Minh họa: Ye-Jinghan-unsplash
Trong nhà tù Trần Phú hồi
ấy, chắc không ai phải đi cung nhiều như tôi. Cũng không tù nhân nào “nghiện”
đi cung như tôi. Chẳng phải tôi thích đi cung đi cán gì đâu, vui gì khi phải đấu
trí với bọn điều tra viên. Nhưng ít ra, tôi cũng có được một vài tiếng đồng hồ
thoát khỏi cái hộp kín như bưng mang tên “buồng biệt giam” hôi hám, ngột ngạt.
Chả ai thích ở trong ấy cả ngày để gặm nhấm nỗi buồn, để thấy mình giống một
con thú hơn là một con người.
Sáng hôm ấy, Nguyễn Thành
Dương đến. Anh ta không mỉm cười, không chào tôi như mọi khi, gương mặt lộ vẻ
căng thẳng. Tôi hiếm khi chào Dương trước, bữa nay ngoại lệ, tôi mở lời, pha
chút đùa cợt:
-Anh mất sổ gạo hay sổ
mùn mà trông mặt khó đăm đăm thế?
Anh ta không trả lời, chẳng
tỏ thái độ quan tâm. Tôi hơi quê.
Gần đến buồng cung, anh
ta hỏi:
-Đêm qua chị có ngủ được
không?
Tôi không đáp, trả đũa
cái vụ anh ta vừa làm tôi quê. Sao có lúc tôi lại trẻ con như thế này được nhỉ.
***
Buồng cung hôm nay được
quét tước sạch sẽ hơn mọi ngày. Mấy cái mạng nhện giăng trên tường hết ngày này
qua tháng khác cũng biến mất. Trước mặt tôi là hai chiếc ghế dành cho điều tra
viên, thay vì chỉ có một cái như mọi hôm. Chắc là có điều bất thường nào đó
đang chờ tôi.
Theo thói quen, tôi chờ
Dương đưa cho tờ giấy trắng để lót xuống ghế ngồi cho đỡ bẩn. Nhưng anh ta lờ
đi. Tôi ngập ngừng ngồi xuống, nhìn anh ta nửa như thắc mắc, nửa khó chịu.
Anh ta mở cặp táp, không nhìn tôi nhưng khẽ lắc đầu. Tôi hiểu rằng hôm
nay tôi không có cái quyền được lót giấy lên ngồi như mọi hôm nữa. Chắc anh ta
nghĩ, ghế sạch rồi nên thôi.
Dương để tập hồ sơ lên
bàn, nhưng không thẩm vấn tôi ngay. Ít phút sau, một người đàn ông ngoại ngũ tuần,
mặc thường phục, bước vào. Ông ta đi cùng một cô gái trẻ, mặc bộ quần áo da màu
đen. Dẫu chỉ nhìn thoáng qua, tôi vẫn nhận thấy nét xinh đẹp có phần sắc lạnh của
cô gái sau cặp kính đen và lớp trang điểm nhẹ nhàng.
Người đàn ông ngồi xuống
chiếc ghế đối diện tôi, ngay bên cạnh Dương. Dường như tôi chưa gặp ông ta bao
giờ. Ông ta không giới thiệu mình là ai, nhưng tôi đoán có thể đó là một nhân vật
quan trọng, hay một “cốp to” trong ngành an ninh. Tôi đoán thế qua nét căng thẳng
có phần sợ sệt đến thảm hại của Dương. Anh ta cố tỏ vẻ tự tin, ít ra là với
tôi, nhưng bất lực. Cô gái đứng đằng sau người đàn ông như một vệ sĩ. Hình ảnh ấy
khiến tôi liên tưởng đến đội “cận vệ đồng trinh” luôn tháp tùng bên cạnh nhà độc
tài Libya Muammar al-Gaddafi mọi lúc, mọi nơi.
Người đàn ông đưa mắt ra
hiệu, cô gái liền chuyển vị trí, tiến đến và đứng ngay sau lưng tôi. Rất nhanh,
tôi cảm nhận được một luồng hơi lạnh phả ra từ cô ta, chạy dọc sống lưng xuống
tận gót chân. Tôi khẽ rùng mình, có phần bối rối.
Người đàn ông hất hàm, ra
hiệu cho Dương bắt đầu cuộc thẩm vấn:
-Chị có phải tác giả bài
viết “Uất ức-Biển ta ơi!” không?
-Hôm qua anh hỏi và tôi
đã trả lời rồi. Tôi không trả lời nữa.
Người đàn ông gườm gườm
nhìn tôi. Tôi nhìn lại. Dương khẽ chau mày, để lộ vẻ khó chịu:
-Thì chị cứ trả lời. Theo
nguyên tắc, chị cần trả lời các câu hỏi của chúng tôi, bất kể hôm qua chị trả lời
rồi hay chưa.
-Đúng, tôi là tác giả bài
“Uất ức- Biển ta ơi!”
-Chị đi Thanh Hóa với ai?
Nhằm mục đích gì?
-Tôi đi với Ngô Quỳnh.
-Nhằm mục đích gì? Dương
lặp lại.
-Tìm hiểu về sự việc hải
quân Trung Cộng bắt, bắn, giết ngư dân Việt Nam.
-Ai tài trợ cho chuyến đi
của chị?
Tôi bắt đầu khó chịu với
câu hỏi kiểu này:
-Không ai cả.
-Có thật là không ai tài
trợ cho chuyến đi của chị không?
-Không. Anh có câu hỏi
nào khác không? Tôi không thoải mái với câu hỏi như thế này của anh.
Dương xoay qua hỏi một
vài chuyện khác, vẫn là những câu hỏi cũ từ mấy buổi đi cung trước được lặp đi
lặp lại. Tôi có cảm giác như Dương không muốn làm khó tôi. Nói cho chính xác,
anh ta không muốn dồn tôi vào chân tường để bị tôi bật lại, mất thể diện trước
mặt sếp. Hắn biết rõ, máu anh hùng của tôi hay nổi lên trong những tình huống
tường chừng như bế tắc. Không ít lần tôi nổi cáu và người thua cuộc trong các lần
tranh luận thường là Dương. Chắc đây là lý do chính khiến anh ta lo lắng, căng
thẳng.
Người đàn ông khoát tay,
ra hiệu cho Dương dừng lại. Ông ta nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng mỉa mai:
-Cá tính đấy.
Tôi im lặng. Luồng khí lạnh từ bộ đồ da màu đen vẫn siết
chặt sống lưng tôi. Kinh khủng thật. Sao lại có thứ người mang năng lượng đáng
sợ đến thế. Đáng sợ từ chính sự im lặng, từ bước đi lạnh tanh và những cử động
không một âm thanh nào dù trong buồng cung này, người ta có thể nghe được cả tiếng
côn trùng trò chuyện với nhau.
-Chị quen với Hải Điếu Cày chứ?
Tôi khá bất ngờ với câu hỏi của ông ta. Bất ngờ vì nó
chẳng liên quan đến vụ án của tôi.
-Tôi có quen.
-Rồi Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Quốc Quân…, mấy
người đó chị đều quen chứ?
-Đúng, tôi quen họ.
-Chị thấy họ là người như thế nào?
Tôi trả lời, dứt khoát:
-Tôi không quen nói về người khác khi họ vắng mặt.
-Theo chị, họ có phải những người tốt không?
-Họ là những người tốt.
-Tốt đến mức nào? Ông ta vẫn theo đuổi những câu hỏi vừa như vặt vãnh, vừa
như muốn gây sự khó chịu cho tôi.
Tôi vẫn trả lời, không dài dòng:
-Họ tốt hơn tôi.
-Chị vào đây được mấy tháng rồi?
Tôi không trả lời. Không phải tôi không nhớ mà không
đáng phải trả lời. Người ta có thể quên nhiều thứ, nhưng chẳng ai lại quên những
tháng năm tù đày của mình.
-Nếu muốn, tôi có thể thả chị ra, chị có nghĩ thế
không?
Tôi vẫn im lặng. Lần này thì người đàn ông kia hết
kiên nhẫn. Ông ta gằn giọng:
-Chị có tin là tôi chỉ hất hàm một cái, lập tức cô gái
kia sẽ cho chị ăn đòn nhừ tử không?
Thú thật thì lúc đó tôi có hơi run sợ. Nhưng tôi cũng
phải khen mình một chút. Vì nếu tôi hèn yếu, có lẽ chẳng có cuộc gặp này. Ý
nghĩ ấy khiến máu anh hùng trong tôi nổi lên. Thực ra, sự sợ hãi không loại trừ
một ai. Nhưng ở hoàn cảnh này, sợ hãi chỉ mang lại sự hủy diệt. Tôi không muốn
mình trở nên hèn yếu để rồi sau này phải đối mặt với sự phán xét của chính tâm
hồn tôi. Trong phút chốc, tôi thấy mình không còn bị luồng khí hắc ám của cô
gái đứng sau lưng choán lấy mình nữa. Tôi nhìn người đàn ông, giọng bình thản:
-Tôi tin. Nhưng nếu được, ông vui lòng cho tôi biết
tôi đang được tiếp chuyện với ai được không?
Dường như không thấy có vẻ gì của sự giễu cợt hay
thách thức, nét mặt ông ta giãn ra. Một trong những điều phía an ninh khiến tôi
phục nhất là sự thay đổi thái độ đầy biến hóa. Ông ta lại hỏi bâng quơ, vẻ thân
thiện, khác hẳn với sự đe dọa vừa mới xảy ra đây thôi:
-Gia đình chị và gia đình Lê Thị Công Nhân thân nhau
lâu lắm rồi hả?
-Vâng. Từ năm tôi mười một tuổi và Công Nhân lên chín
tuổi.
Cuộc hỏi cung bâng quơ kéo dài thêm vài phút rồi ông
ta đứng lên, chào tôi ra về:
-Tôi vẫn chưa được biết ông là ai? Tôi hỏi với theo.
-Đồng chí Dương đây sẽ cho chị biết tôi là ai.
Nói đoạn, ông ta bước ra khỏi buồng cung. Bộ đồ da đen
theo sát ông ta. Từ đầu đến cuối, cô ta vẫn im lặng. Chắc cô ta được phái đến để
thể hiện màn võ thuật với tên tù nặng chưa đầy 38 kg là tôi, nhưng không hiểu
vì lý do gì, do trông tôi còi cọc nhỏ bé và thảm hại quá khiến người đàn ông
kia không nỡ, nên bộ đồ da màu đen không có cơ hội thể hiện.
Trong phút chốc, suy đoán và ấn tượng của tôi về một
“cốp to” quyền lực với những kinh nghiệm vượt trội trong ngành an ninh gần như
trở về con số không. Dù có nhiều thành tích đến mấy, được đồng nghiệp và cấp dưới
nể sợ đến mấy thì với tôi, ông cũng trở nên thấp kém sau cái chữ “đồng chí” mà
ông vừa thốt ra khỏi miệng. Ông ta cần phải biết, thành phần “chống đảng” như
tôi ghét cay ghét đắng cái lối giới thiệu đồng chí, đồng đội một cách tùy tiện,
máy móc như thế. Muốn khuất phục hoặc đánh bại một con người nhưng lại không hiểu
rõ đối phương là ai, kể như là kém cỏi.
Tôi hỏi Dương:
-Ông ta là ai?
Dương nghe thấy nhưng không trả lời, nét mặt vẫn căng như dây đàn.
Tôi giục:
-Tôi hỏi anh đấy, ông ta là ai?
Vừa sắp xếp mớ giấy tờ hỗn độn trên bàn, Dương vừa miễn cưỡng trả lời:
-Một sếp lớn.
-Ở đâu? Tôi
hỏi cộc lốc.
-Trên trung ương về. Dương cũng trả lời cộc lốc.
Tôi mỉa mai:
-Lớn đến nỗi dù ông ta đã dặn anh cho tôi biết ông ta là
ai mà anh vẫn không dám thẳng thắn tiết lộ.
Mặc cho tôi khích bác, Dương vẫn tiếp tục công việc sắp xếp đống hồ sơ, rồi
cho vào cặp táp. Anh ta tránh nhìn tôi.
Đến hôm nay, dù đã ra tù hơn mười năm, tôi vẫn không biết người đàn ông đứng
tuổi từ “trung ương” đến Hải Phòng và vào tận nhà tù Trần Phú gặp tôi, đe dọa
tôi là ai. Và với mục đích gì? Song ông ta cũng có chút ích lợi là khiến bọn
cai tù phải thực hiện một cuộc cách mạng, tức là dọn dẹp (hoặc ra lệnh cho tù
nhân dọn dẹp) sạch sẽ cái buồng cung. Vì thế, nó bớt mùi tù, bớt vẻ âm u, oán
thán đi một chút.
Biết rằng có hỏi thêm Dương cũng không nói. Nhưng tôi ấm ức, thành ra phải
khích bác Dương vài câu cho bõ tức.
-Mà chả quan trọng. Ai thì cũng phe các anh cả. Mình tôi
một phe, khỏe người. Chả cần biết ông to bà lớn nào sất. Với tôi như nhau hết. To
là to với các anh chứ chả to gì với tôi. Có điều, một ông to từ tận Trung ương
xuống chỉ để hỏi mấy câu vớ vẩn, vặt vãnh thì kể ra cũng uổng. Đã thế lại còn
mang cả vệ sĩ xuống đe dọa.
Mặc cho tôi mỉa mai,
Dương chẳng nói chẳng rằng. Anh ta đưa tôi trở lại buồng biệt giam.
***
Chiều hôm ấy, tôi được
tha. Tức là không phải đi cung mà nguyên buổi chiều được ở trong cái hộp biệt
giam cho đến sáng hôm sau.
Sáng hôm sau, tôi lại đi
cung. Buổi hỏi cung không có gì đặc biệt nhưng cũng kéo dài đến gần trưa mới
xong. Quản giáo vừa đi, Luyến đã khoe:
-Chú Long bị chuyển đi rồi
chị ạ.
-Chuyển đi đâu? Tôi
hỏi, có chút lo lắng. Trong tù dẫu không tường mặt nhau, không quen biết nhau
nhưng người ta vẫn lo lắng cho nhau. Vì đây là chốn đọa đày. Những cảnh đời bị
đày đọa thường dễ đồng cảm cho những thân phận bị đọa đày.
-Em đâu biết. Nhưng chắc
là chuyển trại để ép cung.
-Sao lại ép cung? Tôi
bối rối.
-Tại chị không biết thôi.
Đã vào khu tử hình biệt giam này thì thường là án nặng. Ai mà chả bị đi ép
cung.
Luyến nói, mặt tỉnh bơ.
Nó trẻ hơn tôi mà sao lắm kinh nghiệm tù.
-Thế ra đây là khu tử
hình à? Tôi hơi rùng mình.
-Vậy chị tưởng chị đang ở
đâu? Tất nhiên không phải ai vào đây cũng bị tử hình, nhưng là khu tử hình. Thiếu
tử tù thì người ta chuyển những tù án nặng hay những trường hợp đặc biệt vào
đây.
Ra vậy. Dẫu tôi không bị
tử hình, không chung thân nhưng chắc chắn là “trường hợp đặc biệt”. Điều này
Luyến không nói tự tôi cũng biết. Luyến kể:
-Chú Long bị xiềng chân.
Lúc chú ra cổng có ngoái lại nhìn và gọi em. Chú nói to lắm “Còi ơi cho chú gửi
lời chào chị Hoa (*) nha. Hai chị em bảo trọng, chú đi đây!”
Em cũng nói vọng ra được mấy câu với chú, rồi khóc tu tu.
Kể đến đó, Luyến rơm rớm
nước mắt:
-May hôm nay là phiên lão
Khánh trực nên lão để chú cháu chào nhau. Chứ mà lão Cường hay lão Ngọc thì ăn
đủ. Chào nhau kiểu đó dễ bị cùm chân lắm chị.
Tôi buồn trước việc anh
Long bị chuyển đi. Khu tử hình này có năm buồng giam, ba buồng trống, chỉ hai
buồng là có người. Tôi và Luyến một buồng. Buồng nhà hàng xóm có anh Long và
Hùng. Anh Long bị chuyển trại, còn lại Hùng trơ trọi một mình. Mấy hôm trước
anh Long “còi” sang, nói là sắp bị chuyển trại và nếu may mắn được ra tòa, án
cũng không dưới 20 năm. Về sau tôi nghe nói anh Long bị tuyên mười tám năm về tội
buôn ma túy.
Tội nghiệp ông hàng xóm của
tôi. Suốt mấy tháng không thấy đi cung lần nào. Vậy mà hôm nay đi, là đi luôn.
Chú thích:
(*) Hoa: Hồi ở buồng biệt giam, tôi giới
thiệu tên mình là Hoa. Không phải tôi không dám cho mọi người biết tôi là ai.
Đơn giản là cái tên Hoa dễ gọi hơn tên Nghiên, vậy thôi.
No comments:
Post a Comment