Pages

Friday, October 29, 2021

ĐÔI DÒNG KHI ĐỌC “TRONG GỌNG KÌM LỊCH SỬ” CỦA CỤ BÙI DIỄM

Xin thừa nhận rằng tôi chỉ mới biết đến cuốn sách đặc biệt này khi trên mạng tràn ngập thông tin cụ Bùi Diễm qua đời. Một người anh mà tôi trân quý đã (phải) gửi bản PDF cho tôi đọc. Tôi đọc say mê, nhưng đọc chậm để hiểu, để nghiền ngẫm. Và rồi buồn khôn tả.

Có lẽ biết tính (và tật) của tôi hay buồn khi đọc những trang “sử thật” của nước nhà, hôm sau anh nhắn tin hỏi thăm. Đúng lúc ấy, tôi đang khóc. Tôi không muốn khóc nhưng không hiểu sao càng kìm nén nước mắt càng trào ra. Tôi khóc tức tưởi, nhất là đoạn ông Trương Tử Anh- một chí sĩ yêu nước, thủ lĩnh đảng Đại Việt mất tích. Gọi là “mất tích” để diễn tả sự khách quan cần có của người viết hồi ký, và bộc bạch nỗi cay đắng, bất lực trước thách thức ngầm kiểu như “bằng chứng đâu, trưng ra đây?” của phe đao phủ. Chứ thực ra, ai cũng biết ông Trương Tử Anh và hàng vạn người Việt Nam yêu nước khác đã bị thủ tiêu, giết hại, hành quyết hoặc có thể gọi bằng một từ ngữ nào đó đồng nghĩa với các khái niệm trên, nhưng diễn tả được hết cái không khí gớm ghiếc song cũng đầy bi tráng của Việt Nam ở cái thời trước, trong và sau cái gọi là CMT8.

 

Tôi ngưỡng mộ cụ Ngô Đình Diệm bởi những thành tựu về kinh tế, giáo dục..., cụ đã mang lại cho nhân dân Miền Nam trong thời gian nắm quyền. Và nếu xét về cảm xúc, tôi đã khá khó chịu khi đọc những nhận định mà tôi cho là khắt khe của cụ Bùi Diễm dành cho cụ Diệm. Nhưng, về lý trí và tự soi rọi vào thực tế, tôi không thể không đồng tình với cụ. Tiếc rằng, và giá như, bên cạnh những phê phán nghiêm khắc, cụ Bùi Diễm dành ra đôi dòng để nói về những thành tựu mà cụ Ngô đã đạt được trong thời gian cầm quyền, cuốn sách hẳn là hoàn hảo và thu hút hơn nhiều. Nhưng đó là nhận xét (và mong muốn) của riêng tôi thôi, một độc giả bình thường. Nếu tiếc, thì tiếc cho cụ Diệm đã không có và không thể có một cuốn sách, hay một cuốn hồi ký để lý giải mọi chuyện. Vì thời chiến, thời loạn, mọi việc thật khó nói. Lịch sử đã không cho cụ Diệm cơ hội ấy.

 

Điều cần nhắc nhau là, trước một vấn đề chính trị, lịch sử, người ta không nên và không chỉ đánh giá theo cảm xúc hay cái nhìn “nhị nguyên”. Nhiều người trong chúng ta có thói quen nhìn nhận mọi thứ một cách giản đơn theo kiểu”trắng- đen”; “tốt- xấu”, thích nói theo điều mình tin và tin theo điều mình thích. Lịch sử, chính trị và cả cuộc sống hàng ngày nữa, không xảy ra như vậy. Thế nên những người trung dung, đôi khi hay bị ghét. Tôi viết điều này, vì tin rằng sẽ có những độc giả không tránh khỏi những cảm xúc giống tôi và cần phải vượt qua điều đó để có trải nghiệm chín chắn hơn.

 

Nhưng xét cho cùng, “Trong gọng kìm lịch sử” của cụ Bùi Diễm vẫn là một cuốn sách cần cho mỗi người Việt Nam, nói cho chính xác, cần cho tất cả những ai trăn trở về chuyện nước non mình. Điều giá trị nhất của cuốn sách, ngoài tài năng văn chương, công phu về sử liệu, tính trung thực…, còn là bản lĩnh của tác giả. Cụ Diễm phê phán một cách thẳng thắn, mạnh mẽ những nhân vật, tổ chức hay bất kể yếu tố nào mà cụ thấy rằng đã ngăn cản việc xây dựng một quốc gia Việt Nam tự do, dân chủ. Đương nhiên, không loại trừ yếu tố Hoa Kỳ mà như nhận xét của luật sư Lê Công Định thì cụ Diễm đã “vẽ nên bức tranh trung thực về mối quan hệ đồng minh tế nhị Việt-Mỹ”.

 

Tri ân cụ Bùi Diễm đã viết lại một giai đoạn lịch sử dân tộc, một giai đoạn mà “bên thắng cuộc” muốn người dân Việt hoặc là quên lãng, hoặc phải hiểu theo những điều hoàn toàn ngược lại. Nếu không có cơ may tiếp cận với nhiều cuốn sách về sự thật lịch sử Việt Nam của các tác giả khác, chỉ cần một cuốn “Trong gọng kìm lịch sử”, bạn đã có thể hình dung được phần nào lịch sử Việt Nam giai đoạn từ trước “CMT8” đến biến cố 30/4/1975. Nhưng bạn sẽ buồn, buồn lắm. Và biết đâu, sẽ chả ngán ngẩm về những điều trước kia bạn đã đọc, đã học và đã tin.


Quý bạn có thể download bản PDF tiếng Việt cuốn "Gọng Kìm Lịch Sử" ở đây: https://baoviettide.com/tusach.html

Hoặc có thể nhắn tin cho tôi để gửi riêng bản PDF tiếng Việt do ông Phan Lê Dũng dịch.

 



 (Hình 2: Cựu đại sứ VNCH Bùi Diễm, tác giả hồi ký (bên phải) ngồi cùng cựu Đại tá quân đội Bắc Việt- cụ Bùi Tín. Tấm hình lấy từ fb nhà báo Tường An.)

 

Phạm Thanh Nghiên

No comments:

Post a Comment