Pages

Wednesday, June 03, 2020

NGÀY ĐẦU TIÊN CON ĐẾN TRƯỜNG

Thế là bé Tôm đã là “sinh viên” Trường Mầm Non, lớp Nhà Trẻ rồi đấy cả nhà ạ. Trước ngày đi học, điều ba mẹ băn khoăn nhất là con có khóc nhè không, hoặc có thức nổi để đến trường không? 

Bé Tôm ngủ trễ lắm. Tối nào ba mẹ cũng tắt đèn từ 9 rưỡi-10h giục bé ngủ nhưng bé vẫn phải nghịch ngợm, nhảy múa, kể chuyện, đùa giỡn cả tiếng đồng hồ sau mới chịu ngủ. Ba mẹ nằm im giả vờ ngủ, bé cũng bằng mọi cách gợi chuyện khiến ba mẹ phải phì cười và đáp lời mới thôi. Không biết một đứa trẻ 2 tuổi rưỡi lấy đâu năng lượng mà chạy nhảy, đùa giỡn cả ngày không biết mệt? Vì thức khuya nên bé Tôm dậy rất trễ. Sáng nào cũng sớm nhất là 8 rưỡi, có hôm 10 giờ mới thèm dậy. Vì thế, Tôm thường mất một cữ ăn sáng.

Nhưng hôm qua 1/6, là ngày  đầu tiên đến trường nên Tôm thức rất sớm. Mới 6:50’ ba mẹ đã đánh thức con dậy. Chỉ sau 10 phút ngái ngủ, bé Tôm đã tỉnh táo hẳn. Bé rất ngoan, để yên cho mẹ rửa ráy, cột tóc, thay đồ mà không hề ăn vạ, hay nhõng nhẽo như mọi hôm. Mẹ Nghiên mặc cho con chiếc váy hồng vợ chồng bác Chí- Nguyệt tặng. Ba Tú chọn chiếc balo Mẹ Cả Vũ Huy Hoàng tặng để đeo cho con. Trước khi bước ra cửa, mẹ Nghiên nhắc: 
-Con chào ông nội và chú Trí chưa?”. 

Và Tôm đã khiến cả ba Tú lẫn mẹ Nghiên đều ngỡ ngàng. Bé đứng trước ban thờ, cúi gập người xuống và lễ phép thưa:
-Con lạy Chúa, lạy Đức Mẹ con đi học! Con bye bye ông nội và chú Trí con đi học.

Đúng là ba Tú mẹ Nghiên không khôn ngoan, không thông minh và tinh tế bằng bé Tôm. Phải lạy Chúa, lạy Đức Mẹ trước rồi mới chào ông nội và chú Trí mới đúng chứ. 
Tạ ơn Chúa vì Hồng ân Chúa ban cho bé Tôm.

Vừa đến trường, việc đầu tiên là bé tự đi vào khu vui chơi một mình mà không cần ba mẹ dắt. Lúc lên lớp, bé khoanh tay chào cô giáo và các bạn. 
Cô giáo hỏi:
-Con tên gì?

Bé thưa:
-Con tên là Tâm An, là bé Tôm.

Có một anh cu đòi về nhà với ba mẹ nên khóc nhè, bé Tôm chạy đến vỗ vai, dỗ dành:

-Ô làm sao em khóc? Em nín đi nè.

Mẹ Nghiên thấy anh kia có vẻ còn lớn hơn bé Tôm mà bé lại xưng “chị” mới già đời chứ.

Một bé khóc, hai bé khóc, rồi bốn bé khóc. Lúc này thì Tôm không còn giữ được bình tĩnh nữa, bắt đầu mếu máo. Mẹ phải ... can thiệp ngay:

-Các bạn khóc là việc của các bạn, con đừng có khóc theo. Mình đi học vui mà, đúng không?

Tôm gật gật đầu, không mếu nữa.
Vì cô giáo cũng theo Đạo nên mẹ dặn đến giờ ăn, cô nhắc con làm dấu Thánh. Chỉ dặn thế rồi ba mẹ lẳng lặng ra về, không chào Tôm vì sợ con chạy theo .

Cho con đi học,  ba mẹ sẽ có nhiều thời gian hơn để làm việc. Nhưng ngày đầu xa con, ba mẹ không làm nổi việc gì ngoài việc dán mắt vào màn hình theo dõi camera xem con làm gì. Thấy con thân thiện, hoà đồng với các bạn, với lớp học, với cô giáo, ba mẹ thật vui.

Khoảng 11 rưỡi trưa, cô giáo gọi ba mẹ đến đón con về vì con... khóc quá. À, thì ra nhiều bạn chỉ học nửa ngày rồi được ba mẹ đón về. Bé Tôm thấy vậy nên tủi thân, khóc nhè. Cô giáo bảo “ bé ngoan lắm, khóc một tí rồi nín. Nhưng em sợ bé có cảm giác bị bỏ rơi nên ngày đầu anh chị đón bé về cho bé an tâm. Mấy ngày sau bé quen thì cho bé ở lại”.

Sáng nay bé đi học buổi thứ 2. Vừa thấy cô giáo đón, bé đã choàng tay ôm cổ cô và chào tạm biệt ba mẹ. 

Cô khen:
-Bé giỏi lắm mẹ ạ. Bé tự xúc ăn không cần cô đút. Bé ăn nhanh nhất lớp và ăn rất gọn gàng. Biết múa hát nhiều bài. Biết cất giày dép và đồ chơi. Cô nói gì cũng hiểu.

Cô còn khen là chưa có bé nào đi học ngày đầu lại ngoan thế. Cái này thì chắc cô khen quá lời để khích lệ tinh thần thôi.

Chiều qua về nhà, mẹ Đào hỏi:
-Tôm đi học có ngoan không?

Tôm trả lời:
-Bé Tôm không ngoan.

Mẹ Đào lại hỏi:
-Tại sao đi học lại không ngoan?

Tôm trả lời thế này khiến mẹ Đào phì cười:
-Bé Tôm đi học khóc nhè thì ngoan gì mà ngoan. Đâu có ngoan đâu.

Lúc mới sinh con ra, mẹ tự nhủ, không biết bao giờ con biết lẫy, biết bò? Rồi lớn chút nữa lại mong con biết nói, biết đi. Lúc con hai tuổi lại mong ngày con đến trường. Bây giờ, con hai tuổi rưỡi đi học Mẫu Giáo rồi. Vài năm nữa con sẽ vào lớp một, lớp hai. Rồi con cứ lớn dần lên theo năm tháng, theo tuổi già của ba mẹ. Đến tuổi của ba mẹ, nhiều người đã lên ông, lên bà. Có khi lúc con vào lớp 1, chắc không ít người sẽ lầm tưởng ba mẹ đưa cháu nội/ cháu ngoại đến trường chứ không phải là con. 
Hồi nhỏ, mẹ cũng thường bị các bạn cùng lớp xì xèo, kỳ thị “bố mẹ cái Nghiên già lắm, trông cứ tưởng ông bà nó”. Rồi các bạn còn chê cái tên “Nghiên” của mẹ xấu xí, đọc đau cả mồm. Nghĩ lại mẹ vẫn thấy buồn. Buồn các bạn, buồn thầy cô và buồn cả mẹ nữa. Nhà nghèo, cha mẹ già, tên xấu, ăn khoai độn, mặc áo rách đi học... tất cả những thứ ấy khiến mẹ mặc cảm, yếm thế trước chúng bạn. Sau này mẹ mới hiểu, tất cả những điều ấy không xấu. Điều đáng tiếc và tệ hại là mẹ đã để những thứ đó ám ảnh mẹ suốt thời đi học thay vì phải vươn lên, coi đó là động lực để đạt được những điều lớn lao. 

Mẹ chẳng còn cơ hội để làm lại vì thời gian quý báu ấy đã đi qua, đã mất lâu rồi. Điều đáng giá nhất bây giờ là mẹ có con. Nếu không để lại gì khiến con tự hào, thì ba mẹ nhất định sẽ dạy con biết mạnh mẽ, tự tin và chiến thắng bản thân, chinh phục mọi khó khăn thử thách. Đừng mặc cảm, tự ti và yếm thế như mẹ thời đi học, con ạ.

Cảm giác của người cha, người mẹ khi được đưa con đến trường, thật hạnh phúc. Và trong khoảnh khắc hạnh phúc ấy, mẹ lại chạnh lòng nghĩ đến những người không bao giờ được làm cha làm mẹ. Hoặc những người không còn con cái để thương yêu, để đưa chúng đến trường.

Phạm Thanh Nghiên




No comments:

Post a Comment