(Trích “Những
mảnh đời sau song sắt)
- Nguyễn Thị Luân,
chuẩn bị nội vụ!
Mỗi lần cai tù xướng
tên một người tù kèm thông báo “chuẩn bị nội vụ” thì ai nấy đều nghĩ
ngay đến cụm từ “đi ép cung.” Thương bạn tù và thương thân, rồi lo
sợ, hoang mang tự hỏi “bao giờ đến lượt mình” là tâm lý chung của người
ở lại.
Người đi, không tự tay
sắp nổi bộ quần áo dù cố tỏ ra bình tĩnh. Nét lo sợ, căng thẳng hiện
rõ trên khuôn mặt tái xanh tái xám. Thường chỉ các vụ trọng án, bị can
mới bị chuyển đi nơi khác để “ép cung.” Lúc tôi chuyển xuống buồng biệt
giam, mọi người cũng bảo tôi bị đi “ép cung”. Tôi nói tôi không bị áp
dụng hình thức đó, nhưng không ai tin.
Mỗi người một tay
giúp Luân chuẩn bị nội vụ. Tôi chạy vào nhà mét (1) khóc. Lần đầu tiên
tôi khóc từ khi bị bắt. Những cuộc chia ly tù đầy như thế, thường
không có ngày gặp lại. Ai cũng biết vậy, nhưng vẫn xót. Tôi xót Luân vì
nó là đứa em tù của tôi. Luân nặng nhọc xách túi nội vụ bước đi, đôi
chân run rẩy vì sợ, mắt đỏ hoe. Qua cánh cổng nhà tù này, Luân sẽ đến một
nhà tù khác.
Lần nào nhớ lại hình
ảnh cuối cùng của Luân, tôi cũng buồn thấu lòng. Luân mồ côi cha mẹ từ
nhỏ. Vợ chồng người bác ruột đón về nuôi. Luân bảo, hai bác thương
Luân lắm, chỉ tội nghèo, ăn bữa trước chạy bữa sau nên không thể cho
Luân đi học. Luân mù chữ. Chữ duy nhất Luân biết viết là tên mình. Để ký
các bản cung khi bị bắt. Cô gái quê mùa, hiền lành, chân thật và mù chữ
ấy lớn lên trong nghèo khó. Rồi lấy chồng, sinh con.
Luân rất ngoan đạo. Tôi
thực sự không biết người theo Công giáo có phẩm chất gì mới được gọi
là ngoan đạo (2).Tối nào tôi cũng thấy Luân lầm rầm cầu nguyện. Thi
thoảng khi không bị chú ý, Luân kín đáo làm dấu thánh trước bữa ăn. Luân
nhường nhịn bạn tù. Không mấy khi nói dối. Tôi coi Luân là người ngoan
đạo. Luân vào Trần Phú trước tôi độ hai năm. Tôi nhớ mang máng thế.
Bạn tù gọi Luân là Ba
Bánh, ám chỉ việc vợ chồng Luân vận chuyển ba bánh Heroin. Ở buồng tạm
giam, Luân thuộc diện “không gia đình.” Tức là từ khi bị bắt không một
lần được người thân gửi quà. Luân sống nhờ bạn tù cưu mang. Người
cho chai mắm, người cho miếng thịt. Từ cuộn băng vệ sinh, tấm áo, cái
xô, cái chậu, bàn chải- kem đánh răng đến khăn mặt, ca nhựa, xà phòng giặt...,
tất tần tật là bạn tù cho. Tôi từ buồng biệt giam trở về được ít hôm
thì rủ Luân cùng ăn chung. Ở Trần Phú, việc giúp đỡ bạn tù của tôi
không bị cấm đoán và kiểm soát quá khắt khe như khi lên Trại 5 – Thanh
Hóa. Tuần nào chị gái và mẹ tôi cũng gửi quà tiếp tế. Mỗi tháng lại
cho sáu trăm ngàn đồng nên việc tôi “cõng” theo Luân, và thi thoảng giúp
đỡ các bạn tù khác cũng không làm tôi quá thiếu thốn. Ngoài buồng
trưởng được chỉ định cai quản tù nhân khi cai tù vắng mặt, còn có
những người “trách nhiệm” khác. Trách nhiệm là người được đi lại tự
do từ nhà ra sân mà không cần xin phép buồng trưởng. Trách nhiệm gồm
những tù nhân làm các việc như chia nước, phơi quần áo, trông chạn (đựng
thức ăn), xe sân.
Những chân làm trách nhiệm
thường được ưu tiên cho tù nhân mà người nhà biết quan tâm đến “cô’,
tức cai tù. Quan tâm, là quà cáp biếu xén. Không chỉ một lần mà thường
xuyên. Nhờ những quan hệ này, nhiều thông tin liên quan đến án từ, gia
đình, tình trạng người tù đều được cai tù làm trung gian cung cấp. Cai
tù, cũng đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều phi vụ chạy án.
Luân được phân công xe
sân, (3) tức trong số người làm trách nhiệm, dù Luân là thành phần không
gia đình. Bạn tù thương Luân vì “nó hiền lành và án nặng.” Cai tù cũng
châm chước, để lấy tiếng nhân đạo. Vả lại, công việc xe sân không lấy
gì làm sang lắm, tuy khỏi phải ngồi bó gối một chỗ như đa số tù nhân
khác. Hơn nữa được tắm rửa hàng ngày với mức nước thoải mái hơn,
thế là oách rồi. Mỗi tuần, cánh tù bình dân chúng tôi được tắm hai lần
vào buổi sáng giữa và cuối tuần. Gội đầu được một lần. Người chia
nước đứng trên nóc bể nước gọi tên bốn tù cùng một lượt. Để rồi
chen chúc nhau trong buồng tắm rộng không nổi ba mét vuông. Nhà tắm được
xây tường che kín để tránh bên ngoài nhìn vào khi cổng buồng giam mở.
Nhưng không có nóc, không mái che. Chúng tôi tắm, nhìn lên trời, trời nhìn
chúng tôi.
Mỗi đợt tắm không quá
năm phút, gội đầu bẩy phút, giặt đồ thêm năm phút nữa. Người chia
nước vừa canh bể nước — xem có kẻ nào múc trộm không —, vừa luôn miệng
giục, mắt liên tục liếc đồng hồ. Tắm một xô, gội đầu một xô, giặt
đồ cũng một xô sáu lít nước, không hơn. Vi phạm sẽ bị phạt. Phạt, là
năm hoặc bẩy ngày liền không được đánh răng rửa mặt, không được rửa
ráy, không được thay quần lót. Lại phải cọ nhà mét, rửa bát cho cả
buồng. Mười tám tháng ở Trần Phú, tôi chưa bao giờ bị phạt. Vả lại,
tôi đã chuẩn bị tinh thần để không chịu phạt, để chống lại nếu bị
dính. Nhiều lúc nhớ lại vẫn rùng mình bởi cái phát minh quái gở, man rợ
ấy của bọn cai tù. Bẩy ngày không được thay quần lót, không được đánh
răng rửa mặt. Không có án phạt ấy, lũ tù chúng tôi đã nhếch nhác, bẩn
thỉu và bị coi rẻ lắm rồi. Tôi không làm chân gì trong buồng giam. Như
các tù nhân khác, tôi thèm tắm, thèm nước lắm, nhất là vào mùa hè.
Luân làm chân xe sân, tôi
thơm lây. Thi thoảng Luân xấp ướt khăn mặt, quẳng vào cho tôi lau. Vì
công việc lau dọn, Luân được đi lại tự do từ trong nhà ra ngoài sân. Và
được rửa mặt bất cứ lúc nào muốn. Cái khăn Luân đưa cho tôi rửa mặt,
cũng là khăn của Luân. Nên không thể bị cho là phạm lỗi. Tôi rửa xuất
của Luân đấy chứ. Nhìn những gương mặt nhờ nhờ, bê bết mồ hôi dầu
của mấy chục bạn tù, tôi thấy mình còn chút may mắn.
Cánh sĩ quan được tắm
hàng ngày vào các buổi chiều. Một tuần được ba lần gội đầu. Nước và
thời gian cũng nhiều gấp đôi cánh tù bình dân. Sĩ quan, là những tù có
tiền. Nói chính xác, đám này thuộc diện có gia đình ở ngoài khá giả, và
quan tâm đến “cô.” Ngay chỗ họ nằm cũng do gia đình lo lót, mua cho. Thuở
tôi bị giam ở Trần Phú (2008 – 2009) mỗi xuất nằm trên sàn “trung tâm” (4)
giá từ hai đến ba triệu đồng. Sàn đối diện rẻ hơn một chút, dao động
từ một đến ba triệu, tùy vị trí. Chỗ nào gần quạt treo tường sẽ đắt
tiền hơn. Mỗi sàn có một quạt treo tường. Bây giờ, mọi thứ đắt đỏ,
chắc chỗ nằm trong tù cũng đã lên giá.
Buổi tối, Luân thường
sang chiếu tôi học chữ. Tất nhiên phải xin phép và buồng trưởng đồng ý
mới được sang. Tôi chọn những nét chữ đậm nhất, to nhất trong tờ báo
Nhân Dân, hoặc báo Hải Phòng để dạy Luân ghép vần. Tôi là thầy dạy chữ
đầu tiên của Luân. Thầy dạy bất đắc dĩ. Vì Luân ước mong đứa con trai
lớn sáu tuổi đi học lớp một, sẽ về dạy chữ cho mẹ. Nhưng ước mơ
không thành. Vợ chồng Luân bị bắt khi thằng bé mới lên bốn, chưa đến
tuổi học vỡ lòng. Đứa con gái út lên hai.
Không phải Luân dốt nát
hay tối dạ nhưng học không vào vì mỗi khi đánh vần, Luân lại hình dung
đứa bé ở nhà đang ê a tập đọc. Rồi khóc. Nước mắt chứa chan. Tôi cũng
rơm rớm theo. Có khi tôi cáu, mắng Luân là hèn yếu. Thì cứ mắng bạn tù
cho sướng miệng. Để khỏi phải thấy mình cũng mềm yếu.
- Em học để làm gì, hả
chị? Biết có ngày về không mà học?
Luân hỏi, buốt lòng
bạn tù.
- Học để sau này lên
trại viết thư về cho con. Sống là phải hy vọng, em ạ. Người ta còn hy
vọng là còn cơ hội.
Nói xong câu ấy, tôi
thấy ghét bản thân. Một lời khuyên sáo rỗng, lý thuyết. Cái miệng tôi
khi ấy, hình như cứ điêu điêu.
Chữ gì Luân cũng đánh
vần được, trừ chữ “Nghiên”, là tên tôi. Dạy mãi không nhớ. Tôi hậm hực
trong lòng. Lẽ ra, Luân phải thuộc chữ ấy hơn bất cứ chữ gì tôi từng
dạy chứ. Vì tôi cưu mang nó, dạy chữ cho nó, nhất là yêu thương và bênh
vực nó. Hiền khô như Luân, nếu không có tôi, chỉ tổ suốt ngày bị mấy
đứa xấu tính bắt nạt. Tôi thấy mình có quyền đòi hỏi Luân phải nhớ tên
mình, đánh vần được tên mình như một sự biết ơn. Tất nhiên đòi hỏi đó
tôi giấu trong lòng, không nói ra. Ý nghĩ ấy, chẳng có gì cao thượng. Tự
tôi biết thế.
Học được ít hôm, Luân
chán. Cơ bản thì Luân cũng đã nhận được hết mặt chữ và biết đánh
vần, tuy hơi chậm. Không sang chiếu tôi học bài, Luân nằm nhà, hát. Toàn
hát những bài tù. Rồi lại khóc. Ban ngày vẫn cười cười nói nói. Nhưng
tối đến, nét mặt lại rầu rĩ. Luân làm nhiều người nẫu ruột
theo. Không ít người mắng chửi nó. Người ta không thích đèo bồng thêm nỗi
buồn của Luân khi đã gánh quá nặng nỗi buồn lo của bản thân mình.
Vì như thế là quá sức
với người tù.
Sáng hôm ấy, Luân được
gọi đi cung. Dễ đến hơn nửa năm Luân mới lại có lần đi cung.
Lúc về, chị em tù xúm
lại hỏi. Luân khoe:
- Thằng điều tra viên
bảo vụ của em không quá nghiêm trọng. Em có con nhỏ, lại không biết chữ
nên có hy vọng được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Luân kể lại những gì
“thằng điều tra” hứa hẹn. Kể một cách hồn nhiên. Và tràn trề hy vọng.
- Thế em có đọc lại
bản cung trước khi ký không?
Tôi hỏi. Không riêng
với Luân, ai đi cung về tôi cũng hỏi câu ấy.
- Nó đưa em mấy tờ
giấy trắng bảo em ký sẵn rồi về ghi bản cung sau chị ạ. Vì khi ấy muộn
rồi, viết không kịp.
Tôi sững người.
- Thế thì ăn cứt rồi
em ạ. Sao ngu thế, hả em?
Chị Lan, cô Châu, chị
Hà, cái Chuột xúm vào mắng nhiếc Luân. Luân, lúc này mới nhận ra mình ngu
hơn ngày thường. Từ hôm ấy, nó càng rầu rĩ. Bản án tử hình hoặc chung
thân lởn vởn trong đầu nó. Luân ít nói hẳn. Nhiều lúc cười rất giòn,
rồi chảy nước mắt được ngay.
Không riêng Luân, nhiều
người đi cung cũng được điều tra viên đưa cho tờ giấy trắng, gạ ký.
Chẳng mấy ai đủ gan từ chối. Phần vì sợ, phần vì nhẹ dạ. Ký khống,
coi như đã giúp kẻ tống giam mình quyết định số phận và sinh mạng mình.
Nhiều bản án tử hình được tuyên dễ dàng từ những bản ký khống mà ra.
Thế mới biết, trên đời to nhất, ghê gớm nhất là công an. Chứ không
phải ông Trời. Dứt khoát là thế. Ông Trời không đoạt mạng ai. Công an
đoạt mạng người dễ như ngồi bàn nhậu.
Gần Tết! Kể cũng lạ.
Dù đã bị nhuốm mầu tù tội nhưng không khí rạo rực của những ngày giáp
Tết — dù yếu ớt — vẫn len lỏi, vẫn cố chen chân vào chốn ngục tù. Lũ
chúng tôi bỗng thấy mình cần yêu quý bạn tù hơn, hoặc ít ra là bớt ghét.
Trước mắt là thế, cho cái Tết được vui. Rồi ra Giêng, ngày thường
lại ghét nhau cũng được.
Tết, người nhà sẽ
gửi nhiều quà hơn. Bánh chưng, thịt, giò, trứng, thêm gói kẹo đãi nhau.
Đời tù thế là xôm.
Luân, và những người
không gia đình như Luân đã quen với việc không có người thăm nom. Nên
không còn trông ngóng. Không có cơ hội ngóng quà cho mình thì ngóng giúp bạn
tù. Tôi không nhớ túi quà của tôi có những thứ gì. Nhưng Luân thì nhớ
lắm. Từ ngày ăn chung, tôi không phải sắp đồ ăn lần nào. Luân làm hết.
Sáng 29 Tết.
- Nguyễn Thị Luân nhận
quà!
Chẳng ai tin vào tai
mình. Cánh tù sững lại mất mấy giây, hết nhìn buồng trưởng, lại nhìn
sang Luân. Buồng trưởng dường như cũng đang còn ngạc nhiên. Mặc dù tờ
phiếu lưu ký ghi rõ tên Luân và chị ta vừa đọc nguyên văn cái tên viết
trong đó.
Luân lóng ngóng bê chiếc
chậu nhựa ra nhận quà. Quà của ông bố chồng gửi. Còn gửi kèm hai trăm
ngàn đồng trong sổ lưu ký nữa. Luân lại khóc. Nó tủi thân, cảm động, và
thương bố. Ông bố chồng, ngoài sáu mươi tuổi nuôi hai cháu nội cho vợ
chồng Luân ở tù. Hôm nay từ Bắc Giang lặn lội hơn một trăm cấy số đi
gửi quà cho con dâu, sau mấy chục tháng Luân bị bắt.
Túi quà đột ngột của
bố chồng, làm Luân mất toi xuất bánh chưng Tết của trại. Theo quy
định, mỗi tù nhân không gia đình được một chiếc bánh chưng ngày tết.
Đấy là “chính sách nhân đạo của đảng và nhà nước.” Cho đỡ tủi. Cai tù
giải thích thế.
Một túi quà và hai trăm
ngàn đồng bỗng chốc biến Luân thành kẻ có gia đình sau hàng chục tháng
bị bỏ bê, quên lãng. Xuất bánh trại bị thu hồi.
Sau ngày Luân bị đi “ép
cung”, chẳng ai biết tin gì về Luân. Thi thoảng, lũ tù chúng tôi vẫn
nhắc. Và ái ngại cho Luân. Ra tù được hơn một tháng, tôi vô tình gặp
lại chị bạn cùng buồng giam thuở ấy. Chị bảo, Luân bị tử hình rồi.
Hồi năm 2011. Tôi chết điếng người.
- Mấy tháng sau khi bị
chuyển trại, nó được đưa về buồng cũ. Ra tòa xong, nó sang chỗ chị ở
buồng Q1 (5) Bị cùm suốt mấy tháng. Rồi lại chuyển đi. Mụ Minh nói
cho bọn chị biết tin Luân bị bắn mấy ngày sau đó.
Môi tôi cứ bập vào nhau,
nói không thành tiếng:
- Sao tử hình được?
Sao bảo chồng nó nhận hết tội rồi mà? Chồng nó chủ mưu, chứ Luân có
biết gì đâu.
- Chả biết bọn điều
tra viên hứa hẹn thế nào. Nó vẫn tiếp tục ký khống. Nghĩ rằng cứ làm
theo bọn điều tra viên sẽ được về sớm nuôi con. Thằng chồng chịu án
hai mươi năm. Đẩy án tử cho vợ.
Người bạn tù kể, giọng ngậm
ngùi.
- Chị ơi! Chị có chắc
Luân bị tử hình rồi không? Tôi hỏi lại, vì không muốn tin những gì vừa
nghe.
- Chắc chắn đấy em ạ.
Mụ Minh (6) kể mà. Bả còn mua hương hoa để bọn chị cúng cho Luân. Bả
ác, nhưng cũng có vẻ thương cái Luân.
Tôi không thể hỏi thêm được
câu nào nữa. Mắt tôi nhòa đi, những kỷ niệm về Luân lại hiện về, lởn vởn trong óc
tôi.
Ôi Luân, người tù ngây
thơ, trong sáng nhất mà tôi từng gặp. Đứa em tù khốn khổ của tôi.
Ở xa, nhớ về phù hộ cho
hai đứa con, em nhé.
Chú thích:
(1):
Nhà mét: Nhà vệ sinh.
(2):
Ngoan đạo: Hồi đi tù, tôi chưa hiểu chút gì về đạo Công giáo, chỉ hiểu rằng đạo
ấy rất tốt đẹp. Sau khi ra tù, tôi đi học giáo lý và trở thành người Công giáo.
(3):
Se sân (hay xe sân): Mỗi khu buồng giam có một khoảnh sân lát nền đá hoa là nơi
tù ngồi ăn cơm, làm vệ sinh buổi sáng…, nghe đọc nội quy. Tôi không biết từ “se”
hay “xe” là chính xác. Sau khi dội nước cho ướt sân, người tù (Luân) dùng rẻ
lau (quần áo cũ) đẩy nước dọc chiều dài khoảnh sân tới cống thoát nước. Rồi lấy
rẻ lau cho khô và sạch.
(4)
Sàn trung tâm: Mỗi buồng giam có hai sàn. Sàn trung tâm và sàn đối diện.
Dưới mỗi sàn gọi là “gầm mà”. Sàn trung tâm dành cho tù được cai tù ưu
tiên vì gia đình bên ngoài đã đút lót, thiết lập quan hệ. Sàn đối diện có
giá rẻ hơn. Những tù còn lại sẽ nằm dưới “gầm mà.”
(5)
Buồng Q1: Ở Trần Phú có hai buồng chung dành cho tù nữ. Buồng Q1 và Q2:
Buồng Q2 dành cho người chưa có án, đang trong thời gian bị điều tra.
Buồng Q1 dành cho người đã thành án sau khi ra tòa.
(6)
Minh: Tên người cai tù.
No comments:
Post a Comment