Pages

Friday, November 01, 2024

CHÚT KỶ NIỆM VỚI NGƯỜI BUÔN GIÓ

 

Anh Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu) và vợ chồng tôi ở Houston (Mỹ)

Tháng 10/2012, sau khi tôi ra tù chừng hai ba tuần gì đấy, Người Buôn Gió cùng với anh Ngô Nhật Đăng, anh Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội “đánh” xe xuống Hải Phòng thăm. Quả thật, ngoài niềm vui còn có chút ngạc nhiên. Bây giờ người ta dám đi thăm một người bị cho là “phản động”, lại còn mới ra tù vì “tội” chống chế độ cơ đấy.

 

Ngày đó tôi chưa biết ai vào với ai, thấy có người hẹn tới thăm, thì đón tiếp. Vài ngày sau tìm hiểu, mới biết mấy người anh em đó, nhất là lão Gió, đang nổi như cồn.

Lão Gió mang theo cuốn sách Đại Vệ Chí Dị, tặng tôi:

-Cuốn này anh nhắc về em đấy.

Tôi lật các trang sách ra xem:

-Có thấy tên em đâu.

-Đây, “Phạm cô nương miền Duyên hải” là em chứ còn ai vào đây nữa. Kể chuyện em đi Thanh Hóa tìm hiểu chuyện ngư dân bị Tàu khựa giết hại.

Vừa nói, lão vừa chỉ vào những dòng chữ có tên tôi.

-À, à, vậy hả? Tôi gật gù.

 

Như đã hẹn, ngày 30/10/2012, tôi có mặt tại Hà Nội để dự lễ sinh nhật No-U Hà Nội tròn một tuổi. Vừa tới nhà hàng, chân tôi khựng lại, không dám bước tiếp vì quá ngạc nhiên, cả xúc động nữa. Đây là lần đầu tiên tôi gặp nhiều người chung chí hướng đến vậy, toàn những gương mặt chưa quen.

Thấy vẻ rụt rè của tôi, một người đeo máy chụp hình trước ngực, chạy tới khích lệ:

 -Tù đày không sợ, sao gặp các anh em “phe ta” lại sợ?

Sau tôi mới biết, đó là anh Lê Dũng Vova, người sau này bị kết án 6 năm tù giam cũng với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.

Hồi tôi chưa đi tù, những người dám xuống đường biểu tình chống Tàu, hoặc công khai bày tỏ quan điểm bất đồng với đảng, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi tôi bị bắt, hầu hết anh em, bạn bè của tôi cũng lần lượt đi tù. Trong tù, có lúc tôi đã từng tuyệt vọng với ý nghĩ “chắc chẳng còn ai dám đứng lên nữa”.

 

Vì đang trong thời gian bị quản chế, nên việc đi lại và tá túc của tôi đều trông chờ vào anh em Hà Nội, cốt sao để không bị an ninh phát hiện. Lão Gió và Dũng Aduku (Nguyễn Văn Dũng) được “phân công” chở tôi đi chỗ nọ, chỗ kia. Nhắc đến Dũng Aduku lại xót xa. Dũng có lẽ là người trả giá đắt nhất, có số phận bi thảm nhất so với những người lên tiếng đấu tranh cho công lý và sự thật.

Lão Gió phóng xe như bay. Trên đường, lão huyên thuyên đủ thứ chuyện nhưng tôi không còn bụng dạ nào đáp lời vì còn đang mải...sợ. Ngồi phía sau, tôi tự nhủ sẽ không bao giờ để lão chở nữa, không chết vì tai nạn cũng chết vì hãi hùng.

Sau lần đó, thỉnh thoảng tôi và Người Buôn Gió vẫn hỏi thăm nhau qua điện thoại. Năm 2015, Gió block tôi trên facebook, vì một người mã lão có xích mích. Cuối năm ngoái 2023, lão có việc sang Mỹ, gọi điện thoại hẹn gặp vợ chồng tôi:

-Mai đến ăn phở anh nấu.

-Ông ở Đức, con ở Mỹ. Làm sao mà nấu cho nhau ăn.

-Em điên à, anh đang ở Houston đây.

Gần 10 năm cắt liên lạc, nhưng chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau bằng cái giọng bỗ bã như thế. Không khách sáo, không giữ kẽ hay cần phải ra vẻ có chút ngạc nhiên cần thiết, cho hợp với tình huống nhiều năm không gặp. 


Hôm sau tôi nhắn tin, báo rằng không tới được vì chồng tôi có việc đột xuất. Lão cằn nhằn:

-Đã hẹn thế rồi còn không đi. Mất công người ta ninh xương, hì hục chuẩn bị từ hôm qua đến giờ.

Tôi nói thế nào lão cũng không chấp nhận:

-Thôi em nhắn địa chỉ nhà đi, anh tới tận nơi đón. Người ta cất công sang tận đây còn không đi gặp. Chả ra làm sao cả.

Lão cáu kỉnh ra mặt.

Thấy lão bảo đến đón, tôi gạt đi ngay. Nỗi ám ảnh ngồi sau xe gắn máy của lão 12 năm trước vẫn khiến tôi hãi hùng.

-Thôi được rồi chiều tụi em tới. Anh khỏi đón.

 

Buổi chiều, chúng tôi tới. Người chủ nhà- nơi lão tá túc, gọi một lúc mới thấy Gió lò dò từ dưới bếp đi lên.

-Đang nếm thử nồi nước dùng. Phở đặc biệt, thịt nai đấy, không phải bò đâu. Mới đi săn nai mấy hôm trước. Em mà ăn phở anh nấu thì nhớ đời luôn.

Ba hoa chán lão mới bắt tay, làm quen với chồng tôi.

Rồi lão giải thích cái vụ block tôi. Lão bảo:

-Anh chả có vấn đề gì với em cả. Vẫn quý mến, không thì sang đây tìm em làm gì. Tại nó...

Tôi không muốn nhắc chuyện không đâu, nên gạt đi:

-Ông hấp bỏ mẹ. Thôi dẹp chuyện cũ, làm tôi bát phở đi. Nhịn từ hôm qua để bụng ăn phở ông nấu.

 

Hai hôm sau, một người quen gọi điện, mời đi ăn với Hiếu Gió. Tôi bảo, mới gặp hôm bữa rồi. Tôi còn chưa nói xong, đã nghe giọng lão Gió oang oang trong điện thoại:

-Hai vợ chồng chạy ra nhanh lên. Ở đây hải sản ngon lắm.

Tôi lưỡng lự, lão giục:

-Dạo này em làm sao ấy nhỉ. Anh đã cất công sang tận Mỹ mà mỗi lần rủ đi em cứ khó khăn. Ra nhanh lên, ngày kia anh về lại Đức rồi.

 

Đó là lần thứ tư tôi gặp Người Buôn Gió, hai lần ở Việt Nam, hai lần ở Mỹ. Trước khi chia tay, lão hứa nếu có dịp trở lại Houston sẽ nấu phở chiêu đãi vợ chồng tôi.

 

Từ ngày lão về Đức, chúng tôi chưa lần nào liên lạc lại. Nghe nói lão có viết một bài ngắn, kể về chuyến đi Houston gặp gia đình tôi và gia đình Đỗ Thị Minh Hạnh. Lão vẫn chưa bỏ block và tôi cũng không có nhu cầu kết bạn lại. Với tôi (và có thể cả với lão), chuyện kết bạn facebook chẳng có gì quan trọng. Dẫu gì, việc đối xử đàng hoàng với nhau ngoài đời, gặp nhau chuyện trò, cười nói khi có cơ hội, lại chẳng vui hơn những lời khen ngợi, ca tụng gượng ép trên mạng xã hội hay sao?

 

Mấy hôm nay nghe tin lão mất tích trong chuyến hồi hương chỉ vì muốn được gặp mẹ già trước khi bà trăm tuổi, thấy chạnh lòng. Dù yêu mến hay thù ghét, dù thuận hay nghịch thì vẫn phải thừa nhận Người Buôn Gió là một “hiện tượng” khá thú vị trong giới phản biện. Đã chọn dấn thân vào chốn gian lao là chấp nhận mọi con sóng dữ của cuộc đời. Lão Gió biết điều ấy. Nhưng lão lấn thêm bước nữa, đủ để nhìn, để thấy những gương mặt quan quân trong chốn gió tanh mưa máu, với vô vàn những điều khôn lường vây bủa.

Tự đáy lòng, tôi mong lão bình an, như từng cầu bình an cho tất cả những bạn bè, người quen thoát khỏi sự truy bức của thế lực ác tà.

 

Phạm Thanh Nghiên, Houston ngày 31/10/2024.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment