(Ghi chép của Tuấn Khanh)
Tuấn Khanh: Bài viết của chị tham gia cuộc thi viết Ký ức 30-4 do Sài Gòn Nhỏ tổ chức, là một trong những bài hiếm hoi ghi chép câu chuyện về chuyện không phải của mình mà là của gia đình chồng, kể lại một câu chuyện hoàn toàn khác với đời sống của một người lớn lên ở miền Bắc như chị…
Xin cho hỏi điều gì trong câu chuyện ấy khiến tác động, làm cho chị quyết định ghi chép lại?
Phạm Thanh Nghiên: Tôi không chỉ muốn kể một câu chuyện với vỏn vẹn 3.000 từ đâu. Chuyện gia đình chồng tôi, là một nỗi buồn, niềm đau được bắt đầu từ ngày 30-4-1975, kéo dài suốt 46 năm và chưa biết bao giờ mới kết thúc. Tôi muốn ghi chép lại không chỉ với tư cách là một thành viên, là dâu con trong gia đình. Hơn thế, là trách nhiệm của một người cầm bút, một người mang khát vọng đóng góp chút công sức nhỏ bé cho cuộc đổi thay của đất nước. Với một cái nhìn hời hợt, tầm thường, chúng tôi có thể thở than khi nghĩ đến nỗi bất hạnh gia đình mình gánh chịu. Nhưng tôi muốn cảm ơn cuộc đời đã cho tôi cơ hội được nghe, được thấy để viết về một thân phận trong vô vàn thân phận mang tên Việt Nam khác.
Nếu bây giờ chúng ta không ghi chép lại, một cách nghiêm túc nhất, đầy đủ nhất, trung thực và quả cảm nhất thì thế hệ con cháu chúng ta sau này sẽ không được biết sự thật về một giai đoạn lịch sử của đất nước. Một dân tộc khó mà trưởng thành, thăng tiến nổi nếu không nhận diện được gương mặt của chính mình qua một giai đoạn lịch sử trong quá khứ. Chế độ độc tài tự thân nó là một xã hội bệnh hoạn, khiếm khuyết, mọi sự thật đều gây bất lợi cho thế lực cầm quyền. Thế nên rất hiếm, hoặc chẳng thể có “sự thật lịch sử” nào được công nhận hay ghi chép lại dưới thời này. Tôi e rằng ở Việt Nam vài chục năm nay, chỉ có các “nhà viết sử”, các “nhà sáng tác lịch sử” chứ không có “nhà chép sử”. Mà lịch sử thì phải được ghi chép lại một cách đầy đủ và trung thực, nhà chép sử không thể bị ràng buộc, ảnh hưởng bởi một thế lực hay sức ép nào.
Với nhận định như thế thì tại sao, chúng ta không tự ghi chép lại những gì đã diễn ra trong cuộc đời mình, và những điều tai nghe mắt thấy qua các mảnh đời trong xã hội này. Những ký ức và thực tại được ghi chép lại hôm nay, sẽ là lịch sử của ngày mai. Và như trong Lời mời gọi cùng viết về “Ký ức 30-4, Sài Gòn Nhỏ có ghi “đừng ngần ngại sẻ chia, đừng giữ lại những gì có thể chỉ là im lặng vô nghĩa trong đời mình”
Tuấn Khanh: Miền Nam trong câu chuyện của chồng chị kể lại cho chị cảm nhận khác biệt như thế nào về miền Bắc, nơi chị lớn lên. Những cảm nhận đó là gì?
Phạm Thanh Nghiên: Lại phải lôi chuyện “lịch sử” ra một tí, thứ “lịch sử” cần nằm trong dấu ngoặc kép. Tôi không có cơ may được mở mắt sớm như nhiều người khác, nhất là các bạn trẻ hôm nay. Thế hệ 7X của tôi vẫn tự hào với chiếc khăn quàng đỏ trên vai. Lớn lên một chút, tôi vẫn ngồi dán mắt vào màn hình tivi mỗi dịp 30-4, mồng 3-2, ngày 19-5 hay cái dịp người ta gọi là “cướp chính quyền” 19-8 hàng năm với một niềm xúc động vô cùng ngớ ngẩn. Bố tôi thậm chí còn lập bàn thờ ông Hồ trong nhiều năm, cho đến khi ông gần qua đời thì ông đập bỏ. Tôi từng yêu ông Hồ và đảng cộng sản Việt Nam, đấy là hệ quả một nền (tạm gọi là) giáo dục, nhồi nhét mà sau này tôi mới nhận ra và cảm thấy thật đáng ghê tởm. Mãi đến năm 29 tuổi, tôi mới nhìn ra sự thật. Tôi trải qua một cú sốc tinh thần ghê gớm và có lần tôi đã mô tả nó là “vừa trải qua một cơn ốm nặng”.
Rồi tôi sốc lại tinh thần, dứt khoát với mình, dứt khoát với thời cuộc. Tôi thoát ly hẳn với những gì mình đã tin tưởng, để rồi bị-được chính đối tượng mình từng tôn thờ gọi là “phản động”, là “thành phần thù địch”. Tôi đã khóc rất nhiều, cả day dứt nữa, khi tìm hiểu về miền Nam giai đoạn 1975 trở về trước. Có một miền Nam đẹp đẽ và tốt lành đến không ngờ trong sự hình dung của tôi. Một sự tiếc nuối đến thắt lòng, cảm giác như mình bị mất đi một thứ vô giá không bao giờ tìm lại được, dù tôi sinh tại miền Bắc, sau năm 1975, và chưa được sống ngày nào trên xứ sở đẹp đẽ ấy. Biến cố tháng 4-1975 không chỉ là vết thương trầm trọng cho người miền Nam. Nó là nỗi đau đớn, day dứt cho cả một dân tộc, cho tôi và cho anh, cho tất cả những ai còn nhớ mình là người Việt.
Tuấn Khanh: Nhưng miền Bắc cũng có những người dân có cuộc sống rất khốn khổ mà? Được biết thêm cuộc sống của người miền Nam sau 1975 đã giúp cho chị sự phân biệt những nỗi khốn khổ khác nhau ra sao?
Phạm Thanh Nghiên: Có một điều không biết có nên gọi là “thú vị” hay không, khi tôi và chồng mình thường hay kể cho nhau nghe những câu chuyện gia đình với cái đặc trưng rất trái ngược nhau của hai miền đất nước. Tôi kể cho anh ấy nghe về gia đình tôi, về cuộc sống đói khổ của những người hàng xóm, họ hàng để anh ấy hình dung ra bức tranh miền Bắc. Ngược lại, tôi cũng được nghe về gia đình anh, về sự phồn thịnh của miền Nam một thời và sự khốn khổ sau ngày bị “giải phóng”.
Khi vào Sài Gòn sinh sống, tôi có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người khác và nhận ra một điều đáng buồn, người Việt ở hai miền Nam-Bắc có sự hiểu biết rất hạn chế về nhau, đặc biệt là giai đoạn 1975 trở về trước. Tôi từng nói chuyện với nhiều người lớn tuổi sống ở Sài Gòn và thật ngạc nhiên là họ không hề biết có cuộc Cải cách Ruộng đất tại miền Bắc. Nhiều người dân miền Nam nghĩ rằng thảm họa họ phải gánh chịu là do người dân miền Bắc gây nên mà không hề biết rằng cần phải gọi tên một cách chính xác, đích danh giới chóp bu cầm quyền. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân Việt Nam nói chung khó mà có cái nhìn cảm thông, thấu hiểu cho nhau khi nhắc về ký ức chiến tranh.
Làm sao mà một người miền Nam có thể hình dung những người phụ nữ miền Bắc phải vạch áo, tự cho tay bóp thật mạnh vào bầu vú trước mặt cán bộ để chứng minh mình không có sữa, hòng kiếm được cho đứa trẻ sơ sinh con mình một xuất sữa bò theo tiêu chuẩn nhà nước. Nếu nặn hết sức và đầu vú còn chảy ra vài giọt sữa, đứa trẻ sẽ không có tên trong danh sách được hưởng chế độ hỗ trợ của nhà nước. Làm sao một người miền Nam hình dung nổi một ông thầy giáo phải cúi mình, chào một thằng nhãi ranh bằng “ông” chỉ vì bố nó là cán bộ cộng sản.
Khi người dân miền Nam có tivi, tủ lạnh dùng, người miền Bắc vẫn bị cái đói bủa vây. Khi phụ nữ miền Nam biết trang điểm, mặc áo dài, váy đầm, đi giày cao gót thì phụ nữ miền Bắc vẫn chưa biết đến cái băng vệ sinh. Họ phải dùng vải vụn, thậm chí nhà nào đông chị em gái thì dùng chung mấy tấm khăn vải màn. Dùng xong giặt sạch sẽ để các tháng sau mỗi kỳ kinh nguyệt lại sử dụng tiếp. Tôi không muốn kể ra chuyện này, nhưng đó là nỗi khổ sở, thiếu thốn điển hình của người dân miền Bắc từ những năm 1960, kéo dài đến tận thời bao cấp. Hai miền Nam- Bắc tuy có những khác biệt ở mỗi giai đoạn lịch sử, nhưng cùng chung một nỗi đau: niềm bất hạnh mang tên Việt Nam.
Chỉ có sự thấu hiểu, đồng cảm mới mang lại tình thương yêu, đùm bọc cho nhau mà thôi. Ước gì ngày càng nhiều người dân Việt Nam hiểu đúng về sự thật đã và đang xảy ra trên đất nước này để thôi oán hận, trách cứ nhau, để cùng nhau xây dựng lại giang sơn. Muốn như thế, phải chỉ mặt đặt tên được đâu là nguyên nhân, đâu là thủ phạm gây đau thương cho dân tộc này.
Tuấn Khanh: Lưu vong ngay tại quê nhà là câu chuyện chị kể về bố chồng, nhưng rồi đến chị, khi có người chồng cũng cùng số phận không khác gì hơn. Chị có thể nói thêm về trường hợp chồng chị?
Phạm Thanh Nghiên: Thưa đây lại là một câu chuyện dài nữa và có lẽ phải dành hẳn một bài tường trình riêng biệt. Từ khi chồng tôi, anh Huỳnh Anh Tú ra tù cuối năm 2013 đến nay đã tám năm vẫn chưa được cấp giấy tờ tùy thân, dù anh rất nỗ lực đến các cơ quan công an để xin cấp lại. Lần nào cũng bị từ chối với rất nhiều lý do. Hiện chúng tôi vẫn đang tiến hành các thủ tục đề nghị cấp giấy tờ tùy thân cho anh ấy. Hành trình này kéo dài đến nay đã hai năm với rất nhiều thủ tục nhiêu khê. Chúng tôi phải đáp ứng những “điều kiện pháp lý” mà sự khó khăn của nó gần như một sự đánh đố. Chúng tôi phải đi lại rất nhiều lần lên các cơ quan công an từ cấp phường đến cấp quận, thành phố. Không ít lần chúng tôi cự cãi với phía công an về những điều kiện (họ gọi là “điều luật”) vô lý nhưng họ trả lời họ không biết, “cứ theo luật mà làm”. Một tháng trước (ngày 6-4-2021), chúng tôi đã đáp ứng các “điều kiện pháp lý” trong đó bao gồm những giấy tờ cần thiết để hoàn thiện hồ sơ, nộp cho công an quận Gò Vấp để xin nhập hộ khẩu cho anh Tú.
Tưởng thế là xong nhưng họ lại đòi hỏi thêm vài điều kiện (vô lý) khác, và cũng vẫn lấy lý do “luật quy định thế”. Tôi chưa kịp hỏi luật sư xem yêu cầu đó của phía công an có thực sự đúng luật hay không thì nhận được cuộc phỏng vấn này thành ra tôi cứ chia sẻ với quý độc giả trước. Một điều đáng nói là trong quá trình làm các thủ tục giấy tờ, phía công an quận Gò Vấp, cụ thể là cô đại úy thụ lý hồ sơ (tôi tạm giấu tên) không hướng dẫn một cách đầy đủ, cụ thể những việc cần thiết, khiến chúng tôi phải đi lại rất nhiều lần. Họ hẹn một tháng kể từ khi nộp hồ sơ sẽ trả lời, tức là ngày 6-5 là đủ một tháng. Đến hẹn chúng tôi lên, họ lại trả lời cần đáp ứng điều kiện này, điều kiện khác.
Cho đến giờ chúng tôi cũng không dám chắc là anh Tú có được cấp giấy tờ tùy thân không nữa. Nếu không, họ nên có công văn trả lời thẳng là không cấp và vì sao không cấp. Còn nếu được thì đến bao giờ? Chúng tôi không thể bỏ thêm nhiều tháng, nhiều năm nữa để chờ đợi hoặc đi làm cái việc khó hơn mò kim đáy bể này. Tù cũng tù rồi, đánh đập, đàn áp, vu khống, bôi nhọ cũng nếm rồi, tài sản, nhà cửa bị cướp, bị tàn phá hết rồi. Họ còn muốn gì ở chúng tôi nữa? Nhiều người nghĩ đơn giản là “cần gì giấy tờ của cộng sản”. Nếu người ta ở đảo hoang thì đúng là không cần giấy tờ, nhưng trong một xã hội, một đất nước cụ thể dù dưới chế độ dân chủ hay độc tài thì đây là việc đương nhiên. Không có giấy tờ tùy thân, anh Tú không thể thực hiện được các giao dịch dân sự, nói gì đến các việc quan trọng khác. Nhiều khi chúng tôi nghĩ, nếu không vì đứa con, thì cứ sống nay đây mai đó, giấy tờ có cũng tốt, không có cũng không sao.
Đảng cộng sản Việt Nam luôn tự hào họ là “lương tâm và văn minh nhân loại”, nhưng hệ thống pháp lý của họ không chứng minh nổi “lý lịch” của một công dân mà để anh ta sống lưu vong trên chính đất nước này. Điều nghịch lý là, công an không chứng minh được lý lịch của anh ta trên giấy tờ nhưng lại kiểm soát được mọi thứ liên quan đến anh ta, kể cả việc đi lại, các mối quan hệ thậm chí quản lý cả tư tưởng của “đối tượng”.
Tuấn Khanh: Chị là người đã ghi chép những câu chuyện hiện thực nhức nhối, và viết hay đến bất ngờ, dường như chị muốn đi con đường như một nhà văn tranh đấu hiện thực…?
Phạm Thanh Nghiên: Một vài năm gần đây tôi thường nhận được những lời khen ngợi từ các nhà văn chuyên nghiệp ở cả trong cũng như ngoài nước, đặc biệt các độc giả. Đối với một người cầm bút, đó thực sự là niềm khích lệ, phần thưởng vô giá. Song cũng là một thách thức không nhỏ cho các bài viết tiếp theo của tôi (tôi không dám dùng từ “tác phẩm” hay “sáng tác” nên dùng từ “bài viết”). Như từng có dịp chia sẻ với quý độc giả, tôi tin mình không phải một nhà văn và có lẽ mãi mãi sẽ không trở thành một nhà văn. Tôi chỉ là một người cầm bút “bất đắc dĩ”, ghi chép lại những điều tai nghe mắt thấy từ chính cuộc đời mình, từ những cuộc đời khác trong xã hội. Cũng có lần tôi thử đặt bút viết về một đề tài khác, không liên quan gì đến hiện thực xã hội. Tính viết chơi chơi vậy thôi, không định chia sẻ với ai. Nhưng tôi không viết nổi. Chỉ vài dòng đã thấy nhạt nhẽo, cảm giác như không phải là chính mình. Tôi không phải nhà văn. Tôi là một blogger và tôi muốn viết về những hiện thực đang diễn ra trên đất nước này.
Sài Gòn ngày 8 tháng 5 năm 2021.
No comments:
Post a Comment