Pages

Wednesday, August 02, 2017

Vài Dòng Ngắn Gởi Các Anh


"Tôi nhớ cái "lứa" đấu tranh của những năm 2006-2008, khi mà tôi (chứ không phải hai đứa em nhỏ tuổi hơn là Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Tiến Trung) được các, chú, các anh chị coi là "út ít". Để bao bọc, thương quý hơn.
Tôi là người bị bắt cuối cùng trong số 9 người phải đi nhận "nhiệm sở bất đắc dĩ" hồi tháng 9/2008. Có nghĩa tôi "may mắn" biết 8 người đồng đội đã vướng vào lao lý, trong khi không ai trong số họ nghĩ tôi sẽ bị bắt. Thông tin tôi cũng được "nhập kho" để "ăn cơm cân mặc áo số", phải vài tháng sau mấy người đồng đội tôi trong tù mới biết.

Anh Trội, anh Vũ Hùng, chú Mạnh Sơn và nhất là chú Nghĩa cứ lo, không biết "con bé" có đủ sức khoẻ để đi hết chặng đường tù không. Lúc tôi bị bắt, nặng chưa đầy 36 kg, lại đang điều trị bệnh. Một đống thuốc tây mua hết cả bạc triệu từ số tiền bác Luật sư Trần Lâm, bác Lê Hồng Hà và một số bác hưu trí dành dụm cho tôi. Sự lo lắng của những chú tù, anh tù này, khi mãn án tôi mới biết, vì lúc đó mới có cơ hội kể cho nhau nghe. Ngày ấy, kẻ đi 4 năm, người đi 6 năm, ra tù lại bị quản chế gắt gao, khó mà gặp nhau được.
Nhưng tôi vẫn là người "được ưu tiên" nhất. Anh Đài, anh Trội, anh Vũ Hùng, Ngô Quỳnh thương tôi "ở một mình một góc", lại ốm yếu nên ai cũng vượt rào, bất chấp án quản chế, coi thường sự rình rập của côn an, mật vụ mà tới tận Hải Phòng thăm tôi. Chỉ là để thăm nhau, động viên nhau, ôm nhau một cái cho đỡ nhớ.
Tôi không bao giờ quên lần đầu tôi gặp anh Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Đài khi mới ra tù. Chẳng nói được câu gì, tôi và anh Trội ôm nhau khóc nức nở. Anh Đài ôm cả hai anh em tôi, an ủi: "Thôi, thôi mà, mọi chuyện qua rồi".
Một số bạn bè chứng kiến giây phút hội ngộ ấy, cũng không cầm được nước mắt.

Trong buổi gặp mặt hôm ấy còn có người bạn làm việc trong một Cơ quan nhân quyền Quốc tế từ Âu Châu sang, nhìn chúng tôi khóc mà ngậm ngùi. Anh ta không chỉ ngạc nhiên về những gì chúng tôi kể trong chốn lao tù, mà còn bởi tình anh em chúng tôi dành cho nhau. Lời anh Đài động viên chúng tôi, cay đắng quá. Nó chỉ "xong" với án tù đầu của các anh thôi. Bây giờ, các anh đã lần thứ hai nhận "nhiệm sở bất đắc dĩ", khốc liệt hơn, đau thương hơn, và chắc chắn dài hơn rất nhiều. Mọi chuyện với chúng tôi lúc nào cũng ở điểm bắt đầu. Bắt đầu những cuộc chiến mới, những thân phận tù đày mới mẻ.
Tôi cũng ko bao giờ quên cảnh chú Nghĩa đứng trước ban thờ mẹ tôi, vừa vái vừa bật khóc, nói không thành tiếng :"Chị ơi! Em về muộn. Em có tội với chị. Chị tha tội cho em".
Hồi mẹ tôi qua đời, tôi gần như quỵ ngã, nhưng đồng đội tôi, các chú, các anh chị đã khóc cùng tôi, an ủi để tôi vượt qua.
Tôi cũng sẽ nhớ mãi hôm chúng tôi tổ chức lễ cưới tại Hải Phòng, Mục sư Nguyễn Trung Tôn đã đội mưa rét vượt hàng trăm cây số đến chia vui, trong khi anh đang bị côn an khủng bố, đe doạ và cấm đi ra khỏi nhà. Vừa bước chân vào nhà, anh gần như ngã quỵ vì lên cơn sốt.
Anh Trương Minh Đức, vợ chồng tôi gặp nhiều hơn. Anh hiền, ít nói và giản dị. Cách đây chừng hơn 2 tháng, anh bị tai biến, rồi lên cơn đau tim phải nhập viện. Nhưng anh trốn viện về nhà vì tiếc công việc đang bộn bề. Lần ấy tôi phải lên giọng, to tiếng với anh " Nếu anh ko chịu uống thuốc, ko bỏ mấy ngày ra nghỉ ngơi thì đừng có anh em gì nữa. Anh muốn chết thì cứ ý mình mà làm". Thế là cũng "nghe lời" thật. Uống hết đợt thuốc ấy, vợ chồng anh chị đi mua thêm, rồi anh bị bắt trên đường. Chị Thanh, vợ anh hỏi tôi :" Em ơi liệu anh Đức hoặc chị có còn sống để gặp nhau sau mười mấy năm tù lần này ko? Chị bệnh tật, anh ấy cũng thế".
Nghe chị hỏi, tôi thở dài, im lặng. Lần tù trước của anh, suốt 5 năm chị chung thuỷ, sát cánh bên chồng. Và tôi biết, lần này cũng thế, cho dù người ta kết án anh bao nhiêu năm tù đi chăng nữa.
Trời SG hôm nay âm u, tôi nhìn ngắm cây hoa lan treo ngoài sân, nhớ đến anh Nguyễn Bắc Truyển. Hai cây lan anh mới mua tặng tôi cách đây chừng 3 tuần. Hoa anh tặng tôi, nhưng cũng chính anh tưới tắm, chăm bón mỗi ngày. Tôi chỉ việc ngắm thôi.
Hai ngày nay tôi không khóc, nhất là khi nói chuyện điện thoại với chị Lành vợ anh Tôn, với Trang vợ anh Trội. Lúc đối mặt với chị Thanh vợ anh Đức, chị Phượng vợ anh Truyển tôi lại càng ra vẻ như "không có chuyện gì xảy ra". Nhưng sáng nay, nhìn dáng chị Thanh, chị Phượng khuất dần sau con ngõ, tôi bật khóc. Hai chị đùm túm thuốc men, áo quần mang cho chồng đi tù lần nữa với hy vọng người ta cho chồng mình được nhận. Và hai chị không hề biết, sau lưng mình đứa em tù đang khóc.
Đấy, những tình cảm của "bọn phản động", "lũ chống phá, lật đổ chính quyền" chỉ dung dị, đời thường và hiền lành vậy thôi, các bạn ạ.

Phạm Thanh Nghiên
31/7/2017

No comments:

Post a Comment