Sau khi căn nhà của tôi
và hàng trăm căn nhà khác ở Vườn rau Lộc Hưng bị nhà cầm quyền biến thành đống
gạch vụn đầu tháng 1/2019, chỉ ít hôm sau, Thịnh đến. Lúc đó, chúng tôi thuê tạm
một căn nhà ở Tân Phú, chủ yếu là để đồ đạc và có chỗ chui ra chui vào trong
trường hợp cấp bách. Chỗ ấy vừa đắt đỏ, nóng bức, chủ nhà chưa biết chúng tôi
là ai, chỉ cần côn an địa phương húng hắng một tiếng với họ, chúng tôi phải dọn
di ngay. Cho nên từ đầu đã xác định sống tạm bợ cho con gái có chỗ ngủ qua tết,
rồi tính sau.
Thịnh đến, ngôi nhà trọ
ngổn ngang, ủ rũ bỗng như sáng hơn, sống động và vui tươi hơn. Không giống nhiều
người khác khi đến với chúng tôi, kẻ nuối tiếc, người ái ngại, ngậm ngùi. Có
người không kìm lòng được, ôm chặt chúng tôi vào lòng, khóc rưng rức, thương cảm
và chân thành biết mấy. Bé Tôm khi ấy mới hơn 13 tháng tuổi, vốn dĩ rất bạo rạn
và thân thiện nhưng phải chuyển chỗ ở nhiều quá, và dường như trong đầu óc non
nớt của nó, con bé cũng lờ mờ hiểu ra số phận trẻ thơ của nó, nỗi đau khổ của
cha mẹ nó nên nhút nhát và cảnh giác hẳn đi. Nó không theo ai ngoài ba mẹ, biếng
ăn, ít cười và hay thơ thẩn một mình một góc.
-Ôi bé Tôm ra chú Thịnh
bế nào!
Tôi nhanh nhảu đáp:
-Cháu không theo đâu
chú ơi, không khóc là may rồi đấy.
Tôi còn chưa nói hết
câu, chú Thịnh đã bế Tôm trên tay ngon lành. Con bé vui vẻ, còn cười khanh
khách khi chú Thịnh nói chuyện gì với nó mà mẹ không hiểu.
Thịnh không hỏi tôi về
biến cố kinh hoàng mấy hôm trước. Sau này tôi mới biết rằng Thịnh đã biết quá
rõ về hoàn cảnh vợ chồng tôi, về biến cố VRLH và cậu ấy thấy không cần hỏi lại
nữa. Thịnh dặn tôi vài kinh nghiệm để giúp bé Tôm vượt qua cú sốc tâm lý để bé
vui vẻ trở lại. Lúc này tôi mới biết anh chàng
trẻ trung đẹp trai, dễ thương và trông khá hiện đại này đã làm bố mấy
năm nay rồi.
Gương mặt điển trai, cử
chỉ từ tốn, lịch thiệp, giao tiếp tự nhiên, thẳng thắn và đặc biệt yêu trẻ con
khiến tôi cảm thấy thương mến, tin cậy Thịnh chỉ sau vài phút trò chuyện.
-Em muốn kể câu chuyện
về gia đình chị nhân biến cố VRLH. Em nói ngay là em không dài dòng và sẽ không
làm mất nhiều thời gian của các anh chị đâu. Chỉ cần anh Tú, chị Trang và chị
ngồi đàn hát một bài thôi. Em sẽ sắp đặt lại đồ đạc nhà chị để ngổn ngang hơn rồi
mình làm. Các anh chị chỉ việc chú tâm vào bài hát. Mọi thứ cứ để em lo.
Tôi lo lắng:
-Làm sao mà hát được
trong tâm trạng thế này hả em? Với lại từ khi mang bầu bé Tôm, chị mất giọng ,
có hát được đâu.
-Thôi cứ liều đi ông,
tôi nghĩ mình chọn bài “Giọt nước mắt cho quê hương” là vừa với giọng khàn khàn
của ông bây giờ. Bài này không cần giọng cao, nó lại rất phù hợp với hoàn cảnh
chúng mình nữa. Mình chỉ có tối nay thôi vì Thịnh nó nhiều việc quá và sắp về
Hà Nội rồi.
Ừ, kể như Phạm Đoan
Trang nói cũng có lý, tôi gật đầu cái rụp.
Chẳng có bộ quần áo nào
hợp với khung cảnh ngổn ngang này cả. Lộn tung mấy thùng giấy, may tìm thấy cái
quần cũ và tấm áo chị bạn mới tặng. Sinh con xong, tôi chẳng còn mặc vừa bộ quần
áo cũ nào cả. Ở nhà cho con bú thì toàn mặc loại được liệt vào hàng cô-lô-nhếch
theo cách gọi của mấy người chị gái tôi, tức là nó không thể xấu và luộm thuộm
hơn được nữa.
Thịnh bắt đầu sắp xếp lại
đồ đạc trong căn nhà trọ thuê tạm của chúng tôi. Và chúng tôi bắt đầu đàn hát,
không tập trước dù chỉ một lần. Mọi người khen cái giọng khàn khàn do mất tiếng
của tôi khiến bài hát được thể hiện truyền cảm, nghe hay hơn. Tôi biết là mọi
người an ủi nhau thôi, có phải ca sĩ và được hát trong phòng thu đâu mà hay được.
Nhưng “giọt nước mắt
cho quê hương” mà Thịnh làm cho chúng tôi hôm ấy thật sự là clip khiến vợ chồng
tôi và Phạm Đoan Trang thích nhất. Cũng từ hôm ấy, ba anh em chúng tôi chưa có
dịp nào ngồi đàn hát, trải lòng với nhau. Vẫn là Sài Gòn đây thôi, mà như xa
cách nghìn trùng. Kể từ khi bị đập nhà, chúng tôi phải thay đổi chỗ ở nhiều lần.
Vợ chồng tôi bị đủ loại, từ người cho đến máy móc theo dõi, giám sát. Đoan
Trang còn khổ hơn, nay chuyển chỗ này, mai chỗ kia. Và hơn một tháng nay cô ấy
phải nằm nhà dưỡng bệnh, không biết sẽ trọ được bao lâu chỗ ấy nữa. Bạn bè, anh
em chân thành cũng thế, người bệnh nặng nằm viện, kẻ bị truy đuổi phải chấp nhận
xa con mà đi lánh nạn. Muốn gặp gỡ, an ủi nhau mà khó khăn nghìn trùng.
Chiều nay, tôi cầm chiếc
điện thoại tính nhắn bạn bè tôi sẽ vắng mặt trên fb chừng 1 tháng để hai vợ chồng
tĩnh tâm chữa bệnh. Vừa mở máy đã thấy tin Thịnh bị bắt. Nhớ đến Thịnh, tôi viết mấy dòng ít ỏi nhưng
chân thành này. Hy vọng đêm nay Thịnh sẽ được về nhà với gia đình, vợ con. Hoặc
nếu phải ở tù, thì những câu chuyện Thịnh đã kể cho chúng ta nghe, sẽ được kể
tiếp, kể nhiều hơn nữa. Và em sẽ chiến thắng mọi gian nan thử thách để trở về,
viết lại những câu chuyện quê hương mà em đã chứng kiến, trải qua.
Hôm nay viết về Thịnh,
tôi lại nhớ đến người em khác cũng chỉ vì những việc làm chính nghĩa, những thước
phim nói về sự thật mà em đã phải lưu lạc chân trời góc bể. Tôi không biết bây
giờ Clay Phạm-tác giả phim tài liệu “Mẹ vắng nhà” đang ở đâu và bao giờ chị em
tôi mới được trùng phùng. Tôi không dám gọi nhiều cho Clay, nhưng thỉnh thoảng
vẫn nhận được tin nhắn và lời than thở “chị ơi em nhớ cô ấy quá. Cô ấy lớn lắm
rồi phải không, lém lỉnh nữa”.
Ừ, lớn chứ. Hồi cậu
Clay hay bế thì Tôm còn nhỏ xíu mà.
Hai tuần trước, tôi lại
nhận được một túi quà của Clay, là hai bộ váy xinh xinh, quà sinh nhật sớm cho
“cô ấy”. Clay nhắn :” Cô ấy mặc vừa không , có thích không hả chị? Chị nói, quà
sinh nhật sớm cậu Clay tặng Tôm đấy, xem cổ biết không? Em phải mua đồ của trẻ
4 tuổi vì thấy Tôm lớn quá”.
Thịnh ơi, Clay ơi, rồi
đất nước này phải thay đổi thôi các em ạ. Nó phải thay đổi, phải tốt đẹp và
thăng tiến vì có những chành trai tài năng, nhiệt huyết và đầy hoài bão như thế
xúm vai vào gánh vác.
Chân cứng đá mềm nhé Thịnh,
nhé Clay.
(Hình Phạm Đoan Trang
chụp)
Phạm Thanh Nghiên
No comments:
Post a Comment