(Phạm Thanh Nghiên thực
hiện)
Kể từ khi luật An ninh mạng
(ANM) có hiệu lực từ 1/1/2019 đến nay đã hơn 6 tháng. Ước tính có khoảng trên
dưới 10 người bị bắt vì liên quan đến các bài viết trên mạng. Một điều khá đặc
biệt là số người bị bắt đa số thuộc khu vực miền Nam. Tại sao số người bị bắt ở
miền Nam nhiều hơn miền Bắc? Cho rằng đây là một vấn đề cần được bàn tới nên một
lần nữa tôi lại làm công việc của một phóng viên bất đắc dĩ. Tất nhiên mọi ý kiến,
đánh giá chỉ là phỏng đoán, bởi “ta đâu phải là nhà nước độc tài” để đưa ra
cách lý giải chính xác về việc họ làm. Nhưng như đã nói ở trên, đây là vấn đề
đáng chú ý, vì thế có cuộc phỏng vấn này.
Mời quý độc giả đến với
các vị khách mời là nhà báo Phạm Đoan Trang, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nhà
báo-nhạc sĩ Tuấn Khanh, luật sư Lê Công Định và một blogger ẩn danh. Họ đều là
những gương mặt nổi trội trong phong trào tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ
trong nước.
Nhà báo Phạm Đoan Trang,
tác giả của một số cuốn sách nổi tiếng như “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi
tù”, “ Phản kháng phi bạo lực” chia sẻ rằng:
“Tôi nghĩ để trả lời câu
hỏi này, cần phải hiểu khá sâu về tâm lý của những lãnh đạo cộng sản ở trong
Nam và ngoài Bắc, cũng như “trình độ”, “bản lĩnh” hành nghề của công an hai miền.
“Tất nhiên là chúng ta,
trong đó có tôi, hiểu rất ít về các vấn đề này, do bị bưng bít thông tin, do cộng
sản nói chung và công an cộng sản nói riêng đều ra sức giấu diếm thông tin như
một cách tự vệ. Tuy nhiên, bằng cảm nhận, thì tôi nghĩ có vài điều đáng chú ý.
“Giữa hai miền Nam Bắc,
thì miền Nam là nơi bị cộng sản thôn tính sau năm 1975, về bản chất điều đó giống
như một quốc gia bị một quốc gia khác chiếm đóng. Cho nên, chắc chắn là nhà cầm
quyền (“Trung ương” trong cách gọi của cộng sản) luôn phải dè chừng, cảnh giác
với người dân trong Nam hơn, luôn phải tin rằng trong con người mỗi người dân
miền Nam đều có thể tiềm ẩn một kẻ chống chế độ. Coi dân là giặc – tâm lý này vốn
dĩ phổ biến trong công an, và với người miền Nam thì công an càng nghĩ như thế
hơn. Không phải ngẫu nhiên mà mọi cuộc biểu tình diễn ra ở phía Nam đều có nguy
cơ bị đàn áp tàn bạo hơn ở phía Bắc.
“Cũng cần nói rõ: Công an
phía Bắc đàn áp biểu tình miền Bắc ít tàn bạo hơn, không phải do công an phía Bắc
“nhân đạo” hơn, mà thật ra là do công an ở phía Bắc thâm hiểm hơn và luôn tự tin
rằng mình còn nhiều biện pháp khác, ngoài chân tay, để trấn áp dân. Và sự thực
là thế. Lưu ý rằng “mô hình” ném mắm tôm và chất bẩn vào nhà người bất đồng
chính kiến, “mô hình” sử dụng dư luận viên, thương binh, quần chúng tự phát để
tấn công người bất đồng chính kiến… đã khởi phát từ miền Bắc, từ Hà Nội trước
tiên trong cả nước. Công an phía Bắc ít sử dụng chân tay, ít võ biền hơn phía
Nam, bởi chúng tự tin rằng chúng còn nhiều biện pháp nghiệp vụ khác hiệu quả
hơn.
“Nói về tâm lý dân chúng
thì đa số người dân trong Nam phóng khoáng hơn, yêu tự do hơn, và quả thật, ý
thức sâu sắc hơn đa số người Bắc về chuyện “mất nước về tay cộng sản”. Vì vậy cho nên biểu tình hay các hoạt động phản
kháng tập thể ở miền Nam dễ thu hút số đông tham gia hơn miền Bắc. Chính vì thế,
chắc chắn là nhà cầm quyền phải thẳng tay hơn. Con số 116 người bị bắt và bị
khép tội “gây rối trật tự công cộng” hay “chống người thi hành công vụ” sau các
đợt biểu tình chống luật đặc khu từ tháng 6 năm ngoái tới nay, rõ ràng chứng
minh cho việc nhà cầm quyền cảnh giác và thẳng tay đàn áp với người miền Nam đến
thế nào.
“Vì vậy cho nên khi luật
An ninh mạng ra đời, chúng ta cũng có thể dự báo được trước là nhà cầm quyền sẽ
dùng nó để tấn công các blogger lên tiếng mạnh, mà số lên tiếng mạnh mẽ, thẳng
thừng không tránh né, lại có xu hướng là người miền Nam hơn. Thế nên số người bị
bắt vì luật ANM ở Nam cao hơn ở Bắc, là điều ta có thể thấy trước.
“Ở phía Bắc, lực lượng
“thân chế độ” còn rất đông đảo về số lượng. Ngay những người lên tiếng đấu tranh,
phản biện xã hội, thì gia đình, thân nhân của họ cũng có một tỷ lệ lớn là đảng
viên và/hoặc người ủng hộ chính quyền. Vậy nên miền Bắc dễ là “căn cứ” của cộng
sản hơn. Blogger, facebooker miền Bắc cũng ít lên tiếng hơn hoặc nếu có viết
bài phản biện, họ chọn cách nói vòng vèo, bóng gió, văn chương hơn để tránh bị
đàn áp. Số người viết theo kiểu “chửi thẳng” cũng có nhưng ít hơn miền Nam rất
nhiều, và, như tôi đã nói ở trên, công an vẫn tự tin là có thể kiểm soát họ,
chưa cần đến mức phải bắt”.
Trước khi trả lời câu hỏi,
nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đã chia sẻ với quý độc giả về kinh nghiệm khi làm việc
với an ninh liên quan đến tài khoản facebook cá nhân. Xin được nhắc lại nhà báo
Huỳnh Ngọc Chênh (cựu phóng viên báo Thanh Niên) người vinh dự được trao giải Công Dân Mạng - giải thưởng do Tổ chức Phóng
viên Không biên giới (RSF) hợp tác với Tập đoàn Google đồng tổ chức hồi 2013.
“Trước hết tôi xin cảnh
báo với những người đấu tranh, hoạt động XHDS, phản biện xã hội... mà dùng
facebook thì dứt khoát không nhận là facebook của mình mỗi khi làm việc với
công an, dù việc lớn hay nhỏ. Không trả lời, trả lời không biết hoặc phủ nhận
là cách bảo vệ mình tốt nhất. Thường ban đầu công an mời lên nói ngọt ngào dụ dỗ
hoặc đe nẹt để mình nhận, ghi biên bản, sau đó sẽ lấy các bài viết trong đó ra
quy tội rồi khởi tố. Dứt khoát không tạo điều kiện dễ dàng cho công an bắt
mình. Muốn bắt phải tự họ chứng minh facebook là của mình. Việc nầy không phải
dễ dàng đối với họ”.
“Từ hồi có luât ANM, hơn
10 người đã bị bắt vì viết face, đa số đó là những người dân bức xúc với bất
công, chưa có kinh nghiệm “chơi” face cũng như chưa có kinh nghiệm viết lách, để
lộ nhiều sơ hở. Hầu như chưa thấy dân sành sỏi, chơi face lâu năm bị bắt.
Luật ANM sai trái, nhưng
nó thành luật rồi, nên công an dựa vào đó khởi tố ai vi phạm, thường chúng nhắm
vào những người mới tham gia và non tay để chặn từ trong trứng nước sự lan tỏa
phản biện xã hội. Do vậy phải nhớ nằm lòng là không bao giờ xác nhận với an
ninh rằng, facebook là của mình dù có hình ảnh mình trên đó. Hình ảnh đó trên mạng,
trong máy của mình bị hack hoặc bị lấy, ngay cả blog mang tên và hình ảnh Nguyễn
Phú Trọng nhưng đó đâu phải là blog của
ông ta. Đó là cách phủ nhận khi phải buộc trả lời với công an.
Về câu hỏi tại sao số người
bị bắt ở trong Nam nhiều hơn ngoài Bắc, ông Chênh nhận định:
“Vì công an nghĩ rằng dân
phía Nam phản biện mạnh hơn, hay đi biểu tình nhiều hơn, hay tham gia các tổ chức
XHDS nhiều hơn nên phải răn đe nhiều hơn bằng cách gia tăng bắt bớ. Mà thực tế
đúng vậy, liên tục từ khi Trung cộng đem Giàn khoan HD981 vào vùng biển Việt
Nam, Formosa, Dự luật đặc khu.., thì các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng vào đến Sài Gòn liên tục nổ ra các cuộc biểu tình
quy mô lớn.”
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, một
trong số rất ít nghệ sĩ trong làng giải trí Việt dám lên tiếng, và lên tiếng từ
khá sớm về thực trạng xã hội Việt Nam. Tuấn Khanh là một nhà hoạt động nhân quyền
được nhiều người yêu mến dù chưa bao giờ ông thừa nhận mình là một nhà tranh đấu.
Tuấn Khanh nhận định như sau:
“Nhận định chủ quan của bản
thân, tôi tin là người miền Bắc với kinh nghiệm sống với Cộng sản từ 1954 cho đến
nay, họ có đủ khôn ngoan để nói và lý luận đủ, ngoài việc nhằm thuyết phục người
nghe, còn mặt khác là luôn chuẩn bị trong tình thế bị bắt giữ, tra vấn... luôn
luôn có điểm tựa để không dễ cho chụp mũ.
Người Miền Nam, phần lớn
có tính cách ăn nói tự nhiên, bộc phát. Hơn nữa là có phần nào thừa hưởng được
quyền tự do ngôn luận từ hai nền Cộng hòa, nên họ tin, có luật pháp và nhân
tính, thì chính quyền không thể buộc tội họ được. Dù đó là ngôn luận chống lại
chính quyền.
“Và cũng bởi sự thừa hưởng
đó, người miền Nam có khuynh hướng nói và bàn bạc, trình bày tư tưởng công khai
hơn, nên đối với nhà cầm quyền có khuynh hướng bịt miệng bằng tư duy Luật an
ninh mạng, họ là đối tượng dễ bị chụp mũ và kết tội.
“Nhưng đáng nói, về mặt
kiểm soát, ngành công an luôn đặt trọng tâm an ninh vào Sài Gòn và miền Nam, vì
có lẽ họ tin rằng, vùng đất này còn nhiều “tàn dư” của chế độ cũ. Chỉ riêng hiện
tượng “ngoan cố” xuất hiện hình ảnh cờ vàng trên trang phục, đồ vật... cũng đủ
là dấu hiệu cho thấy đây là một vùng đất chưa “thuần phục”.
“Việc tấn công và những
người dân bình thường với quyền tự do ngôn luận, tôi nghĩ không chỉ là vấn đề
thi hành luật an ninh mang, mà đó là một chiến dịch lớn nhằm tiêu diệt quyền tự
do ngôn luận, bao gồm mang trở lại không khí khủng bố như những ngày đầu, sau
tháng 4-1975 ở miền Nam. Mà mục đích, nhà cầm quyền tin rằng, sẽ giúp cai trị tốt
hơn”.
Trong khi đó, Luật sư- cựu
TNLT Lê Công Định bày tỏ với tôi rằng ông “rất bất ngờ” với câu hỏi trên và giữ
thái độ khá dè dặt: “Mọi câu trả lời của tôi (nếu có) chỉ là phỏng đoán thôi.
Và lần này tôi xin phép không đưa ra phỏng đoán nào cả”. Luật sư Định cũng đồng ý để tôi đưa chi tiết
này vào bài phỏng vấn với tư cách ông là vị khách mời đầu tiên.
Một blogger ẩn danh lại đặt
ra nghi vấn rằng: “Phải chăng đang có sự “thúc ép” nào đó của an ninh miền Bắc
đối với an ninh phía Nam”. Blogger này cho rằng ngoài chủ trương, chính sách
chung thì ngành an ninh vẫn tồn tại yếu tố vùng miền, địa phương. Chẳng hạn
trong một vụ bắt bớ hoặc đàn áp, bộ công an có thể chỉ thị bắt người này, thả
người kia nhưng địa phương (nơi người bị đàn áp, bắt bớ) lại không đồng tình,
hoặc ngược lại. Tức là có sự “ bất đồng” giữa cấp bộ và cấp địa phương.
“Blogger này giải thích thêm “ mặc dầu đa số các vị trí chủ chốt trong ngành an
ninh tại miền Nam đều là người Bắc. Nhưng cũng còn nhiều viên công an là người
miền Nam. Có thể vì lẽ này mà miền Bắc
nghi ngờ miền Nam về độ trung thành hoặc sự mạnh tay trong việc trấn áp giới phản
kháng. Cho nên an ninh phía Nam phải thật mạnh tay để chứng minh cho giới chóp
bu phía Bắc thấy được quyết tâm của mình trong việc đàn áp và dập tắt mọi nỗ lực
phản kháng của người dân”.
Mọi ý kiến chỉ là phỏng
đoán, có thể đúng, có thể không đúng. Nhưng việc thảo luận về một đề tài cụ thể
luôn tạo ra sự cần thiết và mang nét thú vị nhất định. Mời quý độc giả cùng đưa
ra nhận định riêng của mình. Và nếu sau bài phỏng vấn này, có thêm nhiều người ở
miền Bắc bị bắt vì luật An ninh mạng để quân bình với số người ở miền Nam đã bị
bắt thì lỗi cũng không thuộc về chúng ta. Lỗi thuộc về những kẻ cai trị luôn muốn
bịt miệng dân, bưng bít sự thật và kìm kẹp sự phát triển của đất nước này.
Cảm ơn nhà báo Phạm Đoan
Trang, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nhạc sĩ- nhà báo Tuấn Khanh.
Cảm ơn Luật sư- cựu TNLT
Lê Công Định và người bạn blogger ẩn danh.
Cảm ơn quý độc giả đã
quan tâm và cho ý kiến về đề tài này.
Song, cũng cần phải nhấn
mạnh thêm, đây là đề tài thảo luận liên quan đến chuyện đàn áp của nhà cầm quyền,
mọi sự chỉ trích, kỳ thị, phân biệt vùng miền đều không được phép xuất hiện ở
đây. Chúng ta phải khắc cốt ghi tâm, dù là người miền Bắc hay người miền Nam,
hoặc miền Trung thì chúng ta đều là con dân Việt Nam, là người một nhà. Chúng
ta đều là nạn nhân của nền độc tài cai trị. Chúng ta mang khát vọng, hoài bão
chung là Việt Nam được tự do, dân chủ, đất nước được toàn vẹn lãnh thổ.
No comments:
Post a Comment