Pages

Saturday, March 30, 2024

'BỐ LAI"

 

                                          Minh họa: (Al)

Tháng Ba năm 2010, khi tôi chuyển từ nhà tù Trần Phú (Hải Phòng) đến Trại 5- Thanh Hóa, thì « bố » Lai đã ở đấy ngót nghét mười năm. Tôi không nhớ bố Lai bị kết án bao nhiêu năm tù, chỉ biết bố bị bắt vì tội buôn ma túy. Vẻ ngoài khệnh khạng, thái độ bất cần đời khiến bố Lai được gọi là « bố ». Trong này, tù nhân nữ thường gán cho nhau đủ thứ danh xưng của cánh đàn ông như « anh », « ông », « cậu », « bố », vừa ngồ ngộ, vừa vui.

 

Bố Lai có một màn ra mắt với tôi quả là rất ấn tượng. Buổi chiều nọ, khi tôi đang sắp xếp túi nội vụ thì một bà già khoảng ngoài sáu mươi tuổi, mặc bộ bà ba màu đen, đầu đội những hai chiếc mũ phớt màu cháo lòng, khệnh khạng bước vào, cất tiếng hỏi:

 

-Đâu, đồng hương của tao đâu?

 

Mấy người tù chỉ vào tôi, hất hàm ra hiệu:

 

-Đấy, đồng hương của bố đấy, vào mà nhận.

 

Một chị ngồi cạnh ghé tai tôi thì thầm, giới thiệu lý lịch của người vừa xuất hiện:

 

-Bố Lai “điên”, người Hải Phòng. “Nghiệp chướng” ở đây đấy.

 

Tôi không biết vì sao bố Lai bị gọi là “nghiệp chướng”,  nghe thật nặng nề. Về sau tôi mới hiểu, người ta liệt những thành phần ngang tàng, hay vi phạm nội quy trại giam, không còn cơ hội giảm án như bố Lai là “nghiệp chướng”. Bố Lai chẳng còn lý do gì để giữ gìn, phấn đấu, nên thành “nghiệp chướng” trong tù.

 

Tôi nhìn người phụ nữ cao tuổi được gọi là “bố Lai”, gật đầu chào lấy lệ. Bố Lai lấy

 

một điếu thuốc lá từ trong túi áo bà ba ra, châm lửa hút.

 

-Người bé con con thế này mà bảo là chống nhà nước à? Chống chống cái “đ**” gì mới được. Thế nhà mày ở khúc nào hả con?

 

-Nhà cháu ở…

 

Tôi chưa nói hết câu, bố Lai đã ngắt lời:

 

-Mày cứ gọi bố là bố, nhá. Bố ở Thuỷ Nguyên đấy. Xã nào thì bố quên mẹ nó rồi.

 

Ở tù lâu quá, giờ cho về khéo quên mẹ nó đường. Thế mày tên là gì hả con? Án

 

mấy năm?

 

-Con là Nghiên, nhà ở Phương Lưu. Án con bốn năm ạ.

 

-Ối dời, có bốn năm thôi à? Như một giấc ngủ trưa. Bố bĩu môi, cười khẩy.

 

-Nếu biết chống nhà nước chỉ bị có bốn năm tù thì ngày xưa bố cũng đi chống mẹ nó nhà nước có phải oách không. Ờ thế “đ**” nào mày bé như “cái kẹo làm điêu” mà chống được nhà nước nhỉ. Giỏi, con này giỏi!

 

Bố Lai cười khành khạch. Rồi đột nhiên xoay ngược điếu thuốc, đưa nguyên phần đang cháy vào miệng, để phần đầu lọc ra ngoài. Cứ thế vừa phả khói ra đằng mũi, vừa đủng đỉnh bước ra cửa trước sự ngạc nhiên của đứa tù mới đến là tôi.

 

Chuyện của bố Lai cũng thú vị lắm. Người ta kể, hồi mới lên trại, bố Lai luôn miệng kêu oan. Cai tù bảo, đã vào đây hoặc có tội với đảng, hoặc có tội với pháp luật, chứ chẳng đứa tù nào bị oan. Kêu oan chán, bố Lai quay sang chửi rủa. Bố Lai chửi từ bọn buôn ma túy, bọn nghiện hút đến bọn công an, bọn viện kiểm sát, bọn tòa án, tức là tất cả những “bọn” khiến bố Lai phải đi tù. Để không làm ảnh hưởng đến « tư tưởng cải tạo » của các tù nhân khác, cai tù tống bố Lai vào buồng biệt giam. Ở trong ấy một thời gian, bố Lai không còn kêu oan hay chửi rủa gì nữa, thay vào đó là những tiếng la hét, van xin, rồi cười khóc thất thường. Người ta bảo bố Lai đã phát điên. Không biết thật giả thế nào, nhưng vào một ngày trời đẹp, bố Lai được phóng thích khỏi cái buồng biệt giam vừa tối tăm, vừa chật chội. Để lôi được bố ra khỏi cái địa ngục trần gian kia, rồi « chạy » một xuất trong Nhà ốm, lũ con của bố Lai ở nhà mất không ít tiền. Vào đội Nhà ốm rồi, hàng tháng, hàng năm cũng phải « bảo trì », nghĩa là đút tiền cho cán bộ để giữ chân nếu không muốn bị « khật » (1) đi đội khác. Từ khi chuyển về đội Nhà ốm, bố Lai bắt đầu nghề cho vay lãi. Cái mác vừa “điên”, vừa “nghiệp chướng” khiến bố Lai trở thành kẻ không đứa nào dám dây dưa, không con tù nào dám quỵt tiền.

 

Giáp Tết, lại sục (2) buồng. Chả biết đứa tù nào báo bổ mà hôm nay buồng “bố” Lai bị sục. “Bố” Lai bị tịch thu đâu khoảng vài ba triệu gì đấy giấu trong sấp quần áo để ở túi nội vụ. Chắc bố nghĩ, thành phần “nghiệp chướng” như bố thì cán bộ không thèm chấp và tù không dám dây. Nên cứ khởi khơi giấu tiền ở đấy.

 

Bố Lai tiếc tiền đến mức không nuốt nổi cơm. Bố lẽo đẽo đi theo cán bộ để năn nỉ, xin trả lại tiền nhưng không được. Giáp Tết, cai tù bận, tù cũng bận.

 

Sắp đến giờ điểm buồng. Tôi đang nằm đọc sách thì nghe tiếng ồn ào ngoài cổng khu.

 

-Phạm Thanh Nghiên ơi, ra giải quyết vụ này cái.

 

Tôi đặt quyển sách xuống chiếu, vừa chạy ra vừa lẩm bẩm: “Khiếp, gì mà lôi cả họ cả tên người ta ra mà réo thế không biết”.

 

Một đám người xúm xít lại với nhau ngoài cổng khu. Kẻ nói, người cười, tiếng gắt gỏng, tiếng chửi thề lẫn vào nhau tạo nên một thứ âm thanh mà ngoài nhà tù ra, chẳng đâu có được.

 

-Đây rồi, con cưng của bố Lai ra nịnh bố xuống đi kìa. Chứ bọn này thì chịu.

 

Bố Lai đứng sừng sững trên bờ tường, miệng ngậm liền lúc hai điếu thuốc. Chả biết bố gom ở đâu được những ba, bốn  cái mũ rồi chồng cả lên đầu. Cái nào cái nấy đều bẩn thỉu, cũ kỹ. Bọn tù bảo, bố đứng trên ấy được một lúc rồi, cứ dọa nhảy xuống cho què chân, nịnh thế nào cũng không xuống. Sắp đến giờ điểm buồng, cán bộ mà vào là rách việc. Đã thế, bố không chịu đứng một chỗ, cứ đi đi lại lại trên bờ tường như biểu diễn xiếc cho lũ tù xem. Mỗi lần bố bước đi là một lần bọn tù thót tim.

 

Thấy tôi, bố Lai reo lên:

 

-A, con Nghiên đấy à? Mày ra xem bố biểu diễn mà tự hào là đồng hương của bố.

 

-Úi dời, bố Lai thì còn phải nói. Hôm khác sớm sủa, bố nhớ dạy con đi trên tường rồi mình cũng biểu diễn cho bọn tù lác mắt chơi. Còn bây giờ gần điểm buồng rồi, mời bố xuống cho.

 

Vừa mới bố bố con con, vậy mà khi tôi bảo xuống, bố Lai lờ đi ngay, coi như không nghe thấy gì. Bố lại xoay điếu thuốc, cho phần đang cháy vào miệng, thở khói ra đằng mũi.

 

Tôi tiến đến gần, nịnh:

 

-Để con lấy ghế cho bố trèo xuống nhé. Thế bố không thương con như mọi hôm

 

nữa à?

 

-Thế mày có đi gặp cán bộ, đòi tiền lại cho tao không mà đòi tao nghe lời mày?

 

Bố Lai giở mặt, đổi giọng nhanh như chớp. Tôi hơi bất ngờ trước cách xoay trở tình huống rất tinh quái và ráo hoảnh ấy của bố Lai. Tôi không hứa, cũng không từ chối. Cốt làm sao cho bố Lai chịu tụt xuống, chứ bờ tường cao gần hai mét như thế, ngã một cái, không gẫy chân cũng dập mày dập mặt.

 

-Thì bố cứ xuống đi đã, đâu còn có đó. Chắc vài hôm nữa là cán bộ trả bố thôi. Làm gì có cán bộ nào lại bẩn tính, lấy tiền của tù.

Tôi cố tình nói kiểu khích bác, vì biết sẽ có đứa đi mách cai tù. Trả tiền cho bố Lai vừa thể hiện tính nhân đạo khoan hồng của chế độ, vừa chứng minh mình là cán bộ “không bẩn tính”.

 

-Ờ, thế thì được. Tao xuống.

 

Bố Lai vịn cánh cổng sắt tụt xuống. Lũ tù thở phào. Lúc đi ngang qua chỗ tôi, bố Lai nháy mắt, nguýt một cái đầy ẩn ý rồi đủng đỉnh đi về “Nhà ốm. Vừa đi vừa huýt sáo, tay kẹp hai điếu thuốc vẫn đang cháy dở. Tôi hơi gườm gườm, lắc đầu, ra chiều cho bố Lai biết là tôi tin vào cái sự cáo già của bố hơn là cái bệnh thần kinh hay điên loạn mà người ta bán tín bán nghi cho bố.

 

Mấy hôm sau, cai tù trả tiền cho bố thật, nhưng cho vào sổ lưu ký vì quy định của trại là không được tiêu tiền mặt. Người thì nói cán bộ thương bố già cả, bệnh tật, đầu óc không bình thường nên thông cảm, trả lại. Người thì nói cán bộ chỉ dọa tí thôi, không có ý lấy của bố. Một số khác lại đồn đoán, cán bộ “sợ” tôi dựa vào sự việc bố Lai, lại chất vấn, bới móc chuyện này chuyện kia của nhà tù, nên trả quách cho xong.  Tiền mặt không phải cai tù tuồn vào cho tù nhân để trục lợi, thì còn ai vào đây.

Tôi không ảo tưởng rằng cai tù sợ mình, nhưng trong suy nghĩ giản đơn của những người tù, tôi là tù chính trị, tôi không sợ họ nghĩa là họ sợ tôi.

Nhưng bố Lai chỉ thoát được lần ấy thôi. Mồng hai Tết, bố bị bắt quả tang đang dánh bạc cùng với một lũ tù khác. Bố bị kỷ luật, bị tống vào buồng biệt giam. May là bố chạy tiền, nên chỉ bị nhốt có một tuần, rồi ra.

 

Tôi ra tù Tháng Chín năm 2012 nhưng bố Lai vẫn ở lại. Mười hai năm rồi, không biết bố Lai, và nhiều người tù khác nữa, giờ ra sao? Nếu cuộc đời cho họ cơ may làm ăn lương thiện, có lẽ họ sẽ không phải lao vào con đường tội lỗi để rồi đi tù, và trả giá đắt hơn hành vi phạm tội của mình chỉ vì không có tiền chạy án. Những hình ảnh chẳng mấy đẹp đẽ của họ trên mặt báo (nếu có), trong thời điểm bị bắt hay khi đứng trước vành móng ngựa, sẽ góp phần khiến con đường hoàn lương thêm phần trắc trở. Nó hoàn toàn trái ngược với hình ảnh những nữ tiếp viên hàng không trong tà áo dài điệu đà mang hàng trăm tuýp kem đánh răng chứa ma túy về Việt Nam, nhưng được phóng viên ưu ái làm mờ gương mặt lúc ngồi viết bản tường trình, sau đó nghiễm nhiên rời khỏi trụ sở công an với lời tuyên bố vô tội, bất chấp sự lên án của công luận.

Đám tiếp viên hàng không ấy, có kẻ còn ở trong nước, có kẻ đã định cư nước ngoài, tất cả đều đang tận hưởng một cuộc đời may mắn hơn “bố Lai” rất nhiều. Cùng là người, nhưng số phận sao khác nhau đến vậy.

 

Chú thích:

 (1)Khật: Tiếng lóng của tù, chỉ việc bị chuyển đi đội khác.

 (2)Sục buồng: Cai tù kiểm tra buồng giam, khám xét nội vụ, tư trang của người tù để tìm vật cấm như tiền, máy điện thoại, đồ dùng bằng kim loại, kinh Thánh v.v… Tù nhân nào bị phát hiện cất giấu những vật đó sẽ bị trừng phạt.

 (3)Nhà mét: Nhà vệ sinh trong buồng giam.

 Sài Gòn Nhỏ

No comments:

Post a Comment