Pages

Sunday, January 27, 2013

CHUYẾN ĐI "NHẠY CẢM"

Hải Phòng, cuối tháng 6 năm 2008

“… khi lớn lên, tôi được nghe các câu cửa miệng “nhà tù nhiều hơn trường học” và đã thấy có nhiều nhà tù xuất hiện ở vùng đồng bằng hoặc thành phố, địa bàn hành chính cấp tỉnh nào cũng có nhà tù …”

Tặng má Trần thị Lệ và hai em Nhon & Nu
Tác giả tại quán bên đường trước nhà tù 

Đến bao giờ tổ quốc Việt Nam của tôi không còn là một nhà tù lớn để tôi yêu tất cả mọi vùng đất mà không gợn lên những liên hệ buồn thảm. Thanh Hóa và tôi dường như có mối duyên nợ. Lần thứ hai trong vòng chưa đầy bốn tháng tôi trở lại mảnh đất này, lòng vẫn tràn ngập cảm xúc. Lần đi trước, khi đến với thân nhân các nạn nhân của chính sách bá quyền nước lớn Trung cộng tôi không tránh khỏi cảm giác hồi hộp bởi tính nguy hiểm của chuyến đi. Lần đi Thanh Hóa này cũng như vậy, vì tính nhạy cảm của nó. Tôi đi thăm một người mà tôi biết chắc sẽ không được gặp mặt: Mi-nhon, cô em bướng bỉnh của tôi, luật sư Lê Thị Công Nhân- một người tù yêu nước. 


Đúng 5 giờ sáng, chiếc xe tắc-xi chở bốn má con tôi rời Hà Nội. 
“Trăng đẹp quá chị ơi!”. Nu trầm trồ khen.(Nu là tên thân mật của Minh Tâm). Nu bảo, bây giờ mùa hè nên mới thấy được mọi thứ xung quanh. Chứ những lần trước, phải đi đến gần Ninh Bình trời mới sáng hẳn.

Hai chị em vừa nói chuyện vừa gà gật ngủ. Anh Thành (chồng Nu) và người tài xế mải tranh luận về giải Bóng đá vô địch Châu Âu. Duy có má tôi im lặng. Bà đang nghĩ về Nhon với tất cả tình thương yêu nồng nàn và mãnh liệt nhất của một người mẹ dành cho con. Có thể, bà đang hy vọng đây sẽ là chuyến đi thăm cuối cùng, vì thời gian này có rất nhiều thông tin cho rằng Nhon sẽ được thả nhân chuyến đi thăm Hoa Kỳ của ông Dũng. Tôi biết, bà hy vọng song bà luôn chuẩn bị cho mình tâm lý để đón chờ bất cứ điều gì ngoài ý muốn để không bị hoang mang, suy sụp. Trong cơn lim dim, tôi bỗng mỉm cười với ý nghĩ: khi về nhà, Nhon sẽ nói gì nếu biết mỗi lần về thăm má, lúc đi ngủ tôi cũng thường ôm con búp bê (đã bị mất một cánh tay), món quà ba Phương mua tặng Nhon sau chuyến đi Nga về? Nhon rất yêu con búp bê, luôn đặt nó trên giường ngủ.
 

Trong các thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước, tức là ngày tôi còn bé, tôi nghe người lớn kể rằng, nhà tù thường được xây dựng ở những nơi hẻo lánh, dân cư thưa thớt, hay vùng đồi núi hoang vu để ngăn chặn tù nhân trốn trại. Tù trốn trại, hoặc là bị bắt trở lại, hoặc chết vì đói, khát trên các cánh rừng, đồi núi hoang vu. Bây giờ khi người cộng sản “đổi mới tư duy”, “mở trói” cho xã hội, bên trong cái “ổn định chính trị để phát triển” giai cấp cầm quyền cộng sản đã tạo ra một xã hội suy thoái và hỗn loạn, đẩy rất nhiều công dân lương thiện (trong đó có khá nhiều người của họ) vào vòng lao lý (oan và không oan). Tôi nghĩ đó là lý do để khi lớn lên, tôi được nghe các câu cửa miệng “nhà tù nhiều hơn trường học” và đã thấy có nhiều nhà tù xuất hiện ở vùng đồng bằng hoặc thành phố, địa bàn hành chính cấp tỉnh nào cũng có nhà tù, nhiều tỉnh có riêng nhà tù của mình, lại có thêm nhà tù của trung ương. Riêng với các tù nhân chính trị (độc giả đừng học theo danh từ của tôi mà hãy giọi là “tù nhân lương tâm”; người cộng sản không cho gọi là “tù nhân chính trị”, vì họ bảo ở Việt Nam không có tù chính trị), thì nơi giam giữ họ vẫn là các nhà tù ở vùng rừng núi heo hút.
 

Vậy là má, Nu, chồng Nu và tôi đang luẩn quẩn trong một “nhà tù lớn” để đến với một “nhà tù bé”, nơi chính quyền cộng sản đang giam giữ một công dân lương thiện, khá nổi tiếng: Luật sư Lê Thị Công Nhân.
 

Đúng chín giờ sáng, xe đậu trước cổng Trại giam số 5, Yên Định, Thanh Hóa.

Tiếp chúng tôi ở phòng đợi là một công an cấp úy, trạc bốn mươi tuổi. Má Lệ giải thích sự có mặt của tôi:

- Tôi có cô con gái nuôi lên thăm, tiện dịp gia đình đi thăm Công Nhân nên đi cùng. Vì em nó là con nuôi nên không đăng ký nhân khẩu cùng gia đình. Và cũng không có dự định từ trước nên không lo được các thủ tục cần thiết ở địa phương. Anh xem xét để em nó được vào thăm Công Nhân, cho chị em được gặp mặt nhau.
 

Vừa nói, bà vừa đưa cho anh ta xem giấy chứng minh nhân dân của tôi.

- Nếu em nó không được cấp giấy đi thăm nuôi trước thì phải viết đơn. Cháu sẽ mang vào để lãnh đạo trại xem xét. Người công an cai tù làm sự vụ hành chính còn mang theo ít nhiều cái tử tế ngoài đời vào địa ngục bạo hành tinh thần và thân xác đồng loại, trả lời má Lệ. Anh ta để má con tôi ngồi chờ rồi bước ra ngoài, mang theo tờ đơn tôi vừa viết vội.
 

Một lúc sau trở lại, anh ta nói:

- Thế này cô ạ! Vì Lê Thị Công Nhân là
 tù nhân chính trị nên việc cô Phạm Thanh Nghiên xin vào thăm phải chờ quyết định của cấp trên. Cô cứ ngồi đợi, lãnh đạo trai xuống bây giờ.

Tôi phải cố gắng lắm để không nhắc lại câu của anh ta: Lê Thị Công Nhân là tù nhân chính trị!

Anh công an này, tại sao lại ngốc nghếch đến mức thừa nhận một sự thật hiển nhiên (luôn bị giấu giếm), trong khi các ông lãnh đạo chính quyền cộng sản nói đi nói lại với thế giới văn minh rằng, ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không có tù nhân chính trị?
 

Một ông cai tù mang lon thiếu tá bước vào. Cố tạo ra những ngôn ngữ nhẹ nhàng với má tôi, nhưng với tôi thì ông nhìn xói vào mặt, thái độ thay đổi hẳn:

-Cô là Phạm Thanh Nghiên?

-Vâng! Tôi đáp.

-Cô ở Hải Phòng?

- Vâng.

- Cô Nghiên dạo này làm gì?

Description: http://i259.photobucket.com/albums/hh294/bquangnam/trai5.jpg<="" p="">
Cổng nhà tù số 5- Yên Định- Thanh Hóa


Lạ thật! Tôi và ông thiếu tá có quen nhau khi nào đâu mà ổng hỏi tôi dạo này làm gì? Phải chăng, ông ta muốn tôi hiểu rằng: chúng tôi đã biết rõ về cô rồi? Rất có thể, qua câu hỏi đó, ông thiếu tá muốn gây cho tôi tâm lý tự ti, mặc cảm. Rằng tôi chỉ là một người tầm thường, nghề nghiệp bấp bênh, bằng cấp, học vị không có. Rằng trong hàng ngũ của bọn “phản động” không có chỗ cho cô. Họ phải là trí thức, tên của họ phải có chức danh, học vị kèm theo, mới là đối tượng được chính quyền nể phục… Riêng tôi cộc lốc, thần trụi một cái tên Phạm Thanh Nghiên, vô vị.

- Cháu cũng dân lao động thôi. Lao động tự do chú ạ. Tôi lễ phép và tự tin trả lời.

Quay sang má tôi, ông thiếu tá nói:

- Thế này bác Lệ ạ! Bác và cô Minh Tâm thì vẫn cứ vào thăm bình thường. Nhưng trường hợp cô Phạm Thanh Nghiên thì không được.
 

- Má và em cứ vào thăm Nhon đi. Má nhắn với Nhon là con đang đứng ngoài.Vừa nói tôi vừa giúp bà mang hành lý ra khỏi phòng đợi.

- Cô Nghiên hết sức thông cảm cho chúng tôi nhé. Phải làm theo quy định thôi. Nếu cô muốn thì có thể ngồi ngay trong phòng này chờ cũng được. Gớm! Bác Lệ lần nào cũng mang nhiều đồ quá, toàn quá trọng lượng cho phép thôi. Trong kia người ta đang bảo tôi thiên vị bác đây này. Khổ ghê cơ! Thế mà hôm nọ đi qua, Công Nhân nó còn lườm tôi đấy. Thôi thế chào cô Nghiên nhá!

Gớm! Ông thiếu tá thân mật và gần gũi quá. Ông rối rít mong tôi thông cảm, tựa như cái sự không cho tôi vào thăm Công Nhân là một việc vạn bất đắc dĩ. Tôi nhớ lại những chi tiết được thông tin liên quan đến phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm vụ án luật sư Lê Thị Công Nhân hay bất cứ một nhân vật bất đồng chính kiến nào. Ở đó những quan tòa thiếu hẳn một nền văn hóa Tư pháp; và chắc chắn ở đây họ đang tiến hành chế độ giam giữ thiếu cả văn hóa hành pháp, nhưng họ lại lựa chọn cho nền Tư pháp bịt miệng rất đạt những con người biết ít nhiều văn hóa đối ngoại .
 

Khi bàn thảo và chuẩn bị cho chuyến đi của tôi, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã nói rằng họ sẽ không bao giờ cho tôi gặp Công Nhân. Dù đã chuẩn bị tâm lý đó mà bây giờ tôi vẫn buồn. Tôi bước ra khỏi cổng nhà tù, ngó quanh nhưng không còn thấy anh Thành và người tài xế đâu nữa. Có thể họ lầm tưởng tôi cũng được vào nên đã tìm chỗ nào đó nghỉ ngơi. Anh Thành lần nào cũng đi nhưng không bao giờ được vào, vì lý do: không có đăng ký nhân khẩu nhà má Lệ.

Ở Việt Nam rất lạ, sẵn sàng có một “khu định cư mới” mọc lên, dù nơi đó chỉ có một con lộ nhỏ chạy qua, một trường học và cả trại giam nữa. Người dân nghèo phải dựa vào một cái gì đó để kiếm miếng ăn hàng ngày. Với trường học đối tượng “bóc lột” là học sinh, sinh viên qua nắm xôi, mấy mẩu bánh mì, vài cái kẹo, quyển vở, cái thước kẻ; với trại giam là những tù nhân, những thân nhân đến thăm và cả những người canh tù. Dù sao, những hàng quán lèo tèo trước cổng trại giam cũng giảm bớt phần nào sự heo hút của một vùng sơn cước.
 

Tôi ghé vào quán nước đối diện phía cổng trại giam. Tôi lấy máy ảnh ra, bà chủ quán ngăn lại. Ở đây người ta không cho chụp hình, nếu bị phát hiện, họ sẽ tịch thu máy ảnh, hơn thế sẽ bị đưa lên trụ sở công an.
 

- Bạn đi thăm người nhà hả?- Mải theo đuổi ý nghĩ riêng, tôi không nhận ra hai người đàn ông, một người còn trẻ, người thứ hai đã đứng tuổi đang quan sát tôi từ chiếc bàn bên cạnh. Một người tò mò hỏi tôi

-Vâng, nhưng em không được vào anh ạ.
 

- Sao lại không được vào? Người thứ nhất hỏi tiếp

-Vì em chỉ là bạn thôi, không phải ruột thịt nên không được vào thăm.
 

-Sao bạn không vào được? Bạn tôi vẫn vào thăm tôi như thường. Tôi cũng là tù nhân, vừa được thả cách đây mấy tiếng, đang chờ người nhà đến đón.

Tôi hơi nghi ngờ.
 

-Anh nói thật?

-Tôi nó dối bạn làm gì. Tôi và cậu này ở chung phòng với nhau. Cả hai vừa được tự do lúc bẩy giờ sáng.

Sợ tôi không tin, anh ta đưa cho tôi xem văn bản yêu cầu trình diện tại chính quyền địa phương. Anh tên là Đặng Quang Vinh, sinh năm 1973, bị kết án mười lăm năm tù vì tội chiếm đoạt tài sản công dân. Anh đi tù từ năm 1995, được ra trước thời hạn hai năm chín tháng. Quyết định ghi rõ Vinh phải trình diện chính quyền địa phương trước ngày 26/6/2008.

Từ ngày trở thành “con ranh phản động” đến nay, tôi trở nên thận trọng hơn trong mọi mối quen biết. Rất có thể đây là người của công an? Rồi tôi thầm cười nhạo cái tính đa nghi Tào Tháo của mình, cái tính đa nghi mà nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa không ủng hộ còn vợ ông thì cổ vũ. Mình có gì bí mật để họ phải dàn dựng kịch bản công phu như thế? Mà nếu họ là công an cũng tốt, càng có cơ hội nói chuyện tử tế với nhau.

- Nhưng đây là tù nhân chính trị nên họ khắt khe lắm anh ạ.

- Vào được hay không là do mình. Chị cứ khéo léo vào là được hết. Trong đó thiếu gì tù chính trị.

Hải, người cựu tù nhân thứ hai bấy giờ mới lên tiếng. Chắc cậu ấy nghĩ không có sự phân biệt đối xử giữa tù nhân chính trị và tù thường phạm, những người vào đây đều chỉ là người tù như nhau cả thôi. Nhưng ít ra Hải cũng biết một điều rằng ở Việt Nam
 không thiếu gì tù chính trị.

Tôi gợi chuyện sau khi rất lịch sự và thành thật chúc mừng họ:

- Các anh được tự do, điều ấy rất mừng nhưng dù sao thì trong thời điểm này các anh còn khó khăn nhiều lắm đấy.
 

Tôi chủ động lái câu chuyện theo hướng mình muốn. Đề tài tham nhũng, tiêu cực hiệu quả thật. Vinh rất sôi nổi tranh luận. (Hải hầu như không tham gia câu chuyện, cậu ta đi đi lại lại, ngóng chờ người nhà, dáng điệu mệt mỏi). Nhắc đến Lê Thị Công Nhân, anh Vinh bảo nghe cái tên đó quen lắm, hình như trên báo
 Công an nhân dân có đăng (điều này đúng). Anh còn nói đã nghe tên Công Nhân trên các đài nước ngoài. Tất nhiên tôi không tin, anh ta biết Công Nhân qua các báo Công an thì có chứ còn trong tù mà có radio để nghe đài nước ngoài là chuyện không tin được. Để tôi tin hơn, anh ta nói “nếu tôi không nhầm thì Công Nhân là luật sư. Bị bắt với một người nào nữa. Tôi có nghe đài BBC, đài RFA và đài gì đó của hải ngoại nữa”. 

Tôi vẫn tỏ ra nghi ngờ. Ngoài này, nghe các đài hải ngoại còn bị cấm nữa là trong tù. Chắc Vinh nói thế để lấy lòng tôi, nhất là việc anh quả quyết có nghe ít nhất một lần tôi ( Phạm Thanh Nghiên) trả lời phỏng vấn đài RFA.
 

-Bạn nên nhớ một điều rằng chúng tôi có cách nghe của chúng tôi. Trong suốt mười mấy năm ở tù, tôi không làm tốn một hạt gạo nào của nhà nước. Tất tật mọi thứ là gia đình và bạn bè tôi cung cấp hết. Ngay trong đó tôi biết cả tên cô, hân hạnh là tình cờ được gặp tại đây. Tin nóng nhất là tin ông Võ Văn Kiệt chết. Người ta xôn xao về ông Kiệt, về những phát biểu gần đây của ông.

Tôi nói với Vinh về những giá trị dân chủ, nhân quyền, về sự tàn bạo của cộng sản Trung hoa qua sự kiện Thiên An Môn v .v….Vinh rất hứng thú với những chuyện tôi nói. Anh ta không tin tôi là một người dân lao động tự do như tôi giới thiệu. Vinh nghĩ tôi là nhà báo, rồi lại hỏi tôi là luật sư.
 

- Bạn biết không? Các nước phương Tây, nhất là Mỹ thường chất vấn Việt Nam tại sao lại lắm nhà tù thế. Nhưng Việt Nam mình là thằng rất khôn. “Nó” (nguyên văn cách dùng từ của Vinh) trước khi có hội nghị APEC đã cấp tập soạn thảo văn bản hành chính gộp dồn mấy nhà tù lại với nhau để đối ngoại. Ví dụ cái trại tù trước mặt bạn kia kìa. Đó là sản phẩm của việc sáp nhập trại tù mang tên Thanh Cẩm, huyện Cẩm Thủy với cái trại này, để trở thành chỉ một trại 5 mang tên mới là Nam Sơn thôi. Quốc tế tha hồ mà hoạnh hoẹ, chúng tôi đâu có nhiều nhà tù!”. Số lượng tù nhân không thay đổi, nhưng số lượng nhà tù thì ít hẳn. Độc thật!

Tôi chưa có điều kiện để tìm hiểu xem những thông tin Vinh nói có chính xác không. Có điều, chính quyền cộng sản Việt Nam luôn biết những mánh khoé để các tổ chức nhân đạo, nhân quyền và tôn giáo cũng như dư luận quốc tế “cứng họng” . Thực sự thì đó mới là “ đỉnh cao trí tuệ” của ban lãnh đạo cộng sản!

- Thụ án bao lâu thì được hưởng ân xá hả anh? Em nghe nói hai phần ba thời gian phải không ạ?

Tôi muốn Vinh biết tới cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mĩ vừa diễn ra hôm 29/5/2008 vừa qua nên vờ ngây ngô hỏi.

- Làm gì mà hai phần ba, chỉ một phần ba thôi. Cũng tùy xem mình bị kết án bao nhiêu năm nữa. Nếu bị án dưới ba mươi năm thì một phần ba thời gian chấp hành án là đủ tiêu chuẩn hưởng ân xá rồi.

- Thế hả anh? Sao ông thứ trưởng Bộ công an Nguyễn Văn Hưởng , hôm 29/5 vừa rồi trong cuộc đối thoại Nhân Quyền với phía Mĩ, lại nói với ông Kramer là theo quy định của luật pháp Việt Nam, phải thụ án hai phần ba thời gian mới được hưởng ân xá khi đề cập đến trường hợp của Công Nhân? Ông Hưởng còn khẳng định là Công Nhân chưa thụ án được một phần ba thời gian.

- Bạn yên tâm, tôi không nhầm đâu. Về mặt luật pháp, thằng tù như tôi không thua kém mấy ông luật sư. Thế cô ấy bị bắt từ bao giờ, kết án mấy năm?

- Bị bắt ngày 6/3/2007, kết án ba năm. Nhưng ông thứ trưởng lại tính từ ngày 27/11/2007, ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm. Cho nên ổng nói Nhân chưa thụ án được một năm.

- Thế cái ông gì gì của Mĩ cũng phải chịu à? Giỏi thật! Đểu thật!

Vinh vừa cười vừa vỗ đùi ra chiều thú vị lắm. Rồi Vinh nói tiếp:

- Mà tôi nói thật với bạn nhé. Ai thì tôi không biết, chứ riêng tôi, hai chữ “ân xá” chẳng có nghĩa lý gì hết. Tôi cóc thèm! Tôi ở tù thật nhưng đố thằng nào dám động vào tôi, kể cả quản giáo. Một khi đã vì anh em, bạn bè thì không tiếc một cái gì. Khi tôi thụ án được mười năm cũng đươc xét duyệt ân xá. Nhưng nó bắt tôi phải trả “nợ án phụ” thì mới được hưởng ân xá. Mẹ kiếp! Nếu có tiền thì đã chẳng phải tù, đã tù thì khỏi tiền luôn.

Vinh nói khá nhiều chuyện, với giọng bất cần. Nhưng khi nhắc đến bạn tù, anh tỏ ra rất vui vẻ và tự hào. Hai chữ ân xá đối với một người tù thường phạm còn “chẳng nghĩa lý gì”, đối với một người tù yêu nước, nó trở nên lố bịch.

- Bạn có bao giờ nghĩ mình phải bước chân vào đây không? Vinh bất ngờ hỏi tôi.

- Rất có thể lắm chứ! Tôi trả lời người đối diện, như nói với chính mình.

Tôi không có ý định bào chữa hay phán xét Vinh. Sự hy sinh của anh (như anh kể) với bạn bè đồng cảnh chỉ thể hiện tính cách “một anh hùng trọng nghĩa”. Nó dứt khoát không phải lòng dũng cảm lương thiện. Nó không có sự hiện diện của trí tuệ.

Trước đấy Vinh có nhờ tôi gọi điện thoại cho ai đó, nhưng không có cuộc trả lời. Bây giờ máy điện thoại của tôi rung, tôi mở ra trao nó cho Vinh. Nói chuyện với bạn xong, trả điện thoại cho tôi Vinh hỏi:

- Sao bạn biết là bạn tôi gọi mà đưa máy cho tôi?

- Vì khi em gọi điện cho bạn anh, trong máy điện thoại của người ấy đã lưu lại số của em. Khi người ấy gọi lại, số máy hiện lên là em biết thôi.

- Mình lạc hậu quá rồi. Ỏ trong kia lâu quá, không biết điện thoại di động nó hiện đại thế.

Xe đón Vinh bị lạc đường nên tới trễ. Chứng kiến cảnh đoàn tụ của họ tôi thật sự cảm động. Hướng tầm mắt về phía nhà tù. Không thấy má, không thấy em tôi. Chỉ thấy khuôn viên nhà tù lạnh lùng và vắng lặng.

Một người trong số họ, tôi đoán là anh trai Vinh, lịch sự và thân mật rót nước mời tôi:

-Công Nhân và Đài cũng sắp được ra rồi còn gì? Áp lực quốc tế mạnh lắm.

Tôi vui quá! Thế ra họ biết cả? Có nghĩa chúng tôi không đơn độc.

Vinh xin người bạn một trăm ngàn đồng đưa cho Hải. Chẳng có người thân, bè bạn nào của Hải đến đón cậu trong ngày ý nghĩa này cả. Suốt từ sáng đến giờ cậu ta chưa tìm được người xe ôm nào để về quê vì không thể đi bằng ô-tô. Cậu ta mắc chứng say xe, nếu không đã đi cùng gia đình Vinh. Tôi ái ngại cho Hải. Người ta có chịu đưa Hải về nhà nếu biết cậu là một người tù?

Chúng tôi chụp hình lưu niệm rồi chia tay nhau, quyến luyến như những người bạn.
 

Chiếc xe lăn bánh, chở một người tù vừa bước ra với cuộc đời thường . Rồi đây người tù đó hòa nhập với cuộc sống thế nào khi cuộc đời này đã và đang đẩy rất nhiều cựu tù nhân muốn lương thiện vào nhà tù lần nữa?
 

Vinh đi. Cách một hàng rào, trong kia còn em tôi và rất nhiều người tù khác. Một mình tôi đứng đây, cảm giác như vừa bị bỏ rơi.

Ranh giới giữa tự do và tù đày chỉ là một cánh cổng .

Hải cũng từ đâu đó trở về. Người cựu tù nhân trẻ này vẫn chưa có thân nhân đến đón. Có thể anh ta phải tự về lấy một mình. Tôi đưa Hải năm mươi ngàn đồng, thuyết phục, đùn đẩy mãi cậu ta mới chịu nhận. Cùng lúc ấy má Lệ và Nu cũng vừa ra, chứng kiến cảnh đùn đẩy 50 nghìn đồng giữa chúng tôi. Mang sẵn ý thức chúng tôi là những con người “nhạy cảm” đối với pháp luật, tưởng có chuyện gì xô xát, hai người phát hoảng.
 

Bây giờ, với tôi không còn hai người cựu tù khốn khổ ban nãy mà chỉ còn Nhon, má Lệ và Nu. Như mọi khi, chúng tôi có nhiều chuyện để nói, để hỏi. Tôi hỏi cặn kẽ về cuộc sống trong tù của Nhon. Cả những chuyện rất vặt vãnh, rất con gái, từ việc cắt móng chân, móng tay, mái tóc... tôi cũng không bỏ sót. Duy nhất một điều tôi không bao giờ hỏi, đó là tinh thần của Nhon. Bởi tôi biết, bên trong thân hình nhỏ bé, tưởng như yếu ớt kia là một ý chí sắt đá, một niềm tin mãnh liệt không gì lay chuyển được.

- Nhon có nhắn gì chị không? Tôi hỏi Nu

- Nhon bảo Nhon rất quý chị, thích nói chuyện với chị. Chị là một người bạn của Nhon.

- Ừ, chị hiểu rồi!

Thật ra, chúng tôi đã quý nhau, đã là chị em của nhau từ hai mươi năm trước, khi còn là những đứa trẻ. Sau này, ít có dịp gặp gỡ, đơn giản vì chúng tôi phải sống cuộc sống của người lớn. Khi Nhon bị bắt, cả nhà tôi mới biết tên thật của em, (trong gia đình chỉ gọi tên thân mật). Hơn một năm qua, Nhon không hề biết rằng tôi cũng đã đi trên con đường đầy gian khổ và hiểm nguy này cùng em. Chắc phải khi về nhà, em mới biết tên thật của tôi. Hôm nay, khi Má Lệ nói rằng tôi đang đợi bên ngoài, Nhon đã hiểu bên cạnh em có tôi.
 

Cuộc nói chuỵên giữa Má và hai em tôi lần nào cũng bị giám sát bởi các thiết bị bằng người lẫn máy móc. Nhưng cả đống thiết bị hiện đại kia không bao giờ hiểu được ẩn ý của lời nhắn nhủ ngắn ngủi kia trừ khi bài viết này được xuất hiện: “Nhon ơi. Chị đang ở bên em”. “Chị Liên ơi. Em đã biết!”
Hải Phòng, cuối tháng 6 năm 2008
Phạm Thanh Nghiên

No comments:

Post a Comment