Lời dẫn: Trong suốt hơn một năm qua, đặc biệt là hai tháng gần đây, chúng ta đã chứng kiến những diễn biến hết sức đau buồn của Sài Gòn: dịch bệnh, đói khổ, tuyệt vọng. Có người nói rằng, chỉ cần quan sát những gì đang diễn ra tại thành phố lớn nhất nước này trong hai tháng trở lại sẽ hình dung được một cách khái quát về hiện thực Việt Nam dưới chế độ cộng sản với các cụm từ được gói gọn: tội ác, bất công, dối trá và đói nghèo.
Tuy nhiên, trong bức tranh tối tăm ấy vẫn xuất hiện những mảng lấp lánh, đẹp đẽ được dệt nên từ tình thương yêu và đức hy sinh của những “tấm lòng dân chúng” dành cho chính đồng bào mình. Những “siêu thị 0 đồng”, “cửa hàng 0 đồng” liên tục xuất hiện. Những nhóm thiện nguyện mà thành viên thuộc đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, từ người không tôn giáo đến các tôn giáo khác nhau như Phật Giáo, Tin Lành, Công Giáo… đã bất chấp khó khăn, vất vả để đến với những phận người cùng khổ, với những người cần giúp đỡ.
Khi đứng trước những biến động, người có lòng trắc ẩn hẳn sẽ đặt ra câu hỏi về vai trò, sứ mạng của chính mình với gia đình, cộng đồng hay rộng hơn là với đất nước. Dưới đây là những chia sẻ, tâm tình của Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành được Phạm Thanh Nghiên ghi chép lại và gửi đến quý độc giả. Những ghi chép này hy vọng sẽ giúp cho những người không tôn giáo, hoặc khác tôn giáo hiểu thêm về Sứ mạng quan trọng nhất của Giáo Hội Công Giáo. Đó là Sứ mạng "Mang Tin Mừng đến với người nghèo khổ”.
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, nguyên Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và được xem là linh hồn của Chương trình “Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa” cho đến khi Chương trình bị chấm dứt vào Tháng Năm 2019.
Ảnh: James/Unsplash
Phần 1: Cuộc cử hành Lời Chúa trên các đường phố
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Thưa cha, xin cha chia sẻ đôi chút suy nghĩ của mình về tác động của cơn đại dịch đối với đời sống người dân? Và với tư cách là một Linh mục, cha có cái nhìn thế nào về Giáo Hội Công Giáo (GHCG) trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành, đặc biệt khoảng hơn hai tháng nay, khi Sài Gòn bị giãn cách?
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Vâng, chắc hẳn tình hình dịch bệnh đang là vấn đề quan tâm và nỗi lo lắng hàng đầu của người Việt Nam hiện nay, cách riêng đối với người dân Sài Gòn. Thẳng thắn mà nói thì từ Tháng Năm đến đầu Tháng Bảy, chúng ta đã thấy sự lúng túng, yếu kém của những người có trách nhiệm từ trung ương đến địa phương qua việc đối phó với dịch bệnh. Điều này đã được minh chứng trên thực tế. Nhiều nhà khoa học, các chuyên gia cũng đã phân tích, lên tiếng về nhiều vấn đề như biện pháp cách ly, phong tỏa, ngăn sông cấm chợ…, nhưng dường như không được để tâm. Tuy nhiên, dấu hiệu đáng mừng là hiện nay những người có trách nhiệm bắt đầu lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, của giới chuyên môn. Dù muộn nhưng là điều thật cần thiết lúc này. Ví dụ đồng ý để các trường hợp F1, hay là F0, không có triệu chứng nặng thì được tự cách ly ở nhà. Rồi hướng tới việc giảm các ca nhiễm bệnh, giảm thương vong v.v…
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành
Nhưng thôi, vì không có chuyên môn nên tôi chỉ xin chia sẻ một cách chung chung như thế. Tôi là một linh mục và tôi muốn nói về Giáo Hội của tôi, về Mẹ của tôi, đặc biệt là Hội Thánh trong thành phố này. Suốt từ đầu Tháng Năm đến nay, Sài Gòn đã trải qua những diễn biến hết sức đau buồn. Ngoài số người mắc bệnh và tử vong, phải kể đến cuộc sống của những người nghèo khổ, sống nhờ vào vỉa hè, người buôn thúng bán bưng, lao động khổ cực, người làm nghề tự do không có hợp đồng… Và chính trong cơn khốn khó này, ta thấy được sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của người dân, cách riêng chúng ta thấy hình ảnh của Giáo Hội trong đó. Các giáo xứ, các vị linh mục, tu sĩ, các Kitô hữu đã bước ra khỏi nhà thờ, bước ra khỏi giáo xứ hay căn nhà của mình để đến với người nghèo, với người cần giúp đỡ.
Tôi thấy có những nơi thì đưa lên truyền thông, nhưng cũng có nhiều linh mục, tu sĩ làm một cách âm thầm. Họ quan tâm đến cái đói, cái khổ của những người bị mất việc làm, mất kế mưu sinh. Mỗi một cái sân nhà thờ là một cái “Chợ 0 đồng”, mỗi cánh cổng tu viện là một “Siêu thị 0 đồng”. Trên mạng xã hội, tràn ngập hình ảnh của những tu sĩ, linh mục vất vả ngược xuôi, thức khuya dậy sớm lo cho người nghèo. Đây là cơ hội để những người dưới đáy của xã hội, những người xưa nay bị bỏ rơi nhận được sự trân trọng. Tôi rất xúc động trước hình ảnh những bạn trẻ ân cần quỳ xuống, trao một bữa cơm, nói lời yêu thương nhỏ nhẹ với bà già ăn mày, với người bán vé số… Tôi coi đó là những trang Tin Mừng được mở ra ngay giữa thành phố này.
Tôi tin Giáo Hội Việt Nam, cách riêng Giáo Hội tại thành phố này có một nội lực Đức Tin rất lớn. Chính trong hoàn cảnh khó khăn, Đức Tin, Đức Yêu Mến ấy được thể hiện rõ ràng.
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Bên cạnh những điều tốt đẹp mà cha vừa chia sẻ, một cách khách quan, cha có thể nói về những điều Giáo Hội chưa làm, hoặc làm chưa tốt không thưa cha?
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Vâng, chúng ta không phải ở trong Nước Trời ngay bây giờ để mà vui vẻ. Bên cạnh những điều đã thấy, còn nhiều hình ảnh không được tốt đẹp lắm. Vẫn còn những nhà thờ, những tu viện đóng kín. Các đấng có những lý do của các đấng. Dầu sao, với bất kỳ lý do nào thì lời kêu gọi “Mở cửa ra” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong “Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng” vẫn là một thách thức, vẫn là điều mà mỗi người phải trả lời trước mặt Chúa. Đức Giáo Hoàng nói rằng sau cơn đại dịch, sẽ phải hình thành một cái "bình thường mới” (New normal). Tức là nó là “cái mới” phải được đề cập đến, nhưng là điều “bình thường”. Hay có thể hiểu rằng “nó là cái bình thường nhưng bây giờ mới được đề cập, được chú ý tới”.
Điều tôi suy nghĩ là Giáo Hội sẽ mở ra hướng đi nào sau cơn đại dịch?
Từ Tông huấn của Đức Thánh Cha, các nhà xã hội học đã đưa ra những cái bình thường mới mà con người cần phải thực hiện. Ví dụ, rửa tay thường xuyên hơn, giữ khoảng cách với nhau khi giao tiếp, không dùng đũa gắp chung thức ăn để tránh lây bệnh v.v… Tôi nghĩ, Giáo Hội Việt Nam nên nghĩ đến một cái "bình thường mới” như lời Đức Giáo Hoàng đã đề cập.
Cha Vinh Sơn trong một chương trình “Tri ân TPB VNCH” tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Vậy “những cái bình thường mới” mà Giáo Hội cần hướng tới là gì, thưa cha?
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Như chị thấy đó, thời gian qua khi nhà thờ bị đóng cửa, anh em linh mục không thể thi hành các tác vụ trực tiếp cho giáo dân như dâng lễ, giải tội… Bối cảnh ấy làm lộ ra một điều rằng, người tín hữu “khao khát ân sủng” qua các bí tích. Họ diễn tả rằng thèm được dự Thánh lễ, thèm được nghe giảng, thèm được đến nhà thờ. Vậy thì Giáo Hội sẽ phải thực hiện một nếp sống mới cho con cái của mình để đáp ứng lại nguồn khao khát ân sủng của các tín hữu.
Tôi nhận thấy rằng, thứ nhất, từ việc không thể đến nhà thờ đã bắt đầu hình thành những buổi gặp gỡ, cầu nguyện, chia sẻ tại gia đình. Khi bị cách ly, tuyệt vọng hay đứng trước nguy cơ bị lây bệnh, người ta cầu nguyện nhiều hơn. Vai trò của “người trưởng lão, người đầu mục” trong gia đình vì thế mà được chú trọng hơn. Họ phải lãnh đạo, nâng đỡ các thành viên gia đình vượt qua mọi khó khăn trong sự vững tin vào tình yêu của Chúa. Phải ăn năn sám hối, làm mẫu gương cho người khác. Họ phải học hỏi nhiều hơn Lời Chúa để chia sẻ, làm của ăn, thỏa mãn khát khao ân sủng cho các thành viên còn lại của gia đình.
Thứ hai, sự hình thành các nhóm “cầu nguyện online”, gặp gỡ trên mạng và cùng nhau chia sẻ Lời Chúa, lần chuỗi Mân Côi, đọc kinh, cùng suy tư và nâng đỡ nhau. Đây là hình ảnh của “một cộng đồng cơ bản”. Tôi được tham dự ba nhóm đọc kinh/cầu nguyện online như thế. Việc lần chuỗi Mẫn Côi là cách cầu nguyện đơn giản nhất mà các nhóm bám vào đó như là trụ cột trong đời sống Đức Tin của mình. Không chỉ đọc kinh, các thành viên còn nâng đỡ nhau cả vật chất lẫn tinh thần như cầu nguyện cho nhau, trợ giúp y tế và cả hỗ trợ lương thực, thực phẩm nữa.
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành với sứ mạng “Đem Tin Mừng đến với người nghèo khổ”
Cả ba nhóm này đều có bác sĩ tham gia. Họ đã cho hình thành một “Tủ thuốc về dịch bệnh”, gửi đến từng thành viên trong cộng đoàn của mình. Họ sẵn sàng giúp đỡ, chuẩn đoán, hướng dẫn cách chữa trị khi gặp nguy hiểm qua điện thoại, các phương tiện truyền thông. Việc hình thành các nhóm cầu nguyện như thế tôi gọi đó là “những cộng đồng cơ bản”. Đó chính là cái "bình thường mới”. Sau khi cơn đại dịch qua đi, chúng ta sẽ phải bước vào một xã hội mới với những thói quen mới nhân văn hơn, tốt đẹp hơn.
Điều thứ ba, là các Đức giám mục, các linh mục đã rất nhanh chóng tận dụng mọi phương tiện truyền thông để hướng dẫn, mục vụ thần học cũng như mục vụ Thánh Kinh cho tín hữu. Mới hơn một năm, các chương trình giảng dạy, các Thánh lễ online, cầu nguyện online, lần chuỗi online được tổ chức khá phong phú, khá hoàn bị. Kể cả một người cao tuổi không rành sử dụng các phương tiện truyền thông cũng tham dự được. Có người khoe tôi ngày nào cũng đọc kinh Phụng vụ với nhà dòng này, hay tham dự thánh lễ với Đức cha kia, hoặc đọc kinh cầu nguyện với nhóm này, nhóm khác. Giáo Hội đang tận dụng rất tốt các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng.
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Thưa cha, ngoài những điều như cha nói về việc quản trị Giáo Hội, về việc giảng dạy, giáo huấn của Giáo Hội, còn điều gì khác cha thấy cần đề cập đến trong bối cảnh vô cùng khó khăn, nhất là khi Sài Gòn và nhiều nơi khác đang bị “giãn cách” như hiện nay không?
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Cảm ơn chị đã đẩy tôi đến việc phải trả lời một câu hỏi mấu chốt, đó là công cuộc loan báo Tin Mừng (một người anh em linh mục của tôi đề nghị gọi là “Phúc âm hóa”). Trong “Tông huấn Niềm Vui Của Tin Mừng” – Tông huấn đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến chính là sứ mạng “Loan báo Tin Mừng” của Hội Thánh.
Đối với Chúa Giêsu, ngay đầu sứ vụ Ngài đã xác minh sứ mạng của Ngài là Loan Báo Tin Mừng Cho Người Nghèo, cho người cùng khốn, người tù tội, người bị bỏ rơi. Công bố cho họ biết họ sẽ bước vào thời đại Hồng ân của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đặt để sứ vụ đầu tiên cho các Tông đồ là “Anh em hãy đi để loan báo Tin Mừng”. Chúa Giêsu nói rằng “Thần khí Thiên Chúa ngự trên tôi, xức dầu tấn phong tôi, Thiên Chúa sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo”.
Thế thì lời Tin Mừng đó, lời Sai Đi đó suốt hơn một năm qua, nhất là hai tháng gần đây, Giáo Hội ở thành phố này thực hiện thật sống động, tôi gọi đó là “Cuộc cử hành Lời Chúa trên các đường phố”. Những người nghèo, người bị bỏ rơi, què cụt, đui mù, không nhà cửa, chui rúc tạm bợ trong các hang cùng ngõ hẻm đều được các bạn trẻ là những Thiện nguyện viên tìm đến tận nơi. Nhân danh Chúa Giêsu, nhân danh người Công giáo và trao cho họ tình yêu thương, lời ủi an. Mời họ một bữa cơm mà các cha gọi là “bữa cơm tình thương”, “bữa cơm nụ cười”, “bữa cơm nhân ái”…
Đấy là Tin Mừng thật sự cho người đang nghèo, đang đói. Rõ ràng, trong Tông huấn niềm vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói rằng “trong tất cả các đối tượng phải loan báo Tin Mừng thì người nghèo là đối tượng cần ưu tiên hơn cả”. Thời gian này nhiều người dân, nhiều khu phố tại Sài Gòn bị rào lại, bị cách ly. Họ bị thiếu thốn, tuyệt vọng, và chính khi ấy Giáo Hội đến. Đấy chính là một “Cuộc cử hành Lời Chúa trên các đường phố”. Là một linh mục, tôi ước ao một Giáo Hội như thế và hơn thế nữa, sau cơn đại dịch này, điều đó phải là một cách sống Đạo “Bình thường mới”.
CÒN TIẾP…
No comments:
Post a Comment