời gian gần đây, dư luận bàn tán nhiều về giới nghệ sĩ, nhất là những gương mặt đình đám trong làng “sô bít” Việt. Kẻ chê, người khen, kẻ bênh, người chống, đủ cả. Nhưng “chửi”có vẻ là xu hướng thắng thế và được ưa chuộng hơn cả.
Saturday, June 19, 2021
NHỮNG CON NGƯỜI "BỊ- BỎ- RƠI- HƠN- CẢ"
Tôi những tưởng mình từng trải qua bốn năm tù thì việc ngồi yên ở nhà trong thời gian Sài Gòn bị “giãn cách xã hội” chỉ là chuyện nhỏ. Tức là nó sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến tâm lý hay tâm tính, nhất là đối với một người ít có nhu cầu đi đây đi đó và thích sự yên tĩnh như tôi.
Thậm chí tôi không tự nhận ra sự thay đổi của mình cho đến khi chồng tôi bảo “dạo này anh thấy em hay cáu kỉnh, tức giận vô cớ lắm”. Đấy là sau khi anh ấy thấy tôi tuôn ra một tá những lời cằn nhằn chỉ vì một người bạn thân chậm trả lời email liên quan đến công việc. Và có lúc dù rất kiềm chế, tôi vẫn lớn tiếng với cô con gái nhỏ ba tuổi rưỡi chỉ vì nó không thu dọn đồ chơi, khiến con bé ngơ ngác nhìn mẹ với đôi mắt đỏ hoe trước khi bật khóc. Tôi mất ngủ triền miên, thỉnh thoảng phải dùng thuốc nhưng những đêm thức trắng vẫn tiếp diễn. Công việc trễ nải do đầu óc tôi không thể tập trung được. Tệ hơn, có lúc tôi buột miệng văng tục một cách vô thức chỉ vì đọc được một bài báo, hay một tin tức đáng phẫn nộ nào đó. Lúc nhận ra, câu chửi thề đã văng ra khỏi miệng, và rồi tôi lại tự trách bản thân, khổ sở với đủ nỗi dằn vặt.
Saturday, June 12, 2021
VÌ NHẦM LẪN NÊN ĐỜI THÊM THI VỊ
Bức tường nhà tôi với biểu ngữ chống Tàu.
Đúng là có cái tên ”độc” và “lạ” nhiều khi cũng dở khóc dở cười. Đến bây giờ, thỉnh thoảng (và rất đều đặn), tôi vẫn nhận được tin nhắn làm quen trên fb gọi bằng “anh” hoặc “chú” một cách hồn nhiên đến não lòng. Trong một số bài viết, có vài độc giả khi tham gia bình luận còn gọi tôi là “ông, anh” hoặc “chú” nữa.
Nói thật, những lúc như thế tôi lại hận lão công an hộ tịch ngày nào ở phường nhà tôi vô cùng. Chính lão, chứ không ai khác đã cầm bút xoẹt xoẹt khiến cái tên mĩ miều Phạm Thanh Liên của tôi biến thành Phạm Thanh Nghiên dở dở ương ương trong tờ giấy khai sinh hồi tôi mới mắt nhắm mắt mở chào đời vào một ngày đông tháng 11 năm 1977. Đã thế, lão còn nổi hứng chỉnh sửa luôn giới tính của tôi từ “nữ” thành “nam” mới khổ thân tôi chứ. Đấy, sao quả tạ trên đời là có thật, các bác ạ. Vừa được bác sĩ sản khoa lôi từ trong bụng mẹ ra đã va mặt ngay vào lão công an tay run mắt toét rồi. Nói theo thuyết định mệnh thì từ khi chào đời, sự cố bất đắc dĩ ấy đã tiên báo về số phận gập ghềnh, gian truân của tôi. Ngẫm lại, kể cũng đúng.
Thực ra tên xấu hay đẹp không thành vấn đề, cái chính là có chuyện để khoe, để cười. Đời vì thế mà thêm thi vị.
Hồi tôi đi tù, năm 2008, thời gian đầu bị giam chung với các nữ tù nhân khác. Đương nhiên rồi, chứ làm gì có nhà tù nào ngu đến mức giam tù nam chung với tù nữ. Ý tôi muốn nói là lúc đầu tôi ở buồng chung, sau mới chuyển sang buồng giam riêng dành cho hai người. Tôi đoán họ làm thế có vài mục đích. Để phục vụ công tác điều tra. Cũng đúng, vì tôi đi cung rất nhiều, có ngày đi những hai lần. Để cách ly tôi với các tù hình sự khác, hoặc để đày đoạ, đặng đè bẹp ý chí phản kháng của tôi. Đúng là với một người tù, bị nhốt trong buồng kín chỉ vài mét vuông, cửa đóng cả ngày, ăn uống, vệ sinh tại chỗ thì quả là khổ sở hơn khi ở buồng chung. Chả thế mà các buồng biệt giam chỉ dành cho tử tù, cho những người bị đi ép cung hay bị cùm kỷ luật. Tôi không nằm trong ba diện trên nhưng vẫn được “ưu tiên” cho một xuất biệt giam can tội là tù “chính trị”. Mặc kệ, ngoài những lúc đi cung, tôi ca hát suốt, còn rủ cô bạn cùng buồng giam bày trò ra để cười cho chóng qua ngày. Cách giết thời gian hoàn hảo đấy.
Sáng hôm ấy tôi đi cung. Trước khi đi, tôi đã nhờ cô bạn giam chung ghi phiếu lưu ký giúp. Ngoài ít đồ ăn, đồ dùng lặt vặt, tôi mua thêm vài cái quần lót để dùng. Lúc bị bắt, tôi chỉ mang có mấy cái sơ cua, giờ phải mua thêm mới đủ mặc. Buổi trưa, tôi đi cung về thì vừa lúc nhận được đồ lưu ký. Sau khi cai tù mở cửa, anh chàng tù tự giác đặt chiếc bao dứa trước buồng giam. Tôi và Luyến kiểm hàng. Nào thịt, nào giò, chanh, ớt, bánh..., đủ cả. Nhưng sao lại lòi ra mấy cái quần đùi đàn ông đen sì thế này. Tôi cầm mấy cái quần đùi giơ lên, giũ giũ xem có cái quần lót nào lẫn vào đấy rơi ra không. Thôi chết rồi, quần lót của tôi đâu?
Tôi quay sang hỏi Luyến:
-Mấy quần đùi nam này em mua để mặc hả?
Chả là khi giam chung, chúng tôi thường chia nhau mua lưu ký để cả hai cùng có đồ ăn, đồ dùng cá nhân đủ cho cả tuần. Luyến lắc đầu:
-Em mua của nợ ấy làm gì. Hay là nhầm phiếu?
Nói đoạn, Luyến bảo anh chàng tự giác cho kiểm lại phiếu xem có đúng là tên tôi không. Đúng là tên tôi thật, ghi rõ “Phạm Thanh Nghiên, buồng giam P1” hẳn hoi. Chợt Luyến phá lên cười sằng sặc như kẻ tâm thần. Nó chỉ cho tôi chữ “nam” rõ mồn một đằng sau tên mặt hàng “quần lót” trong tờ phiếu lưu ký. Bỏ mẹ rồi, cán bộ căng tin vừa nhìn thấy chữ Nghiên đã khẳng định ngay đây là một thằng tù trai, không cần kiểm tra thông tin buồng giam hay do quản giáo nào chịu trách nhiệm. Nên nhìn phiếu lưu ký có ghi chữ “quần lót” là quẳng ngay mấy cái quần đùi vào bao.
Chỉ có Luyến là bạo dạn, nó cứ vô tư cầm mấy cái quần đùi nam hết giơ lên lại đặt xuống, vừa nói vừa cười trong khi cả tôi lẫn người cai tù đều bối rối, còn anh chàng tự giác thì đỏ dừ mặt. Anh chàng không biết làm sao, hết nhìn cái quần lại nhìn tôi, rồi ngó sang viên cai tù vẻ cầu cứu. Viên cai tù gắt:
-Thì mang đi đổi cho người ta chứ nhìn nhìn cái gì.
Cửa tù vừa khoá, tôi dòm qua mấy lỗ nhòm, thấy anh chàng tự giác tay cầm mấy cái quần đùi, lẽo đẽo đi theo viên cai tù trông rõ buồn cười.
Buổi chiều, cai tù lại mở cổng cho anh chàng tự giác mang quần lót vào. Vì chưa đến giờ lấy cơm nên cửa tù đóng lại ngay. Hôm ấy, hai chị em tôi được một trận cười thoả thê. Bất cứ niềm vui nhỏ nhoi nào lọt được vào buồng giam này cũng khiến nỗi buồn của lũ tù chúng tôi bớt đi vẻ mênh mông, vô tận. Nên phải cười nhiều hơn tự thân cái niềm vui ấy mang lại.
Nhưng đấy không phải rắc rối duy nhất liên quan đến cái tên trong thời gian tôi ở tù.
Cuối tháng 3, tôi được chuyển từ nhà tù Trần Phú (Hải Phòng) đến nhà tù Trại 5 (Thanh Hoá). Vì ít khi có chuyến chuyển trại nào đến Thanh Hoá nên mấy người dẫn giải bị lạc đường thành ra xe khởi hành từ lúc trời chưa sáng, mãi buổi trưa mới đến được Trại 5. Tôi mắc chứng say xe, đường xá quá nhiều ổ voi, ổ gà nên bị ói suốt. Có đoạn đường xóc đến nỗi cảm giác như tim gan phổi phèo đổi chỗ cho nhau. Đã thế, tôi bị xiềng chân suốt chặng đường nên khó xoay trở, càng mệt và khó chịu.
Xe dừng ở Phân trại đầu tiên, Dũng- một trong ba viên cán bộ dẫn giải xuống trao đổi gì đó với cán bộ trực ban. Một lúc sau, anh ta lên xe, nói là phải đi vài cây số nữa mới đến. Không hiểu họ làm việc kiểu gì, đã đi lạc đường, lại không nắm được chính xác nơi phải đưa tù nhân đến. Tới Phân trại thứ hai, họ mở cửa xe tù cho tôi ra. Tôi ngồi trên bệ tường hoa, đung đưa đôi chân vẫn đang bị xiềng. Đúng lúc hết giờ lao động, tù nam đi làm về, xếp thành từng hàng dài lũ lượt vào trại. Bọn họ nhìn tôi, thứ duy nhất khác giới tính với họ, như nhìn một sinh vật lạ. Tôi chẳng sợ hãi, cũng không thấy xấu hổ hay ngượng ngùng gì. Thỉnh thoảng, tôi lại gườm gườm đôi mắt sau cặp kính cận để đáp trả những gã tù buông lời cợt nhả khi đi ngang chỗ tôi. Thấy cánh tù nam chú ý đến tôi nhiều quá, mấy tên cai tù bắt đầu quắp mắt, đe nẹt họ. Lúc này, Dũng mới thèm mở khoá, tháo xiềng chân cho tôi. Được thoát khỏi cái xiềng sắt, đôi chân tôi trở nên nhẹ bẫng. Không chỉ có cánh tù mới nhìn tôi một cách tò mò. Mấy viên cai tù vừa trao đổi với đoàn dẫn giải, thỉnh thoảng lại đưa mắt dòm tôi một cái. Từ xa, lố nhố mấy bóng sắc phục nghển cổ, kiễng chân từ các phòng, ban hướng đến chỗ tôi. Tôi cười thầm trong bụng, hiểu được vì sao họ chú ý đến mình.
-Đây là nơi giam tù nam. Chỗ dành cho phạm nhân nữ là Phân trại số 4, nơi đầu tiên mình đến đấy.
Dũng thông báo, vẻ khó chịu. Chúng tôi lên xe, quay ngược lại chỗ cũ. Chả là đầu tiên đến đúng địa chỉ rồi, nhưng người trực ban Phân trại 4 chỉ căn cứ vào cái tên “Nghiên” đã minh định ngay đây là thằng tù, nên tống sang Phân trại 1 dành cho nam. Báo hại cả đoàn gồm một đứa tù và ba viên dẫn giải mất thêm thời gian hành xác trên những đoạn đường có lẽ tồi tệ bậc nhất Thanh Hoá.
Đến Phân trại 4 đã có mấy cai tù nữ chờ sẵn ở cổng trại. Phía bên trong, lố nhố những bóng áo kẻ sọc dòm dòm ngó ngó đầy vẻ hiếu kỳ. Họ rỉ tai nhau hôm nay Phân trại đón một tù chính trị, hạng tù thuộc loại hiếm trong các trại giam nữ.
Trước khi chia tay, mấy người dẫn giải bắt tay tôi và chúc tôi chóng được về. Một trong bọn họ còn nói đùa :
-Cũng tại cái tên của chị giống tên con trai quá nên gặp tí trục trặc. Tên đặc biệt, thể nào người cũng đặc biệt.
Không biết trong mắt họ, tôi có gì đặc biệt không, nhưng đúng là cái tên của tôi chẳng giống ai. Ít nhất trong 4 năm tù nó đã khiến tôi được hai trận cười để bây giờ ngồi kể lại, hầu chuyện quý độc giả trong những ngày Sài Gòn bị giãn cách vì đại dịch.
Sài Gòn ngày 11/5/2021. những ngày giãn cách.