Nếu như hình ảnh
khí thế hào hùng của hàng vạn con người xuống đường tuần hành bảo vệ môi trường
đã mang lại cho tôi cảm xúc vui sướng đến trào nước mắt, thì hình ảnh của những
con người trong lẻ loi, cô đơn, lặng lẽ giữa đường phố với tấm biểu ngữ trên
tay luôn khiến tôi biết ơn, cảm phục, pha một chút ngậm ngùi. Bởi vì dù là mấy chục ngàn người, hay chỉ một
vài người đi chăng nữa, thì những con người ấy đều đang nỗ lực làm phần việc
của mình. Và mang trong trái tim mình cùng một ước vọng chung cho cả một dân tộc.
Thay vì đi lễ
ở Nhà thờ như những sáng Chúa nhật hàng tuần, hôm nay tôi nằm nhà, buồn bã và cáu
giận với cơn đau mới đang len lỏi mỗi khớp xương. Định bụng sẽ không động đến
chiếc máy tính, cũng không lên mạng lên mẽo gì cả. Đôi khi, tôi sống với cảm
xúc của quá nhiều người và không ít lần mệt mỏi vì điều đó.
Nhưng cũng chỉ
được nửa ngày là tôi lại vi phạm lời hứa với chính mình. Tôi cầm chiếc điện thoại
lên, lười biếng lướt qua những trang fb như một thói quen, và dừng lại ở nhà “lão”
Trương Văn Dũng. Tôi quý anh nên hay gọi anh thân mật như thế. Hình ảnh Trịnh
Bá Phương và “lão” Trương Văn Dũng giữa đường phố Hà Nội với thông điệp đấu
tranh trên tay khiến tôi bớt đi trạng thái mệt mỏi.
Tôi gọi đó là
hình ảnh đẹp trên đường phố Hà Nội.
Tôi mở máy
tính, hỏi chuyện Trịnh Bá Phương và em đã rất cởi mở nói chuyện với tôi: “Sáng nay lúc hơn 10h tôi cùng chú Trương Văn Dũng đến ngã tư Ô Chợ Dừa để
biểu tình. Khi đến đây khoảng nửa giờ sau nhóm cảnh sát giao thông trực ở đây
đã điện báo cho 1 xe cảnh sát 113 đỗ cạnh chúng tôi. Một lát sau lại có 1 viên
công an sắc phục và 2 người thường phục đứng bên đường theo dõi chúng tôi.
Chúng tôi xuống đường
và coi đây là trách nhiệm của một công dân trước sự xâm lăng của giặc Trung Quốc
và trước thảm họa môi trường do Formosa mà nguyên nhân chính là do cơ chế tội
ác của đảng cộng sản gây ra”.
Như nhiều người dân khác, gia đình Phương cũng là nạn nhân của
thảm họa Formosa. Mấy tháng nay gia đình Phương đã phải dùng nước mắm của Thái
Lan vì lo sợ cá, muối bị nhiễm độc. Sở dĩ hai chú cháu chọn địa điểm này để giơ
biểu ngữ vì muốn thu hút sự chú ý của đông người. Để mong muốn mỗi người dân đều
thấy trách nhiệm của chính mình trước các thảm họa và sự xâm lăng của giặc
Phương Bắc.
Phương nói với tôi: “Chúng
tôi muốn được góp một tiếng nói cùng với người dân miền Trung đang trực tiếp
gánh chịu hậu quả nặng nề từ thảm họa Formosa. Sau sự kiện hàng chục nghìn người
dân giáo phận Vinh xuống đường vì môi sinh, vì biển đảo hôm vừa qua tôi đã rất
xúc động. Và thấy mình
cần phải chung tay góp sức.
Tôi có niềm tin rằng với
sự tham gia và góp sức của đông đảo người dân sẽ khiến chính phủ Việt Nam tôn
trọng người dân và phải trả lại quyền phúc quyết cho toàn dân.
Cuối cùng thông điệp của
chúng tôi muốn truyền tải đến đảng cộng sản rằng: hãy minh bạch trước thảm họa
Formosa, hãy chấm dứt hành vi hèn với giặc, tàn bạo đối với nhân dân”
Những việc làm nhỏ bé của “lão” Dũng, của Phương, hay của những
anh chị em đấu tranh tại Sài Gòn, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng trong thời gian vừa
qua sẽ không đủ sức đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam, cũng không thể xóa nổi đường
lưỡi bò trên biển Đông.
Nhưng, phải
đi mới giữ được sự hiện hữu của con đường. Bởi vì “ngày hôm nay, những bước chân của anh em mình và bao người âm thầm khác
cũng đang tiếp tục đi trên con đường phục hưng của tổ tiên từ tiền kiếp. Máu đổ,
mồ hôi rơi, mệt nhoài, thở dốc nhưng vẫn luôn biết rằng phải đi mới rút dần khoảng
cách, phải đi mới có thêm người nhập cuộc, phải đi mới giữ được sự hiện hữu của
con đường. Nếu có lúc, mỗi chúng ta ngồi thừ người trước mịt mùng và cảm thấy
cuộc đời tuyệt vọng như lũng sâu thì hãy coi đó như một buổi tối ngồi ở quán trọ
ven đường, chờ nhìn cơn mưa giông buồn thảm ngoài hiên nhưng vẫn biết rằng mưa
hoài rồi sẽ dứt. Chúng ta sẽ lại lên đường, bỏ lại quán nhỏ sau lưng và trời sẽ
hừng sáng theo bước chân của người bạn bên cạnh đi về phía trước”- Vũ Đông Hà.
Xin hãy coi những dòng viết vội này như một món quà tinh thần
nho nhỏ gửi cho Trịnh Bá Phương, nhất là cho “lão” Trương Văn Dũng. Hôm nay,
21/8/2016 kỷ niệm tròn 5 năm ngày lão lần đầu tiên xuống đường biểu tình bày tỏ
lòng yêu nước. Và cũng tròn 5 năm, lão bị nhà nước gọi là “phản động”.
No comments:
Post a Comment