Nhận thức là một quá trình. Đối với những người sống trong lòng chế độ, hàng ngày phải tiếp xúc với cách ứng xử kiểu của chế độ, nghe đài đọc báo, môi trường học tập và làm việc, phim ảnh, giải trí, thận chí cả sách lịch sử cũng của chế độ thì việc nhận ra sự thực (hoặc 1 phần sự thực) đã là một điều đáng quý và là nỗ lực không nhỏ. Có người nhận thức được, biết được nhưng chọn cách im lặng. Có người chọn lên tiếng bất chấp hậu quả có thể lãnh nhận như mất việc làm, bị sách nhiễu, đánh đập, vu khống, tù đày...
Muốn nhận xét hay kết luận về một con người, phải nhìn nhận cách người ta nói, cách người ta làm, cách người ta ứng xử với bạn hữu và với những cuộc đời đau khổ, chứ không thể chẳng quan tâm người ta làm những gì, nói những gì, quá trình nhận thức ra sao mà chỉ dựa vào mấy tấm hình rồi quy chụp, la lối lên người ta là cộng sản hay có “mùi cộng sản”. Thực ra những chuyện thâm cung bí sử, những tội ác ghê rợn của nhà nước này từ thuở mới hoài thai, chẳng phải do chính những người cộng sản trong cuộc phản tỉnh tiết lộ và phơi bày hay sao. Những người dấn thân hôm nay, nhất là những người ở Miền Bắc hoặc sinh sau 1975 trên cả nước, đa số đều có quá khứ từng ngưỡng mộ ông Hồ và tin đcs hay sao? Chả lẽ, đấu tranh chống độc tài là đặc quyền của những người có thâm thù, và hơn hết thảy, phải nhận thức được sự thật chế độ này ngay từ trong bụng mẹ? Làm gì có cái lý nào vô lý như thế.
Chỉ vì một tấm hình dính đến cờ đỏ trong quá khứ, của cái thuở ban đầu rụt rè “sớ rớ chuyện thiên hạ” của người ta mà mình chửi rủa, phán xét khi người ta đi tù, không có khả năng tự bào chữa cho mình. Đấy là chưa kể trong khoảng thời gian từng ấy năm, người ta đã nhận ra hiện thực và hoàn toàn thoát ly với cái quá khứ một thời “chót trao nhầm yêu thương”.
Toà án cộng sản còn chưa mở, chưa tuyên, phiên toà bất công khác của những kẻ ấu trĩ, lú lẫn và phá hoại đã mang người ta ra kết tội. Tôi tin rằng những người này chưa chắc đọc các lời tự sự của chị Hạnh, chưa chắc theo dõi các việc chị làm vì nếu chịu khó đọc, chịu khó tìm hiểu thì đã không hồ đồ, quy chụp như thế. Hoặc giả có đọc, có tìm hiểu sơ sơ nhưng vì thành kiến, ghét nên cứ có cơ hội là vu khống hoặc phê phán. Nếu thế thì không còn gì để nói.
Rất nhiều người ở hải ngoại dù xuất thân từ chế độ VNCH nhưng có cái nhìn rất thấu hiểu đối với những người cộng sản phản tỉnh hay những người là nạn nhân của niềm tin mù quáng nhưng sau này đã tham gia vào công việc phê phán chế độ độc tài. Song ngược lại, không ít người thể hiện sự kém cỏi trong nhận thức, coi việc chống cộng là đặc quyền của mình và phải giống mình, làm vừa lòng mình mới là “đấu tranh thật”. Có một người bạn từng đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề này như sau : nếu muốn độc quyền yêu nước, độc quyền chống cộng thì sao năm xưa không sống chết ở lại, sao phải ra đi?”. Tôi biết, thực ra người bạn đó chỉ tức giận mà nói câu ấy. Nhưng sự tức giận ấy không phải vô cớ. Nhìn nhận khách quan, muốn đất nước thăng tiến, cần mọi thành phần dân chúng trong xã hội tham gia. Đương nhiên không thể thiếu những người phản tỉnh (đảng viên lẫn không đảng viên), những người từng phục vụ trong guồng máy cai trị lẫn con cái họ. Loại bỏ và từ bỏ chủ thuyết cộng sản vì nó sai trái, phản tiến bộ không có nghĩa phủ nhận và “khai trừ” những người cộng sản phản tỉnh ra khỏi con đường dân chủ hoá đất nước. Điều đơn giản ấy sao không nhận thức được. Đến đây, hãy điểm qua một vài cái tên từng được mệnh danh là “trùm cộng sản”, bậc “khai quốc công thần” của chế độ nhưng đã vì đứng về phía nhân dân, phía tiến bộ mà chịu tù đày. Đó là những:
Vũ Đình Huỳnh ( cận vệ, thư ký của ông Hồ thời chưa cuóp được chính quyền) .
Tướng Đặng Kim Giang- người chịu trách nhiệm công tác hậu cần trong trận Điện Biên Phủ.
Tướng Trần Độ (làm đến chức Phó Chủ tịch Quốc hội)
Giáo sư Hoàng Minh Chính, thân cận với ông Hồ Chí Minh và là người thành lập cũng như giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mác Lê- nin đầu tiên ở VN.
Lê Hồng Hà , đại tá công an, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công an.
Các tướng tá, cựu sĩ quan hay đảng viên khác như tướng Nguyễn Trung Thành, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, tiến sĩ Hà Sĩ Phu, ông Vũ Cao Quận, các nhà văn Hoàng Tiến, Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn, trung tá Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng, Đại tá Phạm Quế Dương, Nguyễn Minh Cần, Bùi Tín... và còn rất nhiều người khác.
Không thể đạt được công bằng xã hội khi bản thân còn bất công và tuỳ tiện kết án oán cho người khác trong cái phiên toà mang tên “bia miệng”.
Đây chỉ là lời bình luận dưới stt của chị Đặng Bích Phượng và anh Vũ Huy Hoàng. Thấy dài quá nên ghi thêm vài ý đăng trên trang nhà vậy. Và mượn đoạn kết trong bài viết của anh Nguyễn Lân Thắng để lời thêm sâu, ý thêm rõ với mong muốn, hãy đối xử đàng hoàng với nhau, đừng biến mình thành nô lệ của lòng thù hận một cách mù quáng.
Xin trích:
“Tôi phải nhắc lại những câu chuyện này bởi hai ngày hôm nay, chị tôi - một người nhiệt thành đấu tranh cho sự thay đổi của đất nước - một người hi sinh cuộc sống của mình cho gia đình các tù nhân chính trị - đang bị một số người ở bên ngoài chửi rủa vì tấm ảnh ôm lá cờ đỏ sao vàng. Tôi là người chụp bức ảnh đó, vào ngày 8/7/2012, trên đường phố Hà Nội. Đó là bức ảnh thật, không phải là ảnh chỉnh sửa cắt ghép.
“Thật đáng thương cho những ai có đầu mà không biết suy nghĩ, có chữ mà chẳng hiểu sự đời, có miệng mà chẳng biết nói lời yêu thương. Xin được mượn lời răn của người Công Giáo để nói với những ai chưa hiểu đúng câu chuyện này: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. (Hết trích).
(Hình: Nguyễn Lân Thắng)\
Phạm Thanh Nghiên
No comments:
Post a Comment